Trong nội cung lầu Ngũ phượng, Tuyên phi đương ngồi xét những bản khải các phiên vừa đệ lên. Xem và phê một lúc, nàng đặt bút xuống thở dài, ngán ngẩm cho cái duyên phận và số mệnh nàng. Làm mẹ một vị quốc chủ, đành rằng cao quý, nhưng cái cao quý này, phỏng có bền không? Lại còn nỗi hãy còn đầu xanh - nàng mới hai mươi sáu tuổi - mà đã phải làm kẻ vị vong[52]. Hai mươi sáu tuổi, vào trạc tuổi ấy, nếu là người đàn bà quê mùa vất vả thì đã vào lúc gần đứng bóng. Nhưng hai mươi sáu xuân ủ ấp trong cung thì nhị xuân còn như vừa hé mở. Thế mà đã hai năm nay, từ ngày chúa Tĩnh Đô mắc bệnh sợ gió, nàng cứ chịu hãm cái xuân tình đương như nung nấu trong lòng. Đã hai năm nay, nàng không trông thấy ở chúa Tĩnh Đô cái khí sắc một vị anh chủ cường tráng nữa, mà chỉ trông thấy cái muộn khí một người già, cái khí phách bạc nhược một người mà từ linh hồn, tình cảm, đến thân thể gân cốt sắp là những thứ bỏ đi. Thế rồi, đồng thời, nàng được luôn luôn trông thấy cái sức lực cường tráng, cái khí phách tuổi trẻ anh hùng, cái chí quật cường của một người hết sức che chở, hết sức trung thành với nàng. Thế là tự nhiên nàng so sánh, cân nhắc, rồi tự nhiên đem lòng yêu dấu. Con người ấy, sao hôm nay mãi chưa thấy vào? Ô hay! Cuối giờ Dậu rồi, mà sao chưa thấy vào?
Thị nữ quỳ báo:
- Tâu lệnh bà, quan Trưởng phủ xin vào.
Theo sau hai người cung giám cầm đèn lồng, Huy quận công Hoàng Đình Bảo bước lên thềm.
Cúi đầu trước sập ngự, Huy quận công xin lỗi:
- Lệnh bà xá cho, hôm nay trong Trung duệ quân nhiều việc, thần vào hơi muộn.
- Việc chính phủ hôm nay cũng nhiều điều quan trọng, ta đợi tướng quân để cùng bàn.
- Thần cũng vào khải một việc quân quốc trọng sự.
Đã quen lệ, nghe thấy bốn chữ "quân quốc trọng sự", bọn cung giám thị nữ lui cả.
Khi chỉ còn hai người, Tuyên phi nói:
- Thiếp mong chàng mãi. Hãy để quân quốc trọng sự đó.
Tuyên phi toan đứng dậy, Huy quận gạt đi:
- Ái khanh cứ ngồi đó.
Rồi kéo một chiếc ghế gần ngự sàng, Huy Quận công nói tiếp:
- Xin ái khanh thận trọng chút nữa. Việc kín của đôi ta, tôi e người ngoài đã mong manh. Từ nay, tôi phải thưa việc vào nội cung. Việc nước, xin bàn ở Nghị sự đường cho được quang minh chính đại, để lấp miệng những kẻ tiểu nhân.
Tuyên phi vừa cười vừa đứng dậy đi đến chỗ Đình Bảo ngồi:
- Vâng thì từ mai thiếp xin nghe. . . Nhưng hôm nay. . .
Tuyên phi đi vòng chưa hết một góc sập thì có tiếng một người thị nữ dưới thềm qua hai lần mành mành nói lên:
- Chúa thượng !
Điện Đô vương[53] ung dung từ ngoài vào. Huy quận đứng dậy cúi đầu thi lễ:
- Thiên tuế!
Điện Đô vương nói với Tuyên phi:
- Xin mẫu thân đi nghỉ. Mai là tuần tam thất tiên khảo[54].
Ở những nhà vua chúa thường được trông nghe thấy những hiện tượng kỳ khôi ấy. Mới chừng năm sáu tuổi mà cử chỉ ăn nói đã như người lớn, rập đúng khuôn, đúng địa vị chí tôn của mình. Chúa Điện Đô năm ấy mới lên sáu mà ăn nói ta tưởng như người đã đứng tuổi. Một người Pháp được yết kiến vua Duy Tân năm ngài lên tám, về chép tập ký ức có nói một câu rằng: ". . . thấy một đứa trẻ lên bảy lên tám, lúng túng trong chiếc áo chầu rộng quá, lại có những cử chỉ bộ điệu uy nghi như người lớn, ta bất giác bật cười, cho như những cử chỉ ngôn ngữ ấy đều là cử chỉ ngôn ngữ mượn (des gestes et des paroles d'emprunt)". Có chỗ chép rằng năm lên bốn, chúa Điện Đô, sau khi xem Hải Thượng Lãn Ông lạy mừng chúa Tĩnh Đô, nói rằng: ông già ấy lạy khéo lắm.
Huy Quận công lùi xuống thềm. Tuyên phi vào phòng khuê.
o0o
Ở bãi cỏ trước cửa Đông Hoa, dân gian đương đứng xúm vòng trong vòng ngoài, xem lính phủ Trung duệ sắp hành hình cắt lưỡi một bọn năm người vừa mới bắt và điệu ở chợ Đông Thành đến. Lúc lính vào chợ, sấn vào giữa đám đông bắt thì người ta chạy giạt cả ra phía bờ sông, Cầu Cháy, sợ phải bắt lây. Lính vào túm được có năm người, bắt trói giải. Khi số người xấu số bị bắt đã bị giải, thiên hạ lại túm đông lại xem, rồi riều riễu vây theo cho đến tận bãi cỏ trước cửa Đông Hoa.
