Năm ấy, vương tử Cán đã lên hai, vương tử Tông thì đã mười sáu.
Vương phi Đặng Thị Huệ, tuy vui vẻ, nhưng nàng vẫn băn khoăn lo nghĩ.
"Sung sướng ngày nay, nhưng mai kia thì sao? Ngày kia chúa mất, đảng vũ mình chưa có thì dù Cán được dựng nữa, nào đã chắc được hưởng ngôi cao. Huống chi chưa chắc Cán đã được dựng?"
Nàng nhớ lại lời nói của ông sư chùa Thiên Bảo đoán số cho nàng, có câu kín đáo mà có ý nghĩa:
- Lệnh bà có cái dáng ung dung, đáng làm mẫu nghi thiên hạ, nhưng phải cái tướng lộ thần: bao nhiêu tinh thần lộ hết cả ra nét mặt, bần tăng sợ là một tướng xấu. Người ta, cái tinh anh có lúc trông rõ, có lúc trông không rõ, có lúc hiện lúc ẩn mới hay. Lúc nào trông nét mặt lộ hết thần thái tinh anh, cái đó là một điều không đáng mừng hẳn.
Nàng còn nhớ rõ lúc ra về, có nghe thấy sư cụ bảo tiểu ở ngoài vườn:
- Đừng trồng hoa huệ trong chùa. Hoa ấy nở từ trưa, thơm về chiều về đêm, không phải là chính hương chính sắc, không trồng nơi thờ Phật được. Mà quí gì con! Quí gì thứ hoa không kết quả!
Nàng nhận ra rằng câu ấy rõ ràng là sư cụ chùa Thiên Bảo định giả tiếng mắng tiểu mà nói cho nàng nghe. Giá là người khác nói thì cứ một cái không kiêng chữ tên nàng, nàng đã đủ nổi giận mà phá chùa đuổi sư, nhưng vì nàng trọng và sợ vị sư trưởng, nên nàng không những làm thinh như không nghe thấy mà còn có ý phục và trọng vị sư già nữa. Nàng còn nhớ rõ lắm. "Có lẽ ta là đoá hoa không kết quả thật chăng?"
Nhưng dù sao thì đã có con cũng phải lo tương lai cho con. Ở địa vị nàng, địa vị bây giờ người ta sợ khiếp, tâng bốc, nhưng sau này nếu bất như ý thì người ta khinh bỉ, ghét bỏ, chôn vùi, ở địa vị mà chính cái phúc cái hạnh là mầm cho cái hoạ cái tủi thì lo tương lai cho con tức là lo sao cho con được dựng làm thế tử rồi làm chúa. Nhưng làm những việc to thế phải có vây cánh. Những người nịnh hót luồn cúi nàng bây giờ, nàng biết thừa là chỉ vì thế lợi. Ngày kia thế lợi đổi thay thì những câu nịnh hót, những dáng luồn cúi sẽ biết tìm nơi khác mà vào cửa. Những người ấy chỉ có thể dùng làm đầy tớ sai bảo lúc đắc thế, quyết không thể dùng làm người chân tay lúc có việc, hoặc người vây cánh lúc chờ việc.
Tìm ai làm vây cánh được bây giờ? Trong óc, nàng lần lượt nhẩm lại những người có thể dùng được. Trước hết, nàng soát lại những người nội thần thân tín:
"Tạ Danh Thuỳ? Anh này người cơ trí. Có thể dùng được. Phải cái tính hơi hèn, hay tâng bốc nhảm. Có dùng cũng chỉ làm quân sai chứ không ỷ cả vào được.
