Trong điện Tập Hiền, đèn nến sáng trưng, ánh sáng tỏa cả ra ngoài sân rồng. Nhạc nữ mặc áo màu, tay chẽn, vũ nữ cũng mặc áo màu tay thụng, thị nữ bận toàn trắng đi đi lại lại, tay cầm bình vàng rót rượu hầu quan khách. Tiếng ca quản nhịp nhàng, và những dải lụa của vũ nữ dưới thềm bay phất phới trong những bàn tay nhỏ bé, tạo nên một giấc mơ màng chung quanh những thân hình yểu điệu. Những mâm thịt và đồ nhắm do những hỏa đầu lực lưỡng bưng lên liên tiếp, mùi thơm ngào ngạt. Trời oi bức vô cùng vì bấy giờ đã sang đầu tháng năm. Vì thế nên mặc dầu cảnh huy hoàng của đêm tiệc, không khí trong điện rất nặng nề. Các nhạc nữ đổ mồ hôi, áo ướt như tắm. Và những hỏa đầu quân to béo cũng nhầy nhụa như những tượng đồng rỏ giọt.
Thoát Hoan ngồi chủ tiệc vui, những quạt lông phe phẩy quanh mình Thái tử. Tính vốn thích yến tiệc, Hoan thường hay tổ chức những cuộc vui. Nhất là từ khi vào thành Thăng Long Hoan lại càng xa xỉ. Lúc mới hạ kinh thành. Trấn Nam Vương không diệt được toàn quân Trần Hưng Đạo cũng có chút lo âu, nhưng sau dần dần nổi lo cũng nhạt. Tin tức phần nhiều có lợi cho quân Mông Cổ. Quân sĩ của vua Trần cũng tản mát đi nhiều, các quan và tướng ra hàng cũng mỗi ngày một đông, và giữa Thượng hoàng và Hưng Đạo lại có sự bất hòa: triều đình và nhất là các tôn thất và cả đến quân sĩ từ xưa đến nay đều vẫn trung thành với Trần Quốc Tuấn nay cũng sinh lòng nghi kỵ, ngay cả dân gian cũng không phục vị Quốc công mà trước kia họ coi như thần thánh. Dưới sức mạnh ghê gớm của quân Mông Cổ, dưới những sự chém giết tàn ác, những trừng phạt vô cùng khốc liệt, dân Nam cơ hồ đã kém sức kháng chiến và đã chịu cúi đầu quy thuận những tráng sĩ ở Bắc phương. Những kẻ cứng đầu cứng cổ đã bị bêu đầu ở chợ kinh thành, kể có hàng mấy vạn đầu lâu vứt thành đống cao ngoài bãi, dân gian sợ chết khiếp đi, không dám cưỡng lại nữa, chỉ một lệnh của Thoát Hoan, họ lại phải về kinh thành phục dịch quân Nguyên, mặc dù sự đòn đánh rất là tàn nhẫn, để mưu lấy sự sống cho mình và cho gia đình. Vì những sự báo thù của quân Mông Cổ rất đáng sợ: kẻ nào trái lệnh, khi bị bắt đều bị phanh thây, và tất cả gia đình sẽ bị hãm dưới lưỡi gươm đao phủ.
Tuy Ô Mã Nhi đã đi mà sự giết chóc cũng không giảm mấy và càng về hè, sự tàn nhẫn của quân Nguyên lại càng tăng phần khốc liệt.
Hoan càng ngày càng thấy vững địa vị của quân mình, và càng ngày càng thấy rõ sức yếu của quân địch. Nhất là từ khi có An Tư, Hoan lại càng không lo nghĩ gì nữa, và khinh quân địch cho là không giở trò gì được nữa. Hoan sung sướng cứ ở lì trong Cảnh Linh cung cùng An Tư, hay sóng ngựa cùng đi dạo chơi trong vườn Thượng uyển. Đương độ trai trẻ, lại say sưa vì chiến thắng và người tràn trề một sức khỏe phì nhiêu, Hoan thấy dễ chịu trong cái tự do mà chàng được hưởng ở đất xa xôi này. Ở đây chàng được toàn quyền hành động, chàng là sự kính nể của quân sĩ, chàng là mối kinh khủng của mấy triệu dân bị trị, ở đây chỉ một tiếng ho của chàng cũng làm cho bao nhiêu kẻ run rẩy. Và ở đây sau hết, chàng thấy sự giàu sang sự thỏa mãn, lên trên tất cả là một giai nhân xinh đẹp vào bậc nhất gầm trời mà vó ngựa chàng đã ruổi qua. Lòng kiêu ngạo của Thoát Hoan được dâng lên như nước biển không bờ bến, và trong thâm tâm, chàng nảy ra cái ý tưởng ở lì nước Việt, không muốn về Trung Quốc nữa.
Và như thế suốt hai tháng nay, Hoan sống một cuộc đời vương giả mà chưa có mấy người được hưởng. Bao nhiêu vàng bạc, bao nhiêu kỳ hoa dị thảo, đều được những tướng sĩ hay những hàng thần hay dân gian xu phụng đem tiến cống Thoát Hoan, không hề thiếu một thức gì, cả những vị thuốc bổ và những món ăn ngon ngọt trên đời.
Hôm nay có người cống chàng một đôi voi rất quý, lông trắng như tuyết mượt như tơ, trông đẹp vô cùng. Lại có lầu và bành thêu cực kỳ hoa lệ. Hoan thích lắm, cùng An Tư ngự trên lầu voi, đi thăm quân sĩ và rong ruổi khắp kinh thành, lại ra tận điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu để nhận sự chúc mừng của dân gian. Bắt chước vua Trần, Hoan ra đây nghỉ mát, hỏi chuyện thân mật mọi người và hòa nhã tiếp lấy chén trà thơm và miếng trầu ngon mà dân đem dâng, như hồi vua Trần thuở trước. Tục ấy rất thịnh hành, và điện Linh Quang còn có tên nữa là Trà điện, nơi hội họp rất thân mật của nhà vua và bách tính. Muốn lấy lòng dân, Hoan cũng theo cái tục thuần nhã ấy: mặc thường phục, không đeo kiếm, chàng cùng giai nhân ngự voi ra đấy hứng mát suốt ngày xem xét dân tình. Trong khi lòng kiêu ngạo lên đến cực điểm, Hoan không nhận ra những sự giả dối giấu sau thái độ cung kính của đám dân đen và khóe mắt căm hờn, loang loáng như luồng kiếm sắc.
