Năm 1427, Đinh Mùi tháng Giêng, Tuyên Đức ngự ngai rồng mà ngỡ như ngồi trên than đỏ. Chẳng là thành Đông Quan đã bị quân Nam vây chặt. Cửa Đông, Thiếu uý là Lê Khả chốt chặn. Cửa Tây, Thái giám Lê Chửng khống chế. Cửa Bắc, Thiếu uý Lê Triện bịt lối. Cửa Nam, Tư đồ Lê Lễ rào kín. Con mèo con chó cũng khó có thể chui ra khỏi thành còn nói chi đến quân tướng của Vương Thông.
Đối luỹ với thành Đông Quan, phía bắc sông Cái là Hành dinh tiền phương của Bình Định Vương. Nơi đây có hai cây bồ đề xanh tốt. Vì vậy, nghĩa quân gọi dinh này là dinh "Bồ Đề", cho dù dinh dựng trên đất thôn Phú Hựu. Phía trước Hành dinh, Ngài dựng lầu chín tầng quan sát động tĩnh của giặc. Đêm ngày, Lê chúa ngự trên tầng chót vót. Nhãn quan lướt sóng đại giang rọi thấu sào huyệt giặc Minh. Quan Hành khiển túc trực ở tầng áp sát nhận lệnh hành sự.
Một bữa nọ, thấy sắc diện Nguyễn Trãi không hồng hào như trước, Lê Lợi lo lắm. Mưu thần số một mà suy kiệt thì nguy. Là người từng trải, Lê chúa bèn ngó tới mâm cơm của quan Hành khiển. Quả nhiên, mâm cơm do Nguyễn Chất đảm nhiệm kém mâm cơm do ngự thiện phòng lo liệu. Bình Định Vương liền truyền Tổng quản Thái giám tới:
- Ông kén một tú nữ hiền thục, biết chút chữ nghĩa lo cơm nước cho quan Hành khiển.
Tổng quản Thái giám cúi đầu giây lát:
- Bẩm chúa công, quan Hành khiển đã xấp xỉ ngũ tuần. Vậy phải kén người tuổi tác bao nhiêu cho phải phép?
Lê Lợi xẵng lời:
- Phải phép cái gì? Tú nữ nào xứng với quan Hành khiển hẳn là ông phải rõ chứ?
Tổng quản Thái giám vái chào, vội cất bước. Mấy ngày sau, ông ta đưa tú nữ mười bảy tuổi tới yết bái Bình Định Vương. Dáng vẻ kiều diễm của Mai Hương khiến Lê chúa vừa ý. Ngài hỏi tú nữ đôi điều. Mai Hương khiêm nhường, ứng đối rất phép tắc. Bình Định Vương hài lòng lắm. Ngài cho Tổng quản Thái giám lui, truyền quan Hành khiển tới. Nguyễn Trãi khoan thai bước vào Đại Nghĩa đường, cúi đầu thi lễ trước Bình Định Vương. Ánh mắt trong sáng của Mai Hương hướng tới quan Hành khiển. Nàng khẽ cúi đầu. Lê chúa truyền Nguyễn Trãi an toạ rồi ôn tồn:
- Nguyễn Chất bếp núc chưa giỏi nên khanh chưa có những bữa cơm ngon miệng. Từ nay, tú nữ kia ngày lo cơm nước đêm lo buông màn cho khanh.
Khước từ ân sủng của chúa là dại dột. Nhưng nhận ân tứ của chủ mà phải đèo bòng thêm thiếu nữ trẻ đẹp là chuốc lấy rắc rối. Bọn võ biền hẹp hòi hẳn sẽ đặt điều. Nguyễn Trãi trầm tư giây lát rồi niềm nở:
- Tạ ơn minh công đã hạ cố. Có điều, việc giải chiếu buông màn cho thần nơi duy ác không ai thay được người em họ. Thần nhờ hiền nữ việc bếp núc. Nguyễn Chất đưa cơm tới đây. Hiền nữ bớt vất vả là thuận nhất.
Hiểu ý tứ sâu xa của Nguyễn Trãi, Bình Định Vương cả cười:
- Mưu sĩ đúng là mưu sĩ. Ta chiều ý khanh vậy.
