Thoát Hoan đã cùng đại tướng là A Bát Xích, Áo Lỗ Xích và tỳ tướng là Lý Hằng, Lý Quán khởi hết quân trong thành ra để giữ Thăng Long, và ngăn không cho quân Chiêu Minh Vương lên bộ. Vương cười và nói:
- Thoát Hoan trúng kế ta rồi. Mười Thoát Hoan cũng không ngăn nổi ta chứ đừng nói một Thoát Hoan. Chầy ra là đêm nay, ta cùng ba quân uống rượu mừng ở kinh thành.
Vương truyền đổi tiền đội là hậu đội, và nói:
- Nay đến lượt trung quân và hậu quân lập công.
Các tráng sĩ dạ ran. Trời nóng như lửa thiêu, mọi người đều đổ mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Mặc dầu quân Thoát Hoan sắp tới, Chiêu Minh Vương cũng cho quân lên bộ và truyền:
- Trận này mà thua thì trận Chương Dương thật uổng. Xin ba quân cố sức cho. Sau lưng là sông, trước mặt là giặc, tiến lên là sống, lùi lại là chết. Thành công ở cả trận này, ba quân nên cố gắng.
Quân dân nhất tề lên bộ, ngựa giam đã lâu dưới thuyền được thả ra, vui mừng hí vang trời. Quang Khải nhảy lên mình ngựa, phi đi khắp cơ đội dặn dò mọi người. Ngọn cờ Phục quốc, Sát Thát vẫn tung bay dưới bầu trời buổi trưa xanh biếc, không một bóng mây âm. Quân đang lên bộ thì Thoát Hoan ập tới. Quân dưới thuyền bắn tên ra tua tủa để hộ vệ quân đang lên. Thoát Hoan cùng A Bát Xích. Áo Lỗ Xích và các tùy tướng mặc tên bắn, hô quân đánh xuống. Quang Khải cũng phất cờ cho quân đánh lên. Phạm Ngũ Lão tế ngựa đi đầu, quân sĩ hò reo theo lên, xông thẳng vào chỗ Thoát Hoan đứng chỉ huy, thế như hổ nhảy. A Bát Xích, Áo Lỗ Xích tế ngựa lại ngăn cản. Ngọn giáo múa như bay, Ngũ Lão một mình chống cự với hai tướng, đang lúc hăng hái, sức chàng tăng gấp bội. Chỉ trong nháy mắt, một mũi thương đâm trúng Áo Lỗ Xích, mặt trận hở ra, các tướng Nguyên xúm lại, nhưng không một người nào chịu được sức khỏe thiên thần của người tráng sĩ. Ngũ Lão thét quân xông lên, ở sau Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Chuyên thúc quân đánh rát, hai bên hỗn chiến, gươm giáo mù mịt, tiếng reo hò vang động cả một vùng. Phạm Ngũ Lão đi đến đâu giặc tan ra đến đấy, quân Nguyên chết như rạ, và một mình Ngũ Lão đã chuyển được tình thế bất lợi của quân nhà thành một tình thế thuận tiện. Quân dưới sông đã dần dần lên được hết, lăn xả cả vào quân thù. Cứ người nọ tiếp người kia, lớp này đến lớp khác, mạnh hơn sóng biển, ào ào như gió họ không sợ nhảy vào chỗ chết. Quân kỵ của Thoát Hoan cũng không sao tiến lên được trên vũng lầy người ấy. Người thì nhảy xổ lên chém giặc, người thì lao thân vào chặt chân ngựa, họ say sưa trong phấn đấu không còn tiếc gì đến thân. Khi thì lớp sóng Thoát Hoan dềnh xuống, khi thì lớp sóng quân Nam nhô lên, suốt từ trưa đến chiều hai bên đánh nhau cực kỳ khốc liệt. Mặc dù quân Nam liều chết, cũng chưa chọc nổi chiến thuyền của Thoát Hoan.
Hai bên đương cầm cự nhau, thì một tin đột ngột đến làm cho Thoát Hoan thất kinh: Bấy giờ Chiêu Thành Vương và Hoài Văn Hầu đến sát chân thành, lừa lúc Thoát Hoan ra khỏi, nổi hiệu đánh vào. Trong thành duy còn có một vạn quân, đặt dưới quyền chỉ huy của tướng A Thích. Quân Nguyên không dám khinh chiến. Trên mặt thành, họ đặt súng đại bác và nỏ cứng nhất tề bắn xuống rào rào không lúc nào ngớt. A Thích cưỡi ngựa đi đi lại lại trên mặt thành chỉ huy quân sĩ:
Các tráng sĩ ta bảo nhau:
- Trước kia nghe tiếng súng đại bác của quân giặc sao mà sợ thế. Bây giờ, quái lạ, không coi ra mùi mẻ gì cả.