Chiều hôm ấy, ở điện Linh Quang về, Hoan thết tiệc mặc cho khí trời oi ả như nung như nấu. Trong tiệc, Hoan cười nói vui vẻ, hết bắt vũ nữ múa, lại bắt tráng sĩ ra múa kiếm, cùng bắt người hát bội Lý Nguyên Cát ra làm trò tiêu khiển. Hoan rất vui, tướng tá và quân sĩ cũng rất vui, quên cả nực nội. Giữa lúc mọi người hoan lạc, Chiêu Quốc Vương Ích Tắc đứng lên dâng Thoát Hoan một bài thơ chúc tụng, lời lẽ vô cùng chải chuốt. Tuy là võ tướng, khinh thi phú từ chương, và nhất là khinh những lời chúc tụng của các hàng thần, nhưng Hoan xem thơ cũng lấy làm mừng, đưa cho cử tọa xem, ai nấy đều thán phục là thần bút. Hoan sai nhạc công ngay lúc ấy, phổ lời thơ vào nhạc và bắt ngay nhạc nữ, ca nữ hát bài nhạc mới. Hoan trong lúc say sưa và tự đắc đến cực điểm cũng lấy tay gõ nhịp vào kiếm hát và cử tọa cũng đều hòa nhịp hát theo.
Mọi người hể hả, duy một người không vui, rầu rầu nét mặt. Ấy là Phàn Tiếp. Từ khi Ô Mã Nhi lên đường vào Nghệ, Tiếp là người duy nhất lo việc quân. Tiếp đã trông rõ cái hiểm tượng của tình thế và chỉ đợi dịp là khổ gián. Nhưng không mấy khi gặp Thoát Hoan và muốn vào Cảnh Linh cung thì không sao được phép. Tiếp biết rằng sau Toa Đô, Ô Mã Nhi thì mình là người Trấn Nam Vương nể nhất, và vì thế nhất định quyết lôi chủ ra khỏi cơn mê.
Tiệc rượu đang vui, Tiếp thừa lúc lẻn đi, rồi lẩn lút vào ẩn được bên một cây cổ thụ ở dọc đường về tới Cảnh Linh cung. Tiếp định đi nữa vào tận Cảnh Linh cung để giết An Tư, nhưng lại sợ bại lộ, vì có tiếng A Thích đi tuần, vì thế đành ở lại đấy chờ Thoát Hoan. Bấy giờ tuy là đầu tháng năm, nhưng sao mọc xin xít, trời nhung đính ức triệu hòn ngọc chuốt nên đêm cũng hơi sáng. Vả trên các đường đi về cung Cảnh Linh thường treo các đèn lồng bằng gấm, nên càng sáng hơn, nhìn quanh Phàn Tiếp bất giác thở dài:
- Thực là một nơi kỳ tú, mới hay sắc đẹp cạm bẫy con người và cảnh xinh dễ luyến. Đời tráng sĩ mà chìm đắm trong những sa ngã ấy, thì còn tung hoành thỏa chí tang bồng sao được? Thái tử là bậc anh minh, cớ sao sang đến nước này lại mê muội đến mức ấy. Xin Thái tử thấu lòng cho tiểu tướng.
Đợi đã lâu, chợt thấy hai con hạc trắng đi qua, báo tin Thoát Hoan sắp tới. Một lúc, Hoan ngất nghểu trên mình ngựa về cung, có hai tráng sĩ dắt gươm đi trước. Tiếp tự nhủ:
- Đây là lúc ta đền ân Thái Tử. Nhưng dù có chết, ta cũng không hổ phận làm tỳ tướng. Lòng ta đối với chủ, xin trời đất chứng minh cho.
Sẵn sàng với cái chết, Phàn Tiếp nhảy từ trên cây xuống, chạy lại trước mặt Thoát Hoan, quỳ xuống, miệng hô thiên tuế. Hoan rút kiếm, nhưng định thần nhìn lại, thấy Phàn Tiếp, Hoan hỏi:
- Tướng quân sao lại vào đây? Có việc gì mà đêm khuya khoắt còn muốn tìm ta vậy?
Hoan rất tức, nhưng đối với Phàn Tiếp, không nỡ có những lời mắng mỏ. Hoan định gọi A Thích để hỏi cớ làm sao lại để có người vào nơi nghiêm cấm này, thì Phàn Tiếp nói:
- Cúi xin Điện hạ cứ giết một mình Tiếp này là đủ. Tiếp này đã định vào thì A Thích có tài thánh cũng không biết được. Tiểu tướng mạo muội vào đây, chỉ vì đã tìm hết cách mà không gặp Thái tử để nói về tình hình quân ta và quân giặc. Cúi xin Thái tử cho phép Tiếp này được giãi bày, rồi Tiếp này xin chịu chết trước mặt Điện hạ, không cần để gươm Điện hạ bẩn nhơ. Điện hạ chưa biết chăng, quân ta suy nhược lắm rồi!
Nhời nói của Tiếp chí thành chí thiết. Hoan nghe cảm động, lại sẵn lòng yêu Tiếp là một tướng nhiều cơ mưu lại rất thực, hết lòng với mình, nên Hoan cũng nguôi giận, tra gươm vào vỏ và bảo Phàn Tiếp:
- Cho tướng quân đứng dậy. Ngày mai, tướng quân đến điện Quang Minh. Có điều chi cứ nói.
- Bẩm Điện hạ, tiểu tướng chỉ có một câu chuyện nhỏ muốn đạt lên Điện hạ ngay đêm nay. Tình thế cấp bách, không thể trì hoãn được nữa.
