Mặt trời vẫn chưa lặng, nhưng phố xá đã thưa người. Lệnh giới nghiêm từ trong phủ Bình Chương vừa ban ra.
Thần Chiến Tranh và thần Chết hình như lảng vảng đâu đây, khiến cho lòng người nơm nớp ...
Thế mà, trong bầu không khí nặng nề sợ hãi, một tiếng rao hàng trong trẻo bỗng cất lên:
– Ai mua mật ra mua! ....
Tiếng rao từ phía cửa Nam đưa dần lại. Nhưng người thóc mách, nhòm qua khe cửa, đều lấy làm lạ khi họ thấy một cô gái ăn vận quê mùa nhưng gương mặt rất xinh tươi, vai gánh đôi thúng đầy những mận sắc vàng ngá, tím thẫm.
Cô hàng bước nhanh và đều, vừa rao vừa ngẩn ngơ nhìn hai bên dãy phố ...
Đến trước cửa hàng cơm nhỏ kia, ngoài có treo hai chiếc đèn giấy tua đỏ làm hiệu, cô ta dừng chân cất tiếng rao thực to:
– Mận quý ai mua không? ...
Tấm phên tre ngập ngừng hé mở. Một cái đầu trọc thò ra rồi con mắt độc long trên khuôn mặt vuông chữ điều nheo lại nhìn cô hàng.
Một phút yên lặng, hai bên như dò xét nhau.
– Mận bán thế nào?
Cô ả tươi cười:
– Thì ông hãy xem mới biết chứ mận này tiến được ...
– Cô đem vào đây.
Nhanh nhẩu, cô hàng gánh mận vào gần cửa.
Chủ quán giương mắt nhìn, giơ một tay lên xoa đầu, miệng cười tủm tỉm. Cô hàng cũng nhoẻn miệng cười, vấn lại vành khăn nâu.
Nhận được ám hiệu rồi, chủ quán cúi xuống giả vờ chọn quả, miệng khẻ nói:
– Cô ở Hồng Châu lại?
– Phải.
– Có việc gì quan trọng thế?
– Đại Vương vừa được tin rằng cái lưới hồng mà Thủ Độ căng đã lâu thì nay Lý Chiêu Hoàng sắp mắc phải rồi.
– Chính thế. Trong triều đã rục rịch tiếp ý chỉ hạ giá của Lý Nương nương.
Cô gái quê ra vẻ lo ngại:
– Thế thì mật kế của Đại Vương, tôi e chậm mất.
Vừa nói, cô ta vừa rút một phong thư dán kín có đóng dấu son đỏ chói giao cho chủ quán và ghé tai nói nhỏ mấy câu. Hắn ta gật đầu, khẽ đáp:
– Vâng, cô cứ an tâm về bẩm mệnh với Đại Vương rằng: mật kế của người sẽ thi hành một cách khẩn cấp và chu đáo.
Cô hàng đặt gánh lên vai, chào rồi vui vẻ bước ra.
Chủ quán có ý băn khoăn:
– Ấy kia! Trời tối rồi. Không lẽ cô lại về Hồng Châu ngay? ... Cô nghỉ tạm đây, mai đi sớm có lẽ tiện hơn.
– Cảm ơn Ngài. Tôi còn bận việc khác phải đi. Và, ở lại đây, tôi e việc kín sẽ bại lộ.
Dứt lời, cô hàng lại nhí nhảnh bước ra.
– Ai mua mận không nào?
Tiếng đồng trong trẻo mỗi lúc một xa, một loãng vào cái lặng lẽ thê lương bao phủ khắp kinh thành.
Đằng này, chủ quán vội vàng đóng cửa cài văng đoạn cầm đèn quay vào trong buồng. Muốn cẩn thận, hắn ta soi khắp các gầm giường, gầm phản, xó xỉnh trong nhà rồi mới đóng cửa buồng lại, chống hai tay xuống mặt bàn, yên lặng ...
Trong vùng ánh sáng lờ mờ của đọi đèn dầu lạc, vẻ mặt chủ quán lúc ấy nghiêm nghị, trịnh trọng như người đang suy tính một việc gì phi thường. Con mắt độc long nhãn của hắn giơng tròn xoe, lúc nhìn chòng chọc vào một góc buồng tối, lúc đưa đẩy lập lòe như ánh gươm lia.
Hồi lâu, chừng vững lòng vì bốn bề vẫn yên lặng, chủ quán khẽ rút phong thư, nhận đích con dấu rồi xé phong bì, mờ tờ hoa tiên ra xem ...