Lá cờ Tinh Cương và lá cờ sáu chữ dựng cao. Đây đã đến mục đích mà chàng theo đuổi từ mấy tháng nay, Chiêu Thành Vương bỗng cảm thấy trong lòng một nỗi buồn không duyên cớ. Chàng quay lại nhìn đoàn dũng sĩ trung thành của chàng, chàng nhớ rành rọt từng cái tên, những dáng điệu cử chỉ của họ, cả lúc chết của những người bạn đường; trong óc minh mẫn lạ thường của chàng họ lần lượt hiện lên, tươi cười quyến luyến, không sót một người nào. Trong số hai nghìn quân bản độ, chết đã quá nửa rồi, chàng bỗng thương những người còn sống sót mà lòng nhiệt thành với vua với nước với chủ tướng, vẫn vẹn toàn như xưa. Chàng nhìn hết mọi người một lúc lâu, mỉm miệng cười với mọi người, mắt chàng bỗng đượm một vẻ buồn kỳ lạ. Có tiếng Hoài Văn Hầu:
- Đánh chứ, chú?
Vương giật mình, chàng bỗng ghen với người thiếu niên kia, và ghen cả với sáu trăm trai tử đệ của Trần Quốc Toản. Trông toàn đội, từ Hoài Văn Hầu trở xuống, họ mới nhanh nhẹn, họ mới vui vẻ, họ mới hồn nhiên biết bao.
Nghe Hoài Văn Hầu hỏi, Chiêu Thành Vương gắt:
- Hầu đánh trước đi.
Ai cũng lấy làm lạ. Mấy bữa nay, vương nóng nảy và cáu gắt lạ lùng. Trần Quỹ bỗng nhìn vương, thấy mắt vương mờ ám khác thường. Vương định giục ngựa, thì con ngựa nâu chồm chồm quay lại, vương mắng:
- Mày muốn chết phải không?
Trần Qũy hỏi vương:
- Vương gia làm sao thế?
Tiếng nghe âu yếm, khiến vương tỉnh lại. Vương hối đã có vẻ không lịch sự với Hoài Văn Hầu. Nhưng nhìn sang, vẫn thấy hầu điềm nhiên và mắt vẫn đầy một nguồn thân mật. Chợt hầu trỏ roi lên mặt thành, nói gần như rú:
- Ai kia?
- Trời ơi! Công chúa!
Mọi người đều rú lên. Một tiếng hô Sát Thát, vương và hầu cùng tế ngựa trong vòng mưa đạn.
Và trên mặt thành, im lìm như một pho tượng, trong bộ áo lính nhà Nguyên, An Tư công chúa nhìn xuống, hai hàng lệ lăn trên gò má. Thổn thức vì vui mừng, vì lo sợ, vì cảm động, vì thương thân, nàng phải vịn vào một cán cờ phấp phới bay trên tòa thành. Tên đạn bắn ra như mưa, trông xuống dưới chân thành, tối như đêm dày, nhưng mắt người thiếu nữ vẫn nhận ra được bóng người yêu thấp thoáng trong cơn bão thép.