Năm người bị trói ghì vào năm cái cọc cắm sâu xuống đất. Khi lính lấy kìm vành mồm, kéo lưỡi ra cắt, trong đám đông người, người ta thấy thì thầm tiếng kháo chuyện:
- Thằng hát chẳng bị cắt lưỡi, thằng đứng nghe bị cắt lưỡi.
- Có, thằng trói ở dưới gốc thị kia, thằng ấy có hát.
- Kể hát, thì lúc ấy vui mồm, tao cũng có hát. Kể bắt thì trăm người mới đủ.
- Mới biết mày nữa là sáu.
Một bàn tay nắm gáy người vừa khoe rằng có hát rồi lôi ra bãi cỏ, trói vào một cái cọc nữa. Mọi người xanh mắt. Thì ra lính phủ Trung duệ ăn mặc làm người thường, len vào đám đông người để dò bắt. Từ lúc ấy, mọi người ngờ lẫn nhau, không ai nói chuyện với ai nữa.
Lính bắt đầu làm việc.
Tiếng người bị nạn trước thét lên kêu, sau rền rĩ.
Giữa lúc đó, một tiếng thật to quát lên giữa đám đông người:
- Làm chính phủ đại thần, chịu di mệnh tiên vương mà ngủ cả với chính phi, lại còn cắt lưỡi người ta. Sao mà thằng Hoàng Đình Bảo nhà chúng mày chó thế !
Mọi người ngơ ngác sợ hãi và lấy làm khoái.
Một tên lính chạy ra bắt người kia. Người kia đạp tên lính ngã rồi chạy. Công chúng như muốn che chở người kia, ùa chạy theo. Giữa đám hỗn độn, người kia biến mất. Ở bãi cỏ, sáu người mồm đầy máu đương giãy chết một cách thảm đạm.
Trong kinh thành, từ cửa ô đến tận trong cung, người ta vẫn đọc trộm câu đồng dao như bây giờ người ta truyền một cái tin về thời sự sôi nổi dư luận:
Trăm quan có mắt như mờ,
Để cho Huy quận vào sờ Chính cung
Đục cùn thì giữ lấy tông,
Đục long cán gẫy còn mong nỗi gì!
o0o
Huy quận đương ngồi ở Nghị sự đường, hốt có lính báo:
- Thánh mẫu giá lâm.
Huy quận vội cởi bỏ chiếc gươm đeo, treo lên tường rồi xuống thềm đón.
- Chẳng hay thánh mẫu có điều chi chỉ giáo mà người đến sớm làm vậy?
- Tướng quân đã biết rõ tình thế chưa?
- Đã, quân Tam phủ định làm loạn.
- Phải, tướng quân đã rõ đó. Quân Tam phủ nhất định khởi biến để truất Cán dựng Khải. Kẻ vị vong này lấy làm ngại cho quốc gia lắm. Cán hay Khải thì cũng là cháu cả, đứa nào làm cũng được, miễn là quốc gia vô sự thì thôi. Hay là, ta chép theo lối cũ. . .
- Tâu sao?
- Xưa Nghị Tổ là em Dụ Tổ[55] . Khi Dụ Tổ ốm yếu, Nghị Tổ lên nhiếp chính. Bây giờ Cán hiện ốm yếu mà lòng người thì muốn Khải lên. Hay là ta theo lối cũ, để Khải nhiếp chính cho an lòng quân sĩ.
Đình Bảo cười:
- Mưu mẹo ấy, thần dám chắc ở Quốc sư. Tân vương cùng quý tử[56] đều là con tiên vương cả. Nếu một mai tân vương bất khởi[57] thì đại vị về quý tử. Nhiếp chính tức là lần mò để đoạt vị. Thần chịu lời cố thác của tiên vương, việc ấy không dám nghe theo.
Thái phi lắc đầu;
- Ta sợ cho tướng quân lắm.
- Thần chịu mệnh uỷ thác của tiên vương, không dám sợ gì hơn mệnh ấy. Thần không dám cải lời.
o0o
Sáng hôm 23 tháng 10, trong kinh thành, chỗ nào cũng thấy dán tờ Tam quân phủ chính hịch. Lời rằng:
"Huy Quận công Hoàng Đình Bảo cùng đứa tiện tỳ trong cung là Đặng Thị Huệ khéo dối tiên vương, bỏ vương trưởng tử là Khải mà dựng vương thứ tử Cán.
"Nước nhà đương lúc đa sự, tân vương nhỏ yếu, ai người đứng chủ quốc gia"
"Chúng ta đều là dân ấp Thang mộc[58] chúng ta phải nghĩ đến hai trăm năm cơ đồ họ Trịnh"
"Bỏ Cán dựng thế tử Khải, đem lũ gian phu dâm phụ ra làm tội ở chợ, đó là ý chúng ta mà lại là ý chung của thần dân trong nước".
"Năm Cảnh Hưng thứ 43, tháng mạnh đông, ngày 22"
"Quân Tam phủ hịch"
Trong suý phủ [59] quân lính phủ Trung duệ vào đóng chật cả sáu bảy toà nhà.
