Năm Kỷ Dậu (1309) thời Anh Tông nhà Trần, một sinh linh kính cáo thiên địa rằng nhân gian thêm một tiếng khóc. Đáng buồn là đứa trẻ ấy lại chào vầng dương trên đất Trung Nguyên, mặc dù sinh linh mang tinh phách Đông A. Có điều "Quốc phá sơn hà tại", sông núi vẫn sông núi Hoa Hạ nhưng triều đình lại của Mông Thát. Hán tộc miệt thị gọi là rợ Hồ - rợ Hung nô. Nhưng thật mỉa mai, Trung Nguyên vĩ đại phải quỳ gối trước rợ đó. Còn Đại Việt nhược tiểu "man di", già trẻ gái trai chỉ có năm triệu mà đã ba lần dạy cho cường tặc Mông Nguyên biết thế nào là: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư". Khi toàn dân Đại Việt tấu khải ca là lúc cha đứa trẻ huyễn hoặc tự lừa mình: "Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên"!
Đứa trẻ đó là Trần Hữu Lượng. Cha đứa trẻ là Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc - đệ ngũ hoàng tử của vua Thái Tông Trần Cảnh. Hoàng tử này có bốn hoàng huynh: Trần Quốc Khang, Trần Hoảng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh và một hoàng đệ là Trần Nhật Duật. Họ có mẹ là Hoàng hậu Thuận Thiên.
* * *
Một người anh gắn bó với Trần Hữu Lượng sinh năm Ất Hợi (1275). Ngoài tên Trần Hữu Thành, người anh này có một tên ít người biết, đó là Trần Ích Xã. Bốn tuổi, Trần Hữu Thành được khai tâm bằng dáng chữ của Chiêu Quốc vương, kèm theo lời giảng: Cha là Ích Tắc. Con là Ích Xã. Xã Tắc là thần đất và thần lúa, cũng có nghĩa là triều đình và giang sơn. . .
Hữu Thành tư chất trời phú, học một biết hai, bảy tuổi đã làu thông kinh sách. Một lần sau khi nghe bố giảng bài, Hữu Thành hỏi:
- Bố ơi, họ Trần ta sao không có Thái Tổ?
Con hỏi vô tình chạm tới điều từ lâu Ích Tắc không vừa lòng. Trần Cảnh không xưng Thái Tổ vì được nhà Lý nhường ngôi. Là "Thiện hoàng" [1], thứ nam của Trần Thừa chỉ được phép xưng Thái Tông. Với Ích Tắc, nhà Trần được nhường ngôi là giả, cướp ngôi mới là thật. Chú cướp ngôi nhưng tránh tiếng nên trao ngai vàng cho cháu. Trần Cảnh xưng Thái Tổ mới xứng, xưng Thái Tông chỉ là cách che mắt thiên hạ. Nhưng con trẻ hỏi biết trả lời sao đây? Tốt nhất là khất lại:
- Con cứ đọc sách, sau này sẽ rõ.
Chớp chớp mắt, Hữu Thành lại hỏi:
- Tĩnh Quốc vương là trưởng hoàng tử sao không được làm vua, bố nói cho con được tỏ tường đi.
Chưa muốn cho con biết những rắc rối bởi chiếc ngai vàng, Chiêu Quốc vương lại khất:
- Sau này, con đủ khôn ắt sẽ tỏ tường.
Đúng là sau này Hữu Thành đã hiểu. Thân phụ lợi dụng Quốc Khang không được kế vị Thái Tông nhằm thay đổi triều đình.
Ích Tắc coi lịch sử sơ khởi triều Trần là lịch sử của Trần Thủ Độ. Trong mắt Chiêu Quốc vương, Thủ Độ là kỳ tài nhưng gian hùng. Trần Tự Khánh đổ của "buôn Thái tử" chỉ trong phạm vi mong em gái trở thành Hoàng hậu. Thủ Độ không dừng ở đó. Ông ấy "cho mượn ý trung nhân" nhằm trói vua bỏ bị. Khi đã khống chế được triều đình, viên quan đầu triều liền tạo ngay kỳ duyên nhi đế ấu thần - hoán hoàng quyền. Hai đứa trẻ vắt mũi chưa sạch biết sao được mưu mô chấn động càn khôn của thợ cày khi đã nắm binh phù Điện tiền chỉ huy sứ trong tay. Triều đình đã nằm trong rọ. Quan Điện tiền liếc mắt. Trọng thần Lý triều là Phùng Tá Chu vội thảo "Chiếu nhường ngôi". Ngài là một trong ba danh gia xứ Thái mà Trần Tự Khánh đã "mua" thuở Thái tử Sảm chạy về Lưu Gia lánh nạn.
Thái sư luôn suy nghĩ và hành động bất tuân kinh sách. Phải chăng vì thế có những điều nằm ngoài trù liệu của ngài? Trần Cảnh và Thiên Hinh hơn mười năm giường loan gối phụng mà hoàng tử vẫn nhởn nhơ trên mây. Đông cung chưa chủ, triều đình ẩn tàng mầm loạn. Người khác ngồi vào ngai rồng, công của đệ nhất danh thần khai quốc khác gì công dã tràng. Thuận Thiên đang mang cốt nhục Trần Liễu kém trí vơi tài. Thái sư ít chữ nhiều mưu nhếch mép. . . Lập tức "đảo chính khăn yếm" diễn ra, chị dâu phải lấy em chồng. Phu nhân Trần Liễu đăng ngôi Hậu. Nếu tinh túy cốt nhục Trần Cảnh - Thuận Thiên khai hoa hoàng tử, giọt máu đó nghiễm nhiên làm chủ Đông cung. Nhược bằng Trần Cảnh vô sinh, giọt máu Trần Liễu mà Thuận Thiên đang hoài thai trở thành "con ruột" Thái Tông, ngự ngôi Thái tử ai dám ho he? Sự quyền biến của Lã tướng quốc Trung Nguyên xưa chắc gì đã hơn mưu chước của Trần Thái sư Đại Việt.
