Thế nào? đầu đuôi thế nào, mày phải nói cho thật rõ. Mà nói cho thật thà đừng thêm bớt gì, đừng ghét người mà nói vu thêm, đừng vì tình riêng mà nói nhẹ bớt chuyện, sau này hỏi cung lại lần thứ hai ở Đại lý tự, nếu cung mày mà tiền hậu bất nhất là mọt gông!
- Vâng! Con xin thật tình khai cả.
- Từ câu này trở đi tao bắt đầu tự vào cung, ăn nói cho đúng mực.
- Vâng!
- Tình ý thế nào mà mày đoán là có việc gian?
- Bẩm hôm con hầu bà Chiêu vào. . .
- Ai biết bà Chiêu nhà mày là ai. Phải nói rằng: hôm theo chủ con là vợ góa ông chi. . chi. . . đó. . .
- Hôm con theo chủ con là vợ góa ông Chiêu Đặng Thụ Ấm vào Thanh, đi đường con thấy con Thúy Hồng nói nhỏ với lão già Thông rằng: Chỉ có cho vào hòm quần áo là mang vào được.
- Hôm qua, mày, con Thúy Hồng cùng lão già Thông vào Thanh thuê nhà trước kia mà?
- Vâng! Con quên mất. Khi vào tới Thanh, con thấy nó nói nhỏ với nhau như thế, con lấy làm lạ quá, không hiểu chúng nó cho gì vào hòm. Từ hôm ấy con vẫn để ý, đến hôm mười chín con thấy con Thúy Hồng nó rủ con ra ngoài phố chơi, rồi nó bảo con rằng:
"- Anh sinh trưởng ở đất đồng rừng. Chắc không biết thú trai thanh, gái lịch ở Tây Kinh, anh có muốn biết không?
"Con trả lời có thì nó đưa con vào một nhà đào nương ở phố cửa Tiền. Đến cửa, nó đưa cho con một lạng bạc, chỉ nhà mà bảo con rằng:
"- Anh cứ vào kia, khắc có người tiếp đãi chiều chuộng anh. Anh ngủ ở đấy cũng được, anh cầm tiền đây, sáng mai trả tiền cho người ta.
"Con bảo nó rằng:
". . . Thế còn chị, chị ghét tôi à?
Nó cười mà bảo con:
"Thì anh hãy vào chơi đấy, lấy chỗ quen, để sau này rồi tôi cùng anh sẽ lấy chỗ hẹn hò cùng nhau. Sau này. . . anh nghe chưa. . . ?"
- Mày có tình với nó à?
- Vâng. . . và cũng là lẽ thường.
- Làm sao nữa, nói nốt đi.
- Hôm nay con lấy làm nghi lắm, nên nó về được độ nửa tiếng, con lại quay về, lẻn vào cổng sau nấp ở sau nhà dưới nghe xem chúng nó bàn nhau những gì. Con vừa để tai nghe thì thấy con Thúy Hồng nói đến câu:
"Mợ có hay đâu rằng: tình có luân thường nào trói nổi. Tôi đã bảo Vũ Lăng hầu chờ sẵn ở con đường Quả Duệ vào lăng. Hòm còn thừa một chỗ vừa người nằm. . . già hiểu chưa?"
"Nghe tới đó, con lại ra nhà đào nương, ngủ một mạch đến sáng hôm sau, trời chưa tan canh, con đi vào Quả Thịnh lăng thật sớm, đi được một thôi, con lại nghĩ bụng rằng: Đi suốt đêm sáng không về thì người nhà họ sinh nghi, con lại về nhà. Về tới nhà, cơm nước họ vừa làm xong, con cùng lũ người nhà ăn cơm. . ."
- Mày bỏ chỗ ấy đi. Ăn cơm hay uống nước, việc ấy không quan hệ gì đến lời cung cả.
- Con phải nói cho có đầu đuôi hẳn hoi. Cơm nước xong, họ sắp sửa gánh hòm cáng đi, để con ở lại coi nhà.
- Thế mày ở lại nhà?
- Con phải nhận lời ở lại coi nhà, nhưng khi họ đi khỏi chừng dập miếng trầu, con lẻn theo lối tắt, đến làng Quả Duệ trước, nấp ở trong miếu đầu cổng làng để chờ.
- Mày đi sau, sao đến trước được.
- Sức con đi gấp mười người thường. Từ Thanh ra đây con chỉ phải đi có ba ngày mà thôi.
- Được rồi, sao nữa?
- Con chờ được độ hơn một tiếng. Thấy con Thúy Hồng đi trước, đến gốc cây đề trước miếu hú ba tiếng thì một người con trai ở sau cái bệ vôi thờ thần chui ra. Giữa lúc ấy, lão già Thông và con vú Mai khiêng hòm vừa tới, người con trai chui vào hòm, chúng nó đậy nắp lại hẳn hoi rồi khiêng hòm đi vào lối Sơn lăng.
"Một lúc lâu nữa, con mới thấy già trẻ lớn bé nhà bà Chiêu đi qua. Biết đích là chúng nó đem Vũ Lăng hầu vào cho con Ấu Mai, con liền về. Mười hôm sau, con xin phép về thăm mộ bố mẹ con ở Thiên Quan, rồi thẳng đường ra kinh vào đây trình quan lớn việc dâm loạn ấy".
Câu chuyện kể trên là chép lúc quan Ngự Sử hỏi cung thằng Kiều Cảnh; thế là việc ở trong Thanh, con Tố Hà phản, quan Thừa chánh đã bịt đi được rồi, mà việc hãy còn thấu đến tận Đế Kinh.
Quan Ngự Sử chép hết lời cung xong, vuốt râu đắc chí nói rằng:
Được. . . được. . . phen này ta mới có dịp báo thù thằng Đặng Phi Hiển.
Nguyên viên Ngự Sử bấy giờ là người trong họ Trịnh. Tên là Trịnh Kha, là anh em thúc bá với chúa Nghị Vương Trịnh Tráng. Lúc ông Đặng Phi Hiển làm kinh thành phủ thừa, một hôm đi bắt đám đánh bạc ở phường Đồng Xuân, bắt được Trịnh Kha là nhà chủ gá. Trịnh Kha thấy lính phủ kéo vào, nói với Đặng Phi Hiển rằng:
- Tôi là anh em thúc bá với chúa thượng, ông nên nể mặt chúa thượng mà tha cho tôi.
- Tôi chỉ biết anh là chủ thổ gá bạc, không biết anh em thúc bá với chúa thượng là ai cả!
Nói rồi ông cứ cho lính trói giải về phủ Doãn. Phủ Doãn thấy là họ nhà chúa, liền giải sang phủ Liêu.