Ở Trạch Các, Huy quận đứng trên lan can từng gác, tay chống gươm, miệng chỉ huy quân lính từ sáng đến chiều tối. Đêm ấy, ông ngủ lại trong suý phủ, không về nhà. Chiều hôm ấy ông ung dung ngồi xem khải tấu ở Trạch Các. Sẩm tối, Kiên Vũ hầu Hoàng Lương, em ruột ông, đến nói:
- Tình thế nguy lắm ! Hay là anh hãy tạm lánh đi
Ông cười lạt:
- Làm sao mà lánh?
Quân Tam phủ quyết làm loạn ngày mai. Nhân tâm lại càng đáng sợ. Đâu đâu họ cũng an trí là ngày mai họ có tân vương của họ. Ở nhà Hân quận, chúng đã đến mừng vương tử Khải. Các họ vọng tộc ở Bắc đều cho người đến mừng cả.
Ông vẫn cười:
- Nếu quả thật là ngày mai chúng làm loạn thì ta là chính phủ đại thần, chịu cố mệnh tiên vương giáp phụ tân vương, ta lại phải ở lại mà dẹp loạn.
- Em sợ rằng dẹp không xong. . .
- Thì chết
- Xin anh hãy lùi một bước, rồi kế thiện hậu tính sau. Em sợ rằng uổng công vô ích.
Ông đứng dậy chống gươm nói:
- Nếu ai còn nói một lời nào tỏ ý sợ hãi quân phiến loạn thì lưỡi gươm này uống máu cổ người ấy! Ta vâng di mệnh tiên vương giữ an xã tắc, có loạn thì dẹp, kẻ nào làm loạn thì giết, kẻ nào dút dát làm nỗi chí [60] quân cũng coi như làm loạn xã tắc.
Kiên Vũ hầu lui không dám nói nửa lời nữa.
Sáng hôm 24 tháng 10. Trong phủ vẫn yên tĩnh như thường. Hôm ấy, các quan vào Nghị chính đường chầu Chúa gần đủ mặt, chỉ thiếu Quốc sư Nguyễn Hoãn cùng Quốc cữu Nguyễn Trọng Viêm.
Một lúc tan chầu. Lệnh truyền đánh trống. Mọi khi, theo thường lệ, trống tan chầu có một hồi và ba tiếng kèm theo. Lần này, đến tiếng thứ ba, tên đánh trống lại ra dùi đánh nữa. Các quan đưa mắt nhìn nhau rồi cùng đếm, thì rõ ràng trống hôm nay đánh ba hồi, mỗi hồi chín tiếng, mà tiếng đánh lại mạnh to hơn ngày thường.
Huy quận quay hỏi các quan:
- Các quan có nghe rõ không?
- Có, trống đánh khác ngày thường.
- Tôi biết rõ lắm. Tôi đã cho đóng cửa Các Môn, Tuyên Vũ lại, và đã có chủ định. Bây giờ quan Tri binh phiên hãy ra Các Môn dụ lũ loạn quân. Nếu dụ không nghe thì phải trị tội.
Lúc đó, lính vừa lôi một người bị trói vào:
- Bẩm thằng này đánh trống.
Huy quận chỉ mặt:
- Tao đã biết trước mưu mô chúng mày. Tan chầu đánh trống loạn thường để báo hiệu cho nhau. Quân bay! Đem chém!
Quân đã toan lôi đi thì Thuỳ Trung hầu ngăn lại:
- Chém một thằng này vô ích. Hãy cho giam nó lại, rồi sau trị tội cũng vừa.
Xa xa, người ta đã nghe thấy tiếng ồn ào ở phía cửa Các Môn.
Quan Tri binh phiên Nguyễn Quang Châu lên voi ra ứng chiến.
Huy quận vào nội phủ làm khải dâng lên chúa Điện Đô.
Khải rằng:
"Tiểu thần Hoàng Đình Bảo cẩn khải.
Thần chịu lời phó thác của tiên vương, giúp giập vương thượng. Nay tam quân làm biến, khiến cung khuyết trấn kinh. Thần xin chịu mệnh vương thượng đề binh giết giặc. Nếu xong việc là nhờ uy linh vương thượng; nếu không xong, thần xin chết để xuống suối vàng thấy tiên vương".
Khi đọc khải xong, chúa Điện Đô ngơ ngác không hiểu ra làm thế nào. Huy Quận chỉ thanh gươm "Phượng huy" treo trên đầu sập ngự:
- Thần xin lãnh thanh kiếm Phượng huy kia để giết kẻ có tội.
Tuyên phi cởi thanh gươm trao cho Huy quận rồi dơm dớm nước mắt:
- Tướng quân đi chuyến này cho may mắn. Việc nhà nước cho thành!
Huy quận cài gươm vào dây lưng, cúi đầu bái tạ, rồi lên voi đi thẳng ra Các Môn.
o0o
Nguyễn Quang Châu ra tới Các Môn. Qua cái lỗ hổng bên tả Các Môn, Quang Châu dụ quân lính:
- Muốn điều chi thì kêu xin hẳn hoi, sao lại loạn quân ngũ như thế?
Tiếng ở ngoài hò hét:
- Mở cửa nhanh! Để chúng ta phải phá cửa thì tính mệnh ông già, ta cũng không tha!
Rồi ầm ầm như sấm động, tiếng đẩy cửa, tiếng đập cửa làm rung cả Các Môn. Giữa những tiếng đập phá, có những tiếng thét vang trời:
- Giết con đĩ Phù Đổng! Băm nát thằng quận Huy! Mở cửa nhanh! Mở cửa nhanh! Không việc gì đến lão già.
Quang Châu phát hoảng, vội vàng mở cửa. Quân Tam phủ ùa kéo vào như nước vỡ đê. Gạch ngói, gậy, chúng vứt ở ngoài cửa bừa bãi.
