Cách đây hai mươi nhăm ba mươi năm, quãng đất giữa những con đường Phổ Nhi (Rue Colomb)[1], con đường Rollandes[2], sau phố Hàng Lọng (Route Mandarine) có một cái hồ tục gọi là Hồ Tây Cú. Phía tây và phía bắc hồ, có hai khu đất hoang, không ra vườn, không ra bãi cỏ, đất mà chữ Pháp có tiếng gọi rất đúng là terrain vague(đất vu vơ, không nhất định gọi là gì được). Hồi hai mươi nhăm năm trước đây, trứ giả còn là một thằng bé lên mười tuổi, đã từng chơi đùa ở đó. Ở chỗ đầu đường Rollandes, chỗ đỗ ô tô đi Nam Định, Hà Đông, có một cái ngõ đi thông ra phố Hàng Lọng. Trong ba năm trời, từ lên bẩy đến lên mười, trứ giả ở cùng gia thân ở một gian nhà con trong cái ngõ ấy. Cái ngõ ấy cùng một cái ngõ nữa như là hai cái trôn phễu thông hồ kia cùng hai khoang đất hoang kia ra phố Hàng Lọng. Ban ngày - nhất là về sáng và chiều - trẻ con ở trong hai ngõ chật hẹp đổ dồn cả ra quãng đất hoang kia chơi. Ở khoảng đất phía tây cái hồ, chỗ hai ngõ nối nhau, có khu đất gọi là "trường đấu gà". Cứ mỗi sáng chiều, phường gà chọi đem gà đến đó, đọ nhau, kháo nhau, và đấu thử.
Một hôm, trứ giả nghe thấy một người khen một con gà:
- Con Hoa mơ này thì gà đấu Vĩnh Võ xưa kia cũng không ăn đứt.
Hồi ấy, trứ giả lấy óc măng sữa đoán và hiểu thì tiếng "Vĩnh Võ" nghĩa là khỏe mạnh, sắc cựa; không ngờ rằng hai chữ ấy có nguồn gốc ở lịch sử.
Vào khoảng trăm rưởi năm trước đây, cái hồ ấy là hồ riêng trong phủ đệ Hân Quận công Nguyễn Phương Đĩnh, quan A bảo của con đầu lòng chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, tên là Trịnh Khải; khoảng đất hẹn hò của phường gà đấu ấy chính là đấu trường của hết thảy những gà chọi khắp nơi kinh kỳ.
* * *
Trăm sáu mươi năm trước đây[3], một hôm trời xuân ấm áp cuối tháng giêng, ở bãi cỏ cạnh hồ Quang Minh, trước nhà Đãi Nguyệt Tạ, phường gà chọi họp đủ mặt. Từ Thiên Trường, ông Chiêu Trung Hòa cũng mang con gà "Chiến tam anh" của ông lên để khoe cựa, khoe mã cùng con gà "Nhất dạ tứ thẳng" của lão cai Đình Bảng bên Kinh Bắc. Bọn gia thần riêng của Vương tử Khải, anh nào anh ấy cũng mang gà của mình ra. Những con gà ấy, phường gà gọi là "gà nhà chúa". Thế Thọ ôm con gà "Độc cước" đương vênh váo khoe:
- Con "Độc cước" của tôi chỉ có một cựa thế mà đã từng bẻ gãy hai cựa hàng trăm con rồi.
Phiên Thọ, vừa vuốt con gà "Ô Mã Nhi" vừa nói:
- Các bác có hiểu tại sao tôi gọi con này là Ô Mã Nhi không? Nó đen tuyền, thế là Ô kê; nó lại khỏe như Ô Mã Nhi.
Một người chủ gà nói:
- Cũng chẳng thấm vào đâu với con "Độc Long" của Vĩnh Võ, bõ của vương tử. . . À! Mà hôm nay sao bõ ấy chưa mang gà ra hội chiến?
Phiên Thọ nói:
- Ông ta còn phải đi hầu vương tử vào thăm chúa thượng.
Một người nói:
- Hôm nay mới hai mươi mốt, đã đến ngày chầu đâu. Hôm nay là ngày chúng mình đem gà đến chầu vương tử chứ có phải ngày vương tử vào chầu chúa thượng đâu. Mỗi tháng vương tử chỉ được vào trông mặt chúa thượng có hai lần, vào ngày mồng một với ngày rằm thôi mà.
Phiên Thọ nói:
- Chúa thượng mấy hôm nay hình như mệt nặng. Sáng hôm nay vương tử mới biết tin nên vội vào vấn an.
- Thế bao giờ người về? Bây giờ đã quá giữa giờ Tị, gần đến giờ Ngọ rồi. Mọi phiên họp gà, đầu Tị đã bắt đầu rồi.
- Người đi cùng quan A bảo, nói là độ cuối Thìn thì về.