* * *
Năm Đinh Mùi tháng 2, tên tiểu tướng họ Tăng trong thành Tam Giang hàng phục nghĩa quân. Công thành là hạ sách. Tư tưởng này của Nguyễn Trãi được Lê Lợi tôn trọng. Ngài bèn sai quan Hành khiển dẫn tên hàng tướng đi chiêu dụ giặc ở Tam Giang. Trước ngày Nguyễn Trãi khởi hành, Lê Lợi hỏi:
- Chuyến đi này, khanh có cho tú nữ đi theo không?
Nguyễn Trãi đã có chủ ý bèn thưa:
- Tâu minh công, vào đất giặc thần không cho nàng ấy đi theo.
Lê Lợi cười:
- Khanh e đất giặc nguy hiểm hay e chuyện khác? Vì đại nghĩa, khanh không phải e điều gì cả. Tú nữ đi theo, khanh mới có bữa cơm ngon. Ngày thuyết hàng, khanh cho tú nữ tham dự. Trang sức của tú nữ phải đẹp. Có điều, tú nữ chỉ dự thính không dự đàm.
Thoáng chút suy nghĩ, Nguyễn Trãi hỏi:
- Thưa minh công, có phải Ngài cho giặc thấy nghĩa quân không chỉ có "tuấn kiệt" mà còn có "nữ kiệt" ?
- Đúng vậy, nhưng còn có ý khác nữa. Đó là việc đàn bà trong đoàn sứ thần khiến chúng không thể không bẽ mặt. . .
Năm người tháp tùng quan Hành khiển vào Tam Giang. Mai Hương trang phục lộng lẫy đẹp như tiên giáng trần. Bọn giặc ngỡ ngàng bởi mặt hoa da phấn mà dám dấn thân vào nơi sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Cuộc dụ thuyết diễn ra. "Nữ kiệt" không hé răng, cứ như pho tượng hồng ngọc trước bầy sói. Ánh mắt tên chủ tướng thành Tam Giang lộ vẻ bất an. Nguyễn Trãi dấn tới, nói: "Vương Thông đã kề cận bại vong. Ngoan cố giữ thành đổ thêm máu là vô nghĩa. Thức thời mới là tuấn kiệt. Ba mươi sáu kế thì hạ giáo là thượng sách" . Chủ tướng giặc là kẻ từng trải, kín kẽ nên bộc bạch rất khôn ngoan: "Tình thế hai bên đã bày ra trước mắt. Tướng giữ thành phải làm gì và làm như thế nào, bản chức tự biết cân nhắc" .
Trên đường về nhân lúc đi gần Nguyễn Trãi, Mai Hương hỏi nhỏ:
- Thưa quan Hành khiển, ngài có cho phép tiểu nữ được hỏi một điều không?
- Có gì mà phải cho phép? Nàng muốn hỏi điều gì cứ hỏi.
- Thưa, điều gì khiến ngài sợ nhất?
Lặng đi giây lát, Nguyễn Trãi đáp:
- Bản chức sợ nhất là mất lòng dân. Còn nàng, điều gì khiến nàng phải sợ?
- Thưa ngài, tiểu nữ sợ nhất là vô tình.
Nhận ra ý tứ của Mai Hương, Nguyễn Trãi lái ngay câu chuyện sang hướng khác:
- Nàng nói đúng. Kẻ có chút chức vị như Trãi mà vô tình ắt sẽ mất lòng dân. Khi đã mất lòng dân là mất hết.
Nét thất vọng hiện rõ trong mắt, Mai Hương buồn buồn nói:
- Quan Hành khiển khéo nói quá!
Năm ấy tháng 6, chủ tướng thành Tam Giang là Lưu Thanh hàng phục. Thừa thắng, Nguyễn Trãi gửi thư thu phục được thành Thị Cầu. Vậy là "Không đánh mà giặc tự khuất", hai thành của quân Minh phải mở cửa hạ cờ trong tháng 6.
Khi ấy, cuộc Nam Bắc so gươm ở thành Xương Giang diễn ra đã gần ba lần trăng vơi đầy. Vương Thông lệnh cho Kim Dận phải giữ cho được Xương Giang. Có giữ được thành này, quân Minh mới còn đường lui về bản quốc. Lý Nhậm là viên tướng hiếu thắng được phái tới cùng Kim Dận thủ thành. Vì thế, Thái uý Trần Nguyên Hãn và Tư mã Lê Sát vây chặt Xương Giang.
