Trên ngọn núi Tượng cao chót vót, lưng dựa vào dãy Trường Sơn, mặt trông ra biển, có hai nấm mộ nằm song song cạnh nhau thân thiết như một đôi vợ chồng. Đó là nơi yên nghỉ của hai nắm xương tàn đã có một thời oanh liệt. Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân sau khi mất đi, đã được Dũng, chàng thanh niên đôn hậu ở làng Bình Phú, thu lượm đống thịt xương còn lại đem chôn cất ở một nơi phong cảnh hùng vĩ hợp với tâm hồn cao cả của ông bà.
Cô bé Bạch Liên được nằm không xa cha mẹ, bên cạnh một cái hồ thiên tạo nhỏ, mùa hè tỏa ngát hương sen và quanh năm có mây trôi lững lờ dưới đáy.
Dân làng ở chân núi vào rừng kiếm củi, chặt măng hay đi săn bắn đôi khi quá bước đến tận nơi đây để bao giờ cũng chỉ bắt gặp có hai nhân vật: một thớt voi và một chàng trai trẻ.
Voi - con Tiểu Tượng - nhớ chủ thường phủ phục bên nấm mồ con, mấy ngày liền không ăn uống.
Chàng trai - Dũng - cất một chiếc lều nhỏ bên mồ chủ cũ. Chọn được một khoảnh đất tốt, chàng đốt cây làm rẫy và đã cất công ra tận Nghệ An lấy giống một thứ nếp rất ngon là nếp Tượng về trồng.
Dường như hợp thổ ngơi, nếp mùa nào cũng tốt. Rằm, mồng một, và nhất là ngày giỗ, bao giờ chàng cũng có nếp Tượng thổi xôi dâng cúng cho hợp với sở thích của những người quá cố.
Như thế nhiều năm, cho đến một ngày kia chàng đi đâu biệt tích, sau khi đã cẩn thận khuân lên núi những tảng đá lớn dựng làm bia bên các nấm mồ.
Về sau có người bắt gặp chàng trai quay trở lại nghiệp kiếm cung và vùng vẫy dọc ngang ở vùng Thái Nguyên, Bắc Cạn.
Những kẻ có lòng bảo nhau mỗi người một tay giúp đỡ anh chàng vắng mặt trong việc chăm sóc hồ sen, rẫy nếp. Cứ thế thành thói quen, mùa này qua mùa khác.
Ba nấm mồ trên ngọn núi Tượng cheo leo luôn luôn được chăm nom, vuông vắn, đầy đặn, ấm cúng.
Và quanh năm, nhất là những ngày giỗ chạp, chả mấy khi vắng mùi nếp Tượng hương sen.