Chương 1: Chuyện xưa
Dịch thuật: Aficio
... Lầu cao chuông trống báo canh ba.
Tiếng chuông, tiếng trống vang lên, dường như thiên hạ bình yên lại.
Ít ra trong thành Biện Lương là vậy. Đương giờ giới nghiêm, sau hồi chuông trống, cấm người đi lại. Cổng phường Vĩnh Hòa đã đóng, bên trong tối om, tĩnh mịch. Trong phường còn một ô cửa sổ vẫn thấy ánh đèn, ngọn đèn dường như bọc trong vải đen, phát ra ánh sáng lờ mờ khó thấy.
Quán trọ đơn sơ. Tờ giấy hoa tiên tinh xảo nằm trên chiếc bàn gỗ xù xì. Một nữ nhân đang ngồi viết. Nét thanh nét đậm xuyên qua từng đường vân giấy, trông không giống viết chữ, mà tựa thêu thùa.
Thêu hay viết cũng đều là tâm sự riêng nàng.
Ngoài kia, thế sự vẫn trong cơn loạn lạc. Năm Khai Bảo thứ tư, nhà Tống vừa thành lập chưa lâu đang muốn tấn công Nam Hán. Trống trận phương nam gióng liên hồi, nhưng trong đô thành cứ trùng tu cung điện, xây mới công trình. Thực ra, không ai có thể dự đoán kết quả của cuộc chiến, mà sao mỗi người đều cho rằng mình thọ mãi với đất trời...
Xưa kia rách rưới co ro
Áo bào nay mặc lại cho quá dài (3)
... Một chút đắc ý nhất thời, lại xem như thiên thu vạn đại.
Nhưng điều này không liên quan gì tới nàng. Nàng đang hồi tưởng nỗi lòng còn vương vấn:
... Dẫn à, thực ra trong quán trọ đêm hôm đó, người cứu chàng là ta. Tiếc thay, chàng cứ hôn mê suốt. Bàn gỗ xù xì bên cửa sổ, lửa đèn như hạt đậu lắt lay. Ánh sáng như hạt đậu ấy chiếu lên tấm ván giường bẩn thỉu, lên chiếc quần xanh màu đậu của chàng, lên từng giọt mồ hôi lấm chấm như đậu đang lăn trên trán chàng, lên thân trên để trần, cơ thịt trên bụng săn đanh lại. Chàng đâu hay ta châm cứu cho chàng, mồ hôi cũng ứa từng giọt đậu...
Nữ nhân viết tới đây thì đột nhiên dừng bút.
Nói điều này ra liệu có ai tin? Khi đó, chàng vẫn chỉ là một anh lính trơn, thuộc đâu đó giữa tám trăm quân châu, mà khi mới quen, thậm chí còn chưa được làm lính trơn. Nhưng giờ đây, chàng là bậc thiên tử ngồi trong cung cấm. Ngôi cửu ngũ đem so với trước, đâu chỉ là cách biệt giữa trời với người. Song nói thế nào thì nói, chàng xem như đã giữ được bình yên cho một cõi rồi thì phải? Truyền thuyết: Một thanh côn oai trấn tám trăm quân châu, vì nghĩa đưa Kinh Nương vượt nghìn dặm đường - cũng đã bắt đầu được những cái miệng chuyên ngợi ca mỗi sáng (4) truyền tụng khắp.
Còn bản thân mình là ai? Trong miệng lưỡi thế nhân, chẳng qua là kẻ bị chỉ trích nặng nề về đạo đức và đã chết đi một cách hoàn mỹ mà thôi: Kinh Nương.
Nhưng nàng vẫn vui vẻ nghe khúc "Triệu Khuông Dẫn thiên lý tống Kinh Nương" đẹp đẽ ấy. Lời họ hát dường như đều là sự thật, nhưng thực ra... hoàn toàn không phải.
Nàng nghe thấy họ hát thế này: Hát rằng quan Điện tiền đô kiểm điểm (5) ngày xưa - thiên tử trên ngôi cửu ngũ hôm nay - vốn cũng giống chúng ta, chẳng qua là một ngọn cỏ giữa thời loạn. Nhưng người có nghĩa khí, năm đó, trong khi bôn ba mãi võ kiếm sống ở hai châu Chân Định, đã cứu được cô gái lưu vong yếu đuối Kinh Nương. Sau đó, người đưa cô gái yếu đuối ấy vượt nghìn dặm đường trở về quê quán Phượng Tường. Chặng đường đầy những gian nan khổ cực, song Triệu Khuông Dẫn vẫn lấy lễ đối đãi với Kinh Nương, trước sau như một.