Phúc lớn cho Đông A, Thái Tông hữu sinh. Cuộc hôn thú ngoài luân thường khai hoa. Đó là đệ nhị hoàng tử Trần Hoảng ra đời năm Canh tý (1240). Có điều, ngài lại là đích tử của Hoàng đế Thái Tông. Thống quốc Thái sư không phải úp úp mở mở nữa. Trần Hoảng được lập ngay làm Thái tử, năm Mậu Ngọ (1258) trở thành Hoàng đế Thánh Tông. Còn Trần Quốc Khang, giọt máu của Trần Liễu - Thuận Thiên đúng là "trưởng hoàng tử" nhưng huyết thống không thuộc "đế hệ", được toàn mạng và thụ tước Tĩnh Quốc vương là may lắm rồi.
Khi Trần Thủ Độ còn sống, Ích Tắc còn nhỏ nên chưa "sinh sự". Năm Giáp Tý (1264), Thái sư tạ thế cũng là lúc Chiêu Quốc vương bước vào tuổi trưởng thành, toan tính nảy ra. Nhưng Ích Tắc không ra mặt mà ngấm ngầm kích Quốc Khang tìm cách giành lại ngôi vua. Nếu mưu mô này thành, "triều đình Trần Quốc Khang" sẽ là của Ích Tắc. Kết cục, ngôi vua là của Chiêu Quốc Vương.
Thánh Tông rất cao minh. Năm Tân Dậu (1261), Trần Quang Khải mới 21 tuổi đã được phong tướng. Là anh, Quốc Khang đã 24 tuổi nhưng hàm tướng không được phong, bởi tài năng tầm thường. Vua nói Quốc Khang "tài năng tầm thường" chỉ là lấy cớ. Chủ ý của vua là lo xa nên không cho binh quyền. Không có thực lực, Quốc Khang khéo léo từ chối Ích Tắc. Biết chuyện này, Thánh Tông cố lờ đi. Nếu làm to chuyện, anh và em rơi đầu, còn liên lụy hàng trăm người của hai phủ. Hữu sự tày trời mà vua coi như vô sự. Việc hơn hết của triều đình là trên dưới đồng tâm nhất chí. Vì họa giặc Thát xâm lược đã kề bên.
Ích Tắc coi nước cờ "Trần Quốc Khang" đã hỏng. Ông ta liền đi nước cờ khác: Vọng Bắc.
* * *
Năm Giáp Thân tháng chạp, giặc Nguyên động binh. Vậy là 27 năm kể từ năm Đinh Tỵ (1257), giặc Thát không ngó tới Đại Việt. Ấy là vì từ lần bị triều Trần dần cho nhừ đòn ở Đông Bộ Đầu, 18 tháng sau vào năm Canh Thân (1260), vua Nguyên là Mông Kha bị quân Tống bắn chết ở cổng thành Điếu Ngư. Một cuộc tranh ngôi Hãn diễn ra tàn khốc. Hàng chục đầu rơi Hốt Tất Liệt mới có ngai vàng. Hơn mười năm vua Nguyên thân ở Hoa Hạ tâm ở đại mạc, tình hình bản quốc mới tạm ổn. Hốt Tất Liệt liền ngó xuống phương nam. Đại Việt nhỏ bé nhưng cứng đầu. Nam Tống to xác nhưng bạc nhược. Vua Nguyên chọn Nam Tống làm bữa tiệc "tráng miệng" trước khi "khai tử" triều Trần.
Năm Mậu Dần (1278), mùa thu, năm mươi vạn quân Nguyên vượt Trường Giang. Tám mươi vạn quân Nam Tống trở thành đàn dê cho bầy sói đại mạc ăn thịt dần. Năm Kỷ Mão cuối xuân, triều Nam Tống bỏ kinh thành tháo chạy. Đường lớn quân Nguyên chốt chặn hết. Hơn mười vạn người phải xuyên rừng băng núi thoát thân. Đường hẻm chênh vênh xe, ngựa không đi được. Xe biến thành củi đun. Ngựa biến thành lương thực. Hoàng đế, phi tần, văn thần, võ tướng, quân lính phải chạy bộ. Vua Tống là Triệu Bỉnh rã rời không nhấc được chân. Tể tướng là Lục Tú Phu phải cõng vua mà chạy. Tới Nhai Sơn, bể cả chắn trước quân giặc đuổi áp sau. Tể tướng hỏi vua:
- Tâu Hoàng thượng, thần phải làm gì bây giờ?
Trên lưng Tể tướng, vua đáp:
- Còn làm được gì nữa, nhảy xuống bể.
- Thần tuân chỉ.
Trong chớp mắt, vua và Tể Tướng chìm dưới sóng. Hơn mười vạn người nhảy xuống bể theo vua. Mấy ngày sau, bờ bể Nhai Sơn xác nổi lều bều dài hơn hai dặm. Quân Nguyên tìm thấy xác vua Tống hai tay ôm chặt lấy Tể tướng.
Đây là cuộc tuẫn tử lớn nhất nhân loại. Triều Tống 18 đời vua, 319 năm kết thúc năm Kỷ Mão (1279) như vậy đó.
Nam Tống đổ, vua Trần lo, Ích Tắc mừng. Ba năm trôi qua chưa thấy giặc động binh, Ích Tắc sốt ruột: "Gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam"(ĐVSKTT).
* * *
Đại Việt năm Ất Dậu - 1285
Tháng giêng ngày mùng 6, Ô Mã Nhi dẫn kỵ binh đại mạc như lốc xoáy băng tới Vạn Kiếp. Quốc công Tiết chế hộ giá hai vua ngự khinh chu rời Thăng Long.
