Giữa lúc kinh thành đương chìm đắm trong cảnh tối tăm mù mịt và nhân dân đương hết sức náo loạn ấy, hai người đàn bà và ba đứa trẻ bỗng từ cung vua đi ra, dáng vội vàng, hấp tấp như sợ có người đuổi bắt.
Bọn họ ra khỏi cung môn, liền rẽ vào con đường tắt từ Linh Đường sang Dịch Vọng. Họ cứ cắm cúi rảo bước, không nói một câu nào và cũng không trò chuyện gì cả. Khi vầng mây đen tan hết, ngày bắt đầu xế chiều thì họ đi đã xa kinh thành.
Nếu ai để ý ngắm kỹ thì thấy người đàn bà đi trước, mình mặc áo the thâm, quần nái, đầu chít khăn tam giang, tuy đã đứng bóng mà nhan sắc xinh đẹp lạ. Nhất là hai gót chân thiếu phụ, trên lần dép da đen, nom trắng như bột nặn, càng tỏ ra đấy là một nhân vật sinh trưởng ở nơi quyền quý. Người đi sau ít tuổi hơn, kém nhan sắc hơn, còn đứa lớn nhất tự mình đã đi được, nhưng hình như nó không quen đi xa, lại không theo kịp người lớn, khiến cho họ vừa đi vừa phải chờ đợi, dỗ dành nó mà nó vẫn nhăn nhó, khóc mếu chỉ toan những ngồi bệt xuống cạnh đường.
Thiếu phụ đi đầu hết sức lúng túng, bởi nàng không biết làm cách nào để thằng bé khỏi khóc và mấy mẹ con đi mau hơn nữa. Và chừng nghĩ đến bước long đong của mình, thiếu phụ luôn luôn buông tiếng thở dài và thỉnh thoảng lại nhấc vạt áo chùi nước mắt.
- Nào, cố đi một quãng nữa rồi mấy mẹ con cùng nghỉ! Con trai mẹ tài lắm kia, nó đi nhanh lắm, nó không khóc nữa đâu...
Những câu phỉnh phờ ấy đã mất hết hiệu lực, vì nghe đã nhiều quá quen tai rồi. Cậu bé nhất định ngồi và kêu đói ầm ĩ.
May sao, lúc ấy, đám đông đã tới đầu làng Dịch Vọng. Tên đầy tớ gái vừa trông thấy ánh đèn thấp thoáng qua lũy tre liền giơ tay trỏ và reo to:
- Kia rồi, đến nhà kia rồi! Đi cố lên rồi ăn cơm!
- Phải đấy, nào con trai đứng dậy nào! Đến nơi rồi!
Thiếu phụ tuy nói vậy mà thực ra nàng có vẻ ngờ vực, lo lắng, đưa mắt nhìn ngược nhìn xuôi một lát.
Sau cùng kế, nàng đâm liều, đi thẳng đến cái cổng ngoài của ngôi nhà gỗ ngay đầu xóm và lên tiếng:
- Có ai trong nhà, mở cổng cho tôi với!
Tiếng gọi vừa dứt, một ông già khăn lượt, áo the hình như chực sẵn, chạy ra.
Thiếu phụ vái chào và nói:
- Mẹ con tôi lỡ độ đường, xin cụ làm ơn cho nhờ một đêm, mai chúng tôi lại đi sớm!
Vị lão trượng chắp tay:
- Dám xin mời Đức bà và các vị vào trong nhà, chúng tôi hiện vẫn chờ nghênh tiếp...
Thiếu phụ choáng người:
- Chết nỗi, sao cụ dạy thế? Chúng tôi...
Ông già vẫn ra vẻ cung kính:
- Đêm qua, chúng tôi chiêm bao thấy thần nhân mách bảo rằng: "Sắp có xe giá Thái hậu và Hoàng đế giáng lâm, vậy nhà ngươi phải quét dọn nhà cửa cho tử tế để chờ nghênh tiếp!". Chúng tôi mong đợi suốt cả ngày hôm nay không thấy gì. Bây giờ mới có Đức bà và các cậu nhỏ hỏi trọ, thế thì ứng vào thần mộng rồi. Đức bà nếu chẳng phải người trong cung vua, tất cũng là người bên phủ Chúa vi hành qua đây không sai...
