Xuống núi rồi, từ mặt bắc ngọn núi vòng sang phía nam thì đã bước chân vào biên giới Nepal. Lúc này đang giữa mùa hè, khắp nơi hoa cỏ nở rộ, chim chóc ríu rít, khác một trời một vực so với khung cảnh băng giá trên đỉnh núi.
Những người lữ hành thời cận đại xưng tụng Nepal là Thụy Sĩ của phương đông, phong cảnh u nhã thanh lịch. Trong nước có rất nhiều hồ nước, phóng mắt nhìn ra xa có thể thấy đỉnh núi bọc tuyết cao xuyên mây, thác nước đổ từ trên cao xuống, tung bọt trắng xóa. Tùng bách xanh um soi bóng trong mặt hồ, hoa lá ngào ngạt khoe hương sắc. Quế Hoa Sinh không nhịn được, cảm thán:
- Thật là cảnh tượng mỹ lệ! Không hề thua kém thế ngoại đào viên.
Y lại nhớ tới vương tử Nepal, đang sống yên ổn trong một đất nước hòa bình như vậy lại muốn dấy động can qua, muốn hủy diệt hết cảnh đẹp.
Nepal là quốc gia Phật giáo, phật tổ Thích Ca Mâu Ni đã đản sanh ở vườn Lâm Tì Ni ở Nam Bộ Tháp Lạp thuộc Nepal. Cho nên trên đường luôn có khách hành hương thập phương lũ lượt đến thăm đất phật. Bạch y thiếu nữ từng nói, năm sau quốc gia sẽ mở đại hội Vô Già, đến lúc đó, cao tăng khắp nơi sẽ tề tựu đông đủ tại đây.
Cảnh vật ở Nepal còn một thứ khiến Quế Hoa Sinh thích thú, đó là tháp Phật, bốn bên khảm bốn cặp mắt, nghe Phật tử giải thích, đó là 'tuệ nhãn', tượng trưng cho trí tuệ và từ bi của Phật đà. Lần đầu tiên Quế Hoa Sinh nhìn thấy hình thức trang trí này là khi ở trong thành ma quỷ. Lúc đó y cảm thấy rất quái lạ, nhưng sau khi đến Nepal rồi, nhìn thấy tuệ nhãn khắp nơi, y càng xem càng cảm thấy mị lực từ đôi mắt sáng ấy.
Đi hơn mười ngày, Quế Hoa Sinh đến kinh thành Gia Đức Mãn Đô (Kathmandu - thủ đô của Nepal). Kinh thành nằm giữa thung lũng, bốn phía có núi bao bọc như bức chắn thiên nhiên, đỉnh Hi Mã Lạp Nhã quanh năm tuyết đọng như lầu quỳnh điện ngọc tầng tầng lớp lớp. 'Gia Đức' nghĩa là 'mộc', 'Mãn Đô' có ý là 'miếu', từ ngoài thành bước vào phía trong, khắp nơi là miếu thờ to nhỏ rải rác. Phần lớn miếu thờ dựng từ gỗ. Trong các miếu lớn, rường cột chính thường được chạm trổ tinh tế, kiến trúc hùng vĩ, có mái cong lầu gác, không thua kém kiến trúc Trung Quốc, hơn nữa còn có đặc điểm riêng. Quế Hoa Sinh vừa bước vào đã có hảo cảm với kinh thành tráng lệ này.
Y rảo bước qua mấy con phố, cảm thấy hơi khát, liền bước vào một tửu lâu, kiếm một chỗ bên cạnh cửa sổ, gọi một bình rượu 'Sang Sang', mấy món ăn nhẹ, nửa cân bánh bột. Lúc này đang là chiều, mặt trời chếch xuống phía tây, từ cửa sổ nhìn ra, đối diện cửa thành tây là núi Thụy Dương Bố, trên núi có một tòa tháp bảy tầng, mái tháp dùng thép ghép vào, đỉnh tháp dát vàng, phản chiếu ánh tà dương lấp lánh xán lạn.