Vĩnh Võ, giữa lúc ấy từ ngoài chạy vào. Mọi người đổ xô ra hỏi:
- Vương tử về chưa?
Vĩnh Võ nói:
- Vương tử sắp về. Ngài có lệnh truyền cho tôi về trước rằng cuộc đấu gà hôm nay bãi. Thôi! Các ông đi về, để đến phiên sau.
Mọi người thất vọng ôm gà ra về.
Đi đường họ kháo chuyện cùng nhau:
- Chúa thượng mê man vô lý quá. Vương tử năm nay 18 tuổi rồi mà không dựng làm thế tử, còn đợi đến bao giờ?
- Ứ ừ! Ngôi thế tử, chúa thượng phải để dành cho con Bà Chúa Chè chứ!
- Bằng đầu bằng cổ còn chẳng chắc nữa là đứa bé mới lên bốn! Vô lý nhất là chúa thượng mê man Bà Chúa Chè đến nỗi con đẻ rứt ruột ra mà đuổi ra ngoài phủ, bắt ở với quan A bảo, mỗi tháng chỉ cho trông mặt có hai lần. Làm con chúa mà vào phủ phải sợ sệt lẻn lút như người dưng nước lã.
- Mấy hôm nay nghe như nhà Chúa làm sao đấy. Vương tử bỏ phiên chọi gà, muốn chừng lại có việc gì lôi thôi. Mấy hôm nay Vĩnh Võ ra chừng nhiều công việc lắm.
- Tên mới tuổi rõ hay! Vĩnh Võ!
- Thế ông không rõ à? Ông ta là bõ[4] của vương tử. Vương tử khi bé hay bĩnh[5] bậy. Nên trong phủ, nguyên phi đặt tên cho là Bĩnh. Bõ Bĩnh nói lái là Vĩnh Võ. Vương tử yêu hắn lắm đó. Vì thế nên mới cho chăn nuôi con gà "Độc Long".
* * *
- Tức quá! Thế nào ta cũng giết thằng quận Huy cùng con đĩ làng Phù Đổng mới hả giận.
Vương tử Khải vừa vùng vằng vừa nói. Kẻ hầu đầy tớ, thẩy đều im thin thít, không ai dám dàn mặt. Vương tử đi đi lại lại trong nhà đến mấy chục lượt, gặp cái gì vướng tay, vướng chân, vướng mắt thì xô đẩy đập phá.
Bữa cơm chiều gần tới rồi mà Dự Võ, tên thiện phu[6] sợ quá, không dám lên bẩm nữa. Lũ người nhà đầy tớ bàn cùng nhau:
- Chắc ngài có việc gì bực tức sáng nay. Làm thế nào cho ngài nguôi giận để đi xơi cơm bây giờ?
- Đi tìm thầy Đàm Xuân Thụ. Chỉ có thầy đồ ấy là dẹp nổi cơn thịnh nộ của đức ông thôi.
Một lúc sau, Đàm Xuân Thụ đến. Khi đó, Khải vùng vằng quát tháo đã mệt, ngồi lặng im, ngả lưng vào chiếc trường kỷ, mặt trước đỏ như gấc, bây giờ tím lại. Xuân Thụ lên thềm vái chào rồi hỏi:
- Vương tử hôm nay có điều gì thất ý.
Khải chỉ cái đôn sứ bên cạnh bảo Xuân Thụ ngồi:
- Sáng nay nghe tin vương phụ mệt, ta vội cùng quan A bảo vào vấn an. Tới cửa Nội cung, bọn quân Trung duệ ngăn lại không cho vào. Ta mắng chúng nó thì chúng nó nói:
- Có thượng lệnh truyền không cho ai được vào nội cung cả.
- Tao cũng không vào được?
- Vương tử tha tội cho. Quan cứ lệnh, lính cứ truyền, chúng con không dám trái thượng lệnh.
- Mày gọi thằng nào sai mày ra đây tao bảo.
Chúng vào gọi một tên biện lại đội quân Trung duệ ra. Tên này trông mặt cũng có vẻ ngang nhiên tự đắc lắm. Nó lên tiếng trước:
- Vương tử ban quở gì tiểu tốt vậy?
- Lệnh nào lại có lệnh cấm cả tao không được vào trong nội cung?
- Dạ, lệnh của vương thượng. Vương thượng truyền rằng không cho ai vào cả, nếu sai thì đã có quân pháp.
- Lệnh không trừ một ai?
- Dạ có, trừ Quốc sư cùng quan quận Huy. Còn ngoại giả, cấm hết.
- Cấm cả tao?
- Tiểu tốt nào dám cấm vương tử, ngặt vì quân pháp nghiêm.
Sợ ta nóng quá thất thố gì chăng, quan A bảo phải đỡ lời:
- Nếu thượng lệnh đã vậy thì chú chuyển lời vào cùng chúa thượngrằng có vương tử cùng A bảo Hân Quận công xin vào vấn an. Chúng ta chờ ở đây.