Mấy hôm nay Thoát Hoan không về Cảnh Linh cung, và tin báo quân Nam đã về khôi phục. An Tư lại bị hãm vào một tình thế nguy ngập. Có một bọn tướng sĩ thân cận của Ô Mã Nhi, nhân lúc Thoát Hoan đi vắng và A Thích bận ngoài thành, vây chặt lấy cung cấm, nhất định giết An Tư mà chúng cho là người đã gây ra cuộc thất bại của chúng ngày nay. An Tư cũng muốn nhân dịp này quyên sinh cho hết kiếp, công việc của nàng đến đây đã kết thúc rồi, nàng có quyền được chết. Nhưng nàng không dám bội ước với Chiêu Thành Vương, đã hẹn gặp nhau, có lẽ nào đến giờ tái hợp, nàng lại trái lời. Nàng còn phải gặp chàng. Vả lại, mặc dầu tủi thân tủi phận, nàng vẫn muốn gặp mặt người mình yêu, sự muốn ấy tha thiết như một cầu mong. Cho nên nàng tìm hết cách thoát khỏi vòng vây của quân Ô Mã Nhi để trốn ra ngoài thành. Nàng chắc người tướng đến Thăng Long trước nhất phải là Chiêu Thành Vương, và thế nào nàng cũng gặp được chàng, thỏa tấm lòng tưởng nhớ. Vì thế, sẵn trong cung có một bộ áo lính, nàng mặc vào, và vì thế ra được khỏi cung Cảnh Linh, và cứ mặc thế, nàng xăm xăm lên cửa Nam, trong khi súng nổ ầm ầm và quân sĩ réo nhau inh ỏi. Không ai để ý đến nàng. An Tư vui vui, nghe xa xa có tiếng quen quen, tiếng của tráng sĩ quân nhà mà nàng nhận ra ngay.
Khi lên đến mặt thành, nhìn xuống, quả nhiên thấy cao cao lá cờ Tinh Cương và lá cờ sáu chữ. Nàng lẩm bẩm:
- Bao giờ cũng hai chú cháu đi với nhau. Sao người hợp nhau thế.
Cũng vừa lúc ấy, thì mắt tinh nhanh của Hoài Văn Hầu nhận được nàng. Vương cũng ngước mắt nhìn lên, ôi bộ mặt của người yêu muôn thuở. Nàng cố nhìn cho rõ, nhưng xa quá, và khói bay mù mịt, rồi vương xông vào trong vòng đen tối, không nhận ra nữa, chỉ thấy bóng ngựa nhấp nhô và lá cờ Tinh Cương và sáu chữ nhoi lên trên biển khói.
A Thích cũng vừa tới chỗ An Tư. Chưa kịp hỏi han, thì có tiếng người gọi ở đàng xa, Thích lại rảo bước chạy lại. Bấy giờ Trần Thông và Trần Quốc Toản cứ tế ngựa trong mưa đạn, đã hai lần đánh lên thành và hai lần họ bị đánh lui, quân sĩ chết như rạ trước mặt thành.
Chợt thấy có tiếng reo:
- Đại quân của Chiêu Minh Vương đã tới. Cố lên anh em, không thì mất hết giá trị. Cố lên anh em.
Nhận ra là tiếng Hoài Văn Hầu, Chiêu Thành Vương vẫy kiếm thúc ngựa, đánh lên mặt thành, và tiến gần nhất. Quân Nguyên chĩa cả cung nỏ bắn vào chủ tướng quân Tinh Cương, tên bay chung quanh như châu chấu ngày mùa. An Tư lo sợ, muốn kêu để chàng lùi lại, nhưng trong lúc say sưa, chàng không biết đến nguy hiểm quanh mình. Trần Quỹ tế ngựa đi bên chủ tướng, nói:
- Quân giặc chĩa cả cung nỏ vào vương gia, vương gia nên giới ý.
Vương chưa kịp nói gì, thì một mũi tên bắn phập vào vai, vương rút ra cười với Trần Quỹ. Nhưng một mũi tên khác bắn theo, trúng giữa ngực, vương ngã lăn xuống ngựa, máu tươi bắn cả lên mặt. Quân giặc reo ầm cả lên. An Tư đau nhói đến tim, nàng thét lên:
- Vương gia!
Và nàng ngả vật xuống bên trong thành, mê man bất tỉnh.
Cùng lúc ấy, Chiêu Thành Vương đã nghiến răng chịu đau, rút mũi tên ra, xé bào bịt lấy ngực, rồi tuốt kiếm chạy đến bên con ngựa nâu bấy giờ đang lồng lên. Vương định nhảy lên mình ngựa, nhưng chàng loạng choạng không đứng vững, chàng lả vào tay Trần Quỹ. Thấy trên mắt Trần Quỹ long lanh hàng lệ, vương nói:
- Ta có làm sao không? Có lẽ nào ta lại chết ở đây được. Công chúa có trông thấy ta không?
Mặt vương tái nhợt. Vương cố gượng cũng không được nữa. Quỹ đỡ vương nằm dưới một gốc cây đa ở trước thành. Vương bảo Quỹ xoay cho vương nhìn vào phía thành xem quan quân đánh lên, vương nói:
- Có lẽ nào? Có lẽ nào?