Năm 1427, Đinh Mùi tháng 9 ngày 18, Tuyên Đức sai An Viễn hầu – Chinh lỗ tướng quân Liễu Thăng dẫn mười vạn quân cùng hai vạn ngựa nhằm ải Pha Luỹ tiến quân. Tuỳ tướng của Liễu Thăng có Đô đốc Thôi Tụ, Bảo Định bá Lương Minh, Thượng thư Hoàng Phúc. . . Cùng ngày, Tuyên Đức còn sai Kiềm Quốc công Mộc Thạnh dẫn năm vạn quân và một vạn ngựa xốc tới ải Lê Hoa. Dưới trướng Mộc Thạnh có An Hưng bá Từ Hanh, Tân Ninh bá Đàm Trung.
Biết chắc vua Minh sẽ sai quân sang hòng lật ngược thế cờ, Bình Định Vương cho lập ngay hệ thống trạm truyền tin. Cứ mười dặm, Ngài cho dựng một trạm. Mỗi trạm có bốn người, hai ngựa. Ngày cũng như đêm, hễ cần truyền tin là người phải lên yên ngay.
Nghe tin hai đạo quân của giặc như lũ tràn sang, Nguyễn Trãi tâu với Bình Định Vương:
- Thưa minh công, giặc tiến sang như gió thu cuốn lá. Thần đoán chúng chưa biết Xương Giang đã mất.
- Có lý đấy. Nếu biết Xương Giang đã về tay quân ta, giặc tiến quân ắt phải dè dặt. Vậy ta nên công thủ thế nào?
- Thưa, Ngài phải cầm chân giặc ở Lê Hoa, dụ Liễu Thăng vào sâu rồi mới vây đánh. Liễu Thăng hiếu thắng chắc sẽ mắc mưu.
- Quân sư trù liệu rất hợp ý ta.
Bình Định Vương liền truyền Lê Sát tới:
- Ta đã có phương lược. Liễu Thăng đánh tới, Lê Lựu chống cự lấy lệ rồi bỏ Pha Luỹ lui về ải Lưu. Giặc tràn tới ải Lưu, Lê Lựu rút chạy dụ giặc tới Chi Lăng. Tướng quân dẫn theo Nhân Chú, Lê Liệt, Lê Thụ cùng bốn vạn quân tới bày trận ở Chi Lăng. Lê Lựu dụ giặc tới đó. Tướng quân cùng Lê Lựu quây lấy Liễu Thăng mà đánh.
Lê Sát tỏ vẻ phân vân:
- Thưa chúa công, thần chỉ e một điều.
- Có phải tướng quân e giặc nhiều hơn quân ta bội phần?
- Thưa, Chi Lăng đường hẹp lại khuất khúc. Quân đông phỏng có ích gì? Thần e là e Mộc Thạnh vu hồi.
- Ta lo xa nên đã cử thêm Phạm Văn Xảo tới Lê Hoa rồi. Không có chuyện Mộc Thạnh đánh sau lưng đâu.
Lê Sát phấn chấn:
- Vậy thì Liễu Thăng mạt vận rồi.
Thiếu bảo Lê Lựu y lệnh Bình Định Vương dụ giặc tới Chi Lăng. Khi ấy, Tư mã Lê Sát và Hành quân Tư mã Lê Nhân Chú đã bày xong thiên la địa võng. Cuộc hội đàm chư tướng chớp nhoáng diễn ra. Sở trường sở đoản của ta và của giặc được đặt lên cân. Cuối cùng, các tướng chọn kế của Lê Nhân Chú. Khi Liễu Thăng đánh tới, Lê Lựu ra khiêu chiến rồi tháo chạy dụ giặc vào ổ phục kích. Lê Sát và Lê Nhân Chú khai chiến thì bắn pháo hiệu. Thấy pháo hiệu đỏ vọt lên trời, Lê Lựu dẫn quân quay lại hội chiến.