Quân Tam phủ theo lối lục phiên chạy đến nội phủ, tiếng reo hò như vỡ chợ. Đến chỗ sau trại quân Nội khuông, thấy con voi Quận Đông lênh khênh đến trước mặt. Trên bành voi, quân lính trông rõ Huy Quận công, tay phải cầm kiếm, tay trái tỳ trên bành, đương đứng trên lưng voi. Khi hai bên gặp nhau, Huy quận cầm kiếm chỉ, nói:
- Chúng bay là quân của nhà nước, xưa nhiều đứa đã từng là bộ khúc của ta. Ta bảo thật: làm quân phải nghe tướng lệnh. Ta truyền cho ai nấy về đội ngũ, rồi ta sẽ xét những điều kêu sau.
Quân lính im không nói gì, rồi tự nhiên ngồi cả xuống đất, án ngữ không cho voi tiến. Quân lính chịu kỷ luật của nhà quân đã quen, nên cái tính ấy đã thành một thiên tính. Thấy Huy quận, thấy ông tướng bách chiến cũ, ông tướng mà họ đã từng trông thấy trên bành voi xông pha giữa trận, thấy Huy quận ngồi trên bành voi; lại nghe cái giọng sất sá kia cũng quen quen: thấy thế, tự nhiên cái thiên tính "theo quân lệnh", cái thiên tính "sợ tướng lệnh" của họ tự nhiên khiến họ im lặng mà nghe lời Huy quận, người mà một khắc đồng hồ trước, họ muốn giết, muốn băm. Đã im mà nghe tướng lệnh thì phải bỏ về ngũ mới là đúng. Nhưng cái đó nó phản đối với ý định của họ quá. Mà kêu gào nữa thì hình như không đủ sức mạnh - cái sức mạnh của linh tính, của tình cảm - thành ra, tự nhiên họ giữ một thái độ nửa chừng, không ra phản đối mà cũng không ra tuân lệnh: họ ngồi trước chân voi để ngăn không cho voi đi.
Được thể, Huy quận nói tiếp:
- Ba quân đòi gì? Đòi dựng vương quý tử Khải à? Không được! Vương thượng cùng quý tử đều là con tiên vương cả. Quý tử đã đắc tội cùng tiên vương.
Quân nhao nhao:
- Tội gì? Tội gì?
- . . . Tội gì, ta không biết. Chỉ biết là có tội và phải truất. Ta chịu di mệnh của tiên vương phù trì chúa thượng. Tiên vương mất chưa đến kỳ tốt khốc, sao ba quân đã gây biến? Đạo thần tử như thế có phải không? Tiên vương mất chưa được trăm ngày mà quý tử đã xui quân làm loạn, đạo làm con như thế có phải không?
Quân không nhúc nhắc.
Cứ như thế, quận Huy tưởng mình đã đàn áp mà đắc thắng. Không ngờ ầm ầm lại một toán quân nữa reo hò từ lối cửa Tuyên Vũ kéo lại. Bọn quân này, có lẽ vì chỉ trông đằng sau voi, cái uy ông tướng chưa kịp thôi miên, nên cứ reo hò mà đến sát chân voi. Bọn đằng trước, như con hổ ngủ; choàng tỉnh, tự nhiên đứng phắt cả lên. Rồi, từ khi đó, quân làm loạn nhốn nháo, tiếng hò hét của ba quân làm át cả tiếng thét của Huy quận. Rồi thì gạch đá ném lên mình voi. Tên tượng nô [61] thúc voi tiến. Quân sỹ lấy câu liêm thò lên móc tượng nô ngã xuống đất giết chết. Cái nghề quân lính vẫn thế: lúc đã bị uy hiếp mà vâng lệnh thì dễ bảo dễ khiến như trâu bò, mà lúc đã quá trớn làm liều thì như thú dữ sổ cũi. Đã dám móc tượng nô xuống giết thì cái việc móc ông tướng ngồi trên bành voi xuống cũng dám nốt. Huy Quận biết nguy đến nơi rồi nhưng vẫn gắng sức một lần cuối cùng. Ông bỏ bành, lên đầu voi định thúc cho voi tiến. Nhưng giữa lúc ấy thì một lưỡi câu liêm khác móc vào chân, bổ nhào từ trên lưng voi xuống đất rồi bị giết. Quân lính giết xong Huy quận, kéo ồ cả vào nội cung, tiếng reo rầm trời:
- Còn con đĩ làng Phù Đổng!
Em Huy quận, Kiên Vũ hầu, thấy biến cũng đến ứng chiến. Đến chùa Báo Thiên, gặp quân Tam phủ, bị quân ném vỡ đầu, quăng xác xuống Thuỷ Quân hồ.
Ở hậu đường, tuyên phi đương đứng ngồi không yên thì nghe thấy tiếng người reo. Một tên cung nữ cùng Viêm quận công Trần Xuân Huy hoảng hốt chạy vào:
- Quân Tam phủ đã giết Huy quận. Xin lệnh bà thay áo chạy.
Tuyên phi cởi áo mình, khoác áo đứa thị nữ chạy ra chiếc cửa nách, trốn ra phía sau cung, nấp vào một bụi hoa. Viêm quận ẵm Điện Đô Vương chạy sang mé sau nhà Tả Xuyên. Nhưng hai người đều bị bắt cả.