"Trần Xuân Huy? Lê Đình Châu? Hay là Tứ Xuyên hầu Phan Lê Phiên? Phan Lê Phiên, phải đó, ta cũng cần một người khoa giáp thì mới thuyết phục được bọn ngậm bút lông mèo! Lại còn Quốc sư Nguyễn Hoãn nữa. Ông này thì nhất định theo ta rồi. Ta lại cần một người vai cao trong vương tộc nữa. Thì còn ai hơn Khanh quận công. Khanh quận công là chú ruột, địa vị trong vương thất còn ai hơn nữa. Thế là ta chấm tạm được sáu người rồi, nhưng chưa ai ta xem ra có đủ tài đủ trí, đủ đảm lược để đương đầu với những việc to cả. Ta cần một người tài trí phi thường, một người anh hùng để đỡ đầu cho Cán, để một mai việc lớn xảy ra, có thể đương đầu với thiên hạ. Tông thế lực cũng to lắm chứ có phải vừa. Quan Tả tư giảng cũ của Tông hiện giờ cầm binh bính ở Sơn Tây. Tuân sinh hầu cầm binh bính ở Kinh Bắc cũng là người của Tông. Một mai họ cất quân về phù lập Tông thì ta lấy ai đỡ lại? Ta cũng cần có một người có binh quyền trong tay !
Rồi, như trong óc mới nẩy ra một tia sáng gì, nàng mỉm miệng cười, gật gù tự đắc. Gõ chiếc khánh đồng, nàng gọi thị nữ. Sau một tiếng dạ ở nhiều miệng ra, một người thị nữ được nép sau bình phong chờ sai khiến.
- Bảo lấy kiệu ta đến thăm Phụng Công quận chúa.
o0o
Phụng Công quận chúa là con gái chúa Nghi Tổ Ân Vương[37]. Chúa Ân Vương vì yêu Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, nên gả nàng cho con nuôi Việp Quận công là Hoàng Đình Bảo. Đình Bảo hiện lúc ấy làm Trấn thủ Nghệ An. Người ta thường gọi nàng là Phụng Công Quận chúa là vì Đình Bảo người làng Phụng Công. Độ ấy, nàng về thăm mẹ và anh là chúa Tĩnh Đô.
Khi thị nữ vào báo tin rằng có vương phi họ Đặng đến chơi, quận chúa đã toan không tiếp, vì đó không phải là chị dâu chính thức của nàng, nhưng sợ mất lòng anh, nàng lại ra tiếp. Thi lễ xong, Thị Huệ bắt đầu nói trước:
- Phu nhân về kinh đã lâu mà nay tôi mới rảnh đến chơi riêng được.
Quận Chúa chỉ đáp xoàng mấy tiếng:
- Xin đa tạ.
Không gọi Thị Huệ là gì cả, cũng không tự xưng là gì cả, quận chúa tỏ ra người tròn trặn mà đứng đắn lắm. Thấy lời ăn tiếng nói, dáng dấp, cử chỉ của quận chúa còn cách biệt lạnh lùng quá, nàng nói thẳng ngay đến việc định nói:
- Tôi sở dĩ đến đây là vì một việc hoạ phúc cho quận chúa và nhà họ Hoàng.
Nói đến đó, quận chúa cũng hơi động tâm, vì nàng từ Nghệ về kinh cũng vì có phong thanh thấy đôi chút tin tức chẳng hay cho chồng nàng. Tuy vậy, không chịu khuất ngay, nàng vẫn đĩnh đạc:
- Nhà tôi trong Nghệ có chuyện gì đâu.
- Xin quận chúa cho thị nữ lui tôi xin nói rõ.
Quận Chúa liếc mắt, bọn thị nữ lùi cả.
Nhìn kỹ xung quanh xem còn ai không. Thị Huệ thung dung từng tiếng:
- Cái chuyện tôi vừa nghe trộm được hôm nọ. Nhưng trước hết, quận chúa hãy cho tôi biết rõ mấy điều.
- Vâng.
- Tướng công ở trong Nghệ được lòng dân lắm, phải chăng ?
- Vâng, cái đó có làm sao?
- Tướng công chia ra doanh cơ, có đặt chức Tả tham quân, Hữu tham quân, phải chăng?
- Vâng, đó là cách trị quân lữ cần phải thế.
- Còn câu đồng dao "Thảo nhất điền bát, nhất thỉ trục nhị dương" có không?
- Tôi không rõ.