Hoan ngần ngại một lúc, tuy đang mải về cung Cảnh Linh để gặp người yêu, nhưng Hoan cũng không nỡ làm phật ý một người tướng giỏi mà Hoan thường gọi là cánh tay phải của mình. Ít lâu nay, tuy không ra coi việc quân - mọi việc giao cả cho Phàn Tiếp - nhưng những tin tức vẫn đến tai chàng, có nhiều điều không lợi: quân Nam đã tập trung ở Thanh Hóa, vì suốt từ Tràng An trở vào, dân gian đang khẩn trương sửa soạn sự khôi phục. Còn quân nhà chỉ nghĩ đến cướp bóc tàn phá, gian dâm hiếp chóc và kỷ luật rất là chểnh mảng. Hoặc vì đam mê tửu sắc, hoặc vì tinh thần mỏi mệt, vì sức nóng thiêu đốt của trời hè, tuy Thoát Hoan có biết đến, nhưng cũng không xét, bao nhiêu thư từ của các tướng cùng những lời đệ trình, Hoan đều bỏ qua, cất cả vào tráp riêng hoặc bảo Phàn Tiếp định đoạt thay…
Hoan nhìn Phàn Tiếp, thấy nét mặt nghiêm trang, lần đầu tiên từ hai tháng nay Hoan mới động lòng tự thấy ngượng ngùng. Bây giờ giữa cơn say rượu mà Hoan tỉnh ngộ, tất cả nỗi giận Phàn Tiếp nguôi dần. Hoan dường thấy tiếng gọi của chiến tranh và nhận ra trách nhiệm lớn lao của mình. Hoan nguyên không phải là một tướng nông nổi, trái lại, Hoan là người hay suy nghĩ và rất mực phục thiện. Mỗi khi có lời can gián thành thực, Hoan thường nghe ngay, nhất là những lời ngay thẳng của những tướng tâm phúc lúc nào cũng nghĩ đến vinh quang, đến chiến thắng. Cho nên Hoan ghét cả những sự xu nịnh, cho là những cái sẽ làm hại đến mình. Cũng vì cái tính phục thiện ấy mà Hoan tuy giận Ô Mã Nhi mà không bao giờ có ý tưởng giết Ô Mã Nhi và nếu Ô cũng mềm mỏng có lẽ Hoan cũng nghe như nghe Phàn Tiếp.
Phàn Tiếp cũng đoán nhận tình trạng của chủ tướng khi ấy. Hoan xuống ngựa, dắt Tiếp ra một cái tạ gần ấy, và hỏi:
- Tướng quân có điều chi muốn nói với ta?
Tiếp thưa:
- Điện hạ nên điều loát quân sĩ. Tiểu tướng thực không có đủ tài đủ sức, đủ quyền để cai trị ba quân. Giá như có Ô tướng quân ở đây thì còn nói gì. Quân ta đang mong Thái tử và chỉ một lời của Điện hạ cũng đủ làm cho họ phấn khích.
Ba quân ngày nay như kẻ mất hồn. Hai mối nguy gần, một mối nguy xa, cúi xin Điện hạ có mặt cho ngay, kẻo để thiên diên, thì tất cả công lao bách chiến bách thắng từ mùa đông năm ngoái uổng phí hết cả và Điện hạ cũng phụ cả lòng ủy thác của Thánh thượng nữa. Vả lại thanh danh của quân đội ta, nếu để có mệnh hệ nào, thì thật là một điều nhục lớn. Quân ta từ xưa đến nay, tung hoành thiên hạ, được tiếng là quân bách chiến bách thắng, lỡ ra khốn ở đây thì còn mặt mũi nào về Trung Quốc nữa, các nước phiên hầu còn coi ta ra gì?
Hoan hỏi:
- Ba quân nguy ra sao?
- Quân ta đóng ở xa, đường vận tải khó khăn, việc tiếp tế lương thực rất đỗi nhiêu khê. Hiện nay lương thực cạn hết, mà bao nhiêu mùa màng quân giặc đã phá hết cả, quân ta chỉ còn trông vào sự cướp bóc trong các làng xóm, ngoài ra thì một phần lớn là đói cả, ấy là mối nguy thứ nhất. Quân đói quá, không tìm đâu ra miếng ăn, đã phải bắt cả chuột đem ăn, ăn uống kham khổ, lại thêm mùa hạ nóng nực, lam sơn chướng khí, bệnh dịch tả phát sinh, mới có dăm hôm nay mà đã có bốn trăm nghìn người chết, đó là mối nguy thứ hai. Quân của Toa Đô nguyên súy đánh Nghệ An mãi không đổ, ta chỉ đợi hết xuân là xong cả, vậy mà ngày nay, đã phái Ô tướng quân vào giúp mà vẫn không đánh đổ; quân ta chỉ lợi ở đánh nhanh, những việc hành binh chậm chạp phần nhiều là có hại cho ta cả, đó là mối nguy thứ ba. Đó là ba mối nguy chính, ngoài ra còn nhiều tiểu tiết nữa. Điện hạ là bậc thông minh, có xét đến thì sẽ nhận ra ngay.
Hoan nói:
- Sao tướng quân đợi đến bây giờ mới nói cho ta biết?
- Đó là lỗi của ở tiểu tướng, tiểu tướng xin chịu chết. Chỉ xin Điện hạ mau mau thân ra coi việc quân thì mới có cơ cứu vãn được tình thế. Tiểu tướng dẫu chết cũng không oán hận.
Tiếp rút kiếm định tự vẫn. Hoan gạt đi, cảm động vì lòng chí thiết và hy sinh của người tướng trầm nghị nhất trong quân mình. Hoan cầm tay Tiếp và nói:
- Lỗi ở ta cả. Ta có hỏi tội tướng quân đâu.
Hoan tự trách mình nhu nhược. Đã có mấy lần nghĩ đến, nhưng cứ coi thường, và cứ để nay lần mai lữa đến cái kết quả tai hại ngày nay.