Chúa Trịnh liền đem Trịnh Kha ra đánh thị nhục[33] ở giữa phủ để làm gương cho con cháu.
Từ đó Trịnh Kha thầm oán Đặng Phi Hiển. Sau y thi đỗ Hương Cống được bổ làm quan. Trèo mãi thang hoạn lên tới Ngự Sử.
Tiểu nhân đắc chí, phen này y cố dụng tình báo thù cho bõ nỗi căm hờn chứa hàng mấy chục năm.
Vì thế nên lấy cung xong, một mặt Trịnh Kha làm án ngay để đệ sang Đại lý tự, một mặt làm trát cho vào Thanh bắt ngay bọn Ấu Mai giải lên kinh. Y làm như thế, là có ý nắm chắc lấy việc, không khiến ai có thể len vào làm lấp láp đi được. Chính ra, cứ theo thủ tục thì bao nhiêu việc xảy ra ở các trấn, quyền lấy cung, làm án phải do tòa Thừa Chính làm, khi xong hết rồi mới phải gởi về bộ Hình. Bộ Hình khi tiếp được án, việc có quan trọng lắm mới phải đem ra tòa Tam Pháp. Đây viên Ngự Sử làm thẳng ngay án chép làm ba bản, một bản gửi sang Đại lý tự, một bản gửa sang bộ Hình, một bản gửi sang Hình phiên bên phủ Liêu, lấy cớ rằng việc can thiệp đến một vị hoàng thân, xảy ra ở giữa lăng vua, phải đem ra Tam Pháp xử ngay.
Quan Thừa chánh trong Thanh Hóa trấn cũng biết thế là trái phép, lạm quyền, nhưng vì việc cũng to, vả viên Ngự Sử lại là họ nhà chúa, nên cũng phải thuận thụ mà cho áp giải cả bọn tiến kinh ngay. Khi bọn Vũ Lăng hầu giải ra tới tòa Ngự Sử rồi, Trịnh Kha đem giam ngay vào ngục trong tòa Ngự Sử rồi ngay đêm ấy cho lính gọi Đặng chi phủ vào tòa ngự xử. Vào đến nơi, Trịnh Kha mời ngồi hẳn hoi rồi hỏi kháy rằng:
- Quan Hoàng bây giờ mạnh khỏe chứ, quan lớn còn nhớ cái đám bạc năm xưa ở phường Đồng Xuân đó chứ? Bây giờ quan lớn đã biết thằng Trịnh Kha này là ai chưa?
Đặng Phi Hiển cười nhạt mà rằng:
- Tôi vẫn nhớ ông là chủ sòng bạc năm xưa, là người đã bị đình trượng thị nhục ở phủ Liêu năm nọ.
Trịnh Kha cũng cười nhạt, cái cười của quân tiểu nhân đắc chí nó lạnh lùng khe khắt nghe mà rùng mình.
- Tôi bấy giờ mới được biết ông là quan cương trực. . . cương trực lắm. . . Bây giờ tôi lại biết ông cũng là người dối vua lừa chúa nữa.
- Ông nói càn! Tôi không phải là người ngồi ứng đối nhảm với ông. Thôi, xin vô phép.
Nói xong, Đặng tri phủ đứng dậy ra về không thèm chờ nữa. Trịnh Kha đứng dậy kéo áo ngọt ngào mà rằng:
- Ông cũng vô tình chứ chẳng dụng tâm khi quân[34] nào. . .
"Ông hãy rốn ngồi, tôi xin thưa hết câu chuyện".
Đặng tri phủ vùng vằng quay lại nói:
- Anh bảo thế nào là khi quân?
- Tiểu sinh nói có bằng cớ hẳn hoi, bỗng dưng đâu dám nói hỗn với bậc tiền bối.
- Anh bảo thế nào là bằng cớ?
- Thì hãy mời đại nhân ở lại chơi đã nào ?
Đặng tri phủ lại trở lại ngồi, Trịnh Kha nói:
- Đại nhân cho người mang trai vào Quả Thịnh lăng cho cháu gái phải không?
- Trai nào?
- Đại nhân cứ giả ngây mãi. Ở Quả Thịnh lăng mới xảy ra một việc dâm loạn mà thủ phạm là Đặng Ấu Mai cháu nội đại nhân, cung nhân tiên đế và ông hoàng Duy Lễ, tước Vũ Lăng hầu, là thứ huynh[35] đức Huyền Tông. Đại nhân đã rõ chưa?
Nghe dứt câu, Đặng Phi Hiển tái hẳn người đi. Cố nén lòng, ông còn hỏi với một câu:
- Có chứng cớ gì đích xác hơn nữa không? Hay chỉ là bày một lời đồn nhảm.
- Đây, xin đại nhân đọc kỹ tập giấy lộn này.
Trịnh Kha đưa cho Đặng Phi Hiển tập án tòa Đô vừa thảo xong. Đặng Phi Hiển cúi đầu giở từng tập một xem cho bằng hết. Xem xong ông giao trả Trịnh Kha, đứng dậy xin cáo từ.
- Vâng! Tôi hiểu rõ lắm rồi. Tôi xin chết, thế là xong hết, không phải bàn tán lôi thôi gì cả.
Ra khỏi cửa, đã xuống thềm rồi, Đặng tri phủ lại quay lại hỏi:
- Tôi muốn đối chất cùng kẻ tố cáo được không?
- Kể đối chất thì không phải việc, nhưng đại nhân muốn thì cũng được. Đại nhân muốn đối chất ngay hay để đến mai?
- Ngay bây giờ.
- Vâng! Thế hãy xin mời đại nhân ngồi chơi lát nữa.
Trịnh Kha liền gọi tên lính bảo rằng:
- Mày xuống dưới trại gọi thằng Kiều Cảnh lên đây.
Nghe thấy hai tiếng Kiều Cảnh, Đặng tri phủ kêu lên rằng:
- Thôi, tôi làm hại con cháu tôi rồi.
Một lúc, lính dẫn Kiều Cảnh lên, Đặng tri phủ trông thấy trỏ mặt mắng rằng:
- Thằng kia, tao phụ gì mày, mà mày lập tâm hại tao? Năm sáu năm trời mày ở với tao, tao có đãi mày điều gì tệ không? Mày là con đứa đạo tặc, tao đã dung cho mày làm tội, ơn ấy mày quên à.