Một lát sau, tiểu nhị mang rượu và món ăn lên. Người Nepal hiếu khách có tiếng, tiểu nhị biết Quế Hoa Sinh là viễn khách từ Trung Quốc đến, ân cần bắt chuyện, liên tục hỏi y thức ăn và rượu có vừa miệng hay không. Món ăn Nepal thường nêm một nguyên liệu là 'thông nê', hầu như món nào cũng có. 'Thông nê' là dùng cây hành trồng dưới chân núi Hi Mã Lạp Nhã trộn chung với củ tỏi đỏ tươi, giằm nát như bùn, rồi nắm lại thành từng nắm, trước khi ăn sẽ chiên giòn, sau đó nêm vào thức ăn. Quế Hoa Sinh ăn món ăn có thông nê, cảm thấy hương vị rất đặc biệt, cực kỳ tán thưởng. Tiểu nhị cười nói:
- Khách lạ có người ăn không quen, nếm thử một miếng liền ở lại Nepal lập nghiệp luôn, không chịu đi nữa.
Quế Hoa Sinh cười nói:
- Xem ra ta cũng sắp ở lại đây luôn rồi.
Đang lúc nói chuyện thì có một người khách bước vào. Đó là một lão nhân hơn năm mươi tuổi, trên lưng đeo bao bố màu xanh, quần áo trắng toát. Người này vừa bước vào tửu lâu, các tiểu nhị chạy bàn cùng thực khách đều đứng dậy chùi chào kính cẩn. Quế Hoa Sinh thầm suy đoán thân phận người khách này, chưởng quầy đã chắp tay cung kính:
- Ba Lặc đại y sinh, hôm nay chẩn bệnh thế nào?
Lão giả mỉm cười:
- Hôm nay gặp phải một chứng bệnh lạ làm khó ta. Tay nghề chữa bệnh của ta không tốt, thật không dám kể lại.
Mọi người cười nói ồn ào:
- Lão tiên sinh thật biết nói đùa, làm gì có bệnh nào mà ngài không trị được?
- Trừ phi người đó bị la sát câu hồn. Chà, chỉ sợ dù la sát có câu hồn hắn ta thì lão tiên sinh cũng có bản lĩnh giành lại người từ tay thần chết!
Nghe bọn họ nói chuyện, có vẻ vị tiên sinh Ba Lặc này là thần y của đất nước họ.
Ba Lặc nhìn thấy Quế Hoa Sinh, hơi kinh ngạc, Quế Hoa Sinh chắp tay vái chào lão. Ba Lặc nói:
- Rất lâu rồi mới thấy viễn khách từ Trung Quốc đến đây. Hạnh hội, hạnh hội!
Quế Hoa Sinh rót rượt mời lão, Ba Lặc tính tình phóng khoáng, ngồi xuống cạnh Quế Hoa Sinh, gọi tiểu nhị đưa một đôi đũa, thêm mấy món ăn.
Quế Hoa Sinh lên tiếng trước:
- Lão tiên sinh y thuật cao minh, tiểu sinh bội phục.
Ba Lặc đáp:
- Đừng nghe bọn họ nói bừa, ta chỉ biết qua dược tính một số vị thuốc thôi. Nói đến y thuật thì người Trung Quốc cao minh nhất. Ta chỉ biết một chút lông da bên ngoài, phải bái các ngươi học nghệ.
Quế Hoa Sinh ngạc nhiên:
- Lão tiên sinh từng tới Trung Quốc rồi sao?
Ba Lặc đáp:
- Ta tuy chưa từng tới Trung Quốc, nhưng có biết một chút Hán văn. Ban đầu ta học y, bắt đầu từ 《Bản Thảo Cương Mục》 của danh y Lý Thời Trân. Bây giờ đang nghiềm ngẫm《Kỳ kinh bát mạch khảo》 và 《Tần Hồ mạch học》 của ông ấy. Ta đang định dịch những sách đó sang ngôn ngữ nước ta. Nghe nói gần đây còn có một vị thần y là Phó Thanh Chủ tiên sinh, ông ta đã đến nam bắc Thiên Sơn lẫn Tây Tạng. Ta nghe khách hành hương Tây Tạng nói bọn họ gặp Phó tiên sinh để xem bệnh, họ còn giữ lại phương thuốc, thật là y thuật cao minh vô cùng, đáng tiếc ông ta không để lại ghi chép nào, hoặc có thể có, nhưng chưa ai ở đây nhìn thấy cả.
