Nguyễn Huệ giữ lời hứa.
Không những ông không xâm phạm tới chủ quyền của vua Lê ở Bắc Hà, mà còn giúp nhà Vua gây lại cái triều đường cũ mà sức xâm lấn của họ Trịnh đã làm cho gần như không còn nữa.
Để tỏ rõ cái ý “phù Lê diệt Trịnh” cho thiên hạ biết, Huệ xin với vua Lê làm lễ đại triều và xuống chiếu “nhất thống thiên hạ”. Cử động ấy có nghĩa là từ nay chính quyền thu cả về nhà Lê. Đồng thời cũng là tấm mộ chí để đặt lên cái dĩ vãng của 13 đời Chúa Trịnh.
Hoàng tự tôn Lê Duy Khiêm đã được chứng kiến những hành vi đại lượng của Nguyễn Huệ.
Chàng không khỏi mừng thầm.
Vì thu lại chính quyền cho vua Lê là cái ý nguyện tuyệt đối của cha chàng khi xưa. Và cũng bởi ôm ấp cái ý nguyện ấy nên Thái tử Duy Vĩ đã bị thiệt mạng và ngậm hờn nơi chín suối. Với cuộc Bắc phạt của Tây Sơn, Duy Khiêm thấy đồng thời xảy ra hai việc có quan hệ mật thiết đến đời chàng; trừ họ Trịnh để báo thù cho Thái tử Duy Vĩ và thống nhất nước Việt Nam tức là thực hiện việc mà bình sinh Thái tử vẫn mong ước.
Một điều may mắn nữa cho Duy Khiêm là sau này, khi nâng món thừa tự của tổ tiên, chàng sẽ được làm Vua với tất cả những quyền hạn và vinh dự của chiếc ngai vàng chứ không phải là một hư vị mà quyền giật dây ở cả trong tay họ Trịnh. Nhưng hạnh phúc ở đời có khi nào được hoàn toàn. Nhất là đối với Duy Khiêm thì sự thiếu thốn lại càng rõ rệt hơn nữa.
Nguyên để đáp lại cái thịnh tình của tướng Tây Sơn và mưu một cuộc hòa bình lâu dài, vua Lê nghe theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh gả người con gái thứ chín là Ngọc Hân Công chúa cho tướng Tây Sơn. Công chúa là người tài sắc tuyệt vời, song cũng chưa thoát khỏi được cái dung tình nhi nữ. Cho nên khi Nguyễn Huệ dò hỏi nhân cách của các hoàng tử, hoàng tôn thì Công chúa tự nghĩ rằng anh thế tất phải thân hơn cháu nên hết sức nói tốt cho Duy Cẩn và cố vạch vòi vài thói xấu của Duy Khiêm. Vì đấy, Huệ có ý muốn truất Duy Khiêm xuống mà trả lại ngôi Thái tử cho Duy Cẩn.
Không may bệnh tình của vua Lê trở nên rất trầm trọng. Nhà Vua yếu mệt đã lâu, hôm làm lễ triều hạ phải cố gắng gượng ra thị triều. Nhân đó lại bị cảm mạo thêm, không thuốc nào chuyển nữa. Tự liệu không thể qua khỏi được, nhà Vua cho gọi Duy Khiêm đến bên long sàng dặn dò mọi việc. Tiếp nói:
- Ta sắp được trút bỏ gánh nặng mà lên chầu trời. Cái gánh nặng ấy sau này sẽ về cả cháu. Cháu nên cố lo mà đương lấy.
Trước khi băng hà, nhà Vua lại bảo Duy Khiêm:
- Lúc ta nhắm mắt rồi, các công việc lớn nhỏ cháu đều phải bẩm mệnh với Thượng công[8]. Chớ nên coi thường.
