Tại Thăng Long, Vũ Văn Nhậm chỉ hy vọng bắt được Vua Chiêu Thống là giải quyết xong vấn đề Bắc Hà, nhưng Vua Chiêu Thống thủy chung vẫn ở ngoài cương tỏa của quân Tây Sơn, thành ra Nhậm không bao giờ được yên lòng.
Túng thế, Nhậm phải đặt Sùng nhượng công làm giám quốc để lừa dối bọn cựu thần nhà Lê. Nhưng thiên hạ lại cũng không ai mắc lừa cả và những tin Trần Quang Châu, Hoàng Viết Tuyển sắp về đánh, ngày nào cũng đồn đến Thăng Long, khiến cho Nhậm ăn ngủ không yên, bắt dân phải đắp lũy xây thành rất là khổ sở.
Vũ Văn Nhậm nguyên đã bị Bắc Bình vương nghi ngờ từ trước khi mang quân ra Bắc. Cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân cất quân đi theo, bề ngoài Vương nói là để giúp Nhậm, nhưng kỳ thực là dò xét công việc Nhậm làm. Nhậm là kẻ võ biền nên không nhìn thấy chỗ đó. Nhất là ở Thăng Long, Nhậm lại không bị ai kiềm chế hết nên làm ra nhiều việc quá đáng, khiến cho nhiều người phải bất bình.
Sở nhân đó, thêu dệt thêm vào mà dèm pha Vũ Văn Nhậm với Vua Quang Trung. Nhà Vua tin lời Ngô Văn Sở là thực tức tốc mang quân bản bộ ra Thăng Long, giết Vũ Văn Nhậm và cho Ngô Văn Sở thay làm Tiết chế.
Xếp đặt xong mọi việc ở Bắc Hà rồi, Vua Quang Trung lại quay về Phú Xuân, trao việc quản trị Bắc Hà cho Ngô Văn Sở.
Để kế tiếp những vũ công của Vũ Văn Nhậm khi trước, Ngô Văn Sở lần lượt đánh dẹp các triều thần cũ và thổ hào kế tiếp nhau nổi lên để mưu việc cần vương, Trần Quang Châu, Trương Đăng Thụ, Trần Viết Tuyển, Lê Ban… kế tiếp nhau mà sa vào cuộc bại vong. vua Lê hết chạy sang Kinh Bắc, lại trốn xuống Sơn Nam, cuộc đời trôi nổi không bút nào tả được.
Sau khi Hoàng Viết Tuyển thua trận ở Đại Hoàng, thuyền Vua Chiêu Thống cũng thuận dòng chạy về phía Nam. Tới một chỗ ngã ba, không biết là nên rẽ về phương nào, mà cũng không thể hỏi ai được, đành cứ giương buồm đi thẳng. Được một lúc thì ra đến cửa bể thì chân trời mây đen đã nổi lên cuồn cuộn, rồi sóng gió lụt trời.
Nhà Vua buồn rầu, ngẩng mặt lên trời khấn nhỏ:
- Lòng trời nếu muốn tuyệt dòng dõi nhà Lê thì xin theo con hải mã mà ngụp xuống với Quảng lợi vương ở bể Nam này, chứ tôi cũng không muốn sống làm gì nữa!
Khấn vừa dứt lời thì cảnh trời bỗng đổi ra quang đãng, núi non trùng điệp như từ trong sóng mọc lên. Xa xa lại thoáng có vài chiếc chiến thuyền, đứng đầu là một viên tướng mặc chiến bào đỏ thẫm.
Nhà Vua hỏi thì bọn chân sào nói đó là vùng Biện Sơn mà viên tướng ở xa đi lại không phải ai khác là Lê Ban, một viên hổ tướng đã được nhà Vua sai về mộ quân ở miền Thanh, Nghệ.
Ban thấy rõ là thuyền Vua thì vội đến yết kiến.
Nhà Vua ứa nước mắt nói:
- Trước khi ta không nghe lời nhà ngươi mà vào Thanh Hóa nên bị lỡ việc. Nhưng bây giờ đại sự đã hỏng rồi, còn làm thế nào được nữa?
Ban tìm lời yên ủy rồi khuyên nhà Vua ghé vào Thanh Hóa, định dụ bọn thủ lĩnh ở Thanh, Nghệ mưu việc cần vương. Nhưng bọn này tìm lời nói khéo để thoái thác. Nhà Vua biết là không thể trông cậy vào bọn họ được, đành lại theo đường bể mà ra Bắc Hà, ẩn tại nhà quan Tham tri cũ là Phạm Đình Điển.