Quế Hoa Sinh nghe xong, bội phục vô cùng. Nhưng y học không phải là sở trường của y, không thể bàn luận gì với Ba Lặc, chỉ đành mỉm cười nói:
- Nói vậy, tuy hai nước chúng ta cách núi ngăn sông nhưng cũng không khác nhau nhiều lắm.
Ba Lặc nói:
- Không những không khác nhau nhiều mà còn thân thiết mấy đời đấy chứ. Truyền thuyết trong nước của bọn ta liên quan không ít đến người Trung Quốc các ngươi.
Nói rồi chỉ tay ra phía cửa sổ, Ba Lặc cười nói:
- Nghe nói kinh thành của bọn ta cũng do pháp sư Trung Quốc các ngươi đặt nền móng mà nên.
Quế Hoa Sinh nghe xong, cảm thấy thú vị, cười nói:
- Có truyền thuyết như vậy thật sao?
Ba Lặc tay chỉ núi Thụy Dương Bố, miệng nói:
- Ngươi có hiểu ý nghĩa tên Thụy Dương Bố không?
Quế Hoa Sinh không thông hiểu chữ nghĩa Nepal, đành nói:
- Xin lão trượng chỉ bảo.
Ba Lặc đáp:
- Thụy Dương Bố nghĩa là 'Tự tỏa sáng'. Lời đồn rằng ngày xau xưa có một vị Tì Bà Hộ Phật đến đây, nhìn thấy trong hồ có rất nhiều hoa cỏ, chỉ thiếu mỗi hoa sen. Người liền ném một nhánh rễ sen xuống hồ. Từ đó truyền ra một lời tiên tri, rằng hoa sen tỏa hào quang sẽ mọc lên từ đây, hồ nước trở thành đất đai phì nhiêu màu mỡ. Lúc đó nơi này chỉ là một biển nước mênh mông, núi Thụy Dương Bố cũng chìm trong nước, chỉ có mỗi đỉnh núi nhô lên khỏi mặt nước. Nhiều năm sau đó, Tì Bà Hộ Phật quay lại, quả nhiên hoa sen đã nở rộ, núi Thụy Dương Bố tỏa hào quang như một đóa sen khổng lồ. Đúng lúc đó, Văn Thù bồ tát núi Ngũ Đài đi ngang qua đây, phát hiện phía trên hồ có một thềm đá, người nói, 'Nếu nước chảy hết khỏi hồ thì nơi đây sẽ trở thành một mảnh đất màu mỡ'. Nói xong, người liền dùng bảo kiếm cong cong như mảnh trăng non bổ một nhát xuống đỉnh núi phía nam, nắn lại dòng chảy của nước, để mặt đất trồi lên, để dân chúng an cư lạc nghiệp, lập một người tên là Pháp Trì lên làm quốc vương. Quốc vương tân nhiệm mô phỏng hình thức xây dựng của Trung Quốc, xây nên thành Kathmandu. Đến nay, hạp khẩu kia gọi là Hà Đức Ngõa, nghĩa là Kiếm Khách Khẩu. Hồ nước ngoài thủy đạo tên là Ba Mã Đề, ngàn năm nay cung cấp nước tưới tiêu cho đất ruộng màu mỡ trong thung lũng, người Nepal chúng ta coi nó như sông Thánh Mẫu.
(*chú thích của tác giả, trong đoạn này có một số chi tiết liên quan đến lịch sử Nepal, trong thần thoại Nepal viết là "Mạnh Thủ Lễ", chính là "Văn Thù Bồ Tát". Phó hội trưởng hiệp hội phật giáo Trung Quốc, Triệu Sơ, bốn năm trước đến Nepal nói chuyện, có nhắc đến việc này.)
Quế Hoa Sinh nghe xong cố sự Ba Lặc kể, thầm nghĩ, "Thần thoại tuy không xác tín, nhưng có thể thấy được người Nepal tôn sùng Trung Quốc thế nào, đến cả kinh thành bọn họ cũng cho là Bồ Tát từ Trung Quốc đến xây dựng nên. Phong cảnh trong kinh thành này có nhiều điểm rất giống với phong cảnh Trung Quốc."
Y nghĩ một hồi, hảo cảm với thành Kathmandu càng lúc càng tăng.