Hoan sóng vai cùng Phàn Tiếp ra ngoài cửa cung, đi thăm quân sĩ. Hoan đã đem chút nhiệt tình cho mọi người, nhưng chàng đã nhận thấy một cách lo ngại vẻ mệt nhọc uể oải, trên những nét mặt hốc hác xanh xao. Đâu đâu cũng hiện ra vẻ chán nản gần thành thất vọng. Quân sĩ ốm yếu nhiều không biết thế nào mà kể và những xác chết khiêng ra nhiều kể có hàng trăm, và những người hấp hối kêu rên nghe thảm thiết. Mắt người nào cũng ngơ ngác sợ hãi, đợi chờ cái bệnh khủng khiếp đến lôi đi. Họ, những chiến sĩ vinh quang thường làm chúa trên sa trường! Thà họ được chết dưới mũi tên hòn đạn! Một mùi hôi thối, nồng nực xông ra khắp mọi nơi. Dưới ánh sáng của ngọn đuốc dẫn đường, Hoan đi suốt các trại, hỏi han, an ủi quân sĩ, và gọi các thầy lang trong quân phải trông nom bệnh nhân chu đáo. Thấy nét mặt chủ tướng, quân sĩ thẩy đều phấn khởi: những kẻ hấp hối còn nhoẻn miệng cười bằng lòng. Hoan chợt thấy thương hại quân sĩ, lênh đênh nơi đất khách quê người, đi tìm chút vinh quang, bỗng phải chết một cách vô cùng tủi nhục!
Hoan buồn rầu, nén sự ghê tởm, biết bệnh truyền nhiễm rất mạnh, mà cũng không từ nguy hiểm, tự cho rằng sức mạnh tinh thần của mình có thể thắng được bệnh gớm ghê kia. Hoan về, cầm tay Phàn Tiếp và nói:
- Ta hối không nghe Ô tướng quân tiến binh, để đến nỗi này, nếu có làm sao, thì còn mặt mũi nào trông thấy Phụ hoàng nữa? Tướng quân là người trung nghĩa, lại cẩn thận, nên giúp ta việc này: trước hết phải để những quân còn lành mạnh ra ở chỗ riêng, còn những người có bệnh ở một chỗ riêng; sau thì phải chôn cất cho kín, giấu quân giặc, kẻo chúng hay tin thì bất lợi cho quân ta. Liệu Quốc Tuấn có biết không?
- Bẩm Điện hạ, Quốc Tuấn chỉ lừa ta đến nước cờ bí này, dù giấu cũng không được. Cứ như ngu ý, ta cần phải tiến binh ngay, đánh tràn đi, họa may mới có cơ cứu vãn tình thế. Chỉ hiềm…
- Quân sĩ đói khát, xem ra không mấy người còn sức phấn đấu nữa. Ngươi nên chọn những quân sinh lực đợi ta phát lạc.
Hoan định không trở về cung Cảnh Linh, nhưng ngẫm nghĩ một hồi, vẫn quyến luyến An Tư, lại đánh ngựa vào. Bấy giờ đã gần sáng, cảnh vật yên tĩnh, tứ phía không một bóng, không một tiếng người, mà trời oi như lò lửa khó chịu vô cùng. Lòng Hoan rối như canh hẹ, lại thêm khí hậu nóng nực, người chán nản và óc mỏi mệt. Hoan không nghĩ ra một cách gì đối phó với tình thế. Mặt Trấn Nam Vương ngẩn ngơ như một kẻ mất hồn. Giữa cái hỗn độn của tư tưởng, Hoan thấy hiện cả cái ý định giết An Tư để được yên chí lo việc quân. Tuy quân sĩ không nói ra, nhưng có một cái chắc chắn là không mấy người bằng lòng An Tư, tuy họ vẫn ngưỡng mộ sắc đẹp của nàng. Hoan xăm xăm trở về Cảnh Linh cung, tay cương quyết nắm chặt đốc gươm.
Gần đến cửa Thái Thanh, chợt nghe có tiếng giội nước trên hồ Ngoạn Thiềm. Hoan dừng bước lại. Nấp sau một bụi cây trông vào. Dưới ánh sáng tối xanh của đêm tàn, một cảnh tượng vô cùng huyền ảo hiện ra. Không một chút gió, trời oi như một cái hầm. Cây cối chung quanh hồ như im lặng, say sưa nhìn một mỹ phẩm của hóa công. Trên bực đá hoa ăn xuống hồ, nàng xõa tóc, khỏa thân trắng như tuyết, đang cầm gáo giội lên vai tròn trặn. Nước chảy trên mình như một làn lụa mỏng, che mơ màng người ngọc và cả vẻ đẹp trong sáng, lặng yên, mềm mại và khêu gợi lộ ra với những đường cong như nặn, cánh tay như bột, đôi ngọc nhũ đương cương, chiếc quần lụa mỏng không đủ che thân dưới nhường thóc mách với mắt thèm thuồng chỗ sâu kín, mơ hồ và đẹp nhất của người mỹ nữ đương tơ.
Dáng nàng vội vã. Trong khoảnh khắc, nàng đã thay quần áo và chạy vào trong cung Cảnh Linh. Hoan ngây người nhìn mãi vào chỗ bực đá còn phảng phất bóng tiên nga. Từ hai tháng trời, nay là buổi đầu tiên Hoan được ngắm nàng trong toàn thịnh của mỹ miều và nẩy nở, trong vinh quang của thân hình ngà ngọc, tràn trề nhựa sống, trần truồng và e lệ hiện lên như trong giấc mơ màng. Hoan thở dài, qua cổng Thái Thanh, trèo lên cầu, trời đương oi bức, mà hương thừa của mỹ nữ quanh quất bên hồ mơn mởn giác quan tráng sĩ như một luồng gió mát. Hoan vén mành, chạy thẳng đến giường An Tư, và tê liệt bên nàng công chúa dịu dàng, mát mẻ thơm tho…
An Tư đã tỉnh dậy, thân tuyệt phẩm còn đang mang dấu vết những dục vọng dã man và điên cuồng của Thái tử nhà Nguyên. Cổ tròn trắng như tuyết của nàng còn phập phồng vì thẹn thùng, đau đớn và tức giận. Nàng ngắm nhìn kẻ thù nằm bên mình, chỉ định vớ lấy kiếm đặt trên bàn đầu giường kết liễu đời Thoát Hoan trước rồi đời mình sau. Nhưng nàng thở dài không dám; không bao giờ nàng thấy trọng thân như trong khắc ấy.
