Giữa giờ thân, đoàn quân trẩy tới địa phận huyện Vũ Ninh, xứ Kinh Bắc. Đoàn Phong truyền hạ trại cho binh lính thổi cơm ăn.
Lần đầu tiên, đứng giữa đám đông mấy nghìn người, viên dũng tướng họ Đoàn cảm thấy mình trơ trọi, yếu đuối vô cùng.
Chung quanh không một người thân. Trước mắt, không có một cơ may thắng địch. Sự sống còn của mấy nghìn con em thật là một gánh nặng đè chĩu trên vai ông.
Giữa cánh đồng cỏ rộng mênh mông, hàng trăm tấm lều vải căng ngang hàng thẳng lối như những chồng bát úp. Ông thả bộ đi thăm từng trại cho khuây khỏa.
Trời tối mịt khi ông uể oải bước vào trong trướng. Cây đuốc nhựa chám bập bùng ánh lửa bên một mâm cơm dọn sẵn còn nghi ngút khói càng soi rõ cảnh cô đơn.
Buông mình ngồi xuống ghế, ông ngạc nhiên thấy bên cạnh mâm cơm, một hồ rượu đứng nghiêm chờ đợi bên một chiếc bát bằng sứ Giang Tây úp sấp.
Ngỡ ngàng một phút, ông nhớ ra ngay. Hồi chiều, trái với lệ thường, ông đã ra lệnh cho lính hỏa đầu mang cho ông ít rượu.
Thở dài, ông tự nhủ: Thằng Huy chắc đã yên thân ở với bác đồ, thế cũng xong về phần nó. Chỉ còn lo về nỗi mẹ con con út ở quê nhà, không biết có rắc rối gì không đây?... Ồ, mình cũng đâm ra lẩn thẩn! Sau này, khi mình hai tay buông xuôi, chúng nó mới dám bới lông tìm vết, chứ bây giờ thì có chi đáng ngại.
Nghĩ đến đây thấy nhẹ nhõm hẳn người, ông quơ tay rót rượu ra đầy bát. Kệ! Chuyện đời đến đâu hay đến đó, hơi đâu lo chuyện bao đồng!...
Bát rượu vừa bưng lên được nửa vời bỗng nghe có tiếng ám khí bay vèo. A! Đứa nào dám múa rìu qua mắt thợ đây?
Ông giật mình thấy một viên cuội trắng nằm tròn trong lòng bát.
Ông suy nghĩ rất nhanh. Viên cuội trắng bay rất chính xác, không đụng vào thành chén, không bắn ra ngoài một giọt rượu. Đúng là ngón nghề của họ Đoàn. Không thể là ai khác hơn được! Nhưng chẳng lẽ thằng bé nhà mình đã trở về! Nếu là nó, tại sao nó không vào mà lại giở trò này?
Một tia sáng lóe lên trong óc. Ông mỉm cười vỡ lẽ. A! Phải rồi!
Và ông quyết định chớp nhoáng, gục ngay xuống bàn như một người trúng độc, bát rượu đổ lênh láng.
Lắng tai, viên dũng tướng nghe rõ ba tiếng vỗ tay khe khẽ, tiếp đó tiếng gió ùa vào theo bước chân của hai người hùng hổ xông tới.
Hai thanh gươm vung lên chưa kịp xả xuống tấm thân bất động thì, lạ làm sao, ông tướng họ Đoàn đã đứng sừng sững trước mặt hai tên thích khách, khí giới của chúng đã nằm gọn trong tay ông.
Sợ hết vía, đầu gối nhũn ra, chúng quỳ gục xuống. Cùng lúc ấy, một thân hình bèo nhèo được từ ngoài trướng quăng vào ngay dưới chân ông tướng.
Nhìn kỹ thì ra đó là tên Tán lý quý hóa của ông.
Đoàn Phong reo lên khi thấy bóng một thiếu niên bước vào trong trướng. Yên trí là cậu con trai yêu quý của mình, hóa ra không phải. Ông ngỡ ngàng chắp tay định nói mấy lời xưng tạ.
- Cháu đây mà! Chú không nhận ra cháu sao? Cháu là cháu Tường Vân ở Nhị Khê.
Mừng rỡ, Đoàn Phong nhớ ra ngay cô con gái út của bạn, cười sung sướng:
- À, cháu Tường Vân, con…
Tường Vân vội cướp lời:
- Con trai út ông đồ Long Vũ làng Nhị Khê.
Nhìn kỹ người đối thoại, Đoàn Phong chợt hiểu. Ông mỉm cười, nói xuôi theo:
- A ha! Cháu tôi chóng nhớn quá!... Thầy đẻ cháu mạnh khỏe chứ?... Có gặp thằng Huy nhà chú không? Sao cháu biết chú ở đây mà đến giúp?
Ông hỏi tới tấp, trả lời không kịp.
- Xin chú hãy phát lạc mấy tên này trước đã. Chuyện còn dài, cháu xin trình chú sau.
- Ờ cháu nói phải. Chả biết mấy thằng ăn hại canh gác thế nào mà để…
- Thưa, bốn chú lính canh bị hai tên này đánh gục và trói mèo ở gốc cây ngoài kia.
Chỉ cần hạch hỏi qua loa mấy tên vừa bị bắt, Đoàn Phong đã hiểu ngay đây là thâm ý của lũ Nguyễn văn Thái, trước sau vẫn chủ hàng.