Tả hữu của nhà Vua lúc này chỉ còn có mấy người là Nguyễn Đình Giản, Chu Doãn Lệ, Trần Danh Án, Vũ Trinh, Nguyễn Xuân Hiệp.
Điển bàn:
- Nanh vuốt của nhà Vua chung quy chỉ có ba người là Hoàng Viết Tuyển, Trần Quang Châu và Lê Ban. Tuyển sau trận thua ở Hoàng Giang thì chạy vào Nghệ, nhưng hiện thời không biết ở đâu? Châu thì đang bị Tây Sơn tầm nã. Còn Ban ở lại Thanh Hóa cũng chưa có tin tức gì. Nay nhà Vua cứ tạm ngụ ở những nơi thôn ổ, đi lại sợ có người biết rõ tung tích của ta. Chi bằng lanh lên Cao Bằng, hiện có Nguyễn Huy Túc đương phụng dưỡng Thái hậu ở đó. Trong nhờ Túc hộ vệ, ngoài nhờ thanh thế nước Tầu thì họa may ra mới tạm yên được.
Nhà Vua thở dài nói:
- Trước kia ta có sai Ngô Thời Chí thu xếp việc ấy. Nhưng nghe nói Chí đi nửa đường thì bị bệnh, không rõ bây giờ thế nào?
Trần Danh Án lại vội tâu:
Chí phải bệnh không đi được, xe về đến huyện Gia Bình thì chết.
Nhà Vua ứa nước mắt, truy tặng cho Ngô Thời Chí chức Hàn lâm đãi chế, tức Du trạch bá và bảo Trần Danh Án chuyển sắc dụ về cho gia quyến Ngô Thời Chí.
Bàn bạc hồi lâu, Lê Duy Đản nghĩ ra một kế là xin viện binh của Tầu. Nhà Vua ưng chuẩn, lập tức sai thảo quốc thư và cử Lê Duy Đản và Trần Danh Án làm chánh, phó sứ sang yết kiến viên tổng đốc Lương Quảng. Đản và Án sợ quân Tây Sơn bắt được, phải trá hình độ nón mê, mặc áo rách mà đi.
Đản thấy cái hình dung của bọn mình tiều tụy quá thì bùi ngùi mà bảo Trần Danh Án:
- Chúng ta tuy gọi là sứ thần, nhưng thực sự chỉ là mấy anh đi trốn. Rồi đây còn gặp biết bao điều ngăn trở. Nếu chưa đến đất Tầu mà bị giặc bắt thì công việc đến dở dang mà đại cục cũng cơ hồ nguy mất.
Án cười.
- Lòng trời nếu còn lựa nhà Lê thì không đến nỗi ấy. Chỉ nghĩ nước Nam ta từ xưa đến giờ thông sứ với Tầu đã nhiều. Có hồi là sáng nghiệp, có lúc là trung hưng, đi lại thật phiền phức nhưng chưa bao giờ phải khổ sở như chúng ta bây giờ.
Nói rồi, Án tức cảnh ngâm mấy câu:
Thiên cổ do truyền kỳ tuyệt sự,
Tệ sam tàn lạp, sứ thần trang.
(Sứ đâu có sứ lạ đời,
Nón mê áo rách để cười nghìn thu.)
Hai người len lủi đi đến Hòa Lạc bị du binh của tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Diệm đi tuần rất nghiêm ngặt, không có giấy thông hành không cho đi. Đản và Án giả làm khách buôn, theo người Tầu, đi lẩn vào núi sang thẳng đất Tầu.
Nghĩ đến cái thanh thế điêu linh của mình, Trần Danh Án có làm bài cảm khái sau này:
Độc hữu cô thân lệ ám lưu,
Gia tình quốc sự tứ du du.
Tha hương khởi tất phùng thanh nhãn,
Nghịch cảnh thùy năng bất bạch đầu?
Hứa quốc cô trung Thục thừa tướng,
Báo Hàn thốn thiệt Trượng lưu hầu.
Nam nhi bất bố oanh thiên sự,
Hư độ phù sinh tử cánh hưu.
(Thầm khóc riêng mình nhỏ giọt châu,
Tình nhà nỗi nước dạ âu sầu.
Quê người há gập phường xanh mắt,
Cảnh nghịch ai không chong bạc đầu?
Giúp nước một thân Thục thừa tướng,
Phù Hàn tấc lưỡi Trượng Lưu lưu hầu.
Vang trời ví chẳng làm nên việc,
Uổng kiếp tài trai chết cũng âu.)
Tới quan ải, sứ bộ nhờ lính canh đưa vào yết kiến viên phân phủ Thái Bình.
