Bị dồn dập ở dưới bao nhiêu đau khổ, vua Chiêu Thống không có đủ uy lực để tự chủ lấy cái thân mình nữa. Tuy nhiên, nhà Vua vẫn phải gắng gượng mà sống trong một cái sống vô hy vọng, vì còn con nhỏ và mẹ già. Mỗi lúc ôn lại dĩ vãng, nhà Vua lại rùng mình mà nhắm mắt lại để khỏi phải hình dung ra biết bao cảnh đau thương, trong đó nhà Vua đã nhiều phen giãy giụa, nhưng không ra thoát.
Nhà Vua ở đâu?
Một nơi rất xa xôi và chung quanh toàn là người lạ: lạ cả phong tục, ngôn ngữ lẫn y phục.
Nhà Vua chờ gì?
Không gì hết. Vì cái hy vọng xin viện binh đã chết ở trong óc nhà Vua ngay từ hồi bọn Lê Văn Trương phải đi đầy.
Tuy nhiên nhà Vua vẫn phải sống, sống trong những ngày giờ phẳng lặng và không có màu sắc gì cả.
Năm Nhâm Tý, nghĩa là bốn năm sau khi vua Chiêu Thống trôi dạt sang đất Tầu, Nguyên tử lên đậu, chết. Thế là một lẽ sống nữa của nhà Vua tàn. Một mối đau thương mới chồng chất lên bao nhiêu mối đau thương đã sẵn có, đè nặng lên chí nhà Vua.
Vua Chiêu Thống vì đau khổ quá, sinh bệnh và bệnh tình mỗi ngày một nặng, không thuốc thang nào khỏi. Nhớ đến cái công hầu hạ khó nhọc của một tên đầy tớ nhỏ là Lê Duy Vượng, nhà vua vội nhận hắn làm con nuôi và đổi tên là Duy Khang, để cho hắn giữ việc thừa tự sau khi nhà Vua băng hà.
Việc vừa xếp đặt xong thì bệnh nhà vua cũng tới lúc nguy. Vua Chiêu Thống liền gọi Duy Khang lại bên giường dặn:
- Trẫm gặp phải lúc không may nên không giữ được toàn xã tắc, phải phiêu bạt ra quê người. Tưởng là mưu được khôi phục, không ngờ lại bị người lừa dối, đến nỗi phải căm giận mà chết. Song chẳng qua cũng là vì lòng trời không tựa nhà Lê. Vậy, sau này nếu các ngươi có tìm về được nước cũ thì nên cố gắng mang lấy hài cốt của Trẫm về, phụ táng vào sơn lang để tỏ tấm lòng thành của Trẫm. Ngươi nên nhớ kỹ mà truyền bảo cho các quan ở xa biết.
Duy Khang khóc, lậy, xin vâng mệnh.
Vua Chiêu Thống mất!
Hôm ấy là ngày mười sáu tháng Mười, năm Quý Sửu. (Càn Long thứ 58)
Nhà vua thọ được 82 tuổi.
Nhà Thanh cử hành tang lễ vua Chiêu Thống theo tước Công và táng ở cửa Đông Trực. Chỗ đất xây lăng rộng chừng ba mẫu, phía ngoài có xây bình phong. Các quan còn lưu ở Bắc Kinh tự chế lấy đồ tang phục theo tục nước nhà mà chia phiên nhau tế lễ.
Lê Duy Khang được vua Tầu cho nối chức Lĩnh thôi.
Các bề tôi bị đầy đi phương xa, nghe tin Vua mất đều làm lễ truy điệu và khóc lóc rất thảm thiết. Người Tầu trông thấy đều phải động lòng mà tìm lời an ủy.
Tại Nhiệt Hà, sau khi đã lập đàn tế lễ điếu rồi, Nguyễn Viết Triệu thương khóc suốt ngày sau sinh bệnh mà chết.
Thái hậu còn trơ trọi có một mình ở Yên Kinh, tình cảnh hiu quạnh không biết nhường nào. Thái hậu liệu cũng không có hy vọng gì trở lại được cố hương, nên khi đã đoạn tang vua Chiêu Thống rồi, bà liền dâng biểu lên vua Thanh, xin cho các bề tôi được lấy vợ ở Trung Quốc để giữ lấy tồn tự.
Vua Tầu thuận cho và ban cho mỗi người tám lạng bạc và ba vạn năm nghìn đồng tiền làm hôn lễ.