Tháng 9 ngày 20, giặc công phá Chi Lăng. Lê Lựu vờ đón đánh rồi lui quân ngay. Liễu Thăng mừng lắm. Khi biết tướng vừa trông thấy quân "thiên triều" đã tháo chạy chính là tướng giữ ải Pha Luỹ mới lui về Chi Lăng, Chinh lỗ tướng quân Liễu Thăng cả cười: "Ải hiểm này mà không giữ chặt, xem ra nước Nam không có ai đáng gọi là tướng" . Tên Tổng binh kiêu ngạo liền đốc suất đại quân đuổi theo. Đợi cho trung quân của giặc lọt vào quyết chiến điểm, Lê Sát và Lê Nhân Chú tung quân Đông, Tây, Nam, Bắc cùng năm thớt voi vào trận. Lê Lựu đánh ngược trở lại. Đội hình giặc bị chia cắt thành nhiều mảng. Chúng không tiếp ứng được cho nhau. Trung quân của giặc bị quân Nam ép tới cánh đồng Chi Lăng lầy lội. Người ngựa của giặc bị sa lầy. Liễu Thăng vùng vẫy trèo lên được sườn núi Mã Yên bị tuỳ tướng của Lê Nhân Chú chém đứt đầu. Hơn một vạn giặc phơi thây. Thủ cấp Liễu Thăng được đưa ngay tới dâng Bình Định Vương. Ngài mừng lắm lập tức cử Lê Lý và Lê Văn An dẫn ba vạn quân tới nơi đang xung sát. Có thêm quân tiếp chiến, Lê Sát và Lê Nhân Chú như hổ thêm nanh vuốt, cứ quây chặt giặc mà đánh. Ngày 25, Bảo Định bá Lương Minh rơi đầu. Bị quân ta vây chặt, Thượng thư Lý Khánh tuyệt vọng tự sát vào ngày 28.
Đô đốc Thôi Tụ thay Liễu Thăng chấn chỉnh quân ngũ cố tiến lên, bị Lê Nhân Chú giáng cho một đòn sấm sét. Quân giặc bị loại ra ngoài vòng chiến gần hai vạn tay gươm.
Thôi Tụ đinh ninh thành Xương Giang vẫn của "thiên triều" . Bởi người do ông ta cử đi thám thính nhìn rõ cờ hiệu của Kim Dận vẫn phấp phới trên cổng thành. Thôi Tụ mừng lắm đốc quân tiến gấp. Tháng 10 ngày mùng 5, giặc tiến đến tả ngạn sông Xương Giang (sông Thương), cách thành hơn một dặm bị phục binh của Lê Lý và Lê Văn An chặn đánh quyết liệt. Ông ta vội sai một tốp kỵ binh liều chết xông lên băng tới sát chân thành, bắn thư vào trong xin binh ứng cứu. Nào ngờ, lá cờ có chữ "Kim" ở cổng thành bị hạ xuống. Lá cờ thêu bốn chữ vàng "Thế thiên hành hoá" được trương lên. Thôi Tụ hồn vía lên mây. Xương Giang đã mất có nghĩa là đường tới Đông Quan đã bị triệt. Rút quân cũng không xong, đường lớn đường nhỏ chắc chắn quân Nam đã bịt rồi. Tiến không có đường lui không có lối, Thôi Tụ đành hạ trại giữa đồng, đào hào đắp luỹ phòng thủ chờ viện binh từ Bắc sang.
Thật là mỉa mai! Cứu binh mong chờ cứu binh, Tuyên Đức moi đâu ra quân? Dù Tuyên Đức có vét được quân đưa sang nhưng nước xa cứu sao được lửa gần!
Tăng cường sức công phá cho Lê Sát và Lê Nhân Chú, Bình Định Vương sai Lê Vấn, Lê Khôi dẫn ba nghìn quân thiết đột cùng bốn thớt voi tới Xương Giang.