- Thế mà tôi rõ. Người ta đồn về tới tai chúa thượng rằng tướng quân định phản. Có người làm mật khải về rõ ràng lắm. Người ta nói rằng: Thảo nhất điền bát là chữ Hoàng; nhất thỉ trục nhị dương là một lợn đuổi hai dê, tức là tướng quân sẽ hại chúa thượng và vương trưởng tử Tông. Tướng công tuổi Hợi là tuổi lợn, chúa thượng cùng vương tử Tông tuổi Vị là tuổi dê. Người ta lại nói rằng tướng quân có ý phản nghịch, nên đặt ra hai câu ấy để phiến động lòng người.
Nghe đến đó, quận chúa thất sắc, vội hỏi:
- Thế ý chúa thượng làm sao?
Vừa cười. Thị Huệ vừa nói:
- Làm sao? Làm sao thì mai vào phủ tôi cho biết. Hay là bảo tướng quân về mà hỏi chúa thượng!
o0o
Trên lầu Trạch Các, chúa lấy tay gạch hai nét tréo nhau, liếc mắt nhìn Nguyễn Ly và Nguyễn Phương Đĩnh. Khi các quan vái từ chúa, hai người lùi lại xuống sau cùng. Chúa khẽ nói nhỏ:
- Khanh vào hậu đường ta bảo.
Hai người vào tới hậu đường, chúa mở tủ lấy một bản khải ra:
- Nó lại có khải xin về kinh nhập cận. [38]
Nguyễn Ly nói:
- Càng hay! Hổ lại khinh thị mà ly sơn thì càng dễ bắt.
- Hắn về thì tưởng cũng không cần phải bắt nữa. Nếu hắn về tay không, nếu xét quả có ý định làm phản thì một tên võ phu đủ trói hắn. Nếu mang quân về thì công nhiên làm phản rồi, khi đó phải mang quân chẹn đường mà bắt.
Nguyễn Ly nói:
- Tôi thiết nghĩ hắn không dám công nhiên hưng bình làm phản. Hơn hết là chúa thượng giữ hắn ở lại rồi giải binh bính đi đã.
Phương Đĩnh nói:
- Xin được xem bản khải của hắn. Xem giọng nói, có thể dò biết tâm tích.
Chúa Tĩnh Đô đưa bản khải, Phương Đĩnh mở ra đọc:
"Nghệ An Trấn thủ, thần: Hoàng Tố Lý cúi dâng chúa thượng ngự lãm:
Thần tự năm Giáp Ngọ tòng nhung rồi vâng lệnh trấn ở ngoài, bấy lâu chưa được về kim khuyết, đêm ngày trằn trọc không an. Nay việc biên trấn đã tạm thư, thần cúi xin chúa thượng đặc lệnh cho được giao công việc trấn Nghệ An cho Đốc đồng Bùi Huy Bích để thần được về chầu chúa thượng, trước là để báo chính, sau là được chiêm cận long nhan.
Thần: Hoàng Tố Lý
Cảnh hưng tam thập bát niên, thập nhị nguyệt, nhị thập ngũ thật"
Sao hắn chẳng xưng cái tên cũ Hoàng Đăng Bảo! Mai thảo lệnh chỉ cho hắn về!
Câu nói gay gắt ấy của chúa Tĩnh Đô như một lời tuyên án, Phương Đĩnh và Nguyễn Ly nghe, biết là Hoàng Đình Bảo phen này tất chết.
Nguyên Hoàng Đình Bảo tên là Hoàng Đăng Bảo. Hai chữ Đăng Bảo có người ghét nói gièm là có ý dòm dỏ ngôi cao vì Đăng Bảo nghĩa là: "lên ngôi quí". Vì thế, Đình Bảo mới đổi tên là Tố Lý nghĩa là: giữ bản phận của mình, để tỏ ý trung trinh cùng thiên hạ và cùng vua chúa. Ba chữ Hoàng Tố Lý đã dùng trong thư trát, khải, lệnh, nhiều lần rồi, đã thành tên chính thức rồi. Nay chúa lại nhắc lại cái tên Đăng Bảo cũ, tức là ngả theo sự nghi kỵ gièm pha của người khác.