Ngày 12, quân Nguyên tràn qua Vũ Ninh, xốc tới Đông Bộ Đầu hạ trại. Đỗ Khắc Chung tay không tấc sắt, một người một ngựa, mang thư trá hàng vào quân doanh Ô Mã Nhi dò la tình hình địch. Nắm được mưu gian của giặc, Đỗ Khắc Chung lừa Ô Mã Nhi thoát thân trở về tâu với vua Trần: Thưa Hoàng thượng, Thoát Hoan buộc vua phải quy hàng. Trước hết, giặc bắt Công chúa An Tư phải sang hầu Thoát Hoan. Chúng bắt giam hàng vạn dân lành. Công chúa không sang, chúng giết hết.
Ngày 18, An Tư vành vạnh trăng ngời, Công chúa út của Hoàng đế khai triều, hoàng muội của Thái Thượng hoàng, hoàng cô của vua Nhân Tông, vâng ý hoàng huynh, cắn răng nuốt lệ dứt tình tướng quân Trần Thông sang trại giặc. Khi An Tư bước xuống thuyền,Thái Thượng hoàng ứa lệ cất lời: Triều đình trông vào Công chúa, anh trông cậy ở em, khéo léo níu chân Thoát Hoan dăm bữa nửa tháng. Quốc công có thêm ngày giờ bày trận ắt quốc nạn sẽ qua.
Công chúa An Tư gật gật đầu trong đầm đìa nước mắt.
Tháng hai, Toa Đô chỉ huy 380 chiến thuyền từ Chiêm Thành tiến ra, cùng cánh quân của Ô Mã Nhi tạo thế gọng kìm kẹp nát triều Trần. Chương Hiến hầu Trần Kiện trấn giữ Thanh Hóa dẫn vợ con và thuộc tướng là Lê Trắc đầu hàng giặc. Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng kịch chiến với giặc ở Thiên Mạc tử trận oanh liệt. Danh tướng dòng dõi Lê Đại Hành, được ban quốc tính trước khi chết đã ném vào mặt giặc Nguyên: "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc".
Tháng ba, hai vua ra cửa Nam Triệu, vượt bể vào Thanh lánh nạn.
Tin quân Trần núng thế rồi thua trận, Thái Thượng hoàng và vua tránh thế giặc cường, tạm ẩn thân khiến Ích Tắc chắc mẩm số phận Đại Việt cũng như số phận Đại Tống. Ông ta vui ra mặt, dẫn cả nhà và thuộc hạ sang góp sức cùng giặc Nguyên tiêu diệt vương triều mà cha đẻ ông ta đã lập nên vương triều ấy. Vua Nguyên phong cho Ích Tắc làm An Nam Quốc vương. Nhưng niềm hân hoan của Ích Tắc chưa tròn tháng, vận trời đã đổi thay!
Tháng tư, quân Trần phản công như chẻ tre.
Tháng năm, hai trận lừng lẫy Đông A hào khí xung thiên: Trận Tây Kết hai vua chỉ huy chém Nguyên soái Toa Đô, trận Vạn Kiếp Quốc công Tiết chế cả phá giặc Thát. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tránh tên đạn, quân lính khênh chạy về bắc.
Nghe tin Thái tử Thoát Hoan đại bại, Ích Tắc bàng hoàng rụng rời chân tay. Ông ta ru rú ôm ngụy mỹ danh "An Nam Quốc vương" nén lòng chờ ngày giặc Nguyên tiêu diệt Đại Việt.
* * *
Trần Ích Tắc qua đời, Hữu Lượng mới 11 tuổi. Hữu Thành thay cha dạy em đèn sách. Qua người anh cùng cha khác mẹ, Hữu Lượng hiểu quê hương Tức Mặc - Thiên Trường và vương triều Trần. Em hỏi gì, Hữu Thành cũng giảng giải cặn kẽ. Nhưng hễ Hữu Lượng hỏi vì sao bố bỏ triều Trần chạy sang với người Nguyên là Hữu Thành đánh trống lảng hoặc ậm ừ cho qua chuyện.
Tới tuổi trưởng thành, Hữu Lượng đã có kiến thức Nho học kha khá. Nhà có nhiều sách bố để lại. Hữu Lượng say sưa "kho vàng" đó, ngẫu nhiên thấy hai tập sách viết tay. Tập thứ nhất là "Đại Nguyên phạt Việt" của Trần Ích Tắc. Tập thứ hai là "Đông A võ phái" của Trần Tự An. Chàng trai họ Trần tha quốc từ khi còn là hư không ngấu nghiến nuốt tươi tập "Đại Nguyên phạt Việt" nên đã hiểu căn nguyên bố phản Việt đầu Mông. Với tâm trạng buồn rầu, Hữu Lượng hỏi anh:
- Nếu bố hoàn sinh, anh bênh bố hay chống bố?
Hữu Thành giật mình:
- Chú hỏi gì mà lạ thế?
Hữu Lượng đặt tập "Đại Nguyên phạt Việt" trước anh:
- Tập sách này anh chưa biết chăng?
Trần Hữu Thành sững sờ, suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Chú đã biết anh giấu làm gì nữa. Năm theo bố sang đây anh mới 11 tuổi. Lớn lên, anh không dám hỏi bố. Cũng may, anh được thuộc hạ tâm phúc của bố cho biết tỏ tường: Chiêu Quốc vương coi giặc Thát là "thiên kiêu" - giặc trời. Chúng đã diệt Tây Hạ, Liêu, Kim, Cao Ly. Hùng cương như Nam Tống cũng bị vó ngựa đại mạc đạp bằng. Đại Việt hèn yếu chống sao nổi. Ngài trù tính sang trú chân ở đất Nguyên vài ba tháng. Triều Trần đổ, Nguyên Thế Tổ sẽ giao sông núi Đại Việt cho ngài quản. Nào ngờ, người Nguyên thua to. Năm Mậu Tý, vua Nguyên lại động binh. Bị đại bại ở Bạch Đằng, Thoát Hoan mất ngôi Thái tử. Đại Việt ba lần đánh cho người Nguyên mảnh giáp không còn. Vậy mà Chiêu Quốc vương vẫn nói: "Rồi Đại Nguyên sẽ mã đáo công thành". Ngài tin lần chinh nam thứ tư vào năm Giáp Ngọ (1294), mùa đông mà Hốt Tất Liệt ấn định. Binh lương chuẩn bị đã đầy đủ. Nào ngờ đầu xuân năm ấy, Hốt Tất Liệt chết. Thiết Mộc Nhĩ lên làm vua. Thành Tông Thiết Mộc Nhĩ đã bãi binh đánh Đại Việt. Nguyên đế nhận ra có thể thua triều Trần lần nữa. Điều tồi tệ ấy mà xảy ra không khéo sẽ mất cả Trung Nguyên. Đến lúc ấy Chiêu Quốc vương mới tin, ngài không còn có ngày trở về Đại Việt nữa.