Thiếu phụ nghe nói mới hoàn hồn, liền đáp:
- Mộng ảo vô bằng. Xin cụ đừng quá tin như vậy mà nhỡ mang lụy vào thân!
Ông già không đáp, vì ông đã tin chắc quá. Ông đón mấy mẹ con vào trong nhà, thân đi lấy nước rửa mặt và chân tay cho mấy đứa trẻ, đoạn mời mẹ con thiếu phụ ăn cơm.
Một mâm thịnh soạn bưng ra, càng tỏ rõ là chủ nhân có dự bị sẵn thực. Đến nỗi, chính thiếu phụ vừa bảo ông già đừng tin mộng ảo vô bằng mà lúc này nàng lại cảm thấy lòng mông mênh hy vọng.
Bởi nàng quả là một bậc quý nhân: Lê Hoàng phi, chính thất của Đông cung Thái tử Duy Vỹ.
Sau khi được tin báo Thái tử đã bị hại, nàng e rằng sẽ có cái họa đập trứng phá tổ nên bẩm với Cảnh Hưng Hoàng đế cho phép nàng đem ba vị Hoàng tôn ra thành đi lánh nạn. Vua Lê thương con thương cháu đến đứt ruột mà không sao được, đành phải gật đầu. Thế là Lê Hoàng phi cùng ba con nhỏ và một đứa cung nhân bắt đầu lên đường phiêu lưu. Cũng là cùng kế đâm liều chứ giữa lúc đầy đất chông gai, Hoàng phi dám chắc đâu là cõi phúc mà đi tới. Vì vậy, từ lúc ra khỏi cung vua, Hoàng phi nhắm mắt đưa chân, lòng vẫn nơm nớp, hoang mang sợ cho tính mệnh nàng và cho tính mệnh của ba con nàng không biết chừng nào. Suy đi nghĩ lại, nàng chỉ còn độc một hy vọng, ấy là ông Trời. Phải, gặp cái tình thế như tình thế hiện nay nàng và ba con nàng đương sống, người ta chỉ còn biết trông cậy vào có một đấng Cao Xanh mà người ta cố tin là công bình, chính trực mà thôi.
Đến nay, nghe lời bậc lão trưởng thuật lại giấc chiêm bao, Hoàng phi mừng thầm có lẽ trời xanh chưa nỡ phụ nhà Lê, và mẹ con nàng lại có lúc được trở về nội phủ, sống lại cái đời vương giả chăng!
Mỗi hy vọng mới vu vơ biết chừng nào nhưng nó cũng cần thiết cho thiếu phụ biết chừng nào! Nàng cố bám lấy nó, như người chết đuối bám lấy một vật nổi, dù vật ấy chỉ là một cái bọt.
Cơm nước xong, ông già bảo đầy tớ quét giường, trải chiếu và buông màn cho bốn mẹ con thiếu phụ đi nghỉ. Tên cung nhân thì nằm ở một tấm phản gần đấy.
Ba đứa bé và cung nhân đặt mình là ngủ ngay. Chỉ có Hoàng phi không sao nhắm mắt được. Nàng thao thức suốt năm canh, vẩn vơ hết đường kia đến nỗi nọ, và càng nghĩ càng đau lòng như dao cắt...
Nỗi đau lòng thứ nhất của nàng là không được có mặt bên chồng, khi Thái tử phải chết. Nàng tuy đẹp duyên với Thái tử sau khi Tiên Dung Quận chúa từ trần mà lòng riêng với Thái tử, nàng thực kính yêu tha thiết. Con người như thế, nàng không kính yêu sao được! Nàng những tưởng vợ chồng được sum họp cùng nhau đến mãn chiều xế bóng. Ngờ đâu nửa đường duyên phận bỗng thành ra dở dang, chỉ vì một cớ không đâu.