Sở dĩ có bức khải xin về nhập cận là vì quận chúa biết rõ tình thế nguy ngập của chồng, về Nghệ xui chồng sớm liệu và khuyên chồng nên về ngay kinh mà bộc bạch sự ngay thẳng của mình cùng ông anh vợ. Đình Bảo cũng cho như thế là phải. Nhưng ngoài ý nghĩ của vợ, Đình Bảo còn có một định kiến khác.
Y định về dò tình thế trong kinh xem nên theo đảng nào.
o0o
Sau một bữa hội kiến cùng chúa Tĩnh Đô, Đình Bảo đã nhận rõ tình thế của mình.
Không về trấn Nghệ An được nữa. Có xin về cũng không được mà cứ tự tiện về thì ra khỏi cửa ô Trường Bắn là có quân lính bắt lại. Thế là tự nhiên mình giam lỏng mình ở đây. Quan văn khoẻ bằng sách vở chữ nghĩa mà quan võ thì khoẻ bằng binh bính. Vây cánh, quân lính mình ở cả Nghệ An, lên kinh bây giờ không có quân thì như con hổ mất vuốt con rồng mất vẩy. Chẳng lẽ chịu chết gí ở đây để nhìn thiên hạ họ múa rìu trước mắt, họ hãm hại mình.
Hoàng Đình Bảo là người cơ trí khi nào lại chịu thế. Một lúc ông ta toan theo Đặng Thị, nhưng rồi ông lại nghĩ lại:
Đặng Thị tuy được chúa yêu nhưng Cán còn nhỏ, đã chắc gì. Hay là ta hãy thử ướm vương tử Tông xem sao. Bè đảng của Tông cũng to. Nếu Tông bằng lòng ta giúp thì binh hai trấn Kinh Bắc, Sơn Tây cũng thừa cho ta dùng.
Ông đi đi lại lại trong phòng hàng mấy trăm lượt, nét mặt đăm đăm lo nghĩ. Ông mong Hoàng Lương, người em ông, chóng về để biết tin tức, ngõ hầu định rõ cái thái độ nhất định của mình.
- Kìa, sao nhanh thế?
- Nhanh nữa cũng có! Nếu em không phải đợi mất mấy giờ thì còn nhanh nữa ấy. Vì có gì đâu ?
- Thế nào? Ý người làm sao?
Hoàng Lương giơ tay ra cổng, chỉ mấy đứa người nhà đương lễ mễ bưng lễ vật về. Đình Bảo nhìn kỹ: mười tấm đoạn Kinh Lăng vẫn còn nguyên cả gói; cái hộp đựng trăm lạng vàng vẫn còn nặng như trước, thằng lính ôm dạng vẫn lễ mễ khó nhọc.
- Thế nào? Đầu đuôi làm sao? Kể lại anh nghe.
- Em đến cửa phủ đệ nhà Hân Quận[39], đưa thiếp rồi được vào ngồi chực ở nhà chè. Một lát có tên đội hầu chè ra nói: vương tử còn ngủ chưa dậy, ông có thể chờ được thì cứ chờ ở đây. Em bảo tên đội hầu chè rằng xin chờ và khi vương tử dậy thì bẩm hộ ngay rằng có người nhà quan Trấn thủ Nghệ An xin đến hầu riêng. Chờ chừng hơn một tiếng đồng hồ mới được đòi lên hầu. Lên đến nơi, vương tử nghiêm sắc mặt, hỏi:
- Anh là thế nào với Hoàng Tố Lý
- Dạ, tiểu tốt là em. Anh tiểu tốt mới ở biên trấn về triều, xin có lễ bạc đến hầu vương tử, mong vương tử thu nhận cho.
Vương tử lạnh lùng lạt lẽo:
- Anh về thưa chuyện cùng quan Trấn thủ rằng tôi chưa có địa vị được nhận đồ lễ mừng của quan Trấn thủ.