Hai người càng nói chuyện càng thấy hợp ý, Quế Hoa Sinh nghĩ đến một chuyện, liền hỏi:
- Quốc vương quý quốc có mấy vị công chúa?
Ba Lặc đáp:
- Chỉ có một công chúa.
Quế Hoa Sinh nghĩ thầm, "Hóa ra vương tử Nepal trong thành ma quỷ không phải là thái tử."
Ba Lặc mỉm cười:
- Chắc ngươi đã nghe qua chuyện chiêu thân của công chúa bọn ta?
Quế Hoa Sinh ngẩn ra, thầm nghĩ, "Sao ông ta lại biết ta có võ công?"
Nghĩ rồi cười nói:
- Chuyện này tôi cũng vừa nghĩ tới. Người cầu hôn chắc là rất nhiều phải không?
Ba Lặc đáp:
- Một năm trước, khi mới bắt đầu thì hầu như ngày nào cũng có người đến ứng tuyển, sau đó càng ngày càng ít. Bây giờ nghe nói đã ba tháng không có ai đến nữa rồi.
Quế Hoa Sinh trong lòng hơi động, liền hỏi:
- Vì sao vậy?
Ba Lặc nói:
- Người đến cầu hôn không đánh lại được cả cung nữ của công chúa, làm sao có thể gặp công chúa được chứ? Cho nên những người tới sau càng biết khó mà lui.
Quế Hoa Sinh cả cười:
- Quốc vương không tuyển được con rể, chẳng phải là rất nóng ruột hay sao?
Ba Lặc tiếp lời:
- Đương nhiên. Cho nên...
Bỗng lão im bặt. Quế Hoa Sinh đang ngạc nhiên, chợt cảm thấy không khí xung quanh có vẻ khác thường, ngẩng đầu lên, thấy một võ sĩ lưng giắt đao đang bước đến. Chưởng quầy đon đả chạy tới bắt chuyện, võ sĩ nọ khoát tay:
- Ta không đến uống rượu.
Rồi đi đến bàn của Quế Hoa Sinh, khom mình cúi chào Ba Lặc, cung kính dâng cho lão một chiếc hộp bằng bạc, sau đó lập tức rời đi, tuyệt không nói thêm một câu nào. Quế Hoa Sinh không hiểu gì cả, chỉ thấy bàn tay cầm hộp bạc của Ba Lặc hơi run, dường như có tai họa sắp giáng xuống. Quế Hoa Sinh hỏi khẽ:
- Lão trượng, có việc gì vậy?
Ba Lặc liền đáp:
- Đa tạ tướng công đã quan tâm, không có gì đâu, chỉ là sắc trời không còn sớm nữa, ta cũng nên về thôi.
Quế Hoa Sinh không tin, liền ướm lời:
- Vậy thì khi nào tôi mới có thể gặp lại lão trượng?
Ba Lặc đáp:
- Nếu như có duyên, ba ngày nữa ta sẽ ở đây đợi ngươi.
Quế Hoa Sinh thông minh, Ba Lặc vừa dứt lời đã hiểu lão có tai họa khó lường, cho nên lão cũng không dám chắc ba ngày sau có còn cơ hội gặp lại Quế Hoa Sinh hay không. Trong tửu lâu đông đúc khó thể hỏi rõ, Quế Hoa Sinh liền đáp:
- Vậy thì ba ngày sau tôi ở đây đợi lão trượng.
Đợi cho Ba Lặc đi khuất, y liền trả liền rồi lặng lẽ theo sau Ba Lặc.
Đèn mới thắp rực sáng, đường phố người đi nhộn nhịp, Ba Lặc dường như biết Quế Hoa Sinh đang theo sau lão, nên sau khi đi qua vài con hẻm, đến một ngách vắng phía tây thành, ở đó có một tòa nhà thấp, Ba Lặc bước vào nhà liền đóng sập cửa lại.
Quế Hoa Sinh đứng ngoài đợi một lúc, nhìn quanh bốn bề vắng lặng, liền dùng khinh công nhảy lên nóc nhà, lặng lẽ quan sát, thoáng nghe có tiếng than thở bên dưới. Quế Hoa Sinh ghé mắt quan sát, chỉ thấy Ba Lặc mở hộp bạc, bày những thứ bên trong ra bàn. Có ngọc trai, có phỉ thúy, còn có mấy đĩnh vàng. Y ngạc nhiên, "Võ sĩ kia dâng cho lão không ít lễ vật, không hiểu vì sao lại than thở như vậy?"
