Vương Thông và Trần Hiệp họp bàn riêng trong trướng. Quân canh nghiêm mật ở ngoài, bất cứ thân sơ không ai được bén mảng đến gần.
Hai tay đầu não giặc Minh tuy thân mật ngồi sát bên nhau, nhưng đối chọi với nhau như hai thái cực.
Một tên thì mặt tròn vành vạnh như chiếc mâm bằng thịt nạc, lúc thích chí cười vang, cái miệng loe ra trong khi đôi mắt híp lại chỉ còn hai khe ti hí. Hai chòm râu mép như từ hai lỗ mũi trổ ra, chạy một đường vòng quanh mép thành một cặp lưỡi liềm đen nhánh và sắc lẻm.
Còn một tên thì, trái lại, mặt quắt như hai ngón tay tréo có cặp mắt láo liên và đôi môi mỏng dính lúc nào cũng sẵn sàng nhếch một nụ cười lạnh lẽo. Chiếc cằm nhọn hoắt được bộ râu dê kéo dài thêm làm cho bộ mặt thêm phần nham hiểm.
Cả hai gã đều là những con người đáng sợ. Nếu kẻ này có những nét đặc thù của một tên giặc hung tợn và tàn ác thì kẻ kia tượng trưng cho một mẫu người xảo trá, lọc lừa, thâm độc.
Chúng thủ trong tay, mỗi tên một tẩu thuốc bào dài như cây gậy bằng ngọc nổi vân xanh, hai đầu bịt vàng lấp lánh.
Chúng hút liên miên lấy hứng.
Không khí lo âu đặc quánh như có thể cắt được bằng dao. Họ Vương là người đầu tiên cất giọng ồm ồm làm rạn nứt khối yên lặng bao quanh :
- Lê Lợi khởi binh chống nhà Minh ta từ năm mậu tuất [1]. Tính đến năm giáp thìn [2] được sáu năm, họ thua không biết bao nhiêu trận đến nỗi phải rút về nương náu ở Chí Linh đến ba lần, tưởng không thể nào ngóc đầu lên được. Vậy mà tại sao chỉ trong vòng có hai năm sau này họ vùng lên được, hết đánh Nghệ An đến vây khốn Tây Đô, nay lại còn tiến ra Đông Đô nữa ?
Viên Tham tán họ Trần giải thích, giọng âm thầm ảo não :
- Đó là vì bọn Trần Trí, Phương Chính tính sai. Hoàng Phúc lại càng sai nữa. Họ Hoàng chỉ say mê có mỗi một việc là làm thế nào đồng hoá hết người nước Nam với người Trung Quốc. Y quên bẵng tính cách quật cường, không bao giờ chịu khuất của dân tộc đối phương. Còn họ Trần, họ Phương thì cứ tưởng quân mình là “binh trời” đánh đâu được đấy, bây giờ mới sáng con mắt !
- Ông Tham tán luận như vậy là chí lý. Ta thua vì ta khinh địch. Nhưng đó là việc đã rồi. Bây giờ thanh thế họ Lê quá lẫy lừng, ta phải tính sao ? Tôi lo quá !
- Tướng quân đừng lo. Tôi đã tính đâu vào đấy cả rồi. Chỉ mấy ngày nữa thôi, ta sẽ xoay chuyển hẳn lại được thế cờ.
Họ Vương tươi hẳn nét mặt, nhổm người lên hỏi :
- Ông tính thế nào ? Xin nói thử cho nghe.
- Tướng quân thừa rõ chiến tranh ăn thua là ở trận cuối cùng. Tôi đang lo bầy một trận quyết liệt sau chót đây.
“Hiện giờ tôi còn chờ một tin do thám xem sự thật có đúng như dự liệu của tôi không. Nếu đúng, có thể nói trận này mười phần ta ăn chắc cả mười.
“Thua trận này, công trình ngót mười năm của họ Lê sẽ tan ra như mây khói và không bao giờ hồi lại được.”
- Ông hãy cho tôi biết đại khái mưu cao ấy đi.
Thay vì trả lời, họ Trần hỏi lại viên chủ tướng :
- Tướng quân có biết sách lược của họ Lê bây giờ ra sao không ?
- Có. Nguyễn Trãi mưu lấn dần dần từ Nam ra Bắc như tằm ăn lá.
- Theo tôi, đó là hạ sách. Thật không đáng quan tâm.
- Nhưng Lê Lợi chủ trương cầm chân ta ở Thanh, Nghệ để đem toàn lực ra hạ ta ở Đông Đô.
- Đấy mới là thượng sách. Và đấy mới là mối lo tâm phúc của ta.
Vương Thông trầm ngâm đáp :
- Tôi cũng nghĩ vậy. Quân tế tác chạy về cho hay hiệu cờ của Nguyễn Trãi đang phấp phới ở ngoài thành Tây Đô. Không thấy hiệu cờ của Lê Lợi ở Thanh cũng như ở Nghệ.
- Vâng. Toán thám mã riêng của tôi cũng báo tin y như vậy. Tuy nhiên, thú thật tôi vẫn không khỏi nghi ngờ.
- Nghi ngờ chuyện chi vậy, ông Tham tán ?