Hoài Văn Hầu đã tiến sát đến chân thành, nghe tin dữ về Chiêu Thành Vương, liền quay ngựa về. Tới gốc đa, thấy vương nằm bên Trần Quỹ, máu chảy đầy người, hầu nhảy xuống ngựa, khóc rằng:
- Chú làm sao?
Chàng cởi áo bào xem chỗ bị thương, mũi tên ăn gần suốt ngực. Hầu nhìn vương thất vọng. Vương nói:
- Tôi không đau dớn gì. Có lẽ nằm một lúc lại dậy được. Hầu đừng bận tâm về tôi. Đánh lên thành mau. Quân giặc đã yếu thế rồi. Đạn đã thưa, tên đã ít. Hầu lên trước đi, tôi xin theo sau.
Vương nhoẻn miệng cười với hầu, giục hầu ra trận. Thấy hầu dùng dằng, vương gắt không bằng lòng. Hoài Văn Hầu gạt lệ bước lên ngựa, và bảo ngầm với Trần Quỹ:
- Ta chỉ lo không kịp chứng kiến lúc hoàng thúc lâm chung.
Chàng kêu lên:
- Trời ơi! Có lẽ nào hoàng thúc lại đến nước ấy được. Ta không ngờ. Ta không ngờ.
Chàng nghiến răng, thề giết hết quân giặc để báo thù cho bạn đồng ngũ. Và chàng biến vào trong trận, phút chốc chàng đã tiến lên hàng đầu.
Nỗi giận, nỗi tức, nỗi thương Chiêu Thành Vương làm cho người chiến sĩ táo bạo thêm liều. Bấy giờ quân Thoát Hoan tan vỡ, đại binh của Trần Quang Khải đã kéo tới, một tướng đi đầu, ấy là Phạm Ngũ Lão. Quân Tinh Cương lúc ấy cũng muốn ở bên chủ tướng, nhưng Chiêu Thành Vương nhất định bắt họ theo quan quân đánh lên.
Trời đã về chiều. Mặt trời hướng tây đỏ rực như máu. Trong bóng hoàng hôn, đoàn tráng sĩ của Chiêu Minh Vương nổ lực đánh lên thành. Chợt có tiếng Chiêu Thành Vương rú lên một tiếng reo vui mừng, và vận hết hơi tàn, cố nhỏm dậy nhìn về hướng Thăng Long. Trần Quốc Toản đã nhảy lên bờ thành, vung kiếm đánh tan quân địch, và nhổ một cây cờ của giặc vứt đi, cắm ngọn cờ Tinh Cương vào đó. Quan quân nhất tề xông lên, tưởng như châu chấu, trong khi quân giặc trên thành ngã xuống hào, hay cắm đầu chạy trốn.
Chiêu Thành Vương cố nhìn cho rõ, nhưng mắt chàng đã mờ, chàng nằm ngả ra, mắt trào lệ vì sung sướng thấy bóng cờ của mình phất phới trên bờ thành. Chàng lẩm bẩm:
- Tinh Cương! Tinh Cương! Ôi phụ vương!
Chàng đau quá thể, nhưng nghiến răng để không lộ nỗi đau. Ngước mắt mờ nhìn Trần Quỹ, chàng hỏi:
- Có lẽ nào ta chết! Trời hỡi trời! Công chúa ơi! Công chúa! An Tư! Chị Liễu! Có lẽ nào tôi chết!
Chàng thoáng qua thấy hình dáng An Tư. Và bóng người từ mẫu và đàn em dại cũng lần lượt diễu qua mắt chàng.
Vương bảo Quỹ:
- Ta chết mất. Ta chết đến nơi rồi. Quân ta đã đánh đến đâu? Quân ta đã vào được thành chưa? Sao ngươi lại khóc? Anh hùng không được khóc! Quân ta toàn thắng chưa? Nói cho thực. Ta không trông thấy gì nữa.
Trần Qũy thưa:
- Quân ta đã vào đến thành. Cửa thành đã mở, Chiêu Minh Vương cũng đã tiến vào. Trên mặt thành toàn cờ hiệu nước nhà. Và trên kỳ đài đã dựng lá Quốc kỳ…
- Thôi được rồi. Thôi, ta chết cũng không ân hận nữa. Kiếm ta đâu?
- Bẩm đây.