Y đợi thêm một chút, thấy Ba Lặc lấy ra một tấm thiếp mời trong hộp, cầm trên tay đến ngơ ngẩn.
Quế Hoa Sinh bước vào, thấp giọng nói:
- Lão trượng, không biết có chuyện gì khiến ông lo lắng như vậy, tôi nguyện phân ưu cùng ông.
Ba Lặc giật mình, định thần lại, nhìn rõ người đến là Quế Hoa Sinh, mới thở dài nói:
- Lão đệ thật chân thành, thật đáng khâm phục. Chỉ là chuyện này, lão đệ không biết thì tốt hơn.
Quế Hoa Sinh đáp:
- Tôi vừa gặp lão trượng thì như đã quen từ lâu. Ông gặp chuyện khó khăn, tôi không thể khoanh tay đứng nhìn.
Ba Lặc nói:
- Ta biết lão đệ võ công tuyệt thế... chà, ngươi không cần ngạc nhiên. Ta tuy không biết võ nghệ, nhưng cũng biết một chút y lý, nhìn mắt ngươi có thần quang, trên tửu lâu đã cố ý chạm vào tay ngươi một lúc, xem thử kinh mạch của ngươi, vừa chạm đã biết là người phi thường rồi.
Quế Hoa Sinh khâm phục vô cùng, nghĩ thầm, "Người ở đây không phải tự dưng tôn ông ta là thần y, quả nhiên y lý thông huyền, thật khó mà tin nổi."
Ba Lặc nói tiếp:
- Tuy lão đệ võ công tuyệt thế nhưng chuyện này không thể dùng võ công giải quyết được. Ta không muốn lão đệ đối địch với Ngự lâm quân của bổn quốc.
Quế Hoa Sinh càng thắc mắc:
- Có chuyện gì vậy? Lão trượng hành y cứu người, sao lại đắc tội với Ngự lâm quân?
Ba Lặc trả lời:
- Ngay cả ta cũng không hiểu đầu đuôi chuyện này, là họa hay phúc khó mà biết được.
Quế Hoa Sinh nói:
- Tiểu sinh muốn tường tận.
Ba Lặc nói:
- Võ sĩ kia gởi cho ta thiệp mời của của Tổng đốc Ngự lâm quân đại nhân. Ông ta hẹn ta canh ba đến dinh gặp mặt. Việc này ta không được cho bất kỳ ai biết.
Quế Hoa Sinh cười to:
- Có thể ông ta bị bệnh nặng, mời lão trượng tới chẩn bệnh.
Ba Lặc lắc đầu:
- Chà, không phải như vậy. Ta đang nghĩ đến lúc xuất cung hôm nay, Tổng đốc đại nhân cũng đang đứng bên ngoài quan sát gì đó.
Quế Hoa Sinh hơi ngạc nhiên:
- Hóa ra hôm nay người vào hoàng cung xem bệnh?
Ba Lặc tiếp tục nói:
- Chuyện này lẽ ra ta sẽ không nói với ai, nhưng lão đệ là hiền tài của thượng quốc, ta vừa gặp mà như đã thân quen từ lâu, để ta kể lại cho ngươi rõ. Như hôm nay ta đã nói khi ở trong tửu lâu, ta gặp một chứng nan y khó khăn nhất từ trước đến nay. Người bệnh chính là quốc vương. Ta chẩn mạch cho người thì hình như đã trúng phải một loại độc mãn tính. Độc tính rất kỳ quái, trước nay chưa từng thấy qua, khiến tinh thần cực kỳ mệt mỏi, không thể nào tập trung suy nghĩ. Nếu không có cách giải độc thì ba tháng sau sẽ độc phát thân vong. Các ngự y khác tuyệt không ai tìm ra nguyên nhân cái chết!
Quế Hoa Sinh kinh hãi:
- Ai to gan như thế? Dám ám toán quốc vương?
Ba Lặc thở dài:
- Đúng vậy, trong cung canh gác nghiêm mật, người ngoài có mọc cánh cũng khó thể vào đó. Nếu ta đoán không lầm, người hạ độc chỉ có thể là người thân cận bên cạnh quốc vương.
