Đương lúc Vua Chiêu Thống bị lúng túng về cái ách Trịnh Lệ thì chợt có Trịnh Bồng dâng biểu xin về chầu. Bồng là con cả Uy vương Trịnh Giang vốn là người trọng lễ nghĩa và liêm sỉ, lâu nay vẫn ẩn tích ở chùa Trúc Sơn huyện Chương Đức, nay được bọn bộ hạ cũ họp lại giúp đỡ, thế lực rất to. Nhà Vua liệu biết là Bồng có thể đàn áp được Lệ nên giáng chỉ triệu về. Đồng thời, Tuân và Tế cũng nhận thấy cái thế của Lệ đã núng, thảo biểu cho Lệ, xin vào bái mệnh. vua Lê thuận cho, nhưng dự bị sẵn quân mai phục, chờ cho Lệ vào thì giết. Lệ nghi hoặc không dám vào chầu. Tuy nhiên cuộc xung đột giữa Bồng và Lệ thế tất phải xảy ra. Cái thế của Vua Chiêu Thống lúc này là ngồi nhìn hai con hổ chọi nhau, để chờ cái kết quả: một con còn, một con mất.
Con mất chính là Trịnh Lệ.
Bị Dương Trọng Tế mưu phản, Lệ đồng thời bị quân Trịnh Bồng đánh vào quân Túc vệ của nhà Vua đánh ra, thua to, phải cùng với Trương Tuân chạy trốn.
Trịnh Bồng mang đội quân chiến thắng vào thành để bệ kiến vua Lê ở điện Vạn Thọ. Bồng giữ trọn vẹn lễ Vua tôi, lậy năm lậy. Nhà Vua phán:
- Nhà Chúa hơn hai trăm năm nay tôn phù nhà Vua , công đức ấy không phải là nhỏ, Trẫm vẫn mong có lúc báo đền. Ngày nay họ Chúa xét ra không có ai tài đức bằng nhà ngươi. Vả lại, ngươi lại là con trưởng. Vậy việc giữ tôn miếu nhà Chúa chính là phần nhà người đó.
Bồng lậy, tâu:
- Tôi tài hèn, tính lại ưa tĩnh. Gặp lúc vận nhà suy bĩ, tôi cũng muốn mặc áo cà sa để hưởng trọn tuổi trời. May nhờ ơn Vua, yên được nạn nước, tôi mới được thấy mặt trời. Nay Bệ hạ nghĩ đến công ông cha tôi mà không nỡ bỏ tôi, lại muốn lấy lượng thánh gây dựng cho thì Bệ hạ dạy thế nào tôi cũng xin tuân mệnh.
Vua Chiêu Thống hỏi:
- Nhà ngươi đã dọn chỗ nào cho bộ hạ ở chưa?
- Có phủ cũ cũng còn che được mưa gió. Tôi xin về ở đấy.
Ý nhà Vua không muốn cho Trịnh Bồng về ở phủ cũ, sợ lại nối quyền tiếp chế của ông cha khi xưa mà ức chế nhà Vua nên vờ hỏi:
- Phủ cũ của nhà ngươi không việc gì ư?
- Phủ cũ nhà tôi trong ngõ cùng, ngọn lửa không bén đến, chỉ bị quân gian phỉ chúng tàn phá, cướp bóc mà thôi.
Vua Chiêu Thống lại hỏi thăm về vợ và con Trịnh Khải, Trịnh Bồng nhất nhất trả lời. Hồi lâu, Bồng lạy tạ xin ra. Khi cùng các bộ hạ qua cửa cung miếu là nơi phụng sự tiên tổ họ Trịnh, Bồng thấy nhà cửa tan hoang, tường sân rêu cỏ thì giọt lệ chưa chan. Bồng đứng tần ngần một lúc, rồi mới quay về Lượng phủ là chỗ ở riêng của mình khi trước.
Bọn môn hạ của Bồng thấy vậy, lấy làm bất bình nói:
- Thiên hạ theo ông về đây, là muốn ông ở súy phủ làm Chúa Bắc Hà để mong lấy một chút công danh. Nay ông lại lánh phủ ấy mà không ở thì rút cuộc, rồi cũng chỉ đến là một vị vương tử mà thôi. Người ta thấy vậy sẽ ngã lòng mà tan thì tụ làm sao được nữa? Vả nếu ở Lượng phủ thì thà ở quách Chương Đức cho xong, tội gì mang chúng về đây cho vất vả?