Quân Tam phủ vào nội phủ lấy cái bàn tế thật to, đặt một cái đoạn kỷ lên trên, lấy dây buộc chặt, rồi bảo nhau đi rước vương tử Khải đến, đặt ngồi lên kỷ rồi cùng nhau tung hô:
- Thiên tuế! thiên tuế!
o0o
Sáng hôm sau. Hôm 25 tháng mười, năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43.
Ở Tây Long cung, các quan - các quan mới - túc trực để đợi dự lễ tôn chúa mới. Trên chiếc sập sơn son thếp vàng, tân vương mặc áo quì sắc (vì còn có tang). Bên hữu, bên tả sập, trên hai chiếc ghế bành. Quốc sư Tán quận công Nguyễn Ly, Quốc cữu Dương Khuông.
Một lúc, sắc trong hoàng thành ra. Tân Vương đứng dậy cúi đầu nghe sắc. Đó là sắc vua Lê phong tân vương làm Đại Nguyên Suý, Tông Quốc Chinh, Đoàn Nam Vương.
Sắc đọc xong. Tứ Xuyên hầu Phan Lê Phiến nói:
- Xin cho gọi mẹ con Đặng Thị vào lạy nghe chế thư.
Lính dẫn Tuyên phi và Trịnh Cán lên.
Tuyên phi ung dung đi lên, không thèm ngang ngửa nhìn ai cả. Trịnh Cán theo sau mẹ cũng đi tự nhiên. Lính thét:
- Quỳ xuống nghe chế thư!
Tuyên phi vẫn đứng yên. Tiếng lại thét lần nữa:
- Quỳ xuống ?
Tuyên phi nói:
- Các ngươi trái di mệnh của tiên vương, tự nhiên gây biến làm càn, nói càn. Mẹ con ta có phải lạy ai!
Quân lính cầm đầu Tuyên phi ấn xuống đất, nhưng nàng vẫn nhất định không chịu.
Sau Tứ xuyên hầu để mặc Tuyên phi đứng mà đọc chế thư:
"Đại nguyên súy, Trịnh Vương chế rằng:
"Lúc Tiên Vương mất, loạn thần Hoàng Đình Bảo cùng đứa yêu tỳ Đặng Thị Huệ mưu việc đoạt đích. Nhờ uy linh liệt tiên vương, quân Tam phủ đã trừ được đứa loạn thần, ngôi báu lại về dòng đích.
Nay giáng Cán xuống làm Cung Quốc Công. Còn Đặng Thị đem giam ở Hộ Tăng Đường, đằng sau ngự uyển."
"Khâm Tai chế sắc"
Tuyên phi quay mắng Tứ xuyên hầu:
- Ông cùng Hoàng tướng quân cùng chịu di mệnh tiên vương. nay sao giở mặt chóng thế? Không trách người ta nói rằng: chơi với quan viên Kẻ Vẽ, bát mẻ cũng không còn[62]
Lính lại hét:
- Quỳ xuống lạy tạ!
Tuyên phi cười khanh khách:
- Chỉ có quí tử phải lậy quốc mẫu chứ chưa thấy quốc mẫu phải lạy quí tử bao giờ. Ta dẫu đến chết vẫn không trái di mệnh tiên vương. Theo di mệnh, ta là tuyên thái phi, dự vào Phụ chính phủ để giúp giập vương thượng (nàng trỏ con nàng, lúc đó đã chạy lên đứng trước nàng). Chúng bay là lũ loạn thần tặc tử, lại còn nỏ mồm cái gì!
Sợ phải nghe những lời khó chịu nữa, Tứ Xuyên hầu quát lính lôi Tuyên phi cùng Điện Đô Vương đi. Tuyên phi nói:
- Phải những tay khoa mục như Phan Lê Phiên thì mới có thể có được những lối cư xử khác người như thế.
o0o
Trong nhà giam Hộ Tăng Đường, Tuyên phi bị giam đã hơn hai tháng. Lũ cung giám coi ngục dường như cũng hùa theo thời thế mà bạc đãi nàng. Mỗi khi kẻ tiểu nhân thấy người xưa kia đắc thế, địa vị ở trên mình, bị hoạn nạn, chúng coi như là đạo trời chí công, bắt dìm kẻ trưởng giả xuống để san bằng sự chênh lệch của xã hội. Nếu kẻ thất thế rủi ra lại dưới quyền họ thì họ coi như cừu thù, phải phũ miệng, thẳng tay hết sức để trả cái thù xưa kia đã ngồi ở địa vị trên họ. Họ có ác đâu: họ hằn học báo thù cho cái giai cấp kém hèn của họ đó thôi!
Lũ cung giám, lũ lính coi Hộ Tăng Đường, họ có cần biết chi cái cớ Tuyên phi bị giam, họ chỉ nhớ rằng nàng đã từng đè đầu những kẻ đè đầu người đè đầu họ. Họ đã từng có cái tâm lý của cây cỏ may nhìn bông hoa gạo trên cây, và đã từng:
Ước gì nổi trận gió tây,
Bông hoa rụng xuống, cỏ may xuyên vào
Nay bông hoa đã rụng từ cành cao tít xuống vệ đường, thì lũ cỏ may kia phải như điên rồ vì đã toại cái nguyện không ngờ chút nào rằng toại được.