- Thế em nói sao?
- Em vái từ rồi mang đồ lễ về ngay, không nằn nì nửa lời nào cả.
- Thế là phải. Thế là vương tử không dùng ta. Đợi đến ngày ông có địa vị thì thân tôi còn gì? Thế là ông phụ tôi trước nhé, sau này ông đừng trách tôi!
o0o
Hoàng Lương về rồi, vương tử Tông mới thuật chuyện cho quan Tả tư giảng Nguyễn Phương Đĩnh, Đĩnh hỏi:
- Thế vương tử nói với hắn làm sao?
Vương tử thuật câu nói trước. Đĩnh nói:
- Vương tử lộ khuê giốc quá! Không nên để cho tiểu nhân nó dòm rõ bụng quá.
- Ta cần gì! Dòm thì nó làm gì được ta? Thằng giặc già ấy, sao nó chẳng ở Nghệ mà làm phản, lại về triều làm gì! Ngày sau, ta tịch gia sản nó, lấy đầu nó, chứ lại thèm lấy một lễ tương kiến nhảm ấy à?
- Đành thế. Nhưng cũng không nên lộ liễu quá. May mà vương tử nói còn ôn tồn, thằng giặc già ấy nó cũng còn mong ngày kia vương tử thương đến.
Phương Đĩnh nghĩ thế, nhưng Hoàng Đình Bảo biết rõ lắm. Y không mong ngày kia ngày khác gì cả. Y tính ngay kế thoát thân trước và quay lại làm hại người đã làm tủi nhục y khi y đã chịu nén lòng mà đến làm thân.
- Tài ta đủ đổi nguy làm an, an làm nguy. Mày không muốn dùng ta thì ta đem tài trí cho người khác dùng. Địa vị mày đã bấp bênh mà mày lại không biết trọng người, không biết thu dụng người thì mày phải chết!
o0o
Ở Bội Lan Thất, Đặng thị ngồi chờ chúa Tĩnh Đô để thưởng trăng rằm tháng tám.
Ngoài sân dưới gốc cây mai già đã bày sẵn tiệc thưởng nguyệt. Trên một cái sập gỗ kim giao trắng bóng như ngà, bày đủ các thức hoa quả thì trân[40] cùng những món thực phẩm thưởng nguyệt: ốc nhồi, gỏi cá. Xung quanh mâm, đặt ba chiếc nệm điêu thử để chỗ sẵn ba người ngồi: chúa, Đặng Thị và vương tử Cán. Lúc đó mới đầu giờ Dậu, trăng chưa lên, nên Đặng Thị còn ngồi trong nhà.
Một lúc, vào cuối giờ Thân, chúa Tĩnh Đô ngự đến, đi giữa hai dãy đèn lồng phất lượt đỏ, vẽ long mã. Thưởng chè trong Bội Lan Thất xong, chúa cùng ái phi ra dự tiệc. Xung quanh sập bọc một lần thị nữ cầm đèn lồng soi sáng. Một lúc trăng lên. Chúa truyền tắt đèn để hưởng ánh trăng bạc. Trông ánh trăng luồn qua cành mai chúa tươi cười:
- Trăng hôm nay trong, tăng thêm vẻ mặt cho gốc mai. Thi nhân nói rằng: Hữu mai vô tuyết bất tinh thần[41], nhưng mai với trăng có lẽ đẹp hơn mai với tuyết.
Đặng Thị tiếp:
- Hữu mai hoa xứ, nguyệt minh đa[42]
Có mai trăng lại càng trong
Huệ kia không quả còn mong nỗi gì.
Chúa xoa đầu Tử Cán:
- Huệ không quả là gì đây?
- Quả vô dụng, có cũng uổng thôi.
- Xưa Sở Chiêu Vương bắt được quả bèo. Đức Thánh[43] cho là điềm tan rồi lại hợp. Ngài cho là điềm tốt vì bèo ít khi có quả. Huệ ít khi có quả nay có quả thì quả ấy phải đắc dụng sau này.
- Đắc dụng hay không là ở vương thượng.