Lại còn có đoạn này là đẹp đẽ nhất:
Nghìn dặm đưa đường, nghĩa tựa mây
Kinh Nương ưa thích, muốn tỏ bày
Mặt trời khuất núi, trăng vằng vặc
Giả bệnh gọi chàng: hãy vào đây...
Hát về sự chuyển biến tâm lý của Kinh Nương... trên đường, nàng đã phải lòng chàng trai dân dã, bèn giữa đêm khuya giả bệnh, ra bộ mình bị sốt rét; khi nóng, khi lạnh, khiến cho Triệu Khuông Dẫn kiên cường rắn rỏi phải luống cuống tay chân; lúc nóng, Triệu Khuông Dẫn phải cởi đồ cho nàng chỉ còn lại mỗi chiếc yếm; lúc lạnh tới mức cả người run lẩy bẩy, lại phải mặc quần áo chỉnh tề cho nàng. Một đêm cởi ra mặc vào không biết bao lần, nhưng tâm lý như sắt đá, hoa rơi hữu ý mà nước chảy vô tình. Khi ấy, Triệu Khuông Dẫn vẫn khống chế được bản thân, luôn lấy lễ để đối đãi.
Tới khi đưa Kinh Nương trở về quê, nàng không còn biện pháp nào, đành nhờ cha mẹ nói với Triệu Khuông Dẫn nguyện vọng đem thân báo đáp, nhưng Triệu Khuông Dẫn lại nói: "Việc đưa tiễn nghìn dặm đường chỉ vì nghĩa khí, nếu nói chuyện lấy thân báo đáp, là đã coi thường tại hạ rồi." Nói xong liền sải bước đi luôn.
... Lúc người đi ra khỏi cửa, Kinh Nương đã thắt cổ tự vẫn trong nhà mình.
Chuyện dường như đều đúng hết, lại hoàn toàn sai.
Điểm không đúng là: Nàng không chết. Còn khi đó, việc nàng được cứu, là do nàng muốn được y cứu.
... Khi đó, ở châu Chân, trong gian nhà ngói, y xuất thủ trượng nghĩa, nàng bèn tình nguyện không tự cứu nữa, chỉ đợi y cứu. Nàng là một nữ tử phiêu bạt tha hương, lúc châu này lúc phủ khác, cuộc sống thật lạnh lẽo. Cảm giác có người cứu thực sự dịu ngọt... Chẳng qua điều này nào có ai hay.
Nàng hối hận chính ở điểm này! Nếu không bởi sợ phải gánh tiếng xấu "Giúp người để được báo đáp", y và nàng...
Kinh Nương nghĩ tới đây, mặt không khỏi ửng hồng.
Chỉ vì y cứu nàng một lần, mà sau này, nàng phải cứu y tới không dưới mười lần. Nhưng nàng vẫn không cách nào đối mặt trực tiếp với y. Nàng chỉ đành ẩn mình chỗ tối, thầm bảo vệ y. Thực sự nói về võ nghệ đả đấu, thứ công phu dân dã của y đem so với nàng thì thật quá thiếu tôn trọng.
Cùng với địa vị của y ngày một tăng cao, từ anh lính thăng cấp lên chỉ huy, thẳng tới Điện tiền đô kiểm điểm, rồi thiên tử chí cao vô thượng, nàng hiểu đã vô vọng rồi.
Đây là thời loạn, mà trong thời loạn, bất kỳ một đoạn nào, đều không có chỗ cho mối si tình nhi nữ của nàng.
Chú thích:
3. Nguyên văn: "Tạc liên phá áo hàn, kim hiềm tử mãng trường", trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Ở hồi một, nhân vật Chân Sĩ Ẩn làm một bài thơ gọi là Chú Hảo liễu ca (Chú giải bài thơ Hảo liễu ca), hai câu trên nằm ở gần cuối bài.
4. Một dạng mõ chuyên ca ngợi công đức của nhà vua.
5. Điện tiền đô kiểm điểm: chức quan của Triệu Khuông Dẫn trước khi đảo chính (binh biến Trần Kiều) lên ngôi vua. Đây là chức chỉ huy toàn bộ cấm quân.