- Ngươi đặt bên mình ta cho thẳng. Ngươi giở túi gấm của ta ra, lấy ra ba bức thêu, giơ lên trước mặt ta xem.
Quỹ giơ lên, vương không trông thấy gì nữa, và kêu:
- Ngươi để cả lên ngực cho ta. Ta đã thắng quân thù, toại được chí của mẹ; ta đã giết giặc nước, đấu với Ô Mã Nhi, vừa ý công chúa, ta có chết cũng không uổng nữa. Ngươi đặt cả lên trước ngực ta đây.
Quỹ khóc vâng lời, rồi không cầm lòng được, ôm lấy vương:
- Vương gia! Vương gia! Sao vương gia lại bỏ con! Vương gia đương độ đầu xanh tuổi trẻ. Có lẽ nào Vương gia? Vương gia, vương gia.
Chiêu Thành Vương cười và nói:
- Trần Quỹ sao ngươi lại đàn bà đến thế. Ngươi đặt ta cho thẳng, cho ta nhìn thẳng về phía hoàng thành. À ta dặn ngươi. Khi ta chết rồi, phải chít khăn đại tang cho ta trở mẹ ta, nghe chưa.
Trần Quỹ dạ dạ. Vương run run tay quờ quạng chiếc kiếm bên mình, lại sờ lên ngực, rồi nói:
- Khi ta chết rồi, hãy khiêng xác ta vào thành đã rồi hãy đem chôn. Như thế cũng như ta đã vào được đến thành.
Nói xong, vương ngả đầu vào tay Trân Quỹ, ú ớ không nói được nữa. Cũng vừa lúc ấy, ba kỵ mã tế ra: ấy là Chiêu Minh Vương, Hoài Văn Hầu và An Tư công chúa. Ba người cùng xuống ngựa; tuy trời sáng trăng, nhưng ánh sáng nhờ nhờ nên Chiêu Minh Vương sai quân đốt đuốc đem theo. An Tư chạy lại, quỳ xuống bên chàng. Hoài Văn Hầu cũng quỳ xuống một bên. Vương đã hấp hối, miệng phì phèo, như gọi mẫu thân, có lúc lại như gọi An Tư. Chiêu Minh Vương đứng trước mặt, dưới ánh sáng hai ngọn đuốc, Trần Thông trông không có vẻ gì là người chết. Mặt chàng yên tĩnh, cằm kiêu ngạo hơi vểnh lên, và môi mắm lại trong một cử chỉ anh hùng khiêu khích. Râu tơ lún phún trên mép và cằm, càng làm bật nổi một vẻ đẹp ngang tàng trai trẻ.
An Tư nghẹn ngào không nói được, và Trần Quỹ và Hoài Văn Hầu thổn thức sụt sùi. Đoàn quân Tinh Cương khi ấy cũng đã ra, lần lượt sụp lạy trước thây chủ tướng và đứng vòng quanh xác vương, khóc nức nở như khóc như bậc chí thân.
Theo lời trối lại của Chiêu Thành Vương, người ta chít khăn đại tang cho chàng, quân Tinh Cương khiêng xác chàng vào thành Thăng Long và diễu đi khắp ba quân. Không ai không ngậm ngùi cho người tráng sĩ, và trông thấy An Tư mặt hoa tiều tụy, nước da tai tái, không ai không ái ngại cho nàng và cho cuộc tình duyên. Nàng đã tự ý mặc áo đại tang trở chàng, và suốt đêm hôm ấy cùng Hoài Văn hầu, Trần Quỹ và quân Tinh Cương đứng canh bên linh cữu. Vì bấy giờ không biết Khâm Thiên Vương phu nhân và gia quyến phiêu dạt ở đâu nên không báo tin được.
Ngày hôm sau, Chiêu Minh Vương nhân danh là đại tướng khâm sai của triều đình, thân làm văn tế và đứng chủ tế những tướng sĩ đã bỏ xác trên sa trường. Lời văn thống thiết, ba quân thương cảm bạn trường, lệ hoen nét mặt dạn dày vì mưa gió.