Kiều Cảnh nói:
- Ông giết cả nhà tôi chưa chán tay hay sao? Thù ấy tôi lại quên được sao? Ông khéo kể ơn xằng gì. . . ? Giết cha mẹ anh em người ta mà lại còn mở mồm ra kể ơn. Ông lão này gớm thật. Ăn nói không biết ngượng mồm nữa. Cháu gái ông đem trai vào trong Sơn lăng, dâm loạn bậy bạ giữa nơi thờ phụng tiên đế. Ông dạy con cháu như thế mà còn dám mở mặt trông thấy thiên hạ, tôi cũng chịu cho cái mặt ông dầy!
Đặng tri phủ nghe vừa buồn vừa tức, không nói lại được câu nào, quay gót ra ngay, ông run hết cả chân tay đi không vững nữa. Trịnh Kha cho hai tên lính dìu ra đến ngoài cổng để ông lên võng khiêng về. Đặng tri phủ ra khỏi rồi, Trịnh Kha lại quay bảo Kiều Cảnh rằng:
- Sang bên Hình phiên mày phải khai là việc đưa lão hoàng Duy Lễ vào Sơn lăng, cả nhà con mẹ chiêu Đặng Thụ Ấm cùng bàn tính cả. Mà mưu mô ngay từ khi đức tiên đế mới ninh lăng. Mày phải đặt lời ra mà khai rằng: Lão hoàng Đặng Phi Hiển, con dâu lão, và cả nhà bàn tính sẵn ngay từ lúc còn ở kinh. Từ việc vào Thanh thuê nhà trước cho đến bỏ người vào hòm lừa quan Lăng giám, đều tính toán trước cả.
- Nhưng không đúng như lời con đã biết thì làm thế nào?
- Mày còn tính chất Mường Mán chân thật. Nếu mày cứ khai đúng sự thực thì có phải tội, chỉ tội con Ấu Mai và mấy đứa đầy tớ mà thôi. Mà "Trị gian bất tố dữ tội đồng"[36] thường mày cũng phải tội lây cũng có.
- Con có báo đấy chứ!
- Nhưng mày không báo ngay.
- Thế thì làm thế nào, trời ôi!
Kiều Cảnh vừa nói vừa nước mắt chạy quanh. Trịnh Kha vỗ về rằng:
- Thế thì mày phải khai như ta vừa bảo xong. Nhà nước trị được nhiều người rồi thì mày thoát.
Hình quan họ hay khát máu người lắm. Mỗi khi có án gì ra mà họ trị tội không được nhiều, máu khát của họ chưa thỏa thuê, họ vơ quàng vơ xiên mà trị tội. Mày đem cả nhà họ Đặng Phi Hiển ra hiến máu thì họ mới đỡ khát. Đã khát, rồi họ mới thôi cho, không vơ quàng vơ xiên nữa.
- Xin vâng!
Vả lại mày đối với lão ấy có cái thù to thế kia mà! . . . Nếu chỉ làm tội cái đứa nhãi ranh sao cho xứng với cái thù to của mày?
- Xin vâng!
Hôm sau lính phủ Đô dẫn Kiều Cảnh sang Hình phiên bên phủ chúa.
Mấy hôm sau, ở tòa Đô (tòa Ngự Sử) lại có cuộc hỏi cung những người đồng phạm. Trước tiên hỏi Ấu Mai:
- Con kia, những ai bày mưu cho mày đem trai vào Sơn lăng?
- Việc ấy chỉ có tôi và con Thúy Hồng thôi.
- Chỉ có hai đứa thì mày làm thế nào. Vô lý.
- Tôi ở trong Sơn lăng biết thế nào được việc ngoài.
- Thôi cho mày xuống trại.
Ấu Mai xuống, lính lại gọi Thúy Hồng lên:
- Những đứa nào đồng mưu với mày?
- Công việc ở tôi cả. Vì tôi hầu chị tôi từ thuở nhỏ, thấy chị tôi mắc cái họa sống cũng như chết, nên tôi thương chị tôi mà lập mưu cho ông hoàng Duy Lễ vào Sơn lăng.
- Việc này cả nhà mày bàn với nhau, từ hôm sắp ninh lăng tiên đế, mày nói láo gì?
- Tôi làm, tôi chịu tội chết, ngoại giả không dính dáng đến ai cả.
- Thằng Kiều Cảnh nó đã khai cả, mày còn chối à?
- Nó nói láo, vì nó có thù cũ với chủ nhân tôi, nên cố ý vu hãm để làm hại cả nhà chủ tôi. Những quân phản chủ ấy không thể tin được.
- Những đứa trung thành với chủ để làm việc phi lễ như mày thì tao phải tin hay sao?
- Tôi có tội, tôi xin chịu tội, bất tất phải căn vặn lôi thôi nữa.
- Liệu đó! Sang bên Hình Phiên còn được nát thịt vì cái thói gan góc xằng ấy nữa cũng có, ở đây tao chỉ lấy lời hỏi tử tế mày lại không chịu.
- Đánh tôi đến chết, thì tôi cũng chỉ chịu nói thế mà thôi, thân tôi có thể đem ra băm chém được, lòng tôi không thể cướp được. Tôi tuy thân phận là tôi đòi, nhưng cũng biết sỉ nhục tín nghĩa một đôi phần. . . chẳng như ai đâu! . . .
- Chẳng như ai? Mày nói chẳng như ai?
- Tôi nói chẳng như người tiểu nhân khác. . .
- Mày bảo ai là tiểu nhân?
- Tôi bảo những người tiểu nhân, là tiểu nhân.
- Chỗ này là chỗ mày cãi lý với tao đấy hẳn? . . .
- Thì nào tôi cãi lý sự gì? Quan lớn vặn tôi, bắt tôi nói những lời tôi không thể nói được, rồi quan lớn bẻ hành, bẻ hẹ, những tôi bảo ai là tiểu nhân. . . rồi quan lớn lại bảo là lý sự. . .
Biết rằng không thể dụ được nữa. Trịnh Kha bèn cho Thúy Hồng xuống dưới trại mà cho gọi Vũ Lăng hầu lên. Lên tới nơi, Trịnh Kha vồn vã hỏi:
- Đức ông sao lại nói nhảm nhí như thế? . . .
- Sao đức ông lại hạ giao như thế? . . .
- !
- Đức ông chắc thừa rõ phép nước. . . ? Ô hay! Sao tôi hỏi đức ông ba lần, đức ông không buồn đáp thế?
- Đưa giấy bút đây ta tường khai cả, bất tất phải hỏi han gì cả.
- Ngộ tôi chỉ muốn hỏi mà làm cung lấy thì đức ông nghĩ sao?
- Đưa giấy bút đây?
- Tôi đã có nha lại viết hầu đức ông, đức ông không phải viết. Đức ông phải rõ rằng: Hiện bây giờ đức ông chỉ là người phạm phép nước, mà tôi là quan Ngự Sử.