Từ tốn, Trần hiệp giải thích :
- Có ba điểm rất đáng ngại ngùng. Điểm thứ nhất, không nhẽ một người tài trí như Nguyễn Trãi lại thấp mưu đến nỗi không nghĩ đến kế uy hiếp Đông Đô. Điểm thứ hai, không nhẽ Lê Lợi là chủ tướng phải đích thân cầm quân đánh vào Đông Đô. Dưới trướng của y thiếu gì tướng giỏi có thể thực hiện được chủ trương của người đầu não. Và sau hết, điểm thứ ba là không nhẽ bọn họ lại quá vô mưu đến nỗi đưa nhau vào chỗ chết mà đóng quân. Khu Tụy Động ba mặt là sông, khác nào một cái rọ. Chỉ cần vây chặt mặt phía bắc, đánh thốc vào, thì chạy đằng nào cho thoát !
Vương Thông cười, biện luận hăng say khác thường :
- Tưởng gì chứ trong ba điểm ấy tôi thấy chả có điểm nào đáng làm cho ta nghi ngại.
“Trước hết, ta bàn điểm thứ nhất. Nguyễn Trãi là một người cẩn trọng muốn hạ được thành nào ăn chắc thành ấy. Đại quân của ta ở cả Nghệ An. Thành này một khi đổ rồi thì cả Tây Đô lẫn Đông Đô đều lung lay. Chủ trương của họ Nguyễn chưa ắt phải là hạ sách.
Dĩ nhiên, chủ trương của họ Lê lợi hại hơn. Nhưng đánh Đông Đô là một chuyện khó khăn. Nếu không có mặt một trong hai người chủ chốt, vị tất những người dưới đã tất lực [3]. Vì thế, hoặc họ Lê hoặc họ Nguyễn, phải có một người nắm quyền điều khiển cánh quân quan trọng này. Tôi thấy Nguyễn Trãi ở lại để Lê Lợi cầm quân đánh Bắc chuyến này chẳng khác chi Lưu Bị ngày xưa hưng binh đi đánh Đông Ngô trong khi Gia Cát Khổng Minh ở lại giữ Thành Đô. Chả có chi là lạ. Đó là điểm thứ hai.
Còn điểm sau rốt. Họ dồn quân ở Tụy Động và có thể tự cho là đắc sách vì không sợ bị đánh vào mặt sau và hai bên sườn. Chỉ cần giữ cho chắc hai cái bến đò Mai Lĩnh và Tích Giang là yên. Khi nào không giữ nổi nữa, cần chạy, họ sẽ chạy tuốt lên mặt Bắc, lẩn trong khu vực Chúc Động và Phượng Hoàng Sơn, rộng gấp mấy bên Tụy Động…
Trần Hiệp vẫn còn áy náy :
- Dù sao tôi vẫn chưa thế nào yên tâm được. Thú thực tôi sợ những sơ hở lộ liễu của giặc. Tôi ngán những nước cờ quá thấp đối với tầm vóc của người cầm quân.
Vương Thông thở ra :
- Nói như ông Tham tán thì đánh chác gì nữa. Nước cờ cao cũng sợ, mà nước cờ thấp cũng sợ luôn ! Vậy đứng dậy, chịu thua đi cho rồi !
- Không phải thế đâu, Vương tướng quân. Tôi sợ đây là sợ cái mưu cao ẩn trong nước đi thấp. Tôi đã thử đặt mình vào địa vị của họ để tính xem họ trông vào những cái gì để đánh thắng mình. Tôi nghĩ đã nát óc mà nghĩ không ra.
- Vâng. Ông Tham tán cẩn thận thế cũng phải. Phần tôi, tôi cho là chẳng có mưu mẹo lừa dối gì đâu. Chủ trương của họ là vậy. Thực lực của họ cũng chỉ có vậy. Tham tán cứ tin ở tôi đi. Đa nghi quá không nên.
Trần Hiệp miễn cưỡng đáp lời :
- Dạ, tôi xin lĩnh ý. Tuy nhiên, xin tướng quân hãy thư cho tôi vài hôm rồi hãy quyết định.
- Nghĩa là…
- Tôi đã cho mấy kẻ chân tay xâm nhập khu Tụy Động dò xét xem có thực Lê Lợi ở đó không ! Và có thực Nguyễn Trãi không có mặt ở đó không.
Họ Vương cười ngạo :
- Tôi xem ý ông chỉ ngán có vị quân sư họ Nguyễn.
- Đúng vậy. Đành rằng đấu trí với một kẻ cao tay là một cái thú, nhưng trong cái thú đó có một mối lo sinh tử. Lo họ có những nước cờ cao mà mình không nghĩ tới. Khi vỡ lẽ ra thì đã quá muộn.
Viên chủ tướng không đáp. Y quơ tay lấy chiếc điếu ngọc đầy vân, nhồi thuốc và châm lửa, bập bập mấy hơi dài.
Câu chuyện được kết thúc sau khi y hả hê phà khói thuốc bào thơm nức.
- Dù sao, ta cũng phải liều một chuyến. Không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp con?
Họ Trần, miệng đã ngậm vào điếu, vội nhả ra đáp :
- Cả một bầy hổ lớn chứ cọp con gì !
Y trầm ngâm một lúc khá lâu rồi mới thong thả buông từng tiếng, lẩm nhẩm như nói một mình, que đóm cháy gần đến đầu mấy ngón tay y vẫn không hay :
- Miễn là mình tính không sai ! Bằng không, dám chết luôn cả đám !...
__
1. Mậu tuất: 1418.
2. Giáp thìn: 1424.
3. Tất lực: hết sức.