Về phần riêng nàng, giấc mộng cung phi thình lình tan vỡ đã đành là đáng tiếc, nhưng nàng tiếc cho Đông cung Thái tử nhiều hơn. Nàng tiếc cho Thái tử nửa đời thiếu niên anh tuấn, nếu gặp được thời thế, chắc cũng chẳng chịu hèn nào. Ừ giá biết trước đời nàng nửa chừng bỗng hóa ra người vị vọng, và nếu có thể được, nàng không ngần ngại gì mà chẳng hy sinh để thế mạng cho chồng. Đến nay, Đông cung đã ra người thiên cổ, nàng một nách ba con thơ trên đường luân lạc, tử sinh biết giữ chốn nào?
Hoàng phi tủi lòng, ôm con nức nở khóc...
Bên ngoài, gà đã gáy sáng...
Lê Hoàng phi vùng dậy thì chủ nhân cũng đã dậy rồi. Ông ta bảo đầy tớ làm cơm để Hoàng phi và các Hoàng tôn ăn, lại nắm cơm sẵn đưa cho phòng xa ở dọc đường.
Lúc chủ khách từ biệt nhau, Lê Hoàng phi khóc và nói:
- Nếu trời còn để có ngày, xin báo đáp công ơn lão trượng một cách xứng đáng. Còn như không may nửa đường ngộ nạn, hồn oan xin cũng về phù hộ cho toàn gia tiên sinh!
Dứt lời, Hoàng phi cùng các con ra đi, cứ theo con đường lên trấn Đoài mà rảo bước.
May sao, hôm ấy, trời không rét quá, cũng không có nắng to nên mấy mẹ con cứ vừa đi vừa nghỉ, không đến nỗi vất vả.
Lắm lúc, Hoàng trưởng tôn Duy Khiêm hứng chí đi lon ton trên đường, ấm a ấm ớ hỏi cái này trỏ cái khác làm cho Hoàng phi cảm động cười ra nước mắt.
Đi như thế đến gần giờ Ngọ thì bốn mẹ con và tên cung nữ trông thấy một quán nước ở ngay trên bến đò Phùng. Duy Khiêm kêu đói, Lê Hoàng phi phải vào quán tạm nghỉ để cho các con ăn uống.
Nàng ngồi chưa giập bã trầu, một toán khinh kỵ đã từ mạn kinh thành ầm ầm kéo lên, do Thái giám Phạm Huy Định hướng dẫn.
Nhác thấy Hoàng phi, đoàn kỵ sĩ nhà Trịnh reo ầm ngay lên rồi vây chặt lấy quán. Thiếu phụ tái mặt, nàng ngửa trông trời và kêu to:
- Vợ chồng con cái nhà tôi làm chi nên tội mà oan gia theo mãi thế này, trời hỡi trời!
Thái giám Phạm Huy Định xuống ngựa, vái chào Lê Hoàng Phi rồi nói:
- Có lệnh Chúa thượng mời Hoàng phi về kinh thành ngay, vậy xin Hoàng phi và các Hoàng tôn lên võng cho, để thần khỏi phải lỗi đạo thần tử!
Một chiếc võng xanh tiến sau đoàn kỵ sĩ đã tới trước quán.
Hoàng phi đứng dậy bảo ba con:
- Nào thôi, các con! Ta hãy trở về!
Ba mẹ con lên võng. Quan quân tức khắc lộn trở lại kinh thành.
Duy Khiêm ngơ ngác hỏi mẹ:
- Người ta khiêng đi đâu thế hở mẹ?
Thiếu phụ nhếch mép cười chua chát:
- Người ta đưa xuống Suối Vàng để gặp mặt cha các con đấy!
Dứt lời, nước mắt nàng chảy giàn giụa, khiến Duy Khiêm kinh hãi cũng khóc òa lên...
__
Theo bản in Nhà xuất bản Kiến Thiết - 1942