Khi trăng đã gác đỉnh đầu, hai người mới lui vào tư phòng. Câu chuyện ân ái rồi chuyển sang câu chuyện triều chính. Khéo gợi chuyện, nàng Huệ khiến chúa nói đến việc Hoàng Đình Bảo. Được dịp nàng nói:
- Cứ thần thiếp trộm nghĩ thì y là người trung lương. Lời đồn của thiên hạ cũng không nên tin cả. "Chúng nhân đều bảo giết đi"[44], là đem giết ngay đi hay sao?
- Ái khanh lấy gì làm chắc rằng y là người trung lương?
- Lấy đức xét người của tiên vương trước. Tiên vương không lẽ xét lầm người mà mang quận chúa gả cho y. Sau nữa, xét đến công việc. Chúa Thượng chắc còn nhớ đó. Năm Tuất bọn giặc ở Sơn Nam đưa thư suy tôn y làm Minh chủ, y kèm cả thư rồi gửi khải về trình. Khi ấy chúa thượng cũng cho y là trung thành, sao bây giờ lại nghe lời sàm trấm[45] mà gia tội một người bề tôi trung thành bách chiến? Cứ một việc y tự giải binh bính về chầu, một việc đó đủ chứng rằng y không có tâm địa nào. Nếu định phản thì ở trong Nghệ mà phản, sao lại chí thân tử địa mà về đây giữa lúc hiềm nghi.
Tháng mười một năm ấy - năm Cảnh Hưng thứ 39 - hốt nhiên quan Tri lại phiên tiếp được lệnh chỉ ở Phủ Liêu bắt phải cung lục ngay. Lệnh chỉ ấy như một tiếng pháo nổ giữa nhà, khiến cả hàng phiên xúm lại đọc:
"Nghệ An Trấn thủ, Huy quận công Hoàng Tố Lý, xét là người cơ trí thao lược, nên để vào chỗ then máy của quốc gia. Vậy đặc chỉ cất lên Ngũ quân Đô đốc phủ. Thực Phủ sự giao lĩnh nam Trấn thủ.
Lại xét hiện bây giờ, ngoài cõi cường lân dòm dỏ, việc phòng thủ phải cần, nên đặc lệnh cho được mở quân phủ riêng để phòng lúc quốc gia có việc"
"Khâm tai lệnh chỉ"
o0o
Bốn năm sau.
Vương tử Trịnh Tông bị phế làm quí tử[46], đổi tên là Khải và giam ở Tam gian đường đã được hai năm. Vương tử Cán được dựng làm thế tử cũng đã được ngót một năm.
Bốn năm qua, bao nhiêu việc qua, bao nhiêu người chết theo việc. Xương cũng đã mục, bao nhiêu người đắc chí vì việc, cũng đã quen và đã bắt đầu chán cái địa vị cướp được một cách ít nhiều bất nhân, ít nhiều phi nghĩa.
Bốn năm qua, năm nay đã là năm Cảnh Hưng thứ 43. Chúa Tĩnh Đô làm chúa kể năm, cũng đã được mười sáu năm. Nàng Huệ được Chúa sùng ái đã được chín năm. Nàng đã hai mươi sáu tuổi mà con nàng, thế tử Cán, đã được sáu tuổi.
Năm ấy, tiết thu đối với nàng Huệ dường như buồn bã hơn mọi năm. Con được dựng làm thế tử, mình được dựng làm chính phi, chí bình sinh thế là toại nguyện, còn chi nữa mà buồn.
Thế mà nàng buồn.
Buồn vì cái trụ nàng vơ víu, cái cơ sở cả hạnh phúc nàng dường như lung lay. Hơn hai năm nay, chúa phải bệnh sợ gió. Luôn luôn ở trong cung, ban ngày mà cửa đóng kín, đèn thắp như sao sa. Từ đầu năm nay bệnh đã muốn như lui thì vừa rồi tiết thu tới, lại muốn tăng lên kịch liệt. Dưới trăm ngọn bạch lạp, hồng lạp sáng trưng, nàng ủ rũ như ngọn đèn muốn tắt bên cạnh chiếc sập ốm chúa Tĩnh Đô.