Mùa hè đã tới, và đây đã bước sang tháng oi bức của cái mùa khó chịu nhất phương Nam. Cái ngày chờ mong đã tới, vậy mà tháng tư đã qua, không có một tin tức gì về quân nhà cả. Lo cho quốc gia cũng có, mà lo cho chính thân nàng thì nhiều. Rồi đây ra sao? Nếu cứ kéo dài mãi cuộc đời mãi dâm bên mình tướng Mông Cổ? Đã hai tháng bị giày vò, thân nàng ê chề, nhơ nhuốc. Nàng không có một hứng thú gì, ngoài những lúc cuồng mê của xác thịt trong những cuộc ái ân vô độ và điên cuồng của người đàn ông đã làm chúa tể thân thể nàng. Nàng cố đem những lời cao thượng của Chiêu Thành Vương, khi nàng cùng chàng từ biệt ở Thanh Hóa để an ủi mình, thân tuy nhơ, lòng nàng vẫn không bợn, nhưng nàng cảm thấy cái ý tưởng ấy không sao đứng vững được, và mỗi ngày, càng tụt sâu xuống dốc trụy lạc, nàng cảm thấy buồn chán và như mang tội với tình lang.
- Thôi thế là hết. Ôi vương gia, chàng bắt ta chờ, có biết đâu để ta mang nặng mãi nỗi ê chề đau đớn? Ôi vương gia, ôi vương gia, tình ta đã chết, duyên ta đã vỡ, hẹn nhau đến kiếp tái sinh thôi.
Nàng đã bao nhiêu lần khóc thầm trong vụng trộm. Và cũng đã nhiều lần Thoát Hoan bắt gặp. Hoan đã một lần uống hàng lệ mặn và bảo nàng:
- Công chúa làm sao lại âu sầu làm vậy? Ta không bỏ công chúa đâu. Ta trông công chúa hôm nay, không khác chi nàng Lý Thị khóc buổi gia vong quốc phá. Nhưng công chúa đẹp hơn Lý Thị nhiều. Công chúa ở với ta không mất cái gì cả, việc không đáng âu sầu, sao công chúa lại phải âu sầu.
Và từ đấy Hoan càng chiều nàng, và có thể làm được cái gì, Hoan đều chuẩn y những điều thỉnh cầu của người đẹp. An Tư không lấy thế làm vui. Tựa như con chim bạch yến được nuông chiều nhưng lúc nào cũng nghĩ đến tổ ở rừng xa, chỉ đến lúc sổ lồng là bay thẳng về chốn xưa quen thuộc. An Tư không sao quen được cuộc đời mà nàng chịu ép một bề, và cũng không sao quên được cái tình thâm trọng đối với Chiêu Thành Vương, tình muôn thuở, thiêng liêng, đã chiếm đoạt cả linh hồn lẫn xác thịt nàng, đã ăn vào những thớ sâu kín của người nàng, đã đào một luống sâu cho bánh xe nàng đi, không bao giờ chệch ra được nữa.
Gió nồm đã thổi, gió tây đã hun, nắng vàng đã gắt, mưa rào đã sang và con chim tu hú đã gọi hè; bao nhiêu sự đổi thay của trời đất, mà sao vẫn thấy biệt vô âm tín? Nghe đâu quân Mông đã uể oải, bệnh dịch đã phát sinh, giờ báo phục đã hiệu mà vẫn không thấy một bóng quân nhà. Quốc công có sai hẹn bao giờ đâu? Cái chiến thuật của Quốc công đã rõ, không có lẽ nào Quốc công mà nàng tin phục lại để lỡ cơ hội này. Đã có lúc nàng muốn báo tin cho quân nhà biết tình thế quân giặc, nhưng không có cách nào. Rồi đợi mãi, mà chiếc thân mỗi ngày một nhục nhã, nàng sinh lo, nàng thất vọng, thất vọng cho quân nhà. Hay quân ta đã thua bại ở Nghệ An? Và Chiêu Thành Vương biết đâu không bỏ thân ở một chiến trường nào?
An Tư thiếp đi trong những suy nghĩ miên man và nỗi lo âu đè nặng. Khi tỉnh dậy, mồ hôi nàng ướt như tắm, và người nàng khó chịu một cách lạ lùng. Lắng tai nghe ngoài cung chỉ thấy tiếng ồn ào của bữa tiệc mà Thoát Hoan thết tướng sĩ. Dần đần tiếng nói cười cũng im bặt, canh khuya yên tĩnh như trời sao. Gần đến sáng cũng không thấy Thoát Hoan về, nàng đồ rằng Hoan có việc quân cần kíp, và sẽ không vào Cảnh Linh cung nữa. Không sao chịu được và cũng không muốn phiền đến bọn cung nữ lấy nước tắm, nàng se sẽ ra hồ Ngoạn Thiềm, trông trước trông sau, không có bóng người, mới cởi xiêm y giội vài gáo nước trông lấy mát, rồi lại vội vã chạy vào trong cung. Nỗi lo phiền rạo rực, nỗi đau đớn hoài nghi của nàng cũng dịu đi được một vài phần. Nhưng đương phút êm ả tạm bợ trong lòng, người nàng cũng nhẹ nhàng trong bộ quần áo lụa mới thay, nàng thiu thiu ngủ, thì Thoát Hoan trở về, lôi kéo nàng vào trong cơn dục vọng dã man, ô uế và hung tợn.
Mỏi mệt quá mà không ngủ được, đầu rức, chân tay buồn bã, An Tư lúc bấy giờ thực có ý tưởng mãnh liệt muốn quyên sinh; nàng chỉ còn tự ngăn được vì lời nàng đã hứa đợi chờ Chiêu Thành Vương, trong phút giây lâm biệt. Nàng đoái lại nhìn Thoát Hoan, thấy nét mặt có phần hốc hác, nước da cũng hơi xanh xanh, đấy là tình cảnh của một viên tướng mà quân Nguyên vẫn tôn phục là xương đồng da sắt có thể chịu đựng được hết những vất vả và thống khổ trên đời mà không biết nhọc và động tâm. Nhìn kỹ người ngoại quốc, An Tư chợt thấy có cái vẻ gì như lo sợ không yên, và cái mặt lạnh lùng nham hiểm ấy trên môi có điểm một vẻ đau thương. Không bao giờ, từ hai tháng nay, An Tư lại nhận thấy sự thay đổi trên nét mặt Trấn Nam Vương như thế.
