Vương Trùng Dương
Tiểu sử
Vương Trùng Dương là thiên hạ vô địch trong hai bộ tiểu thuyết Xạ Điêu Anh Hùng truyện và Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung.
Ông hiệu là Trung Thần Thông là người võ công cao cường nhất trong Võ Lâm Ngũ Bá. Cùng với Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Vương Trùng Dương là một nhân vật có thật trong lịch sử được Kim Dung tiểu thuyết hóa.
Ông là một đạo sĩ đời nhà Tống. Sinh năm 1113, mất năm 1170 là người sáng lập ra Toàn Chân Giáo, là Bắc Tông của Đạo giáo Trung Quốc.
Vương Trùng Dương tên thật là Vương Trung Phu (trong tiểu thuyết dựa Kim Dung Võ Lâm Ngũ Bá, tên hồi nhỏ của ông là Vương Tiêu Thu), tự là Duẫn Khanh, sinh ra tại Hàm Dương trong một gia đình giàu có. Thuở nhỏ ông chăm chỉ, tinh thông cả văn lẫn võ, lớn lên nhờ vậy mà nổi tiếng gần xa. Khi người Kim xâm lấn, ông tụ họp nhân dân nổi dậy chống lại nhưng không thành công.
Theo truyền thuyết năm 1159, ông được gặp Lã Động Tân và Hán Chung Ly, hai vị tiên trong nhóm tám vị tiên sống ở Bồng Lai tiên đảo của Trung Quốc, được truyền thụ khẩu quyết luyện đan là Toàn Chân. Ý nói bảo toàn tam bảo (toàn tinh, toàn khí, toàn thần) hội tụ trung cung, kim đan thành tựu.
Từ đó ông chuyên tâm nghiên cứu Đạo giáo, đổi tên là Triết, tự là Tri Minh, thành lập ra Toàn Chân giáo. Tôn chỉ của Toàn Chân giáo là cứu giúp chúng sinh nên nhân dân rất kính trọng. Học trò tìm đến ông rất đông, nhưng ông dạy dỗ nghiêm khắc, thường đánh đập để thử thách nên cuối cùng chỉ còn lại bảy người. Đó chính là Toàn Chân Thất Tử.
Tính cách
Vương Trùng Dương là một nhân vật đầy huyền thoại và bí ẩn của Kim Dung. Một trong ba nhân vật của Kim Dung chỉ xuất hiện qua lời kể của những nhân vật khác. Nhưng những gì toát lên về ông là một con người yêu nước thương dân đậm chất tiểu thuyết sử thi, tài năng đức độ, được người đời trọng vọng, võ công cao cường mà khiêm tốn lễ độ.
Võ công
Vương Trùng Dương chính là người số 1 trong Võ Lâm Ngũ Bá. Đệ nhất thiên hạ đương thời, giành được Cửu Âm Chân Kinh thuộc về mình nhưng ông lại không học. Bởi lẽ học rồi ông cũng là đệ nhất thiên hạ mà thôi. Và thực chất ông giành cửu âm chân kinh chỉ để cho thiên hạ thái bình ...
Ông là người sáng lập Toàn Chân giáo nên đạt đến cảnh giới cao nhất của võ công Toàn Chân giáo phái. Khác với Đông Tà - Tây Độc - Nam Đế - Bắc Cái, Vương Trùng Dương không mang trên mình một thứ công phu đặc trưng riêng biệt như những người kia. Qua những lời kể của Chu Bá Thông thì có lẽ công phu ưng ý nhất của ông chính là Tiên Thiên Công. Ngoài ra về cuối đời ông còn được Nhất Đăng đại sư truyền cho Nhất Dương Chỉ, công phu độc bộ của Đại Lý Đoàn Hoàng Gia.
Các mối quan hệ
Vương Trùng Dương được Kim Dung tiểu thuyết hoá trở thành một nhân vật vắng mặt trong Xạ Điêu tam bộ khúc.
Trong tác phẩm dựa Kim Dung Võ Lâm Ngũ Bá, tên "Trùng Dương" do sư phụ Thanh Hư chân nhân đặt, lấy ý ông đã chết rồi còn được cứu sống lại.
Trong truyện, Vương Trùng Dương mất trước khi thời đại Xạ Điêu bắt đầu. Những câu chuyện về ông thường được kể thông qua sư đệ Chu Bá Thông và các học trò của ông.
Theo đó, Vương Trùng Dương vốn khởi nghĩa chống quân Kim nhưng không thành. Ông quay về Chung Nam sơn lập ra phái Toàn Chân. Ông lại có tình cảm với nữ hiệp Lâm Triều Anh nhưng không kết hôn, khiến nàng giận dỗi, chiếm lấy Hoạt Tử Nhân Mộ của ông ở trên núi Chung Nam, từ đó hai người không nhìn mặt nhau.
Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương được bầu là người võ công cao nhất, hiệu là Trung Thần Thông, được giữ bộ Cửu Âm chân kinh. 4 người còn lại là Hoàng Dược Sư , Âu Dương Phong, Đoàn Trí Hưng và Hồng Thất Công .
Khi bệnh nặng, sắp mất, lo Âu Dương Phong tìm đến lấy chân kinh, ông liền giả chết. Âu Dương Phong tìm đến không phòng bị, bị ông đánh trọng thương bỏ chạy. Lúc đó Vương Trùng Dương mới mất hẳn.