Bồng nghe nói có lý liền thiên sang ở một gian tại Vương phủ, rồi thảo biểu dâng lên vua Lê, đại ý nói:
- Tôi vào thăm miếu cũ, thấy đèn hương tắt lạnh, phong cảnh tiêu điều nên không nỡ bỏ đi cho dứt. Vậy xin ở tạm một cái gác con ở cạnh miếu, để được sớm quét dọn và tụ tập linh hồn của tổ tiên thì may mắn không biết nhường nào.
Nhà Vua tuy hiểu cái thâm ý của Trịnh Bồng, nhưng thế không thể ngăn cấm được, nói riêng với tả hữu:
- Trịnh Bồng về ở đây, hẳn là lại có ý muốn làm Chúa rồi. Cái phủ ấy có khác gì một tổ chim đã bị phá, người này đi rồi, người khác lại đến, chẳng sợ cát bụi nhơ bẩn cả người. Tiếc rằng khi Tây Sơn nói đi khỏi, Trẫm không cho nó một bó đuốc cho rảnh việc.
Hôm sau, Vua Chiêu Thống nghị phong cho Trịnh Bồng. Nhà Vua muốn cho Bồng tước Quốc công và ban cho bổng lộc rất hậu, chứ không phong vương như trước. Như các quan thấy Bồng lại về ở phủ cũ, quyết là không chịu nhụt nào. Có người bàn:
- Tổ nhà Trịnh khi mới thụ phong, chỉ là “Tiết chế bình chương quân quốc trọng sự”, tước Quốc công mà thôi. Nay cứ theo lệ ấy mà phong thì lo gì không có bằng cứ.
Vua Chiêu Thống theo kế ấy, truyền Lục quốc sử ra, phong cho Bồng tước Quốc công, nhưng lại rút hai chữ “Tiết độ” đi. Các quan đều có vẻ ngần ngại, không ai dám thảo sắc phong thì chợt có tin Đinh Tích Nhưỡng mang quân từ Hải Dương về. Nhưng có ba nghìn quân đóng ở ô Trường bắn và ba trăm chiến thuyền đóng ở bến Thụy Ái. Nhưỡng chỉ mang vài ba trăm bộ hạ theo hầu, nghênh ngang cưỡi ngựa vào thành, có ý coi thường vả thiên hạ.
Nhà Vua sợ Nhưỡng ăn cánh với Trịnh Bồng, vội cho triệu Nhưỡng vào điện, phủ dụ:
- Người đã tới đây, tất là có ý muốn giúp Trẫm bảo vệ Hoàng thành. Vậy nên cho quân vào ngay đi còn chờ gì nữa.
Nhưỡng lậy tạ trở ra. Có người mang việc nhà Vua căn cứ vào quốc sử mà tấn phong Trịnh Bồng nói với Nhưỡng, Nhưỡng hỏi:
- Tôi là kẻ võ biền, không biết chữ, những điều đó không thể hiểu được. Chỉ muốn biết nhà Vua đối với nhà Chúa, hậu bạc thế nào?
Chức hàn lâm trong điện là Nguyễn Hàn có ý thiên về nhà Vua, đáp:
Nhà Chúa mất ngôi, nhà Vua lại trả cho. Thế là hậu lắm, sao lại gọi là bạc được?
Nhưỡng trừng mắt hỏi Hàn:
- Ông cũng là Tiến sĩ phải không?
- Phải!
- Đỗ khoa nào?
- Khoa Kỷ Hợi.
Nhưỡng nín lặng đi ra. Các quan ai cũng về nhà nấy.
Bọn thủ hạ của Trịnh Bồng muốn nhờ tay Nhưỡng cho chóng xong việc, xin Bồng mời Nhưỡng lại cùng bàn. Nhưỡng từ:
- Nhà tôi đội ơn Vua, Chúa rất hậu, chỉ biết báo ơn Vua, Chúa chứ không dám có bụng nào. Hiện thời việc phong tước của ông chưa xong, nếu tôi lại hầu ông, sợ người ngoài ngờ rằng giữa tôi và ông có tư tình. Vậy xin chờ đến khi thành mệnh rồi, tôi lại hầu cũng không muộn.