Hữu Thành ngừng lời. Hữu Lượng hỏi:
- Người thuộc hạ thân tín của bố là ai?
- Đó là cụ Nguyễn Nhật Nam, bố của Nguyễn Nhật Trung. Vì nhớ quê cụ ấy sinh ốm đau lú lẫn cả rồi. Chú đã lớn khôn. Đúng sai của bố, người đời bàn mãi không dứt. Phận làm con, chú hận bố hay thương bố?
Suy nghĩ khá lâu, Hữu Lượng đáp:
- Bố đã mất, đúng sai không bàn nữa. Nhưng điều này không được quên, vó ngựa Mông đạp bằng hàng chục vương triều. Vậy mà chinh nam, chúng ba lần thua Đại Việt. Võ công hiển hách này Lê, Lý sánh sao được. Em nghĩ phải làm gì đây để không hổ với hoàng tộc.
Những điều anh nói khiến Hữu Lượng càng thêm suy tư. Biết làm gì hơn là vùi đầu vào sách, gia thư đã cho Hữu Lượng tỏ tường. Thủy tổ của chàng trai ở tuổi "nhi lập" có gốc gác họ Quy. Ngài làm quan nhà Chu, ngự hàng Tam công, được phong ấp Trần, bèn đổi họ Quy thành họ Trần. Ấp Trần trong địa giới đất Mân vùng đông nam Trung Nguyên. Cũng như họ Trần - Quy, dân vùng này thuộc tộc Bách Việt.
Thời Triệu Đà làm vua nước Nam Việt, viễn tổ của Trần Hữu Lượng là Trần Tự Minh. Ông làm quan trong triều đình Nam Việt, chức Tả Thị lang, tước Phương Chính hầu. Chức tước dù không xoàng nhưng ông thuộc tộc Bách Việt. Những quan đồng triều tộc Hán coi ông là dòng giống man di. Mâu thuẫn giữa "man di" và "sang quý" xảy ra, họ ngầm hại Phương Chính hầu. Nhằm bảo toàn gia quyến, quan Tả Thị lang họ Trần phải dẫn gia tộc chạy sang Âu Lạc năm 227 trước Tây lịch. Ngài được An Dương Vương thu dụng. Gần hai mươi năm sau, Triệu Đà xâm lăng Âu Lạc. Trần Tự Minh hết lòng giúp Thục Phán chống giặc.
Kể từ năm Trần Tự Minh rời cố quốc, 1452 năm sau hậu duệ của ngài lập nên vương triều Trần, Đại Việt.
* * *
Thiết Mộc Chân (1155 - 1227) lập nước Mông Cổ năm 1206. Người Trung Hoa còn gọi ông là Thành Cát Tư Hãn. Hai mươi mốt năm tại vị, Thiết Mộc Chân đã nuốt chửng Tây Hạ, đạp bằng Tây Liêu, nghiền nát nước Kim, xơi tái 80 ngàn quân Nga bên sông Canca chỉ trong một ngày, thôn tính già nửa lãnh thổ Trung Nguyên. . . Những nơi vó ngựa Mông Cổ tràn qua "Mặt đất như đang chuyển động, các bình nguyên bao la bị dẫm nát, các sa mạc bị rung chuyển, bụi mịt mù cát trắng, trẻ con nghe tiếng quân Táctax phải khiếp sợ kinh hoàng nín khóc, các quốc gia chỉ còn một đường là cúi đầu xin hàng vô điều kiện" (Lịch sử thế giới vạn năm, quyển I). Tới Hốt Tất Liệt làm vua (1260 - 1294), đất đai Đại Nguyên rộng dài ngoài trí tưởng tượng của thi nhân lãng mạn nhất: Từ Thái Bình Dương đến Hắc Hải. Đó là toàn bộ đại lục Trung Hoa, mênh mông Trung Á, bát ngát thảo nguyên Nga kéo dài xuống tới bờ bể Nam Tư giáp thành Viên, đến Iran, Syri, Ai Cập. Vậy mà ba lần kéo quân sang Đại Việt, Mông Nguyên kiêu hùng bách thắng nuốt nhục cả ba lần. Sử gia Ba Tư coi Đại Việt là cứu tinh, coi Trần Quốc Tuấn là Thiên tướng giáng trần trừ đại họa cho loài người.
Đại Nguyên vươn tới đỉnh cao xâm lược là tiêu diệt Nam Tống. Nhưng lần thứ ba thua Đại Việt năm 1288, đế quốc Mông Nguyên như cây già khan nhựa gặp gió thu. Các dân tộc rên xiết dưới vó ngựa Mông noi gương Đại Việt đứng lên đánh đuổi xâm lăng. Trung Nguyên quằn quại trỗi dậy. Hàng chục cuộc dấy binh "phản Nguyên phục Tống". Trần Hữu Lượng muốn làm một việc gì đó chống kẻ đã khiến một hoàng tử Đại Việt mang tiếng xấu ngàn năm. Nhưng khởi phát từ đâu Hữu Lượng chưa nghĩ ra. Thật ngẫu nhiên, những gì Hữu Lượng cần lại có trong "Đông A võ phái" của Trần Tự An (1005 - 1062) - hậu duệ Trần Tự Minh. Ngài đã chắt lọc tinh tuý võ thuật Trung Nguyên, kết hợp với võ thuật Đại Việt tạo nên trường phái võ thuật của họ Trần. Triết lý nhân văn của võ phái này là trừ bạo cứu nguy. Nhân văn hơn nữa là môn phái này nêu cao tôn chỉ hành thiện, không xưng hùng võ lâm. "Đông A võ phái" còn thể hiện hàng trăm thế võ công thủ biến hóa linh diệu. Sách còn hướng dẫn dụng binh, trận pháp, công thành, thủy chiến. . .