Quế Hoa Sinh trầm ngâm một lúc:
- Chẳng lẽ là Tổng đốc Ngự lâm quân?
Ba Lặc đáp:
- Khi mới nhận được cái hộp này, ta cũng nghĩ như vậy, nhưng Tổng đốc Ngự lâm quân tuy luôn theo sát hoàng thượng cũng khó có khả năng hạ độc.
Quế Hoa Sinh hỏi:
- Chuyện đó có gì khó? Chỉ cần có cơ hội thì bỏ độc vào trà hay rượu của quốc vương thôi mà?
Ba Lặc nói:
- Không, đây là độc dược mãn tính, mỗi lần hạ độc, phân lượng cực kỳ ít. Và phải hạ độc ít nhất bảy lần. Tổng đốc Ngự lâm quân nếu không có việc vào cung phụng chỉ thì không làm việc đó, trừ phi ông ta mua chuộc được thiếp thất của quốc vương. Nhưng hạ độc chết quốc vương thì ông ta được lợi gì chứ? Vương vị nhất định phải do hiền tài trong hoàng thất kế thừa.
Quế Hoa Sinh hỏi:
- Quốc vương của lão trượng có được dân chúng yêu kính không?
Ba Lặc thở dài:
- Quốc vương nhân từ yêu dân, người trong nước vô cùng kính yêu ngài.
Qus nói:
- Nếu vậy thì không phải do cừu nhân hạ độc. Lịch sử Trung Quốc cũng có những việc giết vua tương tự, tám chín phần là để tranh đoạt vương vị.
Ba Lặc hỏi ngạc nhiên:
- Công chúa hiền tuệ, cả nước đều biết. Nàng là ái nữ duy nhất của quốc vương, nhất định sẽ không hạ độc giết cha, chà...
Ánh mắt lão đột nhiên lóe lên, hình như đã phát hiện ra gì đó trong lời nói của Quế Hoa Sinh. Quế Hoa Sinh liền hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Sắc mặt Ba Lặc có vẻ hơi khác, lão thoái thác:
- Chúng ta không cần nghi thần nghi quỷ. Bây giờ không còn sớm nữa, ta phải đến gặp Tổng đốc Ngự lâm quân.
Quế Hoa Sinh nói:
- Tổng đốc hẹn gặp đêm hôm khuya khoắt, thật là kỳ lạ.
Ba Lặc lộ vẻ bất an, miệng nói:
- Lão đệ, ta và ngươi mới gặp mà những đã quen từ lâu. Lần này ta đi, nếu ba ngày sau không quay lại thì xem như lành ít dữ nhiều. Ngươi không được nói chuyện này cho người khác, cũng không được tìm ta. Ta cả đời không vợ không con, chuyên tâm nghiên cứu y học, chỉ có y án, bệnh án lưu giữ là quý nhất. Ba ngày nữa nếu ta không về, xin người hãy cầm y án đi. Hay là, ta giao cho ngươi ngay lúc này vậy?
Quế Hoa Sinh đột nhiên nói nhanh:
- Không được, tôi cùng đi với lão trượng.
Ba Lặc bất ngờ:
- Ngươi làm sao vào đó được?
Quế Hoa Sinh đáp:
- Tôi giả làm đồng tử học việc của lão.
Ba Lặc chần chừ rồi đáp:
- Thôi cũng được. Không phải ta sợ chết, chỉ là sau khi ta chết rồi, trong nước không còn ai trị bệnh cho quốc vương.
Nói rồi liền cải trang cho Quế Hoa Sinh, tô đậm miệng và mắt, lấy khăn vải bịt kín đầu, trên lưng mang túi thuốc, nhìn lại quả giống như một dược đồng.
Ba Lặc chuẩn bị xe ngựa, dinh thự Tổng đốc nằm dưới chân núi Thụy Dương Bố, hai người lên xe cùng đi. Trên đường, Quế Hoa Sinh hỏi lão:
- Hôm nay lão vào cung, có ai biết không?
Ba Lặc đáp:
- Có một tiểu bức môn (tăng lữ trong cung) đến gọi ta, dẫn ta vào ngự hoa viên, chính hắn cũng bảo ta đừng nói cho ai biết.