Hôm sau, Chiêu Thống sai Nguyễn Hữu Hạo mang sắc đến phong cho Nhưỡng tước Quận công và dụ Nhưỡng hết lòng giúp nhà Vua. Nhưỡng nói:
- Tôi phụng chiếu đến đây, thấy nhà Vua thực hành được cuộc thống nhất thiên hạ là việc phúc lớn cho nhà nước, tôi đâu chẳng hết lòng. Nhưng ngày nay, việc nhà Chúa vẫn chưa yên mà tôi đã vội nhận ơn nhà Vua thì công luận sao khỏi chê tôi là tham lam. Thôi thờ nhà Vua là việc lâu dài, xin hãy tạm thu sắc lệnh lại.
Hữu Hạo thấy Đinh Tích Nhưỡng tỏ thái độ rất cương quyết nên phải xin với Vua Chiêu Thống cứ theo lệ cũ mà phong cho Trịnh Bồng là “Tiết chế thủy bộ chư quân Bình chương quân quốc trọng sự Côn quốc công”. Lại cấp cho 3.000 quân, 5.000 mẫu ruộng và thuế 200 xã để phụng sự cung miếu của họ Trịnh. Các quan mang việc này nói với Nhưỡng, Nhưỡng không phàn nàn gì hết. Khi sắc phong làm xong, tâu lên, Vua Chiêu Thống sợ dần dà Trịnh Bồng lại leo lên tước vương chăng nên truyền thảo thêm một đạo sắc dụ, trong nói từ nay về sau, họ Trịnh đời đời chỉ được phong đến tước Quốc công thôi chứ không bao giờ được phong vương nữa.
Theo lệ, sắc ban xuống cho Trịnh Bồng rồi thì lập tức dán ở cửa Đại Hưng cho công chúng cùng biết.
Đinh Tích Nhưỡng đọc sắc thấy mấy chữ đời đời chỉ được phong đến tước Quốc công thì tức giận nói:
- Nếu lấy Quốc công làm tước phong ban đầu thì còn có nghĩa, chứ bắt người ta từ đời này qua đời khác không bao giờ được phong vương thì còn vô lý gì bằng. Ngày nay nhà Vua thống nhất, các quan đều được phong theo chức cũ, lẽ đâu nhà lại phải oan khuất một mình!
Lập tức, Nhưỡng thảo tờ đạt mời các quan đến dự hội tại cung Tây Long để bàn về việc này. Đến dự hội chỉ có sáu, bảy quan văn là Ngô Trọng Khuê, Nguyễn Gia Lịch, Nguyễn Tôn Điển, Nguyễn Đình Thiều, Phan Huy Ích. Những người này, quan chức phần nhiều là còn thấp bé, sở dĩ a dua với Nhưỡng, chẳng qua cũng chỉ là để cầu chóng được thăng.
Khi vào việc, Nhưỡng hỏi:
- Việc phong Quốc công, các ông nghĩ thế nào?
Trọng Khuê lên tiếng đầu tiên, đáp:
- Nước Nam ta, trong hai năm nay, vẫn có Vua, có Chúa. Không lẽ nhà Chúa mới thua một trận mà đã tuyệt ngay. Hoàng thượng còn trẻ tuổi, nghĩ ngợi chưa suốt, kẻ phụ họa lại ý kiến hẹp hòi. Bây giờ nếu muốn chỉnh đốn lại, phi ông thì không ai đương nổi.
Lời Trọng Khuê như gãi trúng vào chỗ ngứa của Đinh Tích Nhưỡng. Viên tướng thua trận ở Cửa Luộc dương dương tự đắc:
- Hội hôm nay chính về việc ấy. Tôi muốn tâu lại với Vua. Các ông có thuận không?
Mọi người đồng thanh:
- Nếu không thuận, sao chúng tôi lại đên đây?
- Các ông đã thuận cả thì làm bản tâu đi. Dù Vua không cho, tôi cũng xin kỳ được mới nghe.
Một viên quan võ là Nguyễn Gia Quán nói xem vào:
- Khi trước Dương Trọng Tế đã làm bản tâu xin cho Trịnh Lệ. Chỉ vì Vua không cho nên mới nát việc. Nay các quan đã đồng ý cả, cứ vào thẳng trong phủ mà họp là thành triều đình rồi cần gì phải xin ai nữa!