Nàng có chút vui mừng. Dẫu chẳng có tài phi thường như Tây Tử, An Tư cũng được chút an ủi như đã gây được sự suy đồi rõ rệt kia. Và bỏ những ý nghĩ lo phiền và hoài nghi vô căn cứ, nàng bước xuống giường, sai thị nữ đem nước thơm để nàng tắm gội theo lệ ngày thường. An Tư cho đấy là một cách rửa gột nhuốc nhơ, trong suốt thời kỳ chờ đợi người anh hùng tình nặng…
Thoát Hoan hôm ấy mệt quá, mãi đến trưa mới ra coi việc quân. Hôm ấy bệnh dịch lại càng dữ, người chết gấp hai hôm trước, và luôn hai hôm sau chết có đến hàng vạn quân. Thoát Hoan lo nghĩ, lại thêm lương thực cạn hết, trừ các tướng còn đủ ăn, quân sĩ thì thiếu thốn rất nhiều. Ngóng chờ thì lương thực chưa tới. Vào các làng mạc, dân gian không để một thứ gì, trâu bò lợn gà, ngô thóc khoai đậu cho đến các thứ hoa quả đều hết cả, thậm chí quân Nguyên phải giết ngựa đem ăn. Mà ngựa cũng gầy yếu. Mấy mươi vạn ngựa không có đủ cỏ ăn, chỗ nào cỏ cũng bị dân ra cắt hết hay đốt cháy sạch, đã đem mấy trăm người cắt trộm như thể hành hình để thị uy mà vẫn không sao trừ tiệt được cái nạn ấy. Quân Mông Cổ vốn trọng cỏ, thờ cỏ như một vị thần, vì cỏ nuôi sống ngựa là súc vật tùy thân của họ trên đường trường, nên tin tưởng rằng chỗ nào có cỏ là thắng, chỗ nào thiếu cỏ cho ngựa ăn là thua. Vì thế, lại thấy ngựa chết đi nhiều, họ đâm nản thêm, và thất vọng lan dần quân sĩ.
Bệnh dịch mỗi ngày một hoành hành, tính ra có nửa tháng trời, chết năm sáu vạn người, Thoát Hoan lo nghĩ, không biết dùng mưu gì, muốn tiến binh, thì quân sinh lực chỉ còn mươi vạn, mà khắp nơi có những cuộc dân gian âm mưu nổi loạn. Quân sĩ lại càng xao xuyến, Thoát Hoan phải đem chém mấy chục người để làm gương mà vẫn không yên.
Lại gặp một trận bão lớn nhất từ xưa đến nay, ròng rã bốn năm hôm trời, quân sĩ không đi đâu được để tìm lương thực, ro ró nằm trong trại nhìn trời mưa mù mịt, bão cuốn tung trời, suốt cõi kinh thành như chìm dưới biển nước, nỗi buồn của khách sa trường càng thêm thấm thía và nỗi tư hương trong những ngày dài dằng dặc, không có việc gì nên nặng nề xâm chiếm lòng chiến sĩ mạnh mẽ đến nỗi họ đều có ý tưởng muốn lui binh và bàn tán lẫn nhau:
- Nước Nam nhiều vượng khí, chưa chắc đã lấy được đâu. Chính Ô tướng quân anh hùng là thế, mà độ trước thấy một tên sứ giả của chúng đối đáp cứng cỏi, cũng phải cảm phục và khen nước Nam nhiều người tài chưa dễ đánh được nữa là.
Sau trận bão, tuy được dễ chịu hơn đôi chút trong một hai hôm, nhưng lại nắng gắt ngay, người chết vì bệnh dịch vẫn nhiều và quân sĩ càng thêm suy nhược. Cũng vừa lúc ấy, thì một tin như sét đánh làm chấn động hết cả quân Nguyên. Toa Đô thua lớn ở Hàm Tử Quan, quân sĩ chết có hàng vạn, binh thuyền mất cả hàng trăm, đạo quân ấy đã bị hãm vào một tình thế nghiêm trọng; đồng thời Trần Quang Khải kéo đại đội chiến thuyền đã ngược sông Nhị Hà kéo lên, tướng sĩ người nào cũng thề thu phục Thăng Long, khí thế rất là mạnh mẽ.
Hoan triệu tập tướng sĩ bàn kế chống cự. Phàn Tiếp nói:
- Quân giặc đi vòng từ Thanh Hóa về đây, đường trường vất vả, cứ như ngu ý, Thái tử nên đợi cho binh thuyền chúng đến gần, dĩ dật đãi lao, ắt là được trận.
Thoát Hoan nghe lời, sai Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Tích Lệ, Cơ Ngọc, dẫn chiến thuyền ra phục ở bến Chương Dương đợi quân Trần Quang Khải.
Bấy giờ quân Chiêu Minh Vương đã qua cửa Nam Triệu, vào sông Thái Bình, sang sông Nhị Hà, thuyền đi vun vút như tên bay. Quân sĩ thực sống như một ngày hội, tiếng ca hát tưng bừng. Trước khi lên đường, họ đã thề độc:
- Kẻ nào lùi một bước, thì ba họ tiệt diệt, con cháu muôn đời không sao mở mày mở mặt được…
(***) Mất một đoạn trong bản thảo. BS.
Và dân quân và binh tướng của triều đình, hòa hợp dưới quyền chỉ huy khôn khéo của Chiêu Minh Vương, tiến thẳng về phía Thăng Long, kể có hàng nghìn chiến thuyền, hàng mười vạn người, cờ rong trống mở, đêm đến đèn đuốc sáng trưng, tướng sĩ ca hát vang lừng, hoặc bài “Nam quốc sơn hà”, hoặc bài “Việt Vương Câu Tiễn”, hoặc những câu trong bài Hịch Tướng sĩ; đọc đến những câu “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”, hay “Tráng sĩ hoàn gia tận cẩm y”, đoàn anh hùng thấy hợp cảnh hợp tình lại càng sảng khoái, gõ mạn thuyền láy đi láy lại như một điệp khúc, ý tứ rất hào hùng. Thuyền như lá tre, quân đông như kiến, thanh thế rất là lừng lẫy. Tin ấy báo về Thăng Long, quân Mông Cổ xao xuyến náo động cả lên. Thoát Hoan suốt đêm ngày ở trong quân bàn kế chống giữ, không có lúc nào rảnh việc về Cảnh Linh cung. Và An Tư cũng mong manh tin quân nhà sắp tới, lòng nàng hồi hộp, nửa tin nửa mừng nửa thẹn, lại lo cho quân nhà, lo cho tình lang, nàng đứng ngồi không yên, muốn sai thị nữ đi thì chúng không tin được, muốn tự mình ra đi thì không có cách mà ra lọt. Nàng nóng ruột nhưng vẫn phải cố trấn tĩnh để khỏi lộ tình ý. Đây là giờ giải phóng cho dân tộc, đây là giờ giải phóng cho nàng. Không có cách gì hơn là cầu trời khấn phật phù hộ cho quân tướng triều đình, nàng tâm tâm niệm niệm trong lòng cầu nguyện. Nhưng thỉnh thoảng nghĩ đến số phận mình nhơ nhuốc, nàng lại tự hỏi:
— Ta có nên sống không? Có nên đem cái thân thất tiết, hôi tanh dâng hiến khách anh hùng? Không gì hơn là nói rõ thực tình cho chàng nghe, rồi từ tạ cuộc đời cho xong một kiếp vô duyên.
