Đêm hôm ấy, Chiêu Hoàng thức rất khuya. Những lời Huệ Tôn nói về Trần Cảnh khiến nàng đau đớn, tuy về sau Huệ Tôn đã bằng lòng sự thỉnh cầu của nàng.
Chiêu Hoàng tin chắc tấm lòng yêu của Trần Cảnh là thuần túy, thiết tha, không bợn mảy may danh lợi, cũng như ái tình của nàng đối với Trần Cảnh vậy.
Nhưng, Chiêu Hoàng không khỏi ân hận sao Trần Cảnh lại là cháu của Thủ Độ.
Nàng không muốn cho ai, nhất là Huệ Tôn, phụ thân nàng, phải ngờ vực người nàng yêu quý, người mà nàng cho là hoàn toàn.
Chiêu Hoàng nhớ lại vẻ căm hờn của Huệ Tôn lúc thoạt nghe nói đến tên Trần Cảnh và cái giọng ngậm ngùi của Huệ Tôn lúc ưng thuận việc hôn nhân của hai người.
Nàng thở dài, cặp mắt buồng rầu mơ mộng nhìn ngọn sáp lung lay trước ngọn gió khuya lọt kẽ rèm châu. Tiếng lá rụng ngoài song, tiếng trùng kêu âm ỉ như gọi tâm hồn nàng tới những cõi tưởng tượng mịt mù. Nàng ngã lòng, nàng ngờ vực, nàng không chắc ở mai sau nữa:
cuộc đời mai sau sáng tươi rạng rỡ đã bị bóng đen của Trần Thủ Độ che mờ đi. Nàng ngại ngùng thấy mình phải sống bên cạnh một người nham hiểm như thế. Nàng càng sợ hãi vì chính người ấy cầm hạnh phúc và vận mệnh của nàng.
... Trống lầu thong thả điểm ba canh. Cơn dông tố bên ngoài càng mạnh.
Ngọn sáp vàng gần hết, cháy bùng lên rồi chập chờn muốn tắt. Chiêu Hoàng vừa toan truyền thị nữ thay ngọn khác, bỗng thấy cửa son khẽ động rồi một người đàn ông cao lớn, dữ tợn bước sấn vào cửa phòng.
Chiêu Hoàng kinh sợ thất sắc, chưa hiểu chuyện gì thì người lạ đã phủ phục trước long sàng:
– Nương nương vạn xá cho mạt tướng đã hành động tới Thánh cung ...
Chiêu Hoàng hơi vững lòng, phán hỏi:
– Ngươi là ai, đêm khuya vào đây ý định làm gì?
– Tâu Nương nương, tướng quân Đoàn Thượng đang dự bị rước xa giá Thượng hoàng ra Hồng Châu để mưu việc thảo phạt gian tặc Trần Thủ Độ.
Người có ủy cho mạc tướng tâu riêng với Nương nương hãy đình việc hạ giá lại.
Khi việc lớn đã thành công, Thượng hoàng sẽ xét nếu Trần lang quả là bậc chính nhân quân tử thì, lúc ấy, Nương nương thỉnh chiếu hạ giá cũng chưa muộn, Bằng nay hấp tấp, e rồi nhầm chăng! ....
Chiêu Hoàng giận, nghĩ thầm:
“Nhà ngươi chớ nói nhảm, ta khi nào nhầm!”.
Nàng vội ngắt lời viên tướng lạ:
– Thánh Ý đức Thượng hoàng là không muốn gây việc binh đao lưu huyết để tai hại cho muôn dân. Người lại đã ưng cho ta hạ giá cùng Trần lang rồi. Các ngươi, là phận bầy tôi, không nên nghịch mệnh vua.
Viên tướng kinh hãi nhưng cũng tâu:
– Thánh Ý đức Thượng hoàng, cúng tôi vẫn không dám trái; tấm lòng từ bi hỉ xả của đứng Thượng hoàng, chúng tôi rất cảm động mà nghĩa vụ của chúng tôi, chúng tôi vẫn không thể quên:
cái nghĩa vụ ấy là giết gian thần. Cơ nghiệp của đức Thái Tổ không nên để mất về tay gian ác bất lương.
– Ngươi nói cũng có lý, nhưng ta e vẽ hổ không thành để uổng mạng biết bao nhiêu anh hùng trung nghĩa mà thôi. Cái công dã tràng ấy nên thương biết chừng nào!