Nhưỡng tỏ ý ngần ngại:
Làm thế cũng được, nhưng Chúa cũng còn phải chịu mệnh ở Vua kia mà. Tục ngữ có câu: “Không ai mặc áo qua đầu” nên phải theo đường chính mà làm. Tôi không như Trọng Tế, làm việc cẩu thả để đến nỗi bị người ta đè nén. Nếu tâu xin rồi, mấy anh đồ gàn trong triều có muốn bẻ bai tôi cũng không được.
Thảo sớ xong, cả bọn kéo nhau vào tâu Vua Chiêu Thống, xin phong tước vương cho Trịnh Bồng.
Nhà Vua tức giận phán:
- Cầu phong vương để ức chế ta mới được hả dạ ư? Nếu cứ yên đạo làm tôi thì công với vương phỏng có khác gì? Vả sắc mệnh vừa mới ban ra lập tức đã đổi ngay thì còn ai tôn trọng nữa.
Nhà Vua nhất định không chịu đổi ý. Các quan hầu cận nghĩ đối với việc lập Chúa mình đã không dự thì cũng chẳng cần phải khuyên Vua làm gì, chỉ lo tìm cách cáo về cho yên chuyện.
Đương lúc Vua và Chúa găng nhau, Phan Lê Phiên xin vào, tâu:
- Ngày trước nhà Chúa hiếp chế nhà Vua nên đã gây ra rối loạn. Nay Trịnh Bồng lại muốn theo gương ấy thì quyết không thể cho được. Tuy nhiên Đinh Tích Nhưỡng là kẻ vũ phu, không thể lấy nghĩa lý mà chuyển được lòng hắn. Tôi xin thân đến bảo Trịnh Bồng. Nếu hắn lui đi thì đại cục may ra còn có thể vãn hồi được.
Nhà Vua thuận cho, Phan Lê Phiên đến bảo Trịnh Bồng:
- Tôi chịu ơn nhà Chúa rất nặng, đối với ông thực không có bụng nào. Chỉ nghĩ cuộc biến loạn hồi này là do ở cơ trời đóng mở, không biết đâu mà lường. Đại phạm việc đời không bao giờ nên câu chấp quá. Nay việc phong tước, Vua đã không muốn mà mình cứ cố ép làm là rất không nên. Nghĩa tôi phải nói cho nên nói để ông biết. Nếu bỏ lời tôi, thì sau hồi loạn này, không còn có cơ cứu vãn được nữa. Sách có câu: “Lúc trị thì ra làm quan, lúc loạn thì xin về đi ẩn”. Xin nói để ông biết rằng, từ nay tôi xin bắt đầu đi ẩn.
Bồng đáp:
- Tôi vẫn biết tôi là kẻ dung thường, không dám mong gì quá đáng. Mọi việc đều tự Đinh Tích Nhưỡng xướng xuất ra cả, tôi không dự một chút nào. Hoàng thượng xử đoán thế nào tôi cũng xin tuân. Xin ông vì tôi tâu giúp để Hoàng thượng biết bụng cho tôi.
Phan Lê Phiên thấy Bồng có ý thoái thác, biết là việc không xong, liền về phục mệnh và tâu:
- Có một việc thế mà tôi làm cũng không xong thì dùng tôi phỏng có ích gì, vậy tôi xin cáo về.
Từ hôm đó, Phan Lê Phiên bỏ chức, quay về điền lý. Đinh Tích Nhưỡng nghe tin, cười:
Cái anh râu biếc ấy đi khỏi tức là triều đình bớt được một thằng bố lém.
Hồi này triều đường vắng ngắt. Còn thưa thớt được một vài người thì toàn là vây cánh của Nhưỡng cả.
Nhà Vua trông thấy quang cảnh ấy, buồn rầu bảo với thị thần:
Ta không có người giúp nữa rồi. Nhưng nó cũng không thể cậy nhiều mà hiếp ta được. Ta thử không cho, xem chúng nó giở những trò gì?
Bọn thị thần thấy gương Phan Lê Phiên không dám đương đầu với Đinh Tích Nhưỡng thì lo rằng sau này Nhưỡng sẽ trách vấn đến mình nên cố ý khuyên Vua cho Nhưỡng được như ý. Nhưng nhà Vua nhất định không cho. Lâu dần chính Nhưỡng cũng núng thế, phải mật tâu xin cứ phong vương cho bồng, nhưng chính quyền thì tự nhà Vua chủ trương lấy. Bất đắc di nhà Vua phải thuận và truyền chỉ phong cho Trịnh Bồng tước Yến Đô vương.