Ngoài cung có yết lệnh chỉ cấm không cho ai ra vào, có việc gì cần thì đến phủ Đô đốc. Dân gian đồn đại bàn tán ra vào:
- Khéo chẳng mà chúa thượng lại có cái vạ giòi bò ra mà chưa được chôn như Tề Hoàn khi xưa.
- Hay là có việc thí nghịch gì cũng nên.
Ngã tư, cửa ô, trẻ con đua nhau hát mấy câu đồng dao:
Đục cùn thì giữ lây tông[47]
Đục long cán gẫy, còn mong nỗi gì !
Trong cung, tình thế đã vào lúc nghiêm trọng: giờ cuối cùng của chúa đã gần tới. Thấp thoáng dưới ánh sáng những ngọn bạch lạp, hồng lạp, người ta nhận thấy cạnh sập ngự, trên chiếc ghế, tuyên phi Đặng Thị Huệ; đứng cạnh bình phong: Huy Quận công Hoàng Đình Bảo.
Tuyên Phi khóc nói:
- Thiếp may được chúa thượng yêu dấu, nhưng được ơn trên thương bao nhiêu thì gây thù oán bấy nhiêu. Thân thiếp thật là cái bia chịu đạn. Ngày kia chúa thượng khuất núi thì mẹ con thiếp chưa biết sống chết lúc nào.
- Ái khanh khéo lo quá xa. Thế tử danh vị đã phân minh rồi. Sau đây làm chủ bách tính, còn lo nỗi gì.
Chúa Tĩnh Đô nói đến đó, liếc mắt nhìn xung quanh rồi lấy tay vẫy Hoàng Đình Bảo lại gần:
- Sau đây, ta nhờ khanh hết sức bảo hộ thế tử cho ta được mát ruột dưới hoàng toàn.
Đình Bảo quì cạnh ngự sàng:
- Thần mang ơn tri ngộ, lẽ nào lại chẳng tận tâm. Sau đây, thế tử giữ được ngôi báu thì thần xin hết sức phù tá. Bằng việc không xong thì xin lấy chết báo đền chúa thượng cùng quốc gia. Nhưng, trước hết xin chúa thượng cho thảo ngay cố mệnh thư[48] sách cho Chính cung tuyên phi cùng thính chính[49].
- Khanh nói chí phải. Khanh cũng dự vào phụ chính nữa.
- Chịu di mệnh phụ chính, một mình thần không dám cáng đáng cả.
- Thế thì theo ý khanh, những ai nên cho vào phụ chính phủ?
Khanh quận công[50] là chỗ tôn thân; Nguyễn Hoãn là Sư bảo đại thần; Lê Đình Châu, Phan Lê Phiên đều ở chính phủ mà vốn là người có danh vọng; Trần Xuân Huy, Tạ Danh Thuỳ đều là A bảo tín thần. Bằng ấy người, xin cùng chịu cố mệnh.
- Phải đó, khanh cho thảo cố mệnh thư ngay.
Hoàng Đình Bảo vái tạ rồi lui. Một tên tiểu hoàng môn vào báo:
- Quốc mẫu giá lâm.
Chúa Tĩnh Đô cố gượng chống tay nhỏm một nửa người dậy, Tuyên phi đỡ lưng.
- Con chẳng may đoản mệnh, chịu tội bất hiếu cùng mẹ. Con chết đi, không có gì ân hận, chỉ ngại cho mẹ con thế tử Cán. Cúi xin mẹ tha tội bất hiếu cho con và xin thương đến đứa con nhỏ của con.