Hơn một năm vùi đầu vào "kỳ thư", Hữu Lượng thấm nhuần tư tưởng "Đông A võ phái" bèn xếp bút nghiên, tụ tập bằng hữu học võ thuật. Số người theo học ngày càng đông. Hữu Lượng trở thành "thủ lĩnh" lúc nào người con Đại Việt cũng không biết. Trần Hữu Thành ngấm ngầm theo sát từng bước đi của em. Đến một ngày, người anh nói với Hữu Lượng:
- Anh biết chí lớn của chú rồi. Ngày xưa muốn họ Trần ta mở mặt, em trai cụ nội là Trần Công Tự Khánh phải đổ của ra chiêu binh tạo thế, dần dần mới có triều đình. Chú cũng phải học theo tiên liệt. Nhà còn một ít vàng. Khi nào phải dùng, chú cứ lấy.
Hữu Lượng cảm động ứa nước mắt:
- Sao anh lại chia lo cùng em thế?
- Tôi là anh ruột chú. Còn điều này nữa, chú không bàn đến đúng sai của bố nhưng chú rất buồn. . . Anh không có gan to. Chú có chí lớn cứ chọc trời khuấy nước, chắc bố sẽ vui.
Hữu Lượng nhìn về xa xăm:
- Ai cũng một lần sống, cứ thử xem.
Qua mấy năm gây nuôi lực lượng, Nguyễn Nhật Trung vui buồn cùng Hữu Lượng. Đã đến lúc cần phải nói, Nhật Trung bèn cất lời:
- Công tử đã có hơn ngàn tay gươm. Hàng chục người hết lòng với công tử, không tiếc gì của cải khi công tử khó khăn. Mọi người đều biết công tử là thủ lĩnh nhưng chưa chính danh. Phải chính danh mới có thể lớn mạnh được.
- Cảm ơn huynh cho lời quý báu. Lượng và huynh đều sinh ở Trung Nguyên. Nhật Trung lớn tuổi là anh. Từ nay đừng gọi Lượng là công tử nữa. Điều huynh vừa nói, đệ đã suy nghĩ. Nhưng Quách Tử Hưng đã dựng một đứa bé làm "Tiểu Minh vương" giương cờ "phản Nguyên phục Tống". Vậy Lượng tôn xưng là gì đây?
- Điều này Trung mỗ đã nghĩ tới. Ta không phục Tống mà phục Hán. Vì vậy công tử xưng là "Phục Hán tướng quân" nhằm tụ nghĩa chắc sẽ được chúng dân ủng hộ.
Trần Hữu Lượng mừng lắm thầm nghĩ: Nhật Trung không hổ là con của Nguyễn Nhật Nam được bố tin cậy.
Mấy ngày sau, cuộc bàn kín chuẩn bị lễ tôn phong diễn ra gồm: Trần Hữu Lượng, Trần Hữu Thành, Nguyễn Nhật Trung, Trần Hữu Tâm (hậu duệ Trần Tự Minh vẫn cư trú tại nguyên quán ấp Trần xưa), Tôn Long, Ngụy Báo gốc Hán ròng.
Năm Mậu Tý (1348), tháng hai ngày tốt, lễ tôn phong Trần Hữu Lượng làm Phục Hán tướng quân cử hành. Ngoài dự kiến của những "yếu nhân" dự bàn kín, Triệu Bản phản đối tôn Trần Hữu Lượng làm thủ Lĩnh. Vì Trần Hữu Lượng có nguồn gốc Đại Việt. Tôn Long bênh ngay: Tổ tiên Phục Hán tướng quân người đất Mân, làm quan nhà Chu. Lại nữa, anh hùng không bận nguồn gốc xuất thân. Còn như việc chống Nguyên, ai phất cờ là ủng hộ.
Mọi người hò reo tán thành cao kiến của Tôn Long.
Sau lễ tôn phong, Trần Hữu Tâm trở về bản quán khoa trương thanh thế Phục Hán tướng quân. Nhiều hào phú vùng ấp Trần xuất tài lực giúp Trần Hữu Lượng. Chỉ có ba bốn năm, hàng chục vạn trai tráng vùng đất Mân ứng nghĩa đứng dưới cờ Trần Hữu Lượng.
Thời ấy, phong trào "hồng cân" phạt Nguyên do Quách Tử Hưng làm chủ Soái là thanh thế nhất. Trước khi lâm chung, ông ấy trao quyền cho Chu Nguyên Chương. Có ấn Đại soái trong tay, Chu hòa thượng [2] bộc lộ ngay tham vọng đế vương. Tình thế không cho phép chần chừ và đã có hơn hai mươi vạn quân, Trần Hữu Lượng liền dấy binh phản Nguyên phục Hán vào năm Giáp Ngọ - 1354. Sự kiện này Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Mùa xuân tháng 2, quan trấn giữ biên giới chạy trạm tâu việc Trần Hữu Lượng nước Nguyên dấy binh, sai xứ sang xin hòa thân (Hữu Lượng con Trần Ích Tắc)".
* * *
Lưu Bá Ôn nói với Chu Nguyên Chương:
- Anh hùng dấy binh đuổi Nguyên có hàng chục. Người nào cũng nhắm tới ngai vàng. Giặc Nguyên đã như chiếc áo tả tơi. Cuộc tranh thiên hạ bây giờ là tranh với những người dấy nghĩa phục quốc. Đại soái muốn có giang sơn thì phải xưng đế.
- Ta đã nghĩ tới việc này. Nhưng Tiểu Minh vương còn đó, Quân sư có kế gì hay không ?