Họ căm hờn cái địa vị kẻ trưởng giả, vì họ cho là bọn giặc trưởng giả phũ phàng độc ác lắm, khinh người rẻ của lắm, thô bỉ tục tằn lắm. Họ nghĩ thế, vì hình ảnh bọn trưởng giả đối với họ chỉ là lũ cai lũ đội, trên họ có một bực, nhưng đối với họ, bắc bực vô cùng mà kỳ thật thì nhân phẩm cũng như họ thôi. Vì họ hiểu lầm như thế, nên khi mới được coi người khá giả phải tù, họ bạc đãi hết sức. Sau lâu họ thấy người bị nạn có cái thái độ ung dung nho nhã, cứng cát và vẫn mềm mỏng, vui cười mà vẫn nghiêm khắc, tự nhiên cái hình ảnh chú cai chú đội trong óc họ mất đi. Rồi dần dần họ trông người bị nạn không thấy cái gì đáng ghét nữa. Hơn nữa, họ lại thấy đáng thương đáng kính.
Tuyên phi bị giam đã được hai tháng.
Bây giờ nàng đã thấy bọn ngục tốt dễ dãi hơn trước. Lần là nàng nói chuyện với họ. Nàng khéo gợi cái lòng trắc ẩn, cái chí "anh hùng nghĩa hiệp lối Thạch Sanh" của họ.
Một hôm, buổi sáng, một tên ngục tốt vào chỗ giam, vứt qua khe cửa phong thư:
- Bà có cái thư ở ngoài phố gửi cho.
Nàng mở phong thư, hé qua khe cửa sổ cho đủ ánh sáng đọc:
"Tôi đã hết sức lần mò, nay đã tìm được kế thoát thân cho lệnh bà. Chiều hôm nay lúc trống sưu không[63], lệnh bà nói giả rằng đi ra ngoài, rồi đi lẻn về phía sau ngự uyển. Dưới gốc hải đường, có người chờ sẵn để dẫn lối. Xem xong, hủy thư đi ngay."
Nhận nét chữ, nàng biết là thư của người cháu Thụy trung hầu, người vẫn từng được nàng ban ân huệ cho khi nàng còn đắc thế. Xem xong, nàng xé nhỏ bức thư, rồi cho vào miệng nhai biến nuốt đi.
Đến chiều, trống sưu không dồn hết hồi, nàng gọi người ngục tốt:
- Chú quyền! Mở cửa cho tôi ra sau vườn một chút.
- Gớm! Sớm không đi! Bây giờ thì ai đi theo mà coi được
- Chú làm phúc.
Ngần ngừ một lúc, người lính mở cửa:
- Nhanh lên nhé, thưa bà.
- Xin vâng.
Nàng theo lời dặn trong thư đi lẻn ra lối sau ngự uyển. Nhìn dưới gốc hải đường, có người con gái đứng. Nhìn kỹ là ngườì cung nữ vẫn hầu nàng xưa. Người cung nữ đưa cho nàng một bọc áo:
- Xin lệnh bà vào sau bụi thược dược kia mà thay quần áo.
Thay xong, theo sau người cung nữ, nàng lách qua cái giậu sau ngự uyển mà sang sân Hữu Miếu, rồi lại qua cửa nách Hữu Miếu mà vào cái ngõ hẻm giữa Hữu Miếu và Thế Miếu. Đi hết cái ngõ ấy thì trông thấy cửa Tuyên Vũ. Đến cửa, lính kim ngô hỏi:
- Đi đâu? Trống sưu không rồi, đi đâu?
Người cung nữ chìa tờ giấy đỏ trên có chữ "xuất lệ . . . ."
- Tôi có việc cần phải ra phố. Có giấy phép đây.
Hai người ra khỏi cửa Tuyên Vũ, im lặng đi. Đến ven Thuỷ Quân hồ, Tuyên phi hỏi:
- Con làm thế nào mà thông được tin tức vào? Sao lại có giấy "xuất lệ" đó?
- Bây giờ chỉ quân Tam phủ là có quyền. Con phải vờ bỡn cợt với một tên lính Tam phủ mới thông được tin vào cho lệnh bà và lấy được giấy "xuất lệ" để ra vào trong phủ. Chúa thượng bây giờ sợ lại có cuộc biến khác giống như cuộc biến dạo tháng 10, nên ra lệnh rằng từ lúc trống thu không đến lúc trống tan canh, không ai được vào suý phủ cả. Chỉ có quân Tam phủ cùng chính phủ đại thần là được mang giấy "ra ngoài lệ" đó. Lệnh bà đi lên phía Cầu Gỗ kia, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, đền Bạch Mã, rồi ra bến đò Cầu Cháy. Ở đó đã có chiếc đò đợi sẵn. Qua sông Cái sang địa hạt Kinh Bắc rồi thì không sợ nữa.
- Chết! Không được! Ta người Kinh Bắc không trốn sang Kinh Bắc ngay được. Họ đi tìm; chắc tìm ở Kinh Bắc trước. Họ dõi theo thì lại bắt được mất thôi.
- Con thì cứ nghĩ rằng: Họ sẽ đoán già rằng lệnh bà không dại gì mà sang đất Kinh Bắc. . . nên sắp sẵn cả rồi.
- Không được! Nhà con ở đâu? Ta nghỉ tạm một đêm.
- Nhà con, lệnh bà vào không tiện. . . Hay là . . . . lệnh bà đến nhà thày Đồ Khương Thượng.
- Anh ta ở phố nào?
- Ở Cầu Đông Cống Tréo.
Hai người lại im lặng đi, vì đã đến dãy phố Hàng Đào. Hết phố, hai người chưa biết nên đi lối Hàng Cân hay lối Phố Khách thì một tên lính Tam phủ trông thấy kêu lên:
- À! con đĩ Phù Đổng! Mi đi mô! Mi trốn ra lúc mô?