(***) Mất một đoạn trong bản thảo. BS.
Mắt nàng giàn giụa, thổn thức một mình, rối ren trong đau đớn:
- Vương gia hỡi! Cầu trời phật độ trì cho vương gia.
Nhưng nàng lại thoáng thấy vương tươi cười trước mặt, cung Cảnh Linh vẫn yên tĩnh và đêm vẫn bình thường. Nàng lấy làm lạ sao nàng lại có những ý nghĩ gở như thế trong khi không điều chi đáng lo ngại. Nhưng nàng chỉ yên lòng được một lúc, rồi tinh thần lại hoảng hốt như cũ.
Và trong lúc ấy thì binh tướng và dân quân của Chiêu Minh Vương tiến gần đến bến Chương Dương. Quân sĩ hoan hô như những khách trẩy hội đã đến đất thiêng liêng. Bấy giờ là đêm mồng chín tháng năm. Trần Quang Khải mật gọi Chiêu Thành Vương và Hoài Văn Hầu nói:
- Quân sinh lực của Thoát Hoan là ở cả bến Chương Dương, ta thân dẫn chiến thuyền cùng giặc tử chiến ở đấy. Phá xong binh thuyền giặc, ta sẽ cho quân đổ bộ tiến vào Thăng Long, Thoát Hoan tất đem quân ra cự địch, em và cháu hãy đem quân lên bộ ngay đây, ăn vận giả trang, tới phía nam kinh thành phục sẵn ở đấy, đợi khi Thoát Hoan ra thì dẫn quân đánh vào thành, ta ở Chương Dương đánh lên, hai chú cháu ở kinh thành đánh xuống, quân giặc thế nào cũng vỡ.
Hai tướng vâng lệnh, dẫn quân bản bộ và một vạn dân quân liên hiệp, ăn mặc giả trang tản mát đi, hẹn cùng tiến về phía nam kinh thành. Chiêu Thành Vương rất khâm phục cái thâm ý của Chiêu Minh Vương: Quang Khải muốn dành cho chàng cái công đầu vào thành để cứu công chúa. Lại cho chàng cái đặc ân được đánh bên Hoài Văn Hầu: người đương thời ai cũng khen hai chàng đánh giỏi và nhanh, và nếu cùng tiến binh bên cạnh nhau, thì thường thu được sự toàn thắng. Hai người thanh niên ấy đã ăn ý nhau và thỏa hiệp với nhau về cách tiến binh hãm trận.
Sau khi hai tướng đi rồi, Quang Khải hỏi mọi người xem ai tình nguyện lĩnh tiền đội xông vào trại giặc, lại nói:
- Binh thuyền giặc rất nhiều, quân giặc ở Chương Dương toàn là quân tinh nhuệ, phá được quân giặc ở đây, thì việc khôi phục Thăng Long đã xong một nửa. Ta phải tử chiến ở đây, một là còn hai là mất; đây là ván cờ quyết liệt, ta dốc toàn quân đánh trận này. Thành công hay không là ở các ngươi vậy. Nay ta đã trữ những đồ dẫn hỏa trong mười chiếc thuyền, cần nhất là phải có người cảm tử đãn mười chiếc thuyền ấy đến sát thủy trại của giặc, tung lửa đột phá, mới mong thủ thắng được. Các ngươi còn nhớ trận Trung Vũ Vương hỏa công phá thuyền giặc ở bến Đông Bộ Đầu, ta cũng phải đánh như ông cha ta mới được. Ai dám vì ta lái mười chiếc thuyền dẫn hỏa kia.
Tráng sĩ tranh nhau xin nhận công việc nguy hiểm ấy, kể có hàng ngàn người. Quang Khải chọn lấy năm trăm tráng sĩ cho họ xuống thuyền, rồi sai nổi hiệu trống tiến quân. Quang Khải bẻ một mũi tên thề rằng:
- Nếu tôi lùi một bước, xin chết như mũi tên này.
Rồi cho người đi loan báo khắp ba quân việc ấy, mọi người đều nói:
- Thề chết thì thôi, không lùi một bước.
Ngọn cờ ngả về đằng trước. Trống trận nổi lên, tiếng ca nổi lên, thuyền vun vút như lá tre tiến về phía Chương Dương. Bấy giờ đã mờ mờ sáng ngày mồng mười tháng năm. Tiếng ca của đoàn tráng sĩ vừa dứt; xa xa mập mờ đã thấy bóng thuyền giặc. Mười chiếc thuyền cảm tử đi đầu. Một tiếng nổ kinh thiên động địa, tức thì từ thuyền Mông Cổ súng đại bác bắn ra như mưa, khói bốc lên mù mịt. Trong nháy mắt hai thuyền dẫn hỏa của Chiêu Minh Vương đã chìm dưới đáy sông. Đạn rào rào lướt qua các mui thuyền, tráng sĩ tối tăm cả mắt mũi, nhưng trông xa mập mờ vẫn thấy lá cờ lệnh ngả về đằng trước. Thuyền vẫn tiến lên, mặc dầu những mui, những cột buồm bị tàn phá đổ gãy, thuyền tròng trành tưởng như sắp ụp. Lắng nghe trong bão đạn, có tiếng hô:
- Tiến lên, anh em ơi! “Sát Thát”, anh em ơi! Tiến lên! Quân giặc thua đến nơi rồi.