Đản lậy phục xuống thềm, kêu:
- Nước tôi từ năm Bính Ngọ, bị giặc Tây Sơn đánh phá. Vua nước tôi không may tạ thế, triều thần lập cháu trưởng lên thay để giữ việc tế tự. Không ngờ đến mùa đông năm Đinh Mùi, Nguyễn Huệ lại sai tướng là Vũ Văn Nhậm ra đánh, chiếm lấy quốc thành. Tự quân tôi phải chạy trốn. Bọn triều thần cũng phải ẩn vào rừng núi. Người nào ở nhà bị chúng bắt bớ rất là khổ sở. Tự quân tôi lẻn xuống Sơn Nam, thu thập các bề tôi cũ, định mưu khôi phục, nhưng bị chúng đánh phá nên lại phải chạy vào Thanh Hóa. Vua tôi sở dĩ còn tồn tại được là nhờ vào lòng dân trọng nghĩa, không nỡ bỏ Vua. Nếu Thiên triều cho viện binh sang giúp thì dân nước tôi sẽ được nhờ thanh thế mà nổi lên, tất có cơ hội phục được. Tự quân hiện đương nương náu ở huyện Phượng Nhãn, cho chúng tôi lặn ngòi noi nước sang đây, đường đi quanh quẩn hơn một tháng trời không dám quản gì khó nhọc. Nhà Lê chúng tôi đối với Thiên triều vẫn giữ đạo thần tử. Ba trăm năm nay, cống hiến không lúc nào dứt. Nay gặp lúc bí không thể kêu đâu khác là kêu trời. Đại hoàng đế là trời che trở cho hạ quốc mà các ngài là những thần nhân giúp trời xin nghĩ đến cõi xa, cứu người nguy khốn để nhà Lê chúng tôi được trọn lễ triều cống.
Lê Duy Đản kêu khóc rất thảm thiết, rồi đệ quốc thư lên trình. Viên phân phủ ngờ là giặc bể giả làm sứ thần nhà Lê để do thám việc nước Tầu nên nói:
Vua nước Nam mất đã hai năm nay, nếu trong nước có loạn và Tự tôn không được lập thì sao không kêu ngay hồi ấy? Vả, trước kia cũng đã có tờ tư, chỉ nói là mất quốc ấn, xin ấn khác mà thôi, chứ không thấy nói gì đến việc không được lập và bị giặc đuổi cả. Tự tôn bây giờ ở đâu? Quân giặc hành động thế nào? Người nước còn theo hay không? Xét ra không có gì là bằng cớ cả. Và Tự quân chưa cáo ai, cầu phong, Thiên triều chưa cấp ấn triện mà đã vội sai sứ thần thì không hợp lệ chút nào cả. Vậy các ngươi phải về bảo Tự tôn nhà Lê đến tận nơi mà bày tỏ chân tình mới được. Ta đây là quan giữ cảnh thổ, việc biên cương là việc lớn không thể con thường mà tin vào ai được. Chỉ nghĩ các ngươi vì việc gấp mà đến kêu, không nỡ đuổi về ngay. Vậy hãy lưu ở đây đợi ta bẩm lên quan Đốc bộ, cho người đi tra xét xem sao đã.
Nghe nói như vậy, hai người không biết trả lời thế nào, chỉ phục xuống thềm mà kêu khóc.
Viên phân phủ động lòng thương, truyền:
- Các ngươi tính thực nên khen mà cũng nên thương. Nhà Vua tự nhiên đã có phép phân xử. Các ngươi hãy ra nhà trọ mà nghỉ để chờ mệnh.
Hai người lạy ta, lui ra.
Trần Danh Án nguyên là quan văn, không chịu nổi khó nhọc, bây lâu lại nhiễm phải lam sơn chướng khí, không may bị bệnh phải nằm bẹp ở nhà trọ:
Sàng thượng yêm yêm bất xuất môn,
Lữ sầu tiêu đắc kỷ hoàng hôn.
Nhược khu chi ỷ tam phân sấu,
Chính khí duy trì nhât điểm tồn.
Vô dược khả y ưu quốc bệnh,
Hữu qua nan trở mộng gia hồn.
Tương lân hạnh hữu đồng tâm lữ,
Diện khải kim tiêu úy nhất ngôn.
(Bấy lâu ốm bệnh chẳng buồn ra,
Đất khách kim ô mấy dạo tà.
Chính khí dẫu còn nguyên vẹn một,
Thân hèn gầy đã đến đôi ba.
Thuốc nào chữa được lòng yêu nước,
Cửa nọ khôn ngăn nỗi nhớ nhà.
Thương xót con chăng người một hội,
Đôi lời yên ủi nhẹ cho ta.)