Rồi đây Thái hậu cũng chỉ sống gắng được mấy năm nữa. Đến năm Kỷ Mùi thì bà vì ưu phiền quá mà chết. Vua Thanh cho quyền táng tại lăng vua Lê.
Chồng bị giết, ba con chết vì nạn nước, đời Thái hậu tưởng không thiếu một nỗi đau đớn nào. Ngoài ra, lại còn bị u cầm trong ngục mười năm, lang bạt ra nước ngoài mười năm lênh đênh cơ khổ, nay chạy loạn, mai xin viện binh, cái cảnh trôi nổi và đau thương của Lê Thái hậu tưởng về trước bà và sau này, khó lòng có ai bì kịp.
***
Năm Ất Mão, vua Càn Long thoái vị, nhường ngôi cho Thập ngũ vương là vua Gia Khánh mà tự tôn làm Thái thượng hoàng.
Nhớ lời Lục vương dặn lại, vua Gia Khánh muốn giết Hòa Thân, nhưng ngại hắn là người được Thượng hoàng thương yêu nên không nỡ. Đến khi vua Càn Long mất, vua Gia Khánh lập tức bắt Hòa Thân tự tử và tịch biên cả gia sản, một cái sản nghiệp có lẽ lớn nhất mà từ xưa đến nay, một quan chức Tầu chưa bao giờ có.
Một hôm, cùng với thị thần nhắc đến việc nước Nam, vua Gia Khánh động lòng thương vua tôi nhà Lê, liền xuống chiếu triệu tất cả bọn bề tôi tòng vong về Lam Thân xuống ở Bắc Kinh mà cấp tiền lương cho rất hậu. Nhà Vua lại tha bọn Lê Quýnh, bốn người – Nguyễn Mậu Nhĩ chết từ trước – ra khỏi ngục và cho được để tóc cùng ăn mặc tùy ý.
Để biểu dương cái khí tiết của Lê Quýnh, trong Việt sử Tổng vịnh của vua Tự Đức có bài:
Văn Nghiêm tướng quân đầu,
Dữ Kê thị trung huyết.
Hưu Trương thư dương sỉ,
Cập Nhan Thường Sơn thiệt.
Viêm phương khởi vô nhân,
Hữu Trường phái hầu phát.
Thủy vân đại nghĩa thân,
Chung thị âm mưu thiết.
Đồ nhiên thán trung thần,
Tất cánh tư ngụy nghiệt.
Bất đặc vong trung nghĩa,
Trĩ điện di thể khuyết.
Năng toàn trung hiếu quy,
Đại bang túc quý sát.
Đã được trở lại ánh mặt trời, bọn cố thần nhà Lê không có một hoài bão nào khác là thực hành lời di chúc của vua Chiêu Thống. Nghĩa là mang nắm xương tàn của nhà Vua về táng ở đất nước.
Nhưng thực hiện được cái ý muốn cỏn con ấy, cũng không phải là việc dễ dàng. Vì nước nhà đã ở trong tay quân địch cả. Biết rằng triều Tây Sơn có dung cho nắm xương khô ấy koong và nhất là họ có tha thứ cho những kẻ tên mười năm trời, đã cậy cục mãi với nước ngoài để đánh lại họ không?
Mọi người đương lo nghĩ và kiên nhẫn chờ một thời cơ mới thì tiếp được tin rằng nhà Tây Sơn đã đổ rồi, hiện thời dư đồ[27] ở cả trong tay con cháu chúa Nguyễn là vua Gia Long, một thù địch của triều Tây Sơn.
Tin đó làm cho bọn Lê Quýnh mừng rỡ, lập tức dâng biểu xin vua Gia Khánh cho đưa di hài của cố quân về nước.
Vua Gia Khánh chuẩn cho, nhưng bảo nên chờ sứ bộ của nhà Nguyễn sang cầu phong rồi cùng về.
Mọi người để ý chờ đợi, không bao lâu sứ bộ tới nơi, trong có cả con Lê Quýnh là Lê Doãn Trác đi theo. Gặp con, Lê Quýnh mừng rỡ cảm hứng nên thiên đường luật sau:
“Thập ngũ xuân thu nhạn tín hi,
Vô đoan đáo Trác ngộ đồn nhi.
Tài văn nghi vị nhân khi ngã,
Cập kiến kinh hô nhĩ thị thùy.