- Cái chức Ngự Sử của mày, mày tưởng là to lắm đó.
"Ta tuy có phạm phép nước, nhưng cũng chưa phạm đến tội "Thập ác",[37] chiếu theo quốc điển ta còn được theo Bát nghị[38], mày đừng có láo!"
- Tội thế mà không là đại ác? Anh là con hoang, chắc đâu anh được theo bát nghị!
Vũ Lăng hầu nhổ đánh toẹt một cái mà không thèm trả lời. Trịnh Kha giận lắm, rú lên như con thú dữ bị người ta trêu ghẹo.
- À! Anh láo thật! Cành vàng lá ngọc giả mà cũng hợm thế à? Này tôi đây thì nói thật: cành vàng lá ngọc thật cũng chẳng ăn ai, huống hồ là giả. . .
Nói dứt câu, Trịnh Kha vùng vằng đến sập nằm ngả xuống, tay chống hàm, mắt lừ lừ nhìn Vũ Lăng hầu, vừa hầm hầm vừa cảu nhảu: Vàng ngọc giả mà cũng phết lắm. Chẳng biết vàng ngọc thật thì gớm đến đâu!
Mỗi tiếng cảu nhảu hình như thêm một ít giận dữ vào khối óc, nên một lúc ngồi phắt dậy thổ ra mấy tiếng rất nhanh:
- Ngay hoàng đế nhà mày cũng chỉ là thằng thơ lại cho nhà Trịnh tao mà thôi!
Câu này kể ra gồm đến hai mươi chữ, song lúc khi đầy tức ruột, hắn buông tuột ra như thế chỉ có năm sáu tiếng, câu nói trơn tuột, giọng cụn lủn ấy chỉ giằn xuống ở chữ Nhà một hơi mạnh.
Trong lúc vô tình, hắn gọi họ Trịnh hắn là Nhà, tỏ ra rằng bình nhật hắn vẫn coi cơ nghiệp hoàn toàn của họ Trịnh cả.
Vũ Lăng hầu chẳng thèm nghe rõ xem hắn nói là những gì nữa, nhưng trông bộ điệu, nghe giọng nói, cũng thừa biết Trịnh Kha nói điều hỗn lắm. Một tiếng Nhà giằn giọng xuống đủ làm cho ông hiểu:
- Con cháu Trịnh Tùng gớm thật! Đồ loạn thần tặc tử, mày phải biết tay tao!
Vũ Lăng hầu xông lại toan lấy cái xích sắt ở tay đập vào mặt Trịnh Kha thì hai tên lính lôi xuống trại ngay.
*
* *
Ngày hôm sau, ở tòa Đô lại có cuộc thẩm vấn lại. Lần này, Trịnh Kha chỉ hỏi Thúy Hồng mà thôi.
- Thế nào? Con nhận đi chứ! Thế nào thì việc cũng lộ cả rồi, con còn giấu làm gì nữa. Cái án này cốt tử là việc dâm loạn trong Quả Thịnh lăng. Vũ Lăng hầu Duy Lễ, cùng cung nhân Đặng Ấu Mai đều bị bắt quả tang ở một nhà trong Sơn lăng, việc thế là việc hiển nhiên rồi, còn chối cãi làm sao nữa?
- Ừ thì việc cũng chỉ có thế, can chi ông cứ căn vặn lôi thôi mãi cho nó dài câu chuyện ra. Việc kết cục, chỉ có Vũ Lăng hầu, chị Ấu Mai chết, tôi chết thế là cùng, chứ còn gì nữa.
- Còn nữa chứ con. . . Chẳng nhẽ Vũ Lăng hầu độn thổ vào Sơn lăng? Chẳng nhẽ ông có phép tàng hình che mắt quan Lăng giám mà vào được? Tất phải có mưu mô, tất công việc phải định trước, tất phải có người đồng phạm.
- Tôi mưu, công việc ở tôi cả, đồng phạm cũng chỉ có tôi. . .
- Con có trăm tay hay sao mà làm được bằng ấy việc.
- Thôi. . . ông cứ khép án, đến phải lăng trì, xử tử là cùng, bất tất phải nói lắm nữa.
- Bất tất. . . hai chữ bất tất của nó mới gọn ghẽ làm sao! Con chịu chết, bất tất cái đó còn phải nói nữa. Những việc không có đầu đuôi, thì văn án làm ra thế nào? Con cứ khai ra, tội gì đứa ăn ốc, con phải đổ vỏ. . . Thế nào. . . con. . . con nói đi. Mưu bàn từ bao giờ, những ai dự bàn. Vào Thanh đầu đuôi thế nào?
- Thôi ông đừng hỏi nữa, vô ích. Tôi chết thì thôi, chứ thề không bao giờ hại ai.
- Con có làm hại ai, người ta làm người ta chịu tội, chứ con có làm hại ai?
- . . .
- Phải, con nên nghĩ kỹ, nên cân nhắc lại lợi hại mà xem.
- . . . . Con còn trẻ trung, tội gì mà hứng lấy than đỏ lửa hồng.
- . . . .
- Thế nào, con nghĩ đã chín chưa?
- ... . . . . .
- Phải đấy, con nghĩ chín rồi, khai đi nhé.
Một lúc lâu lắm nữa, vẫn không thấy Thúy Hồng trả lời làm sao, sốt ruột, Trịnh Kha gắt giọng:
- Làm gái mãi, nói đi?
Thúy Hồng liếc mắt nhìn, Trịnh Kha thấy đôi mắt nhìn, tự nghĩ có lẽ Thúy Hồng đã dìu dịu muốn xiêu lòng mà vì mình đổi giọng nên nàng lại quay lại thế cũ chăng.
Nghĩ thế, y đến tận nơi, tay khẽ vuốt má Thúy Hồng.
- Trời ơi! quốc sắc thiên hương chừng này mà tự hãm mình vào trong lưới tội, chẳng biết bụng dạ nghĩ ra thế nào?
Thúy Hồng thấy Trịnh Kha hết ngọt đến sẵng, lại hết sẵng đến ngọt, tự nghĩ rằng: "Thôi thì mình đã liều thân, còn nghĩ ngợi gì. Mình cự tuyệt ngay thằng này cho nó dứt cái câu chuyện cù nhầy, lằng nhằng. Tai phải nghe giọng nói khả ố, mắt phải trông đứa tiểu nhân nó làm trò nỡm mãi thế này, khổ hơn là bị "chết chém". Nghĩ thế nàng quắc mắt lên, nói:
- Thằng kia! Mày đừng nghĩ mày rung chuyển được bụng tao. Tao tuy là đứa tôi đòi nhưng không tiểu nhân như mày!