Hiểu ý của Chu Nguyên Chương nhưng không muốn mang tiếng, Lưu Bá Ôn chối khéo:
- Hạ quan chưa nghĩ được kế gì hay. Hễ nghĩ được là hạ quan trình Đại soái ngay.
Lưu Bá Ôn cáo lui. Chu Nguyên Chương truyền Hồ Duy Dung tới, hỏi:
- Tiểu Minh vương còn đó. Ta xưng đế không tiện. Hỏi Bá Ôn nhưng ông ta chưa có cách gì, Hồ tướng quân có giúp ta được không?
- Thưa Đại soái, Bá Ôn nói dối đấy. Ông ta tránh tiếng chứ không phải vô kế. Việc này có khó gì đâu.
Hồ Duy Dung ghé tai Chu Nguyên Chương nói nhỏ. Đại soái mừng lắm nghĩ ngay đến nghĩa đệ Đại Hổ. Người em trai kết nghĩa này sẵn sàng xả thân vì đại nghiệp của nghĩa huynh. Chu Nguyên Chương sai ngay Đại Hổ đi đón Tiểu Minh vương về hội kiến. Kịch bản đã dàn dựng, "tai nạn" bất ngờ trên sông dìm Đại Hổ cùng Tiểu Minh vương dưới sóng lớn đại giang. Thuyền có 12 người đều tử nạn. Lưu Bá Ôn cười mỉm. . .
Năm Ất Mùi (1355), tháng mạnh thu, Chu Nguyên Chương lo tang cho Tiểu Minh vương rất trang trọng. Bài điếu văn Chu khóc chúa lâm ly không ai không rơi lệ. Vài ngày sau, Chu Nguyên Chương xưng đế, lấy quốc hiệu là Minh.
Sau ngày xưng đế, Chu Nguyên Chương muốn khai chiến tiêu diệt Trần Hữu Lượng. Lưu Bá Ôn can ngay. Chu Nguyên Chương hỏi vì sao. Lưu Bá Ôn kiến giải: Ngài có hơn sáu mươi vạn quân, Hữu Lượng cũng có hơn năm mươi vạn quân. Hai bên vung gươm thắng thua khó đoán. Những người dấy nghĩa còn gần một chục. Nếu ngài khai chiến với Hữu Lượng, các tên tuổi khác thừa cơ mạnh lên. Đặc biệt là Trương Sĩ Thành và Từ Thọ Huy, mỗi người không dưới ba mươi vạn tay gươm. Họ sẽ "tọa sơn quan hổ đấu". Hai con hổ một chết một bị thương đều trở thành món ăn trên bàn tiệc của họ. Binh pháp dạy muốn thắng phải biết đối thủ. Trần Hữu Lượng trí dũng không xoàng. Từ khi dấy binh, ông ta chủ động khai chiến với quân Nguyên lấy lòng chúng dân để tạo thế, cố tránh đụng độ với những người dấy nghĩa, nhất là với ngài. Nhưng ông ấy lại biết thu phục những thủ lĩnh có quân mã song lại chưa đủ mạnh. Nhờ vậy, quân tướng của Hữu Lượng tăng nhanh. Nếu nay mai ngài khai chiến, Hữu Lượng sẽ tránh. Vì sao ngài biết không. Vì Hữu Lượng biết sẽ có một trận thư hùng trống ra trống, mái ra mái với ngài. Ai thắng sẽ làm chủ Trung Nguyên. Nhưng trận thư hùng đó chưa đến. Muốn thắng Hữu Lượng, ngài phải nhanh chóng tăng quân vượt trội đối thủ.
Kiến giải của Quân sư Lưu Bá Ôn rất sáng suốt. Chu Nguyên Chương nghe theo tránh được một cuộc phiêu lưu. Ông ta liền thay đổi sách lược. Đó là việc tập trung binh lực tiêu diệt những đối thủ dưới tầm, thu phục những đối thủ tồn tại trong thoi thóp.
Trần Hữu Lượng nhận ra ngay, sẽ đến lượt mình bị Chu Nguyên Chương làm thịt. Điều Trần Hữu Lượng ấp ủ từ lâu là xưng đế, phất cao nghĩa kỳ đuổi giặc Nguyên. Tình thế khiến điều đó đã đến nhanh hơn. Trần Hữu Lượng muốn chậm lại cũng không được. Phục Hán tướng quân có lớn mạnh đến mấy cũng chỉ đại diện cho vùng, miền. Hoàng đế mới đại diện cho Trung Nguyên. Có xưng đế mới thu phục lòng dân cả Hoa Hạ, nhân lực và tài lực hùng hậu mới đủ sức nghinh chiến Chu Nguyên Chương. Vậy là năm Canh Tý (1360), Trần Hữu Lượng xưng đế. Sử gia nước ta đã chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: "Tháng 6, nước Nguyên loạn. Trần Hữu Lượng tiếm xưng đế, đặt quốc hiệu là Hán, đổi niên hiệu là Đại Nghĩa, đánh nhau với Minh Thái Tổ" [3].
Trần Hữu Lượng xưng đế. Điều tiên tri của Lưu Bá Ôn thoắt hiển hiện. Đế nghiệp sắp thành của Chu Nguyên Chương bị đe dọa nghiêm trọng. Minh đế bèn hỏi Lưu Bá Ôn:
- Muốn tiêu diệt Trần Hữu Lượng, ta phải làm gì?
- Tâu Minh đế, phải có trận thư hùng một mất một còn ở hồ Phiên Dương.
- Sao quân sư lại đoán như vậy?
- Vì Hữu Lượng chưa thua trận nào ở hồ Phiên Dương. Nếu ngài khai chiến, Hữu Lượng ắt dụ ngài tới hồ đó để thư hùng.
- Nếu ta khai chiến ngay có thắng Hữu Lượng không?
- Thưa ngài, không thắng được.
- Quân sư có hồ đồ không đấy?
- Thần không hồ đồ, xin lấy đầu ra làm tin.
- Vậy vì sao lại không thắng?
