Nắng chiều chưa tắt hết, hai chàng trẻ tuổi bước vào một ngôi quán nhỏ ẩn hiện sau một khóm trúc như sau một tấm bình phong khổng lồ bằng ngọc thạch.
Người nọ giới thiệu với người kia :
- Đây là quán Trúc, anh bạn thấy thế nào ?
- Đẹp và u nhã lắm. Không phải tay “thổ công” như bạn làm sao biết được chỗ này !
Họ ngồi xuống ghế. Chàng “thổ công” hỏi cô gái nhỏ bưng trà ra mời khách :
- Các cô chủ đâu, sao không thấy cô nào ở đây nhỉ ?
- Thưa, hai cô cháu ra ngay bây giờ đấy ạ. Dạ, hôm nay các cô có món cháo ám [1] ngon đặc biệt.
Khách lạ nâng chén trà thơm lên nhấp và bỗng nhiên cảm thấy mình như chàng Lưu, chàng Nguyễn [2] vừa lạc vào cõi Thiên Thai. Hai dáng tiên nga vừa xuất hiện và tha thướt lại gần, không ai khác hơn là Mai và Lãm.
Gã ngây người ngắm nụ cười nở lặng lẽ trên cặp môi hồng. Rồi tia nhìn ngây dại chết giấc trên mảng yếm trắng tinh nổi bật giữa hai tà áo nâu non và múi thắt lưng màu hoa lý.
- Hai cô ngồi xuống tây chơi. Tên hai cô là gì nhỉ ?
Nàng nhỏ tuổi lẹ miệng trả lời :
- Thưa, em tên Đẹp.
- Ồ, tẹp, tẹp lắm ! Người tẹp, tên cũng tẹp !
Y quay sang cô kia, sắc sảo hơn :
- Còn em ?
- Em tên Băng Tâm.
- Păng Tâm ! Cô em tẹp như một nàng tiên vậy tó !
Hai nàng tiên mỉm cười. Họ đã nhận ra cái giọng lơ lớ đặc biệt của những người tuy nói tiếng ta thật sõi nhưng vẫn chẳng sớm thì muộn để thò ra cái đuôi “khách trú”.
Họ kín đáo liếc nhìn chàng thanh niên ngồi cạnh. Anh này ngồi lui ra đằng sau một chút và trong thoáng giây cả hai nàng cùng bắt gặp chàng ta nheo con mắt bên tay trái.
Đúng rồi ! Cá đã vào nơm.
Chàng trẻ tuổi hỏi nhanh, tay vỗ vai bạn đồng hành :
- Thế nào, hai cô có rượu ngon, nhắm tốt cho quý khách đây thưởng thức không ?
- Thưa, có ngay bây giờ đấy ạ.
Hai nàng vừa lăng xăng rót trà vừa khoe, thỉnh thoảng lại mỉm cười liếc nhìn hai ông khách :
- Hàng chúng em tuy quê mùa nhưng lúc nào cũng có một bao chè ướp sen và vài bình rượu cúc thượng hảo hạng. Còn thức nhắm thì sẵn có đàn gà mái tơ. Hôm nay lại có mẻ cá đầm nhà vừa đánh xong, tươi roi rói.
- Thế thì quý hoá quá !
Chàng trẻ tuổi khen xong, bạn y nhe hàm răng trắng nhởn tiếp lời :
- Gà mái tơ hả ? Ngộ… à quên, tôi thích gà mái tơ lắm.
Y cười híp mắt, sướng mê tơi với những câu thăm hỏi xã giao của hai cô gái :
- Ông chủ chắc đi buôn to lắm, phải không ạ ?
- Phải zồi ! Ti Puôn to lắm ! Puôn chuyến này xong, tôi sẽ giầu to. Zồi tôi sẽ làm quan to nữa à !
- Ồ, thế thì hân hạnh cho chúng em quá. Biết đâu chúng em chẳng có phận nhờ… Chẳng dám nào, chúng em mong được biết quý tính cao danh, phòng sau này có khi nhờ vả.