Tức khắc lính canh gác trên chòi cổng Phố Khách xuống. Giữa lúc ấy, một đoàn lính trong nội phủ cũng vừa tới:
- Trời ôi! Xuýt nữa thì chúng tôi bỏ mẹ cả. Nó nói dối nó đi ra ngoài. Lâu mãi không thấy vào. Sốt ruột ra ngự uyển xem thì chỉ thấy mớ áo thôi. Chúng tôi vội ra cửa Tuyên Vũ, hỏi lính nói có hai người cung nữ vừa ra đi về lối Thuỷ Quân hồ.
Chúng túm lại định trói. Tuyên phi nói:
- Chúng bay đừng hỗn! Nay ta đã bị bắt thì chỉ có chết là cùng. Ta sở dĩ chưa chết là vì còn thụ chế [64] tiên vương. Chúng bay cứ đi theo sau ta, ta không chạy đi đâu mà sợ.
o0o
Đã hơn năm nay, nàng kéo ngày xuân thừa ở Thành Phúc sơn lăng. Nguyên ngày đầu năm Quí Mão, bảy ngày sau lễ trăm ngày chúa Tĩnh Đô, bảy ngày sau ngày nàng trốn đi rồi bị bắt - Ở lăng Thành Phúc giữa hôm mồng một tết bỗng có tiếng nổ thật to. Có người muốn nhân dịp ấy cứu nàng ra khỏi nơi tù tội, liền khải cùng chúa Đoàn Nam Vương rằng:
"Đặng Thị tuy gian ác nhưng là người bình sinh sở ái của tiên vương. Đặng Thị tuy có tội, song đem hành hạ người bình sinh sở ái của tiên vương, nghĩ lại cho kỹ, cũng có chỗ không an tâm.
Chúa thượng lấy hiếu đạo trị thiên hạ, chắc không nỡ thế.
Mới có điềm chẳng lành ở Sơn Lăng, chắc là ở nơi Cửu thiên, anh linh tiên vương không được an vậy.
Cứ thần trộm nghĩ thì nên cho nàng ra ở Sơn Lăng giữ việc phụng sự tiên vương. Làm như thế, vừa trọn đạo hiếu của chúa thượng mà thiên hạ lại được ca tụng cái nhân chính nữa."
Vì vậy, ngày khai hạ năm Quí Mão, nàng được ra ở Sơn Lăng và lại được nguyên vị là Tuyên phi như cũ.
Từ đó, nàng luôn luôn ở cạnh nơi mộ phần chúa Tĩnh Đô.
Còn năm hôm nữa thì đến ngày lễ Đai tường (ngày giỗ thứ hai) chúa Tĩnh Đô. Từ hôm mồng một tháng chín, những cung nữ cùng lính ở Sơn Lăng thấy nàng cười nói vui vẻ khác thường. Họ bàn tán cùng nhau:
- Chị ta ra ở đây kể tháng đã được hai mươi tháng mà chưa hề thấy cười nói với ai. Nay giở chứng làm sao mà lại cười nói thất thường thế?
- Hay là lại mới có ông quận ngãi nào thay ông quận Huy?
- Có ma nào? Ai ra vào đây được? Gương cô Đặng Ấu Mai[65] năm Dương Đức còn sờ sờ ra đó mới hơn trăm năm nay chứ mấy?
- Biết đâu đấy! Tình thì có sợ tai vạ gì đâu!
Một người nhìn về phía cái tạ bên hồ Trích Thúy:
- Kìa! Lệnh bà đã toe toét đến kia kìa!
Nàng đến. Mọi người đứng dậy cúi đầu.
- Lệnh bà vẫn bình an?
- Cám ơn. Ta vẫn thường thường. Còn có hai đêm nữa thì đến lễ Đại tường tiên vương. Xong lễ ấy thì các người được về cả, ta nghĩ đến mà vui thay!
Mọi người cười:
- Lệnh bà cũng tự vui cho lệnh bà nữa, chứ riêng gì vì chúng con!
- Ta cũng vui. Rồi ta lại về đồi chè hái chè như cũ.
Mọi người đều cười, đưa mắt nhìn nhau để trao đổi cho nhau những ý nghĩ tinh ma. Một người lính coi lăng chạy ra bẩm:
- Có người hỏi lệnh bà, hiện ngồi chờ ở Trai thất.
Nàng theo gót tên lính. Mọi người cúi đầu chào. Khi nàng đi khỏi, họ liếc nhau:
- Hay là lại ông hoàng Vũ Lăng hầu Lê Duy Lễ2?
Vào tới Trai thất, nàng thấy ông Đồ Đặng, cha nàng, đương ngồi chờ:
- Mười hai năm nay cha mới gặp con. Thôi phận con thế là cũng xong. Bây giờ con đã cho cái lối "đảo hành nghịch thì" của con là bậy, là không ra gì chưa? Hay vẫn khư khư cho mình làm phải.
- Con vẫn cho làm phái. Con làm trái thường thì được hưởng phú quí cực vọng trong mười năm, rồi thì có ngày nay. Nếu con cứ an phận bán chè thì bây giờ tốt ra lắm là được làm cô Đồ kiết ở nhà quê. Thà rằng hưởng nhiều mà chết non còn hơn chết già mà khổ sở. Chẳng gì con cũng đã được làm quốc mẫu rồi, cũng đã được cầm cân nẩy mực cho cả bách quan thần dân rồi! Trời chỉ sinh con ra để quấy nhiễu việc thiên hạ chơi mươi năm đó thôi. Bây giờ con hết việc rồi thì nghỉ. Xong lễ Đại tường thì ai được về nhà nấy, nhưng con thì xin ở lại suốt đời cho trọn cái nghĩa với người đã tri ngộ và sủng ái con. Con nhắn cha lên chỉ để nói một câu, còn con từ nay chỉ trông thấy cái mả kia thôi, ngoài ra thì không trông thấy ai nữa. Ở nhà, cha cũng thừa của cải để sống trọn một đời sung sướng, đừng nghĩ gì đến con nữa. Đừng đến thăm con nữa: vô ích, con không tiếp đâu.