Ông bảo viên phó tướng Đinh Hoàn:
- Tống cả ba đứa vào trong tù xa cho tôi. Nhớ giữ kín vụ này. Để dẹp xong giặc, sẽ tâu triều đình trị tội.
° ° °
Sáng sớm hôm sau, đoàn quân thong thả lên đường dưới quyền chỉ huy của Đinh phó tướng trong khi hai chú cháu Đoàn Phong bí mật đi về làng Gióng.
Khoảng cuối giờ thìn, đã trông thấy đền thờ Đức Phù Đổng Thiên Vương.
Cho ngựa đi chậm lại, Tường Vân thưa với chú:
- Đến đây, cháu nhớ đường rồi. Rẽ tay trái, đi một đỗi nữa là tới nơi.
Trang trại họ Đặng rộng bao la, rõ ra vẻ một nhà cự phú.
Ngồi trên lưng ngựa ngó vào trong sân thấy vắng hoe, Tường Vân ngạc nhiên nói:
- Quái lạ! Sao lại tiêu điều như vậy nhỉ?
Đoàn Phong đâm lo:
- Hay lại có chuyện bất trắc gì đây?
- Cháu cũng ngại cái khoản đó lắm, chú ạ.
Viên tướng thở dài:
- Hai anh em nhà ấy có làm sao thì rầy rà cho chú quá!
Tường Vân nhẩy xuống ngựa, đập cửa thình thình gọi. Một tráng đinh hoảng hốt chạy tới, nhận ra chàng, reo lên và mở rộng cửa:
- A! Tưởng ai hóa ra cậu Út. Mời ông và cậu Út vào chơi.
- Ông Cả có nhà không chú?
- Bẩm, ông con… bị bắt lên huyện từ sáng sớm hôm nay rồi ạ.
Cả hai chú cháu cùng kinh ngạc hỏi dồn:
- Sao vậy? Còn ông Hai?
- Bẩm, ông Hai con cũng bị bắt luôn.
Viên tổng quản gia được tin cậu con trai út ông đồ làng Nhị Khê đến Đặng gia trang cùng với một viên võ tướng vội chạy ra đại sảnh tiếp đón. Y kể lể:
- Bẩm tướng quân, tai họa xẩy ra mới hôm qua đây nhằm ngày mừng lễ thượng thọ của Cụ Cố bà.
Trong hàng quan khách có một số thân hữu vì ở xa nên phải nán lại đêm. Đó là một dịp may để gia chủ được đãi thêm một bữa tiệc khuya. Tất cả đều sau túy lúy. Đến sáng tỉnh dậy, ông Ấm con quan Thừa chính sứ xứ Sơn Nam kêu mất một đôi vòng ngọc quý mà ông Ấm đã cao hứng đem ra khoe trong bữa tiệc.
Khách khứa đều là những nhà tai mắt, gia chủ đâu có dám nghi cho ai.
Để cho êm đẹp mọi bề, ông Cả con đành đưa số châu ngọc trong nhà ra đền cho xong chuyện. Nhưng ông Ấm không nghe, nhất định làm cho ra lẽ.
Đoàn Phong ngắt lời, hỏi:
- Sao vậy? Ông Cả xử sự nhũn nhặn như thế là biết điều quá rồi còn gì!
- Bẩm, tại vì đôi vòng ngọc của gia đình quan Thừa chính chánh sứ [1] chẳng những là một vật báu đáng giá liên thành mà còn là một cổ vật lưu truyền trong dòng họ đã mấy trăm năm nên đã trở thành vô giá. Do lẽ đó, ông Ấm nằng nặc đòi phải tìm cho ra thủ phạm và lấy về bằng được đôi vòng chứ không chịu nhận của bồi thường.
- Ờ, thế thì rầy rà quá nhỉ? Rồi sau câu chuyện ra làm sao?
- Bẩm, quan Thừa chính là một tay thần thế lớn. Vừa có họ hàng với quan Hiến sát chánh sứ xứ Kinh Bắc nhà 1, vừa là bạn thân với bọn Nguyễn văn Thái, Vũ Như Quế ở trong triều. Bởi vậy, việc đã trình lên quan trên xét xử.
- Vậy hả? Hiện giờ, ai đang tra xét vụ này?
- Bẩm, sáng nay tất cả chủ khách đều bị dẫn giải lên huyện. Nếu huyện tra xét không xong, sẽ bẩm thẳng lên tòa Hiến.
Đoàn Phong đứng dậy cáo từ:
- Thôi cám ơn tổng quản nhé. Để bọn tôi lên trên huyện xem sao. Nhờ ông tổng quản bẩm với Cụ Cố chúng tôi sẽ cố gắng can thiệp để ông Cả và ông Hai được vô can.
- Dạ, được như vậy thì cả gia đình trang chủ con đội ơn tướng quân rất nhiều.
Từ trong trang trại, cặp ngựa chiến, một đen một trắng, phi ra nhanh như một cơn gió lốc.
__
1. Đời Lê, nước ta chia làm 12 đạo. Sau đặt thành 13 xứ. Mỗi đạo hay mỗi xứ có tòa Đô coi việc Binh, tòa Thừa coi việc Chính, và tòa Hiến coi việc Hình. Đứng đầu tòa Thừa là Thừa chính chánh sứ. Đầu tòa Hiến là Hiến sát chánh sứ.