- Tược, tược. Tên tôi là Tĩnh. Còn ông bạn này là…
Bạn y vội đỡ lời :
- Sơn. Các cô cứ gọi tôi là Sơn.
Đúng là Sơn Nữ. Đúng là chàng. Cắc cớ, Mai nhìn người yêu, mỉm cười hỏi :
- Còn ông chủ đây, cũng đi buôn để rồi làm quan nữa, phải không ạ ?
- Không có đâu, cô Băng Tâm à. Tôi chỉ đi giúp người ta bắt cá thôi. Lùa cá vào nơm cho thật nhiều, rồi bắt đem về cho hai cô hàng quán Trúc làm món nhắm đãi khách. Vậy có được không cô ?
Mọi người cùng cười, mỗi người hiểu câu nói ỡm ờ theo một ý.
Tiệc đã bầy xong, một mâm thịnh soạn.
Hai ngọn đèn khơi cao chiếu xuống chiếc mâm đồng bóng nhoáng đựng những đĩa thức ăn đầy toả vị thơm ngon.
Băng Tâm tự tay so hai đôi đũa son và đặt hai chiếc bát sứ Giang Tây bịt bạc trước mặt hai người khách. Và chính tay nàng nghiêng bình rượu cúc rót đầy hai cái chén sứ men trắng như ngọc, khuyên mời :
- Rước hai ông xơi rượu.
Hương rượu thơm phức. Tĩnh nâng chén lên định uống, nhưng Sơn kín đáo giữ tay y lại.
- Mời hai cô cùng uống với chúng tôi một chén cho vui.
Tĩnh liếc nhìn bạn, thầm phục anh chàng này thế mà cẩn thận.
- Phải rồi. Có hai cô cùng tối ẩm, tiệc rượu này mới thật là một cuộc họp mặt thần tiên chứ.
Hai nàng chỉ nhấp một chút cho ướt cặp môi hồng để hai gã phóng tâm cạn chén.
- Khà ! Rượu ngon thật !
Đêm đã về khuya, tiệc cũng gần tàn. Hai cô con gái đã gắng gượng uống hết một ly trong khi hai gã sắp cạn hết bình.
Sơn nheo mắt ra hiệu cho hai nàng, rồi trân trọng rót cho mỗi người trong tiệc một tuần rượu chót. Chàng giục bạn :
- Thôi, uống nốt đây thôi, sắp say rồi. Còn ăn cơm chứ !
Hai người cùng nâng ly, cùng nốc cạn và cùng buông một tiếng khà sảng khoái.
- Ơ kìa ! Đã say rồi sao ?
Cả hai cùng ngạc nhiên thấy hai cô quán mặt đỏ bừng, gục xuống bàn, say khướt.
Tĩnh mắt bỗng hoa lên thấy Sơn nằm vật xuống giường, bất tỉnh. Y cố trấn tĩnh, nhủ thầm, tự đắc :
- Thì ra mình vẫn là một tay giỏi rượu nhất !... Ơ kìa ! Mình cũng say chăng ? Không gượng được nữa rồi !...
Y lảo đảo, toàn thân mềm nhũn, ngã sóng soài xuống đất.
Như cái máy, Sơn nhỏm dậy cùng một lúc với hai cô gái. Chàng đích thân lục khắp người tên Tĩnh.
- Đây rồi !
Chàng khẽ reo lên, đưa bức mật thư cho Mai mang vào nhà trong trình cụ Cử.
° ° °
Cụ Cử ung dung ngồi thưởng trà khuya với tướng quân Lý Triện.
Cụ đã sao xong bức mật thư. Những chữ viết đài [3] ra ngoài hàng cụ cũng bắt chước y hệt. Nhưng cả hai người cùng tần ngần chưa muốn giao bản chính lại cho Sơn. Là vì có một điểm mà cả hai người cùng không hiểu.