Thôi Tụ chơ vơ giữa cánh đồng, xung quanh tầng tầng quân Nam vây bọc. Mùa đông, heo may hun hút vàng lá trụi cây. Vậy mà lạ thay, sấm sét bỗng nổi lên ầm ầm, dông gió gào thét, mưa trút ào ào ba bốn ngày đêm không dứt khiến giặc khốn đốn. Cạn lương, giặc phải ăn cơm độn cỏ. Hết lương, giặc phải lấy cỏ thay cơm. Rồi rễ cỏ cũng không có để tọng vào bụng, lũ giặc khốn khổ không sao tả xiết. Đói rét khiến tinh thần giặc sụp đổ, nhuệ khí tiêu tan. Bình Định Vương bèn hạ lệnh công phá. Bốn phương tám hướng, mười lăm vạn dũng sĩ nhất tề vung gươm diệt bầy sói xâm lăng. Giặc bị vỡ trận. Hơn năm vạn giặc phơi xác trên đồng Xương Giang. Hàng vạn tên run rẩy khuất phục. Thôi Tụ, Hoàng Phúc cúi đầu chịu trói. Tháng 10 ngày 15, đại quân của Thôi Tụ bại vong hoàn toàn.
Mộc Thạnh án binh phía bắc ải Lê Hoa nghe ngóng thắng bại của Liễu Thăng. Phạm Văn Xảo cùng Lê Khả y lệnh Bình Định Vương ngậm tăm giấu quân, không bỏ qua một biểu kiện nhỏ của Mộc Thạnh. Nghe tin Liễu Thăng rơi đầu còn Thôi Tụ và Hoàng Phúc đã ngồi xe tù, Mộc Thạnh không dám tin. Nhưng tâm phúc của Liễu Thăng đă bị trói được tuỳ tướng của Phạm Văn Xảo dẫn tới, kèm theo là phù ấn của Tổng binh Chinh lỗ tướng quân thì giả sao được? Mộc Thạnh bàng hoàng. "Tam thập lục kế tẩu vi thượng sách", ông ta nhảy tót lên ngựa ra roi tháo chạy. Năm vạn quân hoảng loạn tranh đường chạy theo. Chớp thời cơ, Phạm Văn Xảo cùng Lê Khả đi đường tắt chặn đánh giặc ở Lãnh Câu, Đan Xá diệt hơn một vạn tên. Suối Lãnh Câu chất đầy xác giặc khiến nước phải nghẹn dòng.
Tin hai đạo quân sang giải vây đã đại bại, Liễu Thăng đã tử trận loang tới Đông Quan. Vương Thông chưa tin cứ đóng chặt cổng thành nghe ngóng. Vài ngày sau, Tổng binh Đông Quan nhận được thư của Thôi Tụ, ấn son còn thơm mùi mực. Ngoài thư, tên đầu sổ giặc còn nhận được cả sổ quân của Liễu Thăng. Vương Thông choáng váng ngất đi. Nội quan Sơn Thọ phải mài "Nhân sâm bách tuế" cạy mồm đổ vào. Một lát sau, Vương Thông hồi tỉnh nói với Sơn Thọ:
- Bây giờ, ta cần những lời gan ruột. Ông đừng e ngại gì cả.
Lặng đi một lúc, Sơn Thọ mới cất lời:
- Thưa ngài, muốn hàng vạn người không biến thành những nấm mồ hoang xứ lạ thì chữ "Nhu" là chữ hữu hiệu nhất.
Vương Thông phân vân hai ba ngày chưa quyết. Đang lúc bối rối, đoàn sứ thần của Bình Định Vương do quan Hành khiển dẫn đầu tới. Vương Thông cùng Sơn Thọ vội ra chào đón. Vào tới sảnh đường, nghi thức xã giao diễn ra chốc lát, rồi Vương Thông mời quan Hành khiển vào trai phòng. Cuộc bàn kín diễn ra. Quan Hành khiển nói với Vương Thông những điều gì chỉ có hai người và trời biết. Sau khi quan Hành khiển cùng đoàn sứ thần lui gót, Sơn Thọ hỏi Vương Thông:
- Thưa ngài, có phải Bình Định Vương mở cho quân ta sinh lộ?
Vương Thông rầu rầu:
- Không như vậy, đệ nhất mưu thần của ông ấy tới đây làm gì. Thôi cũng đành, ta có thể mất đầu nhưng hàng vạn tướng sĩ thoát chết là phúc cho muôn nhà rồi.