Quế Hoa Sinh lại hỏi tiếp:
- Vì sao ai nấy đều sợ Tổng đốc Ngự lâm quân như vậy?
Ba Lặc cười khổ:
- Quốc vương nhân từ, nhưng hắn lại muốn làm phản. Dinh phủ của hắn là nơi tra khảo tội nhân, là ngục hình riêng của hắn.
Xe ngựa đi khoảng nửa canh giờ thì đến chân núi Thụy Dương Bố, phía ngự lâm quân đã phái người chờ sẵn. Vừa thấy Ba Lặc đến, người kia chỉ vào Quế Hoa Sinh hỏi:
- Đây là ai?
Ba Lặc đáp:
- Nó là dược đồng của ta, đi theo phụ giúp ta một chút.
Võ sĩ ngăn họ lại, bảo đợi một chút, rồi gọi đồng bạn xin chỉ thị, một lát sau truyền lại:
- Đã có người theo thì cứ vào đi thôi.
Võ sĩ dẫn đường cho bọn họ, không lâu sau thì đến trước cửa dinh. Dinh phủ này hình dáng kỳ lạ, nhìn bên ngoài như một pháo đài, tường vây dùng đá ghép lại mà thành, cửa sắt sơn màu đỏ. Quế Hoa Sinh theo bọn họ đi vào, qua sáu bảy lớp cửa sắt. Mỗi lần đi qua một lớp cửa thì cửa tự động đóng lại sau lưng. Không khí bên trong âm trầm, mơ hồ có mùi máu tanh.
Qua hết các cửa là đến phòng khách. Hai hàng võ sĩ đứng nghiêm hai bên, phía trong có một cái bàn tròn, một hán tử râu đỏ mặc cẩm bào đang chờ, sau lưng hắn ta là hai ba võ sĩ xếp hàng ngang. Ba Lặc đánh mắt ra hiệu, Quế Hoa Sinh liền biết đó chính là Tổng đốc Ngự lâm quân. Phía bên kia bàn là một tăng nhân áo hồng. Ba Lặc không biết người này, nhưng Quế Hoa Sinh không lạ gì, chính là phiên tăng từng giao thủ với y trong thành ma quỷ. May Quế Hoa Sinh đã cải trang, phiên tăng kia không nhận ra y.
Tổng đốc Ngự lâm quân vừa thấy Ba Lặc đến, lập tức đứng lên nói:
- Thần y đến rồi, xin chúc mừng.
Rồi chỉ vào Quế Hoa Sinh đứng bên cạnh:
- Tên dược đồng của ngươi cũng biết việc hôm nay ngươi tiến cung chẩn bệnh hay sao?
Ba Lặc đáp:
- Y là trợ thủ duy nhất của ta, chỉ có y mới biết việc đó, người khác hoàn toàn không biết.
Tổng đốc trầm sắc mặt, nhưng lại tươi cười nói:
- Vậy cũng không sao, cứ để cho y hầu hạ ngươi đi.
Tiếng cười của hắn lộ ra sát ý. Hai tên võ sĩ phía sau tiến lên cản Quế Hoa Sinh lại, không cho đi theo Ba Lặc vào trong.
Tổng đốc Ngự lâm quân chờ Ba Lặc ngồi xuống liền nói lạnh lùng:
- Hôm nay ta cho người mang lễ vật đến cho ngươi, ngươi đã nhận được chưa?
Ba Lặc đáp:
- Ta đang định hỏi Tổng đốc đại nhân, vì sao lại tặng ta nhiều lễ vật như vậy? Vô công bất thụ lộc, phần hậu lễ này ta có mang đến đây trả lại.
Vừa dứt lời liền đặt hộp bạc trên tay xuống. Vẻ mặt Tổng đốc lộ nét không vui, trầm giọng:
- Ngươi không muốn nhận đồ của ta à?
Ba Lặc từ tốn:
- Tiểu nhân đã nói, không làm gì thì làm sao có thể nhận lễ của ngươi khác?
Tổng đốc nhìn Ba Lặc chằm chằm:
- Chỉ cần ngươi nghe ta nói chuyện này thì đã là công lao rất lớn rồi.
Ba Lặc đáp:
- Xin đại nhân phân phó.
Hắn nhìn Ba Lặc không chớp mắt:
- Hôm nay ngươi vào cung xem bệnh cho quốc vương, có biết được là bệnh gì không?