Hắn nhẩm đi nhẩm lại đến ba bốn lượt, tuy mảnh giấy chỉ có hai dòng chữ lớn. Đọc xong, hắn cẩn thận gấp và chăm bức thư vào ngọn đèn. Chờ cho mảnh giấy và chiếc phong bì cháy hết, chủ quàn vò nát tàn tro, khoanh tay đứng nghĩ ...
Một tiếng động phía ngoài vụt khiến hắn ta lắng tai nghe, lông mày cau lại, mắt quắc lên, rất dữ tợn.
Tiếng động sột soạt như có ai cạo vào phên cửa. Chủ quán vội kéo bấc đèn cho ngọn lửa lụt hẳn xuống, rón rén mở cửa buồng lẻn ra.
Sột soạt ... sột soạt ...
“Quái! Ai đến hỏi gì lúc này? Hay cô hàng mận? Vừa tự hỏi câu ấy, chủ quán thấy hiện ngay trong tưởng tượng một khuôn mặt xinh tươi. Hắn ta mỉm cười, buông tiếng hát:
Cô mình má đỏ hồng hồng.
Xuân xanh bao nả, có chồng hay chưa?
Thấy cô, lòng những ước mơ.
Thắm toan khấn cụ Trăng già se duyên.
– Này thôi! Phó rèn đây, chẳng phải cô nào đâu mà vội khoe tốt giọng. Mở cửa ra!
Chủ quán cười ồ, vừa mở cửa vừa nói:
– À, bác Kiếm Hồn. Đi đâu tối tăm vậy?
– Có mận ngon đem sang làm quà bác đây.
– Thú nhỉ! Mời bác vào.
Một cái bóng đen chui theo chủ quán vào trong buồng. Ngọn đèn lại sáng tỏ.
Một người đàn ông to lớn, mặt láu lỉnh, râu xồm, nhìn chủ quán một cách chế nhạo:
– Anh hay ví von thế, chẳng trách những cô như cô hàng mận hôm nay không dám vào trọ hàng anh là phải!
Chủ quán ngạc nhiên, khẻ nói:
– Kìa, bác cũng gặp cô ta?
– Phải, mà cũng vì thế nên tôi mới đến đây.
– Ồ! ....
– Lý Hổ (tên chủ quán), sao lại “ồ”?
Chủ quán đỏ mặt:
– Tôi “ồ” là vì tôi ngạc nhiên ...
– Ngạc nhiên hay ghen?
– Đùa mãi! Này, nhưng cô ta xinh đấy chứ?
– Xinh hẳn chứ lại!
– Đại Vương chọn cô ta làm người thông tin thì còn ai nghi ngờ gì nữa!
– Cái ấy đã đành.
– Con gái mà gan phạm!
Kiếm Hồn giật mình:
– Xem thế ra bác không biết cô ra là ai?
– Không.
– Bác tưởng là một cô gái tầm thường đấy hẳn? Một vị nữ anh hùng đấy.
– Tên cô ta là gì?
– Lý Hạnh Hoa.
– Trời! .... Thảo nào! .... Thế vừa rồi Lý tiểu thư cũng có lại bác?
Ghé tai Lý Hổ, Kiếm Hồn nói nhỏ mấy câu.
Lý Hổ vui mừng:
– Được cả bác giúp cho thì còn gì hay bằng! Tôi đang lo một mình không làm nổi việc. Thế ta khởi sự ngay chứ?
– Phải đi ngay.
Trong hoàng thành hiện giờ canh phòng cẩn mật lắm. Nhưng, với ai kia chứ với ta thì dù chăng lưới ta cũng vào lọt như không. Ý tôi muốn trước hết vào hẳn cấm cung, thực hành mật kế của Đại Vương. Lúc trở ra, ta rẽ vào phủ Bình Chương và nếu tiện dịp, ngả phăng gian tặc là xong.
– Gớm, bác nói như Thủ Độ là một kẻ đớn hèn giết lúc nào cũng được! Mấy lại, Đại Vương là người anh hùng, chắc không ưa cái lối ám sát của bác đâu.
– Tôi tưởng tiện việc là xong.
– Đã đành thế, nhưng việc này ngoài sự ủy thác của Đại Vương, ta không nên khinh xuất tự chuyên.
– Bác đã nói thế thì thôi. Nào ta đi.
Lý Hổ thắt đoản đao vào lưng, tắt đèn rồi cùng Kiếm Hồn lẻn ra ngoài.
Trời tối như mực, gió thổi ào ào ... Hai cái bóng người chỉ giây phút không trông thấy đâu nữa ...