- À, con này mới hỗn chứ. . . ! . . . Lính đâu, tống cổ nó xuống trại.
* * *
Là thứ huynh hai vua. Vua Huyền Tông vừa mới mất, xương còn đương mục trong Sơn lăng. Vua Gia Tông hiện đương ôm hờ ngôi báu. Vũ Lăng hầu hết sức vin điều lệ Bát nghị, chẳng phải là mong thoát khỏi tội chết, nhưng chỉ muốn thoát khỏi cái hình nhục khổ trước khi chết. Bọn Hình quan, sau cùng, họ cũng động tâm, nên họ miễn cho ông không phải tra tấn gì, chỉ phải giam để chờ ngày thành án.
Bị liên can, bắt giam tất cả bảy người: Đặng Phi Hiển, vợ ông Chiêu Đặng Thụ Ấm, Đặng Văn Khuê, tức Đồ Nam, Trần Văn Điền tức bõ Mai, Bùi Thị Vinh tức vú Mai, Lê Trần Thông tức già Thông và Vũ Thúy Hồng. Sang Hình phiên mỗi người bị giam riêng một nhà. Không thể sao thông tin tức cùng nhau được.
Cứ theo cung của thằng Kiều Cảnh, Hình quan cũng thừa để ghép án rồi. Nhưng vì Trịnh Kha muốn ghép thành cái án "cả nhà mưu việc dâm loạn" mà giết cả nhà ông Đặng Phi Hiển cho bõ ghét. Muốn ghép thành cái án ấy, tất phải khiến bọn bị cáo khai như ý Trịnh Kha đã dỗ Thúy Hồng. Vì thế cả bọn bị tấn. Theo phép thời ấy, tội nhân phải chịu ba kỳ tấn, mỗi kỳ cách nhau 5 ngày.
Kỳ thứ nhất, kết quả: Đăng Phi Hiển, Đặng Văn Khuê, Trần Văn Điền sức không chịu nổi, chết hai ngày sau khi bị tấn; vẫn chưa ai chịu theo Hình quan mà khai thêm gì.
Kỳ thứ hai, kết quả: Bùi Thị Vinh, bà Chiêu Đặng Thụ Ấm chết trên bàn lửa; Lê Trần Thông cắn lưỡi tự tử, vẫn chưa ai chịu theo Hình quan mà khai thêm gì.
Kỳ thứ ba, chỉ còn có Ấu Mai và Thúy Hồng thôi.
Thúy Hồng, tất cả Hình quan và ngục lại đều cho là gan góc nhất, nên phải chịu đủ các cách tra tấn.
Nói riêng những sự đau khổ nàng phải chịu cũng đủ cho kẻ viết những dòng này phải ghê sợ. Ngọn bút, vì nó có tâm hồn, chắc nó phản kháng chẳng chịu cho soạn giả đây dùng viết những lời máu sa thịt rụng như thế.
* * *
Ngày thứ nhất: Hình roi kim.
Roi kim dùng bằng sợi mái già, xung quanh đầu roi ghép toàn kim thép. Đàn bà chịu tấn roi khác đàn ông ở chỗ đàn bà không phải nằm, mà phải quì cho khỏi gục sấp xuống, hai tay chống xuống đất, bị buộc chặt vào hai cái cọc, đóng thật chắc. Dưới hàm cũng có một cái cọc đỡ. Sợ kẻ chịu hình khi bị đau đập hàm vào đầu chiếc cọc, bọn ngục lại, họ để một cái gối bông vào giữa hàm và đầu chiếc cọc. Quần phải chật cho hở hai mông ra. Làm sao họ chẳng vật sấp ngay xuống đất mà lại bắt ngồi cái dáng khốn nạn thế?
Vì, cứ theo ý bọn Hình quan kể, kẻ chịu hình là đàn bà thì làm như thế trông nó đỡ nhỗ nhã khó coi.
Chao ôi! Đánh người, đánh người đàn bà đến máu chảy thịt rơi, chưa đủ nhỗ nhã khó coi hay sao mà còn khéo bày trò xấu hổ như thế cho nó thêm ghê mắt ghê tai? Cũng có khi người đàn bà được nằm: người nào bụng mang dạ chửa. Sợ để quỳ mà đánh có hại đến thai, bọn Hình quan nhỗ nhã vậy mà bắt người kia nằm sấp xuống, bụng chửa để lọt vào cái hố đào sẵn, bốn chân tay có bốn cọc, buộc chặt ngang mình một đoạn dây vắt qua, hai đầu thiết chặt vào hai chiếc cọc đóng sát cạnh sườn.
Hình ấy nếu chẳng hại đến thai thì vú Mai đã bị trụy thai mà chết!
- Xong chưa?
Tiếng viên Hình quan thét giục, làm lũ ngục lại luống cuống, khi đóng nhát cuối cùng lên chiếc cọc, ghì tay phang nhỡ một nhát vồ vào vai người mệnh bạc.
- Bẩm xong!
- Đầu roi đâu, cứ việc đi!
Tên lính chuyên môn việc cầm roi tấn - vẫn gọi là Đầu roi - vội vàng cầm roi đến đứng sau Thúy Hồng. Roi giơ cao lên, đánh bạt một cái vào mông bên trái, từ tả sang hữu; roi lại giơ cao lên, đánh cái thứ hai vào chỗ cũ, mũi roi đi từ hữu sang tả; roi lại đi cao lên lần thứ ba bổ mạnh vào hai vết trước, khi cái roi thứ ba cất lên, một miếng thịt bắn ra, theo một dòng máu chảy xuống đất. Trừ Hình quan ngồi giám tấn và tên Đầu roi, mọi người đều nhắm mắt lại.
- Thế nào! Con kia, mày có chịu cung không?
Thúy Hồng ngẩng đầu lên:
- Tao không nói sai để vu oan cho người khác được.
- Được, Đầu roi. . . làm nốt ba roi nữa đi.
Roi lại nâng lên ba lần, mông bên phải lại mất một miếng thịt, Thúy Hồng vẫn không chịu cung gì. Hình quan sai lấy thuốc dấu dịt vào hai chỗ thương. Cho khiêng Thúy Hồng vào nhà giam để đợi hôm sau lại tấn. Thúy Hồng khiêng đi, ngục lại dẫn Ấu Mai vào. Cũng hình ấy, cũng lời nói ấy. Thôi! Còn nói làm gì nữa: cầu đoạn trường bao dịp, hai thày trò cùng phải qua.