Lữ thứ thông tiêu ngôn nhược mộng,
Gia tình trục sự thính như si.
Sâm thần phân thủ thông mang khứ,
Phụ tử tình thâm bất tự trì.”
(Mười lăm năm chẵn vắng tin nhà,
Chẳng hẹn dầy con lại gặp cha.
Những tưởng mới nghe ta mắc lỡm,
Nào ngờ mắt thấy thật con ta.
Gửi thân đất khách coi nhường mộng,
Nghe chuyện quê hương dạ luống ngơ.
Sớm dậy chia tay, người mỗi ngả,
Tình thâm phụ tử biết là bao.)
Được tổng quản Hỏa khí doanh là Định Thân vương đến truyền dụ của vua Thanh cho được về nước, Lê Quýnh vội vã cùng với các bạn đồng chí vội cải táng cố quân, Thái hậu, Nguyên tử, Nguyễn Văn Quyến và Nguyễn Viết Triệu.
Khi mở quan tài vua Chiêu Thống ra, người ta thấy da thịt đều tiêu hết cả, duy có trái tim, tuy đã chôn 12 năm mà vẫn y nguyên như cũ, huyết đỏ hồng hồng. Ai nấy đều sa lệ và cho rằng mối hận của nhà Vua dù đến chết cũng không tan đi được.
Những phí tổn về việc chuyên chở di hài của vua Lê nhất thiết được Thanh triều cung cấp và truyền cho quan chức ở các địa phương có đi qua, phải tống giúp ra tới cửa ải.
Ngày mười ba tháng Tám, năm Gia Long thứ ba thì linh cữu vua Chiêu Thống về tới Trấn Nam quan, được cựu thần nhà Lê kéo nhau lên đón tiếp và khóc viếng, coi rất thê thảm.
Sau khi Hoàng tam đệ Duy Chỉ bị hại, Lê Hoàng phi là Nguyễn thị Kim bị phiêu bạt nay đây mai đó, có khi ăn mặc giả làm nhà quê, ẩn trốn trong chỗ hương thôn, có khi vận áo nâu sồng, nương nhờ cửa Phật. Sau rốt, được tin linh hài của vua Chiêu Thống, Thái hậu và Nguyên tử đã đưa về đến biên giới nước nhà, bà vội vã kên đón ôm lấy quan tài mà khóc thảm thiết không biết chừng nào.
Từ đó, bà không chịu ăn uống gì cả, hàng ngày chỉ cầm hơi bằng một chén hồ.
Tới Thăng Long, quan tài vua Lê quàn tại nhà Duyên Tự công[28] trên hồ Trúc Bạch, các quan thay phiên nhau vào tế lễ.
Khi tang lễ cử hành đã xong xuôi cả, Nguyễn thị Kim khóc mà bảo mọi người:
- Tôi chịu nhẫn nhục mà sống trong 15, 16 năm trời nay là vì yên trí rằng còn có Vua, Thái hậu và Nguyên tử ở Tầu. Nay ba vị cùng quá cố cả, tôi sống không còn ích gì nữa vậy xin họ hàng ở lại, để tôi xuống âm phủ hầu hạ Vua và Thái hậu.
Nói xong, bà uống thuốc độc mà chết. Sứ Tầu có mặt ở đó, cũng phải thương tình mà sa nước mắt.
Song tháng Chín, người ta rước linh cữu vua Chiêu Thống, Thái hậu và Nguyên tử xuống thuyền về táng ở lăng Bàn Thạch (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Văn Quyến và Nguyễn Viết Triệu cũng đều được phụ táng ở đó.
Nghĩ đến cuộc đời điêu linh và bi thảm của mẹ con và vua tôi vua Chiêu Thống, một cựu thần nhà Lê cảm khái lên thiên đường luật sau:
Nằm gai nếm mật mấy năm thừa,
Nấm cỏ đưa về tấc đất xưa.
Bể Bắc chín lần rồng lẩn sớm,
Non Nam một ngọn hạc về trưa.
Nhớ câu năm nọ như ngày nọ,
Nghĩ đến bao giờ khóc bấy giờ.
Thua được cuộc cờ thôi để đó,
Gội ơn cây cỏ vẫn còn thưa.
__
[27] Tức bản đồ.
[28] Duyên Tự công tên là Lê Duy Hoán, con trai Hoàng đề Duy Chỉ, được vua Gia Long cho giữ việc kỷ tự nhà Lê.