Ông Đồ buồn rầu đứng dậy ra về.
Ra đến cửa Sơn Lăng, ông còn quay lại dặn nàng:
- Con có yếu đau gì thì cho cha biết cha đến thăm vậy.
Nàng quay lưng vào không đáp.
Dưới dãy thông phơi ánh nắng chiều, ông Đồ đi thất thểu như người điên dại.
o0o
Ngày 13 tháng chín năm Giáp Thìn, ngày lễ Đại tường đức Trịnh Thánh Tổ Duệ Đoán Văn Công Võ Đức Thịnh Vương.
Từ sớm ở lăng đã bày đủ nghi tiết.
Quan Tri Lễ Phiên đến sắp đặt. Trông thấy Tuyên phi, ông nói:
- Lúc hành lễ, vương phi đứng ở chiếu thứ ba. Chiếu trên là chỗ vương thượng; chiếu thứ hai là chỗ vương thái phi[66]; chiếu thứ ba là chỗ chính phi cùng vương phi đứng.
- Xin vâng
Nàng nghĩ bụng: "Ta đứng cùng chiếu với vợ hắn, kể ra thì cũng phải, nhưng khi nào lại chịu đứng sau hắn, nhất là sau mẹ hắn, con Dương Ngọc Hoan! Bà hắn đứng sau hắn lại là nghĩa khác. Ta, khi nào ta chịu!"
Giờ tế đã đến. Mọi người đứng sẵn để đợi nghe xướng vào chỗ. Nàng mặc quần trắng áo trắng đứng ở trên hè bên tả, không chịu đứng cùng bọn với đàn bà trong phủ.
Khỉ . . . ỉ. . . ỉ chi. . . . inh. . . cổ. . . ổ. . . ổ.
Ba hồi trống, ba hồi chiêng đều đặn ngân tiếng pha lẫn nhau.
Nha . . . . ạc . . . . si . . . inh tư . . . ựu li . . . iệt
Một hồi đàn, sáo, tiu, cảnh,. . . . tấu khúc nhạc trưng thường.
Chấp . . . . . ấp sự . . . . ự giả. . . ả, ca. . . ác ti. . . i kỳ. . . ỳ sự. . . ự.
Mười người chấp sự áo thụng trắng, khăn trắng, đứng thành hai hàng sau hai chiếc bàn trên có đài rượu, lư trầm. . .
Tự. . . . ự lập. . . ập.
Mọi người yên lặng. Họ hàng nhà chúa sửa lại áo khăn, sắp sửa vào chỗ.
- Bẩm . . . vương thượng tựu ngự vị . . .
Chúa Đoàn Nam Vương tiến vào chiếu trên hết.
- Bẩm . . . thánh mẫu tựu bảo vị . . .
Thái phi họ Dương tiến vào đứng chiếu thứ hai.
Bẩm Chính cung cùng Tuyên phi tựu vị.
Chính cung tiến vào đứng chiếu thứ ba.
Mọi người nhìn Tuyên phi, vẫn thấy nàng không nhúc nhích. Đợi mãi không được, quan Đông xướng xướng sang câu khác.
Lễ. . . ễ tất. . . ất.
Mọi người lui ra. Lúc đó, người ta mới thấy Tuyên phi tiến vào, đứng ở chiếu thứ nhất. Lính thét nàng ra, nàng vẫn đứng nguyên, ôm mặt khóc rưng rức. Chúa Đoàn Nam nói:
- Thôi! để mặc cho Tuyên phi lễ.
Khóc một lúc, nàng phục xuống. Mọi người vẫn nghĩ là nàng ngồi xuống lễ, ai ngờ thấy nàng ngã sấp xuống, rồi một dòng máu tuôn ra chiếu lễ.
Mọi người túm vào thì nàng đã nằm phục trên đống máu, một con dao cắm từ hầu lòi qua gáy.
_
Viết tháng Hai - Ba 1938 Tại Vinh
Chú thích
[52]. Đàn bà goá xưng là vị vong nhân, ý là chỉ còn đợi chết nữa thôi.
[53]. Tức Trịnh Cán.
[54]. Tiên khảo: chỉ chúa Tĩnh Đô.
[55]. Nghị Tổ: Trịnh Doanh, đẻ ra Sâm. Dụ Tổ: Trịnh Giang.
[56]. Chỉ Trịnh Khải.
[57]. Nói bóng là nếu tân vương chết.
[58]. Tỉnh quê vua chúa gọi là Thang mộc ấp.
[59]. Tức phủ chúa Trịnh.
[60]. Nỗi chí: chí khí hèn hạ.
[61]. Tức quản tượng.
[62]. Tứ Xuyên hầu người làng Đông Ngạc. nôm gọi là làng Vẽ.
[63]. Xưa, lúc mặt trời lặn thì có trống sưu không. Có khi gọi là thu không.
[64]. Còn chờ tang
[65], Vai chính truyện Hòm đựng người.
[66]. Tức Nguyễn Thái phi, mẹ Tĩnh Đô Vương.