- Ngài có quân trăm vạn nhưng chỉ có bốn mươi vạn thủy quân. Hữu Lượng ít quân hơn nhưng có tới sáu mươi vạn thủy quân thiện chiến. Muốn thắng Hữu Lượng, thủy quân của ngài phải vượt trội Hán đế.
- Muốn có đủ quân đủ thuyền, Quân sư tính phải mất bao lâu?
- Tâu Minh đế, việc này không phải việc của thần.
Lưu Bá Ôn là mưu sĩ lỗi lạc nhưng nói năng không dễ lọt tai. Vì đại sự Chu Nguyên Chương phải bỏ qua, bèn quay sang hỏi Nguyên soái Từ Đạt:
- Ta cần đóng thêm sáu trăm chiến thuyền, tướng quân xem phải mất bao lâu?
- Tâu Minh đế phải hai năm.
- Ta sẽ có đủ tám mươi vạn thủy quân. Trong ba năm, tướng quân phải đóng xong thuyền và luyện tập thủy chiến cho đội quân đó. Tướng quân có làm được không?
- Thần làm được, xin lấy cả nhà ra đảm bảo.
- Từ tướng quân làm cho ta vơi một nỗi lo.
* * *
Năm Giáp Thìn (1364), mùa đông, binh lương chuẩn bị đã xong, Chu Nguyên Chương hỏi Lưu Bá Ôn:
- Ta khai chiến trừ Trần Hữu Lượng. Quân sư thấy thắng thua thế nào?
- Tâu Minh đế, ngài dự định bao lâu?
- Đánh thẳng vào Vũ Xương, ta dự định nửa năm.
- Thưa ngài, thần nghĩ phải vài năm.
- Quân sư xem trọng Hữu Lượng quá chăng?
- Vấn đề là thắng thua chứ không phải trọng hay khinh.
- Vậy ông có cao kiến gì không?
- Ngài phải dùng số quân bộ giương đông kích tây, thật thật giả giả, chẳng đánh vẫn làm cho Hữu Lượng không biết đâu mà lường. Hán vương mỏi mệt, chỗ yếu sẽ lộ ra, khoét sâu chỗ yếu đó. Lúc ấy, ngài đánh vào Vũ Xương hay Phiên Dương là do tình hình mách bảo.
Chu Nguyên Chương nghe Lưu Bá Ôn. Hán, Minh quần nhau từ cuối năm Giáp Thìn đến đầu năm Bính Ngọ, thắng thua bất phân. Tháng sáu năm ấy, thủy quân của Trần Hữu Lượng nhử thủy quân của Chu Nguyên Chương vào hồ Phiên Dương. Minh đế thầm nghĩ những gì Lưu Bá Ôn tiên đoán đều đúng. Trong tay có tám mươi vạn thủy quân, Chu Nguyên Chương tưởng sẽ nuốt tươi sáu mươi vạn thủy quân của Hán đế. Nguyên soái Từ Đạt dẫn đoàn thuyền chiến với hai mươi vạn quân đi đầu. Tham tá quân vụ Thang Hòa chỉ huy hai mươi vạn quân đi giữa. Chu Nguyên Chương thống lĩnh bốn mươi vạn quân chặn hậu. Ba đoàn chiến thuyền giong buồm bám theo đoàn thuyền của Trần Hữu Lượng. Trúng kế của Hán đế, tám mươi vạn quân của Minh đế sa vào trận đồ mai phục. Ba mươi vạn quân của Trần Hữu Lượng chặn trước. Đô đốc Nguyễn Nhật Trung chỉ huy mười vạn quân vu hồi chặn sau. Tả Nguyên soái Tôn Long, Hữu Nguyên soái Ngụy Báo mỗi người chỉ huy mười vạn quân nhất loạt châm lửa tám trăm thuyền cỏ lao tới vây chặt đoàn thuyền của Chu Nguyên Chương. Hồ Phiên Dương hóa thành một biển lửa. Trận hỏa công ấy, Hán đế đã khiến bốn mươi vạn quân của Minh đế làm mồi cho cá. Thoát chết, Minh đế chợt nhớ lời Lưu Bá Ôn dặn: "Vào đất giặc, thấy giặc chạy chớ ham đuổi", nhưng đã muộn rồi.
Lưu Bá Ôn trấn giữ "Kinh thành", nghe tin chủ thua to tức tốc phi ngựa tới gặp Chu Nguyên Chương. Lúc ấy, Minh đế đã lên bộ hạ trại. Ông ta chỉ giữ lại tám vạn quân. Còn hơn ba mươi vạn chia đôi, Từ Đạt dẫn một nửa trấn giữ cửa Nam Hồ, Thang Hòa dẫn một nửa trấn giữ cửa Kinh Thương. Lưu Bá Ôn hỏi:
- Tâu Minh đế, có phải ngài định vây chặt hồ Phiên Dương. Hữu Lượng cạn lương không đánh cũng thắng?
- Đúng là như thế. Nếu Hữu Lượng đánh ra Nam Hồ, ta và Thang Hòa đưa quân tới vây chặt để diệt. Nếu Hữu Lượng đánh ra Kinh Thương, ta và Từ Đạt cũng vây và diệt Hữu Lượng ở đó.
- Thưa, nếu Hữu Lượng khống chế Kinh Thương và Nam Hồ, dẫn quân đánh thẳng tới đây thì sao?
Chu Nguyên Chương không biết trả lời thế nào. Lưu Bá Ôn mới hiến kế:
- Đã trót rồi phải chữa cháy thôi, ngài khéo léo để lộ tin: Đại bản doanh của Minh đế có tám vạn quân là giả, ba mươi hai vạn quân mới là thật. Nếu trúng kế, Hữu Lượng sẽ đánh ra cửa Nam Hồ hoặc cửa Kinh Thương. Nếu không trúng kế, Hữu Lượng sẽ đánh thẳng tới đây. Lúc ấy, ta sẽ tùy cơ ứng biến.