Ngày thứ hai: Hình kìm chín, nghĩa là kìm nung đỏ sẵn, trong lò bao giờ cũng có ba chiếc kìm nung đỏ sẵn, để thay đổi. Hôm nay Thúy Hồng phải cởi trần. Đương độ tháng hai, trời còn rét, khi cởi áo ra Thúy Hồng run bật cả người. Đầu kìm tay cầm chiếc kìm đỏ rút trong lò ra:
- Cô rét, gọi là có cái này sưởi ấm hầu cô.
Nói dứt tiếng, mũi kìm cập vào má bên phải. Mọi người nghe một tiếng xèo xèo rồi thì mùi thịt cháy bay ra, ngửi ghê ghê như mùi tóc đốt. Máu thịt Thúy Hồng làm nguội hẳn chiếc kìm đi. Tên Đầu kìm lại đổi kìm mà kẹp mũi thứ hai, cứ thế cho đến mũi thứ mười.
Mùi thịt cháy lựng cả ra sân. Khách qua đường tuy không trông thấy, chỉ ngửi mùi khét lọt ra đến ngoài thành rào, cũng biết là ở trong đang có người bị tấn. Thúy Hồng, lưng má đã điểm đủ mười điểm đen mà vẫn nghiến răng nhắm mắt nhất định không chịu nói gì.
Bọn ngục lại lại dìu Thúy Hồng vào nhà giam. Ấu Mai ở nhà giam khác lúc đó lại được dẫn ra cạnh lò lửa. . .
Ngày thứ ba: Hình kìm sống: Nghĩa là hình kìm lạnh, hôm này Hình quan và ngục lại nhỗ nhã hơn hôm đầu: bị trói vào chiếc ghế dựa, quần Thúy Hồng phải vén đến gần hông. Đùi non kia hôm nay, được quen chất sắt lạnh chiếc kìm. Hình kim sống đau đớn hơn hình kìm chín nhiều lắm. Kìm chín kẹp vào tuy thịt có bị cháy, nhưng đông thời thịt bị chết, cảm giác thần kinh bị hư hỏng, người ta cũng không thấy đau nữa, mỗi miếng kìm chín chẳng qua chỉ như một miếng bỏng to mà thôi. Kìm sống thì vặn vào thịt tươi, trong khi mũi kìm nhai thịt, máu đào ròng ròng chảy, miếng thịt vẫn sống nguyên, thần kinh vẫn còn nguyên, mà chịu cái đau đớn xé ruột xé gan. Chịu hai miếng đầu, Thúy Hồng còn cắn lợi mà gan lỳ không rằng không nói, đến miếng thứ ba, thứ tư đôi hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng. Từ miếng thứ tư đến miếng thứ sáu, Thúy Hồng rú lên như con lợn bị chọc tiết trên bàn mổ. Từ miếng thứ bảy đến miếng thứ mười. Thúy Hồng không đủ sức kêu nữa, trên cổ chỉ đưa ra một tiếng khừ khừ như con lợn bị chọc tiết, nhất là miếng cuối cùng, máu chảy ra đầy chậu, chỉ hầm hừ mấy tiếng mà thôi. Xong mười mũi kìm sống, Hình quan sai đi lấy ngay thuốc dấu dịt vào mười chỗ bị thương, lấy nước lã vỗ vào mặt cho nàng tỉnh lại rồi hỏi rằng:
- Thế nào, mày còn gan nữa không?
Thúy Hồng cố gượng nói được mấy tiếng:
- Giết chết tôi đi!
- Lính! Vực nó đi!
Để trói nguyên cả ghế, lũ lính khiêng Thúy Hồng đi. Khi lũ lính khiêng gần khuất hàng rào, viên Hình quan lại dặn với:
- Chúng mày phải nhớ cùm xích và đóng hàm thiếc miệng hẳn hoi không thì nó tự tử.
- Vâng, chúng con bao giờ cũng nhớ.
- Ấy! Hễ để tù chết trong ngục trước khi thành án thì chúng mày phải thay đó.
Thúy Hồng vào, Ấu Mai lại ra. . .
Ngày thứ tư: Hình đai. Một chiếc đai sắt vòng bán nguyệt nối vào nhau. Chỗ nối nhau, khi tấn hai tên lính kìm kẹp chặt lại. Khi kẹp chặt hai chỗ nối lại, đai sắt nhỏ vòng lại thiết chặt vào trán, gáy kẻ chịu hình. Ba mũi đanh liền vào đai ăn sâu vào thái dương và trán. Khi Thúy Hồng mới bị đai thiết đau lắm nhưng cũng cắn răng không chịu cung gì. Khi đó nàng nhớ tới hôm trước có được nghe hai tên ngục lại canh nàng nói với nhau rằng: "Cái nghề bị tấn, nếu máu không ra được, đau vô cùng vì không sao ngất đi được" - "Thế muốn ngất đi được cho khỏi đau thì làm thế nào?" "Làm cho máu chảy ra; tùy đấy, cắn tay, cắn môi. . .". Nàng nghĩ đến đó bèn nói với tên Hình quan:
- Đau lắm rồi, nới tay ra, tôi xin xưng. Cởi tay tôi ra cho nó đỡ ngạt, tôi xin cung hết.
Lũ ngục lại nhìn viên Hình quan có ý hỏi: "Quan dạy thế nào?" sau cái gật đầu, lính nới tay kìm và cởi trói. Hai tay được tự do rồi, vòng đai đã nới, đầu mũi đanh chỉ còn ăn vào thịt độ một hạt vừng. Thúy Hồng liền lấy tay xoay đai cho ba mũi kim rạch thái dương và trán. Máu chảy ra, nàng ngất đi. Viên Hình quan thấy thế bảo lính:
- Nó đánh lừa ta rồi. Thôi chúng bay khiêng nó vào.
Khi Thúy Hồng đã khiêng vào, Ấu Mai lại bị dẫn ra, viên Hình quan nói:
- Thôi ta quên mất, mỗi kỳ tấn có ba ngày thôi, kỳ này ta làm quá mất một ngày, quá mất một hình. Thôi! dẫn con Ấu Mai vào.
Quay sang người lại mục ngồi bên cạnh, nhếch mép cười gằn, viên Hình quan lại nói:
- Thầy cũng phải bận oan thêm một hôm mà con Thúy Hồng cũng phải chịu thừa thêm một hình tấn. Thôi, kỳ sau làm hai ngày thôi, hai hình thôi. . . Cũng phải! Con Thúy Hồng là đầy tớ, nó chịu đau hơn chủ nó một hình cũng phải.
Nghỉ mấy hôm, lại đến kỳ tấn thứ hai.