Lý Triện cau mày, lẩm nhẩm đọc đi đọc lại :
“… Mặt này, chúng tôi đã sang đò và đang phục ở một nơi kín đáo. Mặt kia, xin kéo rốc sang ngay. Lúc nào có súng hiệu “ĐỊA LÔI PHỤC” thì hai mặt đổ ra cùng đánh.”
Ông tướng hỏi nhà nho :
- Mấy chữ “Địa lôi phục” viết đài ra đây có dụng ý gì, thưa cụ ?
- Tôi chưa nghĩ ra. Chẳng nhẽ chúng nó chôn địa lôi trên đường cái !
- Địa lôi phục ! Vô lý nhỉ ?
Cô lái bến đò Mai Lĩnh bỗng lên tiếng hỏi :
- Thưa, cháu chưa được nghe tiếng súng khi hai bên giáp trận bao giờ. Lý tướng quân có thể cho cháu biết quân Tầu thường bắn súng ra làm sao không ạ ?
- Được. Chúng cũng như ta hay dùng súng hỏa mai thay cho pháo hiệu. Chúng bắn khi thì hai phát ngắn liền nhau, lúc thì một phát nổ rền rời rạc.
- Thế thì cháu hiểu rồi !
Nàng quay sang phía cụ Cử, chưa kịp trình thầy thì ngay lúc ấy cụ Cử nghĩ ra nhờ cô học trò gợi ý. Cụ khen :
- Con bé này thế mà sáng dạ đấy ! Mới học sơ qua mấy quẻ đã luận được ra ngay !
Rồi cụ vuốt râu, rung đùi, giải thích :
- Lý tướng quân à ! Chúng làm hiệu ngầm với nhau bằng quẻ Dịch !
- Thế à ? Xin cụ nói rõ cho nghe.
- Vâng. Chắc tướng quân đã rõ trong bát quái, có 8 quẻ, mỗi quẻ được vẽ bằng 3 nét hoặc liền hoặc đứt.
“Trong 8 quẻ ấy, có quẻ KHÔN chỉ ĐẤT (Khôn vi Địa) và quẻ CHẤN chỉ SẤM SÉT (Chấn vi Lôi).
“Quẻ KHÔN được biểu tượng bằng 3 nét đứt.
“Quẻ CHẤN được biểu tượng bằng 2 nét đứt ở trên và 1 nét liền ở dưới.
“Nếu đem trồng quẻ KHÔN (Địa) lên trên quẻ CHẤN (Lôi) ta có một trùng quái có tên là quẻ PHỤC. Để cho dễ nhớ, người ta gộp chung thành phần của trùng quái vào tên của nó và gọi quẻ này là quẻ Địa Lôi Phục (Địa + Lôi : Phục).
“Quẻ này gồm 5 nét đứt ở trên và 1 nét liền ở dưới.
“Như vậy, hiệu súng của chúng là 5 chập, mỗi chập 2 phát liền nhau trước rồi đến 1 phát nổ rền sau cùng.
Lý Triện mừng rỡ :
- Thế thì phải rồi. Ta sẽ lấy kế nó làm kế mình… Thôi cậu Sơn ra ngoài quán, để trả bức mật thư vào chỗ cũ cho nó, rồi cứ mặc nguyên quần áo mà đánh một giấc bên cạnh nó cho có bạn.
- Dạ.
Ông tướng cười hà hà dặn vói thêm :
- Nhớ đánh thức y dậy thật sớm mà đi cho được việc nhé.
Trước khi lên ngựa về doanh, họ Lý nắm tay ông bạn già, cảm tạ :
- Cụ có hai người học trò quý như hai viên ngọc. Trận này thành công, một phần nhớn nhờ cậu Sơn và cô Mai đấy, cụ ạ.
__
1. Cháo ám: một thứ cháo cá.
2. Chàng Lưu, chàng Nguyễn lạc vào cõi thiên thai: Một chuyện thần tiên kể rằng ngày xưa có một người họ Lưu, và một người họ Nguyễn đi chơi rồi lạc vào động Thiên Thai, nơi tiên ở.
3. Viết đài ra: viết trệch ra ngoài hàng.