Ba Lặc ấp úng:
- Chuyện này, chuyện này thì...
Tổng đốc lớn giọng:
- Nơi này đều là tâm phúc của ta, cứ nói đi, đừng ngại!
Ba Lặc nói:
- Chuyện này... ta... ta còn chưa...
Tổng đốc cười lạnh:
- Hừ! Ngươi còn chưa nhìn ra sao? Thật uổng cho danh xưng thần y của ngươi.
Mấy chục năm qua, Ba Lặc vốn được người dân trong nước xưng tụng là thần y, lão cực kỳ coi trọng thanh danh, lúc này ứng tiếng Tổng đốc, mới đáp rằng:
- Ta còn chưa nghĩ ra cách chữa bệnh.
Tổng đốc hỏi gấp:
- Như vậy là ngươi đã biết nguyên nhân sinh bệnh phải không? Quốc vương bị bệnh gì?
Ba Lặc nói:
- Đó vốn không phải là bệnh.
Tổng đốc lạnh lùng hỏi:
- Thế là thế nào?
Ba Lặc trả lời:
- Quốc vương có lẽ đã trúng độc.
Tổng đốc khẽ mỉm cười:
- Ngươi chịu nói thật, rất tốt. Hiện giờ ta cần ngươi làm một việc.
Ba Lặc đáp:
- Không biết tiểu nhân có làm được hay không.
Tổng đốc cười:
- Chuyện này cực kì đơn giản, ngày mai ngươi vào cung dâng đơn thuốc, nói là bệnh đau đầu bình thường. Nếu người trong cung bảo ngươi viết bệnh án, hãy viết quốc vương mắc chứng đau đầu, không phải là bệnh.
Quế Hoa Sinh vừa nghe đã hiểu, thầm nghĩ, "Tên Tổng đốc này nếu không phải là thủ phạm hạ độc thì là kẻ đồng mưu. Ba Lặc là đệ nhất đại phu ở đây, nếu lão đã chứng thực thì sau này quốc vương chết đi, tất không ai dám hoài nghi nguyên nhân cái chết. "
Ba Lặc ngẩng đầu, chăm chú nhìn Tổng đốc một lát, từ tốn nói:
- Đại nhân ban nãy khen ta nói thật, đúng thật là như vậy, ta không thể nói dối con dân cả nước được.
Tổng đốc ngẩn người:
- Ngươi không muốn làm? Hừ, hãy suy nghĩ cho kỹ, nếu ngươi làm xong, kim ngân châu báu cả nước này ngươi mặc sức lựa chọn. Còn nếu không thì... Hừ!
Ba Lặc đáp:
- Ta chỉ muốn bảo toàn thanh danh quốc thủ thần y, những vàng bạc kia chết đi không mang theo được.
Quế Hoa Sinh thầm hít sâu một hơi, sắc mặc Tổng đốc Ngự lâm quân u ám, dường như đang cố kìm nén cơn giận. Hồng y phiên tăng ngồi kế bên cười nhạt:
- Quốc vương đau mà ngươi không chữa được, còn nói gì là thần y quốc thủ? Hiện giờ chỉ cần viết là đau đầu thôi, còn do dự cái gì?
Lời nói này chạm đến tự trọng của Ba Lặc, chợt nghe Quế Hoa Sinh cười ha hả.
Hai tên võ sĩ đang kèm chặt Quế Hoa Sinh kinh hãi quát lên:
- Ngươi định làm gì?
Chỉ nghe ầm ầm mấy tiếng, Quế Hoa Sinh trở tay đánh ra một chưởng, hất văng võ sĩ bên trái xuống thềm đá. Võ sĩ bên phải nhanh tay rút loan đao chém, Quế Hoa Sinh nhấc chân, đứng thế Kim kê Độc Lập, võ sĩ kia chém hụt, thân hình mất thăng bằng nghiêng đi, mũi chân Quế Hoa Sinh đã đá bay loan đao trong tay hắn.
Hai tên võ sĩ hô lớn báo động, chỉ thấy Quế Hoa Sinh cười ha lớn, thân hình như mũi tên vút qua trước mặt, dừng lại trước bàn tròn, dõng dạc nói:
- Ta có lời muốn nói!