Tổng binh Vương Thông thao bút thảo thư giảng hoà, xin nghĩa quân mở cho đường về. Thư giảng hoà tới Hành dinh Bồ Đề. Bình Định Vương truyền văn võ tới hội kiến. Với một số võ tướng, hai đạo cứu binh đã bại. Giặc không có gì đặt lên bàn cân nên chúng phải hàng phục, không có chuyện giảng hoà, Một số võ tướng khác lại muốn có thêm một trận Xương Giang cho hả dạ nên họ quyết đánh. Bình Định Vương bèn hỏi quan Hành khiển. Để tránh gây hiềm khích với các võ tướng chủ chiến, Nguyễn Trãi bộc lộ ý tứ rất khôn khéo: "Thưa minh công, hoà mục chấm dứt can qua đó là thiên ý" .
* * *
Năm Đinh Mùi tháng 11 ngày 22, hai bên Hội thề ở nam thành Đông Quan. Tháng 12 ngày 16, Tổng binh Vương Thông yết bái Bình Định Vương. Ông ta nói:
- Thưa Bình Định Vương, bản chức xin tạ ơn Ngài. Nhờ lượng bao dung của Ngài, hàng vạn người được sống. Ngày mai, bản chức hồi binh. Vậy xin được tạ từ.
Bình Định Vương thủng thẳng:
- Ngươi phải cảm ơn quan Hành khiển của ta mới đúng. Các võ tướng muốn có thêm một trận như trận Xương Giang cho hả giận. Thật là phúc cho bọn ngươi, quan Hành khiển đã lên tiếng: "Hoà mục chấm dứt can qua đó là thiên ý" .
- Hoá ra là vậy. Quan Hành khiển của Ngài quả là nhìn xa trông rộng. . .
Bình Định Vương nói tiếp:
- Hán, Đường, Tống, Nguyên tham lam, cậy mạnh ức hiếp nước Nam. Rốt cuộc, các triều đại ấy đều bại vong. Vua Minh không lấy việc trước làm gương nên đã chuốc lấy hao người tốn của. Không muốn gây thù kết oán, ta mới cho nghị hoà để dứt can qua. Trời đất sông bể Nam Bắc đã phân định rõ ràng. Từ nay, vua Minh muốn dân Trung Nguyên được hưởng phúc thì chớ có ép dân Đại Việt cầm gươm.
Vương Thông cung kính:
- Lời của Bình Định Vương hợp với đạo trời. Bản chức sẽ tâu lên quốc vương bản quốc.
Vương Thông dẫn cánh quân bại trận cuối cùng rút về nước theo đường bộ. Bình Định Vương truyền Nguyễn Trãi tới, nói:
- Đêm qua trong mơ, ta nghe thấy tiếng sấm Xương Giang. Trời có giúp thì mới có sấm đông nổi dậy. Đúng là sấm động mở đường xuân. Khanh thảo ngay Đại cáo để xuân mới ban bố thái bình với thiên hạ.
Cảm thấy Nguyễn Trãi muốn nói điều gì nhưng còn e ngại, Bình Định Vương ôn tồn:
- Khanh muốn nói gì thì cứ nói ra.
- Thưa, thần muốn xin một việc.
- Chức tước phải không? Với khanh, Lê mỗ không tiếc.
- Thần không xin chức tước mà chỉ xin ban hôn thôi.
Bình Định Vương cười:
- Giao tú nữ cho khanh là đã ban hôn rồi, còn phải xin gì nữa?
- Thưa, Nguyễn Chất rất ưa Mai Hương nên thần. . .
- Thì ra là vậy. Khanh e ngại à?
- Thần thấy chỉ có người em họ mới làm cho nàng ấy được yên ấm.
- Những người nhiều chữ như khanh thường hay gàn. Thôi thì ta cũng chiều khanh. Tú nữ ấy được êm ấm thì ta cũng mừng.
Sau đám cưới, cô dâu chú rể đến từ biệt quan Hành khiển. Mai Hương không hé răng mà cứ chằm chằm nhìn Nguyễn Trãi, nước mắt ứa ra. Quan Hành khiển không biết nói gì nên đành nín lặng. Bóng hai người chìm vào sương xuân. Lúc ấy, ngài mới thấm buồn và cảm thấy lòng trống trải. . .