Nguyễn Thái Phi toan nói thì chúa Tĩnh Đô lại nói tiếp ngay:
- Con hiểu rằng mẹ vẫn bất mãn về chuyện dựng Cán bỏ Khải, dựng con bé, bỏ con lớn. Nhưng năm ngoái con đã nói cùng mẹ rằng: Quốc gia trọng sự không phải là việc riêng, chẳng thiên vị được cho con nữa, chứ chẳng nói con bé con lớn. Nếu Cán không ra gì thì ngôi báu nên để cho Bồng[51] để giữ lấy bá thị chính hệ chứ không nên để cho đứa con bất tiếu [52] là Khải. Con chim sắp chết, tiếng kêu buồn bã, người ta sắp chết, lời nói lành. Mẹ hiểu cho và thương cho mà đừng trách gì con cả.
Thái phi nói:
- Thôi, ta ra thăm con qua đó thôi. Bây giờ chắc con còn nhiều việc hệ trọng, mẹ hãy tạm lui.
Thái phi lui rồi, Tuyên phi mới vừa khóc vừa nói:
- Chúa thượng nghĩ kỹ mà coi. Tuy vậy, công việc cũng còn gian truân lắm.
- Ta nửa chừng cùng ái khanh chia rẽ, ruột ta đau như cắt. Công việc ta đã xếp đâu vào đấy cả rồi, bất tất phải nghĩ ngợi lôi thôi nữa.
Chúa Tĩnh Đô nói đến đó, nằm xuống thở dài, ra dáng nhọc mệt không muốn nói nữa. Tuyên phi vội chạy ra cho người tìm Hoàng Đình Bảo cùng các cố mệnh đại thần. Một lúc bọn Trịnh Kiều, Nguyễn Hoãn, Lê Đình Châu, Phan Lê Phiên, Trần Xuân Huy, Tạ Danh Thuỳ, Nhữ Công Trân cùng đến. Trịnh Kiều, Nguyễn Hoãn đi đầu. Tới ngự sàng, mọi người phân chỗ ngồi quanh. Chúa nắm tay Trịnh Kiều, khóc nói:
- Tiểu tử bệnh nặng không dậy được, xin thúc phụ xá cho. Thế tử Cán tập vì, tuổi còn trứng nước, dám mong thúc phụ, Quốc sư cùng các đại thần hết lòng giúp phụ để qua bước gian nan.
Đình Bảo liền lấy sắc chỉ bỏ sẵn trong tay áo ra. Chúa vẫy lại, Đình Bảo nói:
- Trong cố mệnh thư, tên còn bỏ trống cả. Nay chúa thượng mệt nặng xin cho Khanh quận viết thay.
Chúa gật đầu. Trịnh Kiều điền tên thế tử cùng bảy người phụ chính cố mệnh đại thần vào xong rồi, cầm định đưa chúa đọc thì nhìn kỹ ra chúa đã nhắm mắt rồi. Năm ấy thọ bốn mươi mốt tuổi, ở ngôi mười sáu năm, ở Lượng quốc phủ đủ mười bốn năm, truy tôn là Trịnh Vương, miếu hiệu Thánh tổ.
Chú thích
[37]. Tức Trịnh Doanh, bố đẻ Trịnh Sâm.
[38]. Xin vào hầu vua.
[39]. Hân Quận công Nguyễn Phương Đĩnh là Tả tư giảng cho thế tử. Khi đó, thế tử ở nhà Hân Quận công.
[40]. Hoa quả giữa mùa.
[41]. Có mai mà không có tuyết mất tinh thần.
[42]. Nơi có mai thì trăng sáng hơn.
[43]. Chỉ Khổng Tử.
[44]. Một câu của Mạnh Tử.
[45]. Dèm pha
[46]. Con út
[47]. Tông là phần cắm vào cán bằng gỗ. Trong câu ấy: Đục chỉ chúa Tĩnh Đô, Tông chỉ thế tử Tông, Cán chỉ vương tử Cán.
[48]. Thư viết những lời dặn bảo sau cùng của vua.
[49]. Cùng dự biết vào chính sự.
[50]. Tức Trịnh Kiều (chú ruột chúa).
[51]. Bồng là con Trịnh Giang (bác ruột Trịnh Sâm).
[52] Bất tiếu: con không giống cha mẹ, con hư; người ngu xuẩn. (BT).