– Được chết vì vua, vì nước là sự vẻ vang cho con nhà võ tường, thần đẳng há dám tiếc đời! ....
– Vẫn hay rằng các ngươi trung nghĩa đáng khen, nhưng mệnh trời dễ trái được ru? Không phải là ta không biết xót cơ nghiệp Tổ Tôn đâu. Nhưng ta không nỡ trông thấy các người khi thất bại.
Viên tướng chưa kịp đáp, bên ngoài vụt có tiếng xô xát, rồi tiếng người kêu.
Giật mình, viên tướng lạ đứng phắt dậy, nói:
– Kiếm Hồn nguy mất rồi! Xin kính lạy Nương nương, mạt tướng đi đây.
Lý Hổ (vì chính hắn) tuốt gươm vừa toan xông ra cứu bạn thì cửa cung đã mở toang, Thủ Độ dẫn bọn dũng sĩ ùa vào.
Thủ Độ hét:
– Giết cho hết quân phản nghịch đi!
Lý Hổ cũng chẳng vừa, đáp lại:
– Chính mày là phản nghịch còn bảo ai là phản nghịch, thằng kia?
Nói đoạn, chàng múa gươm xông lại. Thủ Độ truyền các bộ tướng bắt sống cho kỳ được Lý Hổ. Chàng không nao lòng, hăng hái cự địch. Thủ hạ của họ Trần bị chém ngã có đến bảy tám người. Cuộc đánh nhau rất hăng hái!
Chỉ vì trong cung cấm không tiện đường tháo lui và sức một người có hạn nên dần dần Lý Hổ bị hãm vào một thế rất nguy.
Chiêu Hoàng đứng nhìn hai bên xô xát, lòng lo sợ cho Lý Hổ không biết chừng nào. Thốt nhiên, nàng tái mặt, choạng vạng suýt ngã. Thì ra, Lý Hổ lúc ấy đã mỏi mệt lắm, biết cơ không toàn được tính mệnh nữa, chàng bèn kêu to lên rằng:
– Xin bái biệt Nương nương từ đây. Kẻ hạ thần lúc sống chưa trừ được giặc, khi chết sẽ xin thu hồn bắt vía gian tà!
Nói đoạn, Lý Hổ quay mũi gươm thích mạnh vào cuống họng. Bọn võ sĩ nhảy lại cướp gươm không kịp.
Chàng ngã vật xuống, máu tươi phun ra đỏ thẩm cả mặt đất.
Thủ Độ tức giận, truyền quân lôi xác Lý Hổ ra ngoài đoạn quay lại nói với Chiêu Hoàng:
– Để Nương nương phải kinh sợ, hạ thần tội thực đáng muôn thác.
Chiêu Hoàng gượng cười – Khanh có tội gì? Chẳng qua tự ý các người ấy tìm đến chỗ chết đó mà thôi.
Nói dứt lời, nàng lui sang cung bên cạnh, tránh cái cảnh tượng thương tâm.
Thủ Độ lẩm bẩm:
– Hai thằng này chắc hẳn là tay sai của Đoàn Thượng. Không biết chúng nó mưu sự gì với nhau? Ấy may mà ta sớm biết, nếu không thì còn đủ mà khó chịu với chúng nó!
Tên nữ nhạc lúc ấy tự ngoài chạy vào. Thủ Độ mừng rỡ hỏi:
– Chúng nó vào tự bao giờ, và sao mày biết?
– Trăm lại Tướng công, lúc ấy con túc trực ở bên phòng Ngự. Không thấy Nương nương truyền dạy việc gì, con ngồi buồn thiu thiu ngủ chợt nghe tiếng cửa cung động mạnh. Thoạt tiên con tưởng gió, vội đứng lên để khép cửa lại thì thoáng trông thấy một người quỳ xuống trước long sàng đang nói gì ... Con lắng tai nghe mới hay Đoàn Thượng sai hắn ta về đón Huệ Tôn và xin Chiêu Hoàng đình việc hạ giá ...
– Chiêu Hoàng bảo sao?
– Nương nương bảo ý Thượng hoàng không muốn sinh sự nên đã cho Nương nương cùng Trần lang ...
Thủ Độ không chờ nghe hết, cau mày, trợn mắt:
– À, ra thế! Huệ Tôn mà còn sống ngày nào lũ chuột còn vin vào hắn để xuẩn động ngày ấy. Ta phải sớm trừ đi mới xong! ....