Suốt ngày hôm ấy, sau khi đi đưa đám Chiêu Thành Vương mà người ta tạm táng bên bờ sông, cùng với mấy vạn tử sĩ. An Tư đóng cửa nằm trong cung riêng, Nàng không về Cảnh Linh sặc mùi ô uế và về chốn cũ, lại nhớ đến người xưa, tâm nàng như đứt hết. Nàng như phảng phất ngày xuân cũng ở cung này, tiễn chàng ra trận, và khi ấy chàng trai trẻ, uy dũng biết bao nhiêu. Mới có ngót sáu tháng trời! Thương chàng và tủi phận, nàng gục đầu xuống gối khóc như mưa, gối đã ướt đầm đìa lệ ngọc. Bây giờ nàng ao ước chàng sống, dù phải đem thân nhơ nhuốc hiến dâng chàng, miễn là chàng được sống. Càng nghĩ càng xót xa, lắm lúc nàng nghiến răng hờn oán, hay đứng lên vùng vằng như muốn phá những ngang trái của hóa công, lắm lúc nàng ngồi bần thần, nghĩ lại hình ảnh người yêu, hùng tráng trên con ngựa nâu, lủng lẳng bên mình thanh bảo kiếm. Ý nàng đã quyết. Đến đây, không còn điều chi ràng buộc nàng với đời nữa.
Ngoài thành quan quân đang tấp nập mở tiệc ăn mừng chiến thắng. Chiêu Minh Vương bận việc, nhưng cũng thỉnh thoảng sai người vào hỏi han nàng. Vương cũng có ý sợ em gái có những cử chỉ liều lĩnh. Nàng cố giấu giếm dự định của nàng.
Đêm đã đến. Tiệc khao quân vẫn tưng bừng náo nhiệt. Nàng ăn mặc cực kỳ lộng lẫy lén bước đi tìm con ngựa bạch. Trông thấy quân sĩ vui mừng chiến thắng, nàng lại không cầm được lệ, nức nở khóc người dũng cảm vô duyên, uổng phí tâm can, mà đành uống giận dưới chân thành, không toại nguyện bình sinh. Chỗ nào cũng là đèn đuốc, cờ bay phất phới, chưa có hội nào náo nhiệt như thế. Lại thêm ánh trăng vằng vặc, sáng tỏ như ban ngày, chiếu thêm nét mặt những anh hùng đắc chí.
Nàng thu mình giữa đám vui, thân đang chịu một cái tang đau đớn, nàng không dám lưu luyến, sợ không được chân thành với người quá cố. Và chính tiệc khao quân tưng bừng náo nhiệt đã xua đuổi nàng đi, người duy nhất không có quyền được hưởng cái vinh quang ấy. Mặt tai tái, nàng nhảy lên mình ngựa tế thẳng ra bờ sông, giữa những mồ chiến sĩ hữu danh hay vô danh lần đến mộ chàng, có tấm bia đề bảy chữ: Tinh Cương chủ tướng Chiêu Thành chi mộ. Nàng xuống ngựa, thắp hương, rồi rập đầu trên nắm đất mà khóc rũ rượi, hết cơn này đến cơn khác. Tuần hương đã hết, nàng đứng dậy, trông lại nấm mồ, nức nở nói:
- Tiệc vui riêng vương gia không được hưởng, thiếp xin xuống vàng cùng vương gia tái hợp, cho vương gia đỡ tủi. Vương gia sống khôn chết thiêng, xin đợi chờ thiếp đây.
Nàng trông lại phía thành, cờ thắng phất phới bay dưới ánh trăng sao vằng vặc. Tiếng ti quản đưa đến tai nàng. Nàng xăm xăm chạy ra bờ sông. Chợt quay lại, nghe rõ tiếng ca vang lừng:
"Đoạt sáo Chương Dương Độ
Cầm Hồ Hàm Tử Quan
Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san."
Tiếng ca như lụt trời, quyện vào trăng sao mây gió, đầy một ý khí hào hùng. Nàng quay lại nấm mồ phảng phất hình người dũng cảm đã có một phần công trong những trận thắng oanh liệt nhắc trong thơ. Lời ca vẫn âm vang bên tai nàng, nàng bỗng cảm có chút vui lây. Ánh trăng bàng bạc, nàng mê man như ngày ruổi ngựa cùng chàng vào Thanh. Nàng đã đến bờ sông Cái, và không ngần ngại văng mình xuống nước.
Trên bờ sông, con ngựa bạch ngơ ngác, đánh hơi tìm chủ nhân, lồng lộn hướng ra lòng sông, dưới bóng trăng khuya, hí lên một hồi tuyệt vọng…
__
(18-12-1943).