Minh đế kín kín hở hở để lộ tin. Hán đế nhận được tin mỉm cười: Minh đế dùng kế "chuột biến thành voi" đây. Vậy ta tương kế tựu kế xem sao. Trần Hữu Lượng sai Nhiệm Vinh dẫn ba vạn quân chặn Từ Đạt hướng cửa Nam Hồ lui về cứu ứng, tung hỏa mù kéo đại quân tiến đánh cửa Kinh Thương. Kỳ thực tiến ra chặn Thang Hòa phía cửa Kinh Thương, Tôn Long chỉ có năm vạn quân. Minh đế mắc lừa đinh ninh Hán đế cả phá Kinh Thương mong thoát vây nên mừng lắm. Ông ta liền cử người báo cho Từ Đạt ở cửa Nam Hồ ngày hội quân diệt Trần Hữu Lượng. Nhưng thình lình Hán vương xuất hiện cách đại bản doanh của Chu Nguyên Chương chưa đến một ngày buồm đói gió. Hai mãnh tướng là Ngụy Báo và Nguyễn Nhật Trung cùng hơn ba mươi vạn quân do Trần Hữu Lượng thống lĩnh lướt sóng băng tới khiến Chu Nguyên Chương rụng rời chân tay. Có chạy cũng không kịp, Minh đế hỏi Lưu Bá Ôn:
- Quân sư có kế gì thoát hiểm không?
Lưu Bá Ôn cười:
- Phải liều một canh bạc thôi. Hễ trời độ thì thoát ngay.
Quân sư họ Lưu nghiêng đầu sát Chu Nguyên Chương nói nhỏ. Hơn ba giờ đồng hồ sau, Minh đế chuẩn bị xong.
Đoàn thuyền của Hán đế đã hiện rõ giữa trời sóng Phiên Dương mênh mông. Minh đế rớt nước mắt bước xuống thuyền. Lưu Bá Ôn đứng sát mép nước cùng quân lính vái theo. Chu Nguyên Chương "bị trói" vào cột buồm. Hai tên lính vội buông chèo khua nước. Thuyền lặng lẽ rời bờ. Lá cờ trắng ở mũi thuyền phần phật bay. Chiếc thuyền có Minh đế bị trói đứng tiến dần tới đoàn thuyền của Hán đế. Trần Hữu Lượng găm mắt vào người bị trói đứng ở chân cột buồm. Một người thốt lên: "Chu Nguyên Chương"! Nhiều người cùng nói: "Đúng Minh đế rồi"! Trần Hữu Lượng hỏi:
- Chí khí anh hùng đâu cả rồi?
Chu Nguyên Chương đáp dõng dạc:
- Ta không lừa được ông nhưng ông đã lừa được ta. Vì tám vạn sinh linh ta phải đầu hàng. Còn với ta, sống chết có là gì.
Thuyền nhỏ của Chu Nguyên Chương chỉ còn cách đại hạm của Trần Hữu Lượng mươi lần chèo khua nước. Bỗng Nguyễn Nhật Trung hét lên: "Cung thủ bắn! Nguyên Chương giả đấy!". Nhưng muộn rồi, thuyền của Minh đế đã áp sát thuyền Hán đế. Một tên lính ẩn dưới lòng thuyền đã bật hồng châm ngòi. Năm nghìn cân thuốc nổ bén lửa. Tiếng nổ chấn động càn khôn vang lên. Đại hạm của Hán đế tung lên, tan như xác pháo. Trong vòng năm mươi trượng, hàng trăm chiến thuyền vỡ và đắm hết.
* * *
Kế "giả chúa quy hàng" Lưu Bá Ôn vạch ra đã chấm dứt sự nghiệp của người anh hùng mang dòng máu Đại Việt, xưng đế ở Trung Nguyên chống Mông Thát, mong dựng đại nghiệp trên giang sơn Hoa Hạ. Năm ngày sau, Minh đế tiến đánh Vũ Xương - "Kinh đô" của Hán đế. Con của Trần Hữu Lượng là Trần Lũy, 16 tuổi đập đầu vào cột đại sảnh chết. Trần Hữu Thành tuẫn tử theo cháu. Phải đâu cứ hổ phụ mới sinh hổ tử. Chiêu Quốc vương là người như thế nào, Trần Hữu Lượng rất tỏ tường nên mới nói: "Bố đã mất đúng sai không bàn". Nhưng: "Em phải làm gì đây để không hổ với hoàng tộc?". Thì ra đối với Trần Hữu Lượng, giang sơn Đại Việt và nguồn gốc là trên hết.
Hữu Lượng Đông A Trung Nguyên xưng đế. Không thành công nhưng thành nhân, Trần Hữu Lượng về trời năm Bính Ngọ (1366). Quốc sử Đại Việt không thể không ghi.
Chuyện này như một nén hương viễn niệm anh hùng Đông A, sinh tủi nhục trên đất Hoa Hạ, tử oanh liệt trên đất Trung Nguyên.
__
Chú thích
[1] Hoàng đế được nhường ngôi gọi là "Thiện hoàng".
[2] Chu Nguyên Chương thuở hàn vi từng làm sư.
[3] ĐVSKTT ghi "Trần Hữu Lượng tiếm xưng đế" là không được. Trong khi đó với Chu Nguyên Chương ĐVSKTT ghi: "Chu Đức Dụ nước Nguyên xưng đế (tức Minh Thái Tổ) sau đổi tên là Nguyên Chương". Chống Nguyên, Trần Hữu Lượng xưng đế cũng như Chu Nguyên Chương xưng đế. Vậy tại sao Trần Hữu Lượng lại "tiếm xưng"? Các vị sử gia Đại Việt sao lại coi trọng Chu Nguyên Chương, coi khinh Trần Hữu Lượng. Năm 1368, Chu Nguyên Chương mới lên ngôi. Vậy thì năm 1366 chưa gọi là Minh Thái Tổ được. Thời ấy, tất cả các dân tộc bị Mông Nguyên cai trị đều chống lại chúng. Nếu coi Trần Hữu Lượng "tiếm xưng đế", các sử gia Đại Việt đã đứng về phía giặc Nguyên.