Ngày thứ nhất: hình kẹp tay.
Hai miếng tre đực, một miếng để trên lòng bàn tay, một miếng để trên mu, hai đầu có dây buộc nối với nhau. Dây một đầu buộc chặt, một đầu buộc lỏng. Đầu lỏng, dây thừa một đoạn. Chỗ thừa ấy: khi tấn tên ngục lại cho chiếc que sắt vào xoay. Que càng xoay dây càng chặt, hai miếng tre càng kẹp vào năm đầu ngón tay. Xương kêu răng rắc, hòa với tiếng rú của Thúy Hồng nghe như khúc nhạc của quỉ sứ dưới âm cung, mười ngón tay máu đọng to thêm ra, trông tựa mười quả phù quân chín. Thúy Hồng vẫn không chịu xưng thú gì. Lính lại dẫn nàng về nhường chỗ cho Ấu Mai chịu thảm hình.
Ngày thứ Hai: Hình nêm chân.
Hình này dùng những phiến tre rộng chừng một tấc. Những phiến tre ấy có lỗ sâu dây, nối lại cùng nhau. Ngục lại đem ấp những phiến tre ấy quanh ống chân người chịu hình rồi lấy dây tam cố thật bền buộc lại. Khi tấn, ngục lại lấy những miếng gỗ nghiến là thứ gỗ vừa dẻo thớ, vừa chắc nhất - thuôn thuôn đầu nhỏ đầu to vào giữa dây tam cố và những miếng tre bọc ống chân. Đầu thuôn thuôn xuống dưới đầu to ở trên. Đoạn họ lấy búa giọt mạnh vào đầu miếng nêm. Nêm vào bao nhiêu thì những miếng kẹp thiết vào bấy nhiêu. Hai chân Thúy Hồng bị tụ máu to lên như người phù, đau buốt đến xương, nàng vẫn răng cắn mạnh vào môi cố chịu nhịn không kêu, thấy nàng không kêu tên ngục lại nói:
- Con này chịu tấn quen rồi, chịu hơn trăm nhát búa trên đầu mười sáu miếng nêm mà gan cóc tía vẫn y như cũ. Xin tha để kỳ sau đổi hình.
Viên Hình quan nói:
- Ừ hãy tha cho nó mà điệu con chủ nó ra đây.
... .
Nghỉ mấy hôm lại đến hình tấn thứ ba.
Ngày thứ nhất: hình kẹp vú. Hình này sơ sài lắm chỉ có miếng tre chẻ đôi, chỗ đốt có dính lại, cho kẹp vào đầu vú. Sức miếng tre đực kẹp lại, đầu vú bẹt hẳn lại như miếng trầu nhá nhỏ. Khi Hình quan xem ra Thúy Hồng chịu đau đã nhiều lắm rồi y lại sai lính bỏ kẹp mà cho nàng về chỗ cũ.
Khi lính dẫn Thúy Hồng vào rồi, Hình quan truyền:
- Thôi cho con Ấu Mai vào, mai cho chúng nó nghỉ không tấn nữa.
- Kỳ này quan lớn làm sơ sài quá thế.
- Không đâu! Phải cho chúng nó nghỉ mươi hôm cho chúng nó lại hồn đã, rồi tôi khắc có cách. . . Thôi, cho thầy về. . . Từ nay thầy cứ ở nhà giấy không phải đến nữa.
- Bẩm tấn thế là xong.
- Xong hay không mặc tôi. . . Hôm nào cần tôi lại gọi.
Viên mục lại, đứng dậy chào để về.
- Thầy vào bảo viên ngục giám đến đây tôi bảo.
- Xin vâng! Lạy quan lớn.
Một lát tên ngục giám đến.
- Quan lớn truyền gọi con có việc gì?
- Hai đứa nữ tù ở Quả Thịnh lăng, thầy phải săn sóc tử tế. Đồ ăn thức uống tươm tất. Thuốc dấu phải trông nom luôn luôn. Khi chúng khỏi hết các vết thương rồi, thầy phải gọi thầy thuốc đến cho chúng uống mấy thang thuốc bổ. Khi nào thầy thấy chúng bình phục hẳn, khỏe mạnh hẳn như thường thì thầy lại đến đây nói với tôi.
- Xin vâng.
- Thôi thầy về. . . Nhớ kỹ nhé: phải trông nom như vợ con thầy đó.
Tên ngục giám lấy làm lạ, về càu nhàu với anh em ngục tốt:
- Khéo! Chính sự mới lạ chứ. Bắt chiều tù như mẹ trẻ.
Ấu Mai và Thúy Hồng ở trong ngục tự nhiên được cung phụng tử tế, cũng cho là họ vỗ về cho khỏe mạnh, đủ da thịt chịu một kỳ tấn nữa, mà kỳ tấn sau đây chắc là dữ dội gớm ghê hơn nữa. Được ba hôm, các vết thương khỏi hẳn, ăn uống thấy ngon, đến chiều hôm thứ tư lính vào ngục, Thúy Hồng cười hỏi rằng:
- Hôm nay hình gì thế bác quyền?
- Không, chẳng có hình gì cả, án tử hình như xong rồi, quan trên truyền đưa cô sang giam cùng một chỗ với Ấu Mai. Thôi như thế cũng đỡ buồn ! Thúy Hồng sang tới chỗ Ấu Mai trông thấy má Ấu Mai có vết sẹo liền hỏi:
- Chị cũng phải tấn à? Mấy lần?
- Bảy lần rồi mà chưa chắc đã thôi. . .
- Em chịu tấn tám lần. . . Nhưng hình như thôi rồi thì phải vì em vừa nghe thấy ngục tốt nó nói chị em mình sở dĩ được gần nhau là để đợi ngày tòa Tam Pháp đăng đường.
- Nếu thế càng hay! Chị em ta chuyến này chắc chết.
- Trông thấy nhau, được ở cạnh nhau rồi chết, còn gì sung sướng cho bằng.
Khi ở chung, hai người vẫn được ưu đãi như trước, cơm nước sang trọng như bữa cơm nhà quan, thỉnh thoảng lại được uống thuốc bổ cho lại sức nữa. Hỏi viên giám ngục, vì lẽ gì được hậu đãi thì y trả lời:
- Quan trên truyền rằng cô dầu có tội, dù theo phép nước phải tra tấn, nhưng thế nào cô cũng là cung nhân của tiên đế nên phải hậu đãi.
Như thế được mươi hôm.
- Quái! Chị ạ, sao hôm nay họ chậm bưng cơm lên thế?