Mang lời sau rốt này mà bảo Duy Khiêm, Vua Cảnh Hưng có cái thâm ý muốn gây tình liên lạc giữa Hoàng tự tôn với tướng Tây Sơn. Vả khi Vua ốm mệt, Huệ vì tị hiềm không vào thăm, nhưng cũng vẫn muốn chờ đến khi nhà Vua băng hà rồi, sẽ đứng làm chủ tang, để tỏ rằng mình tuy là kẻ võ biền nhưng cũng hiểu lễ và biết giữ thủy chung với bố vợ. Cũng vì thế nên khi nghe tin nhà Vua đã tắt nghỉ rồi, Huệ lập tức cho sắp sửa kiệu võng ở Vương phủ, chỉ chờ hoàng tôn đến mời là vào điện trị tang. Nhưng Duy Kỳ[9] không hiểu ý ấy nên làm lễ phát tang xong rồi mới sang mời. Huệ giận lắm, gọi Công chúa ra mắng:
- Tiên đế là Vua cả thiên hạ, chứ không phải của riêng một nhà ai. Ta rất kính mến tiên đế. Bữa nọ ta không dám vào hầu, là bởi tị hiềm. Hôm nay nhân lúc chưa khâm niệm, ta muốn vào trông mặt ngài, để thỏa tình bố vợ con rể.
- Tại sao lúc phát tang lại không cho ta biết, nếu không có ta thì còn ra triều đình chính sự gì nữa. Ta thử bỏ đi xem họ làm ăn ra sao!
Nói rồi Huệ truyền quân thu xếp để định ngày về Nam. Công chúa kêu khóc và mật bảo Duy Kỳ phải sai quan đến tạ và cố lưu Huệ mới thôi.
Huệ lại muốn hoãn lễ đăng quang để bỏ Duy Kỳ mà lập người khác. Các quan nghe tin ấy rất lo sợ, nhưng không biết xử trí thế nào. Trước Ngọc Hân Công chúa, một vị đại thần người trong hoàng tộc là Vương quận công nói:
- Đích tôn không lập thì thiên hạ tất loạn, nhà Lê tất mất. Chính Công chúa đã lầm lỡ việc nước. Nên bỏ tên Công chúa trong sổ tôn thân cho về Tây Sơn mà hưởng phú quý. Trong họ không có con người ấy cũng chẳng sao.
Câu nói đe dọa ấy đã thúc giục Ngọc Hân Công chúa phải kêu nài Nguyễn Huệ lập Hoàng tự tôn lên làm Vua. Cái số mệnh của chàng thành ra trước sau đều ở trong tay một người đàn bà lúc là tán thành, lúc là phá hoại. Tuy nhiên tình thế của chàng cũng không trở nên khó khăn cho lắm vì Nguyễn Huệ đối với chàng tuy không có thiện cảm, nhưng là người có lượng, nên sẵn lòng tha thứ cho chàng. Ông lại giúp đỡ cho tự hoàng trong lúc trị tang nên Duy Kỳ cũng sẽ bớt được một nửa cái gánh nặng của mình cho Nguyễn Huệ.
Nhưng đối với Nguyễn Nhạc thì tình thế lại khác hẳn. Tang lễ vừa cử hành xong thì Nhạc ra tới Thăng Long. Hữu Chỉnh ngờ rằng Nhạc muốn thôn tính Bắc Hà nên khuyên Tự quân (Duy Kỳ) nên thảo thư xin hàng. Đó là việc rất quan trọng định nghị hàng hai ba n gày mà trong các quan không ai dám thảo hàng thư thì chợt Nguyễn Huệ tới nơi. Tự hoàng thân dẫn các quan ra đón ở đàn Nam Giao và cắt cử một vị hoàng thân thay mặt Vua để phòng ứng tiếp Vua Tây Sơn. Nhưng khi đi qua Giao đàn, võng Nhạc cứ đi thẳng mà đi thật mau. Hồi lâu mới cho một quan hầu trở lại nói:
- Quả nhân tôi thấy Tự hoàng giữ lễ quá, sợ đi xe thì chậm làm nhọc cho Tự hoàng phải chờ lâu mà mang tiếng thất lễ nên phải vội. Vậy xin Tự hoàng cứ về cung, mai thong thả sẽ xin tiếp kiến.
Mấy hôm trước Tự hoàng (Duy Kỳ) vẫn còn phân vân, không biết nên hàng hay không. Nay thấy ngôn ngữ của Vua Tây Sơn có vẻ rất khoan hồng nên không nói đến chuyện hàng nữa.