Người ta thấy thuyền Phạm Ngũ Lão vượt lên trước. Ngũ Lão tay cầm cờ, mình đeo kiếm, đứng trước mũi thuyền, nghiễm nhiên như không, mặc đạn bắn vượt qua hay rơi chung quanh. Đoàn quân của Ngũ Lão tiến theo chủ tướng, sau đó thì đến đoàn dân quân của Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Chuyên hai anh em. Say mê như người uống rượu không tự chủ được, quân các đạo rầm rộ tiến sang. Lá cờ lệnh vẫn ngả về đàng trước. Tiếng ca hoàn toàn hết, chỉ còn tiếng reo hò hãm trận và tiếng đạn gào, tiếng tên bay như rít bên tai. Ba chiếc thuyền cảm tử đã chìm, những tráng sĩ lóp ngóp bò lên. Một chiếc nữa phát hỏa, bốc lên và đã sát đến hàng đầu thuyền giặc. Trong lửa bốc, người ta nhận thấy những chiến sĩ bị thiêu xém cả râu tóc, và cháy cả áo quần. Thuyền ấy đã lao cả vào thuyền giặc, lửa bốc lên ngùn ngụt, và một chiến sĩ nhảy tót lên thuyền mới cháy, vung kiếm sáng đánh quân thù. Nhưng một ngọn giáo lao trúng ngực, chàng đã ngã lăn xuống nước. Bốn chiếc thuyền dẫn hỏa sau đã tới, chỉ trong nháy mắt, hàng thuyền đầu của giặc cháy bùng lên, cả khúc sông cũng đỏ rực, và lửa chạy tung hoành trên mặt sông.
Quân Nam reo ầm lên:
- Thuyền giặc cháy rồi. Tiến lên anh em ơi!
Gió nồm lại trợ lực cho quân mình. Chiêu Minh Vương nói:
- Ba quân cố gắng một phen. Trời đã tựa ta, nổi trận gió nồm, ba quân đừng phụ lòng trời. Dịp may có một, ta đừng để lỡ.
Tráng sĩ reo hò ca tụng Chiêu Minh Vương, khắp các thuyền nổi lên câu:
- Anh em xin tận lực.
Tiếng “Sát Thát” nổi vang lên. Thuyền giặc cháy lan sang nhau, và năm chiếc thuyền con cảm tử len lỏi giữa hạm đội quân thù, dần dần đã chìm hết, và năm trăm quân tiền đội chỉ còn độ dăm chục người, còn cố tung những đồ dẫn hỏa vào các thuyền địch khác. Lửa cháy sáng rực cả một góc trời, cột buồm, thừng chão, cờ quạt, dần dần đổ răng rắc, tàn bay theo gió đưa xa.
Phàn Tiếp sợ lửa cháy bén sang đại đội chiến thuyền mình, bèn hạ lệnh cho hạm đội lùi xa những thuyền đã cháy. Quang Khải nhận rõ cử động của địch, gọi Phạm Ngũ Lão nói:
- Đây chính là lúc giặc đang rối loạn, ta đánh tất là được. Tướng quân dẫn binh thuyền, vượt đoàn thuyền cháy sấn vào giữa hạm đội giặc, ta đem đại binh tiến sau.
Phạm Ngũ Lão vâng lệnh, chia thuyền làm ba đạo cùng anh em Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Chuyên kéo thuyền qua khúc sông đang cháy rực trời, xông vào đánh đại quân của Phàn Tiếp. Quân Nguyên đang lúc hoang mang, không kịp chống đỡ, quân Nam thừa thế đánh sang. Trông thấy Phạm Ngũ Lão, người địch thủ của Toa Đô, Ô Mã Nhi, quân giặc thất kinh, không đánh mà lui, hỗn loạn đã gần hoàn toàn. Ngũ Lão đứng giữa, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Chuyên hai bên, hô quân xông lên chém giết. Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc liều chết xông ra chống cự cùng ba tướng. Thuyền của hai bên đã lẫn lộn cung nhau, tráng sĩ giáp lá cà, ánh kiếm sáng lòe, đầu văng tung tóe, binh khí cờ quạt đổ ngổn ngang. Quân Nam đánh hăng quá, người trước chết thì người sau tiếp theo, trong lúc giao tranh ác liệt, quân Nguyên bỗng thấy quân nhà Trần nhiều không biết bao nhiêu mà kể, mà mỗi một chiến sĩ sức khỏe tưởng gấp đôi. Phàn Tiếp không địch nổi Phạm Ngũ Lão và hai anh em Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Chuyên cũng trổ hết thần uy, giao chiến với Tích Lệ, Cơ Ngọc, hai danh tướng nhà Nguyên không sao hạ được hai người đứng đầu đoàn quân nghĩa dũng ấy. Thuyền giặc mỗi lúc mỗi lùi xa, và trời đã sáng từ lúc nào. Nắng gắt rất là khó chịu. Xa xa, đoàn thuyền cháy vẫn bốc lên rừng rực, Và từ chỗ ấy đến thuyền Phạm Ngũ Lão, chiến thuyền của Trần Quang Khải vẫn kéo sang, đông không biết thế nào mà kể, cờ bay phất phới, chiêng trống vang lừng, bội phần thanh thế.
Nắng lên, quân Nguyên Mông phần thì mệt mỏi, phần thì hốt hoảng, không còn hăng hái đánh nhau nữa. Mà quân Nam càng đánh càng hăng. Phạm Ngũ Lão thét lên một tiếng, trổ hết sức bình sinh, nhảy sang thuyền Phàn Tiếp, Tiếp không sao chống cự nổi, chạy vào trong khoang, quân các thuyền tưởng chủ tướng đã chết, kinh tâm thất đảm, không còn hồn vía nào, đổ xô nhau chạy trốn. Hỗn loạn thực là hoàn toàn. Quân Nam thừa thế tràn sang, quân Nguyên tan vỡ. Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc, chạy được thoát thân. Bấy giờ anh hùng đánh hăng quá, quân giặc túng thế chạy cả lên bờ, bao nhiêu chiến thuyền đều bị mất vào tay quân Chiêu Minh Vương. Xác trôi trên sông nhiều không biết bao nhiêu mà kể cho hết. Trận thắng thực là hoàn toàn.