- Ừ, bây giờ đã quá Ngọ rồi. Mọi hôm chỉ cuối Dần đầu Tị thôi. Em thử ra sân xem bóng nắng xem.
Thúy Hồng ra sân nhìn bóng rồi nói:
- Quá Ngọ thật rồi. . . Đói quá!
Nói xong, Thúy Hồng rũ rượi ra cười:
- Chị em mình bây giờ lại thành ra tham ăn, kỳ ngộ thật. . .
- Ừ nhỉ! Chị em mình bây giờ lại đâm ra háu đói thế nhỉ?
Nhìn ra ngoài sân, Thúy Hồng vỗ tay:
- Cơm kia rồi!
Tên ngục lại đem cơm đến đặt xuống giường:
- Hôm nay vì ở nhà giam tù bên trại kia mới thêm sáu trăm tù mới. Anh em chúng tôi bận quá, quên mất bữa cơm của hai cô. Khi nhớ ra thì đã quá trưa. Thổi thì lâu quá, vì thế hôm nay hai cô xơi cơm rang vậy.
Ấu Mai nói:
- Cũng được, có làm sao. . . .
Ấu Mai vừa buông đũa bát, chưa kịp đứng dậy thì đã có tên ngục lại đến:
- Có lệnh truyền đòi hai cô đến ngay.
Thúy Hồng bảo Ấu Mai:
- Chị uống nước đi, đợi em và nốt miếng cơm rồi cùng đi.
Tên ngục lại nói:
- Quan truyền áp giải hai cô đến ngay.
- Vâng, uống ngụm nước rồi tôi xin đi.
- Bây giờ còn đi tìm nước, thì bao giờ mới đi.
Nói đoạn thức khắc lôi đi, Thúy Hồng phải bỏ dở bát cơm đang ăn. Đến công đường Hình phiên, hai người đã thấy Hình quan cùng viên lại già ngồi đó. Hình quan nói:
- Hai cô ngồi kia, tôi hỏi câu nào, nói cho rõ ràng để thầy lại mục tự vào cung. . .
- Quan lớn còn phải hỏi gì thêm nữa.
Viên Hình quan vừa cười vừa nói:
- Hai cô cứ nói thật. Có phải việc đem Vũ Lăng hầu Duy Lễ vào Quả Thịnh lăng là mưu bàn từ trước không, mà ông cô là quan Hoàng Đặng cũng biết trước việc phi lễ ấy mà cứ bằng lòng cho người nhà cứ việc mà làm?
- Việc không có như thế, chúng tôi không thể nói như thế được. Quan lớn đã biết đó, dù bị đau đớn đến thế nào, tôi cũng không thể nói sai được. Ý các quan là muốn hãm hại cả nhà tôi mà cố ghép vào tội đó thôi.
- Hai cô cứ nghĩ cho kỹ, lát nữa tôi ra, tôi sẽ liệu.
Hình quan vào nhà trong, mặc chị em Ấu Mai ngồi một mình trong phòng sơ thẩm.
Một lúc hai người thấy khát nước, khát lắm. Ấu Mai nói:
- Ăn cơm rang mà không cho uống nước thì khát chết mất.
- Khát thật chị ạ. Lần này khát lắm, khát khô cả cổ.
Trước còn thỉnh thoảng nói với nhau về nỗi khát sau mệt quá, không nói được nữa. Muốn nuốt nước bọt cho đỡ khô cổ mà nước bọt cũng không có.
Chừng đến giờ Mùi, viên Hình quan lại ra, theo sau có một thầy lại mục già. Hình quan hỏi:
- Thế nào, hai cô đã nghĩ chín chưa?
Ấu Mai cố gượng nói với thầy lại mục:
- Thầy làm ơn cho xin chén nước, chúng tôi khát lắm. . .
Viên lại mục gọi với ra ngoài:
- Có tên lính nào ngoài ấy, rót hai bát nước to vào đây.
Tên lính đem hai bát nước vào để ở bàn viên lại mục.
Hình quan nói:
- Nước đây, các cô nói đi, cung đi thì được uống.
Nghe đến đấy, hai người mới biết thứ hình tấn mới, chưa từng biết, chưa từng ngờ tới, chưa từng nghĩ ra.
Cái đau khổ của hình này hơn cả hình kìm sống, hình kìm chín, roi kim, kẹp tay, nêm chân. Các hình khác dẫu có đau, song chỉ đau một phần trong thân thể; hình này thì toàn thân thể chịu đau khổ, mà chịu một cách vô hình, vô ảnh. Các hình khác dẫu có đau, nhưng còn mong vì đau quá ngất đi mà giải thoát được; hình này thì mỗi phút thêm một nỗi đau, càng lâu nỗi đau càng thấm thía. Ai cũng từng nghiệm rằng: ăn cơm rang hay khát nước. Chị em Ấu Mai nhịn nước từ giờ Ngọ đến giờ Dậu đằng đẵng trong bốn giờ - theo bây giờ là tám giờ - thì cái khát ấy nó đến độ nào! Lúc đó gan, ruột, phủ tạng, gân thịt. . . hình như nắm bỏng bị rang lửa phồng cả lên mà khô khan hết sức. Muốn nuốt nước bọt để đỡ khát, thì lưỡi miệng mỏi, hàm như nắm gạch già nung lửa, còn đâu có nước mà mong! Cùng kế, hai chị em cắn môi uống máu mà cũng chẳng ăn thua gì, vì máu mình đã vào phủ tạng mình, tựa như múc nước ao, lại đổ xuống ao. Liếc nhìn lên bàn viên lại mục thì hai bát nước vẫn đầy ăm ắp. Muốn kêu một tiếng, xin một ngụm nước mà nói chẳng ra hơi, cố gượng chỉ nói được một tiếng:
- Nước.
- Nói đi, cung đi thì được uống. Giấy bút đây viết đi.
Hai người lắc đầu.
Đến đầu trống canh hai không moi thêm được điều nào, Hình quan lại cho hai chị em Ấu Mai vào ngục.
__
[33]. Đánh thị nhục, nghĩa là đánh cho nhục chứ không cần đánh đau. Khi đánh đít cho lót.
[34]. Nói dối vua.
[35]. Tuổi nhiều hơn nhưng là con dòng thứ là thứ huynh.
[36]. Biết gian không báo thì chịu cùng tội với đứa gian.
[37]. Mười tội lớn nhất như: mưu phản, mưu đại nghịch giết vua, mưu bàn; vân vân.
[38]. Tám trường hợp có thể khiến giảm đẳng tội: thân với vua, người cũ của vua, là người hiền, là người năng, vân vân.
[39]. Miệng sắt cố gan không chịu xưng.