Hôm sau, Huệ cho đặt chỗ ngồi ở phủ đường, lấy lễ là cuộc tương kiến của hai Vua, Nguyễn Nhạc ngồi sập giữa, bên tả là ghế Tự quân, bên hữu là ghế Nguyễn Huệ. Các quan văn võ thì đứng dàn hai bên. Nghi vệ coi rất nghiêm chỉnh. Khi xe Tự quân đi đến cửa phủ, Nhạc sai quan ra đón. Tự quân đi bộ đến trước thềm thì Nhạc xuống sập và sai Nguyễn Huệ mời vào.
Tuy được Vua Tây Sơn đón tiếp rất long trọng. Nhưng trong lòng Duy Kỳ hồi hộp không biết ngần nào. Nhưng bước hiểm nghèo chàng trải qua đã nhiều. Song không bao giờ làm cho chàng bối rối đến như bây giờ. Vì, trước kia chỉ là những việc có quan hệ đến một cá nhân, mà cuộc hội kiến với Vua Tây Sơn bây giờ, trong khi định đoạt số mệnh của chàng, sẽ liên quan cả đến cái tương lai của một dân tộc. Cuộc hội kiến lại càng làm cho chàng bối rối hơn nữa, vì đã ấn định trước rằng việc ứng thù, chàng sẽ phải nhường cho các quan theo hầu mà chính chàng chỉ ngồi để làm một hư vị.
Sau khi an tọa rồi, Vua Tây Sơn trông về phía Tự quân hỏi:
- Hoàng thượng năm nay bao nhiêu tuổi?
Thị thần trả lời thay và tâu:
- Quốc dân chúng tôi tuy bị họ Trịnh lộng quyền đã mấy đời nay, thành ra trên dưới điên đảo; nay được nhà Vua ân sâu, nghĩa lớn đem quân ra giúp quốc dân tôi chỉnh đốn lại việc nước. Hiện nay nhân dân và thổ địa nước Nam đều là nhờ nhà Vua cả. Nếu nhà Vua muốn lấy một vài quận để khao quân, quốc quân tôi cũng xin dâng.
Sở dĩ triều thần nhà Lê đề xướng ra việc cắt đất dâng cho Tây Sơn là vì tin rằng Nguyễn Nhạc cũng giống như những nhà chinh phục thường, chỉ cầu một chút lợi về thổ địa. Nhưng người ta không biết rằng Nguyễn Nhạc không có chí gì về đất đai cả. Ông ra vội Bắc Hà, cốt ý là dìu Nguyễn Huệ về, sợ sau nhiều cuộc chiến thắng, Nguyễn Huệ trở lên kiêu căng quá, sau này không kiềm chế nổi.
Để đáp lại việc dâng đất của Vua tôi nhà Lê, Vua Tây Sơn nói:
- Vua Thái tổ dựng nước Nam, công đức như trời bể. Tôi tuy ở Nam Hải, nhưng cũng là trong phạm vi đất nước của nhà Lê. Nay thấy họ Trịnh đời đời hiếp chế nhà Vua thì tôi mưu việc tôn phù. Nếu là đất của nhà họ Trịnh thì một tấc tôi cũng không để lại. Nếu là đất của nhà Lê thì một tấc tôi cũng không dám màng. Tôi nghĩ trong nước mới yên, cần phải lưu lại để giúp nhà Vua sửa sang lại chính trị. Khi nào bốn phương yên định cả rồi, lúc ấy anh em chúng tôi sẽ lại về nước. Chỉ mong nhà Vua gắng sức làm cho dân nước được thịnh vượng và sau này hai nước chúng ta đời đời giao hiếu với nhau.
Uống trà xong, Tự hoàng từ về. Vua Tây Sơn đứng dậy chắp tay tiễn biệt. Văn Huệ đưa xuống dưới thềm, rồi sai quan tiễn ra đến tận cửa phủ. Khi Tự hoàng lên kiệu rồi, các quan Tây Sơn mới quay trở vào.
__
[8] Chỉ Nguyễn Huệ.
[9] Khi lên ngôi, Duy Khiêm đổi là Duy Kỳ.