Tên biện lại vào một lúc rồi ra nói rằng:
- Chúa thượng hiện đương mệt, xin hai ngài về.
Trông nét mặt thằng ấy, ta biết thừa là nó nói láo chứ nó chẳng chuyển lời gì cả. Tức quá, ta xông đến toan đánh thì nó công nhiên ra ý cự lại ta. Quan A bảo vội gạt ta ra:
- Thôi, vương tử cứ về. Để tôi ở lại liệu cách vào bạch cùng vương thượng.
Ta quay về còn nghe thấy tiếng nói đổng trên chòi cổng:
- Ông to thật, nhưng còn có người to hơn ông!
Nén giận ta phải về. Giận làm gì những đứa tiểu tốt ấy. Chúng nó sở dĩ hỗn là vì thằng quận Huy.
Đàm Xuân Thụ nghe hết câu chuyện, thung dung bảo Khải:
- Quan A bảo xử thế là phải. Vương tử nén giận là phải. Hiện giờ vương tử đương bị vương thượng ghét bỏ, làm quá thì chỉ súc nộ thêm vương thượng, trước là trái đạo làm con, sau là làm cho quân tiểu nhân thêm đường dèm pha có hại. Vương tử nên ẩn nhẫn đi là hơn.
Khải cúi đầu nghĩ một lúc rồi đáp:
- Ngươi nói chí phải. . . Nhưng ta sợ một điều. . . Ta sợ lắm. . . Đêm qua ta nằm mơ thấy một giấc mộng hơi dữ.
- Thưa, mộng ra sao?
Khải lại cúi đầu xuống ngập ngừng không muốn nói. Lúc ngửng lên, Xuân Thụ trông thấy khóe mắt Khải hơi ướt, hai giọt lệ vừa ở mắt trào ra.
Giữa lúc ấy, tên thiện phu bưng mâm lên, Khải ngoảnh mặt đi để che nét mặt buồn:
- Mày lấy thêm bát đũa. Thầy nho ở đây uống với ta chén rượu.
Lừa lúc tên thiện phu xuống thềm, Đàm Xuân Thụ khẽ nói với Khải:
- Lát nữa, xin vương tử đuổi hết tả hữu. Tôi nghe như có chuyện quan trọng.
Khi ngồi vào mâm. Xuân Thụ bảo thiện phu:
- Cậu cất rượu đi. Hôm nay vương tử có điều bực mình, không nên uống rượu.
Khi tên thiện phu đi khỏi, Xuân Thụ nói khẽ với Khải:
- Xin bỏ rượu để tâm thần được bình tĩnh.
Suốt bữa, hai người không nói gì.
Sau khi triệt mâm và đuổi tả hữu lui cả, Xuân Thụ mới hỏi Khải:
- Vương tử mộng làm sao?
- Ta mộng thấy: mình mặc áo quì sắc, đầu chít khăn chữ đinh, đứng giữa phủ đường khăn áo đại tang, ta e rằng vương phụ. . .
- Tôi cũng nghe dân gian ngoài đồn đại rằng có lẽ chúa thượng qua rồi. Huy quận cùng Đặng thị cấm không cho ai ra vào để làm chuyện thoán đoạt. Song cứ ý tôi. . .
- Thì sao?
- Thì chúa thượng cũng chưa mệnh hệ nào. Có điều rằng mình cũng nên sắp đặt sẵn sàng đi. Rồi một mai có biến thì lũ loạn thần không thể làm gì được. Nếu đợi đến lúc đại sự xảy ra thì giở tay không kịp. Mà ở tình thế này, thấp cơ một chút thì tính mệnh cũng không toàn chứ đừng nói đến địa vị. Cứ riêng ý tiểu thần thì một mặt nên tìm cách thông với quân Tam phủ. Ngày kia có việc thì đóng cửa phủ lại giết Huy quận, giam Đặng Thị lại. Một mặt cho người báo với hai trấn Kinh Bắc, Sơn Tây đem quân hai trấn vào thì ngôi cao mới về vương tử được. Vương tử nghĩ thế nào?
Khải nói:
- Đại khái thì như thế, nhưng chi tiết ra làm sao?
- Mỗi việc xin vương tử giao cho một người. Việc kết nạp với dũng sĩ Tam phủ, xin giao cho nội thị Chu Xuân Hán. Việc thông trong nội cung, xin giao cho Thái giám Khê Trung hầu. Việc âm kết với trấn Kinh Bắc xin giao cho điển thư[7] Hà Như Sơn. Việc âm kết với trấn Sơn Tây, xin giao cho tiểu thần.
* * *
Quan Đốc đồng trấn Kinh Bắc Ngô Thì Nhậm mấy hôm nay không sang dinh quan Trấn thủ làm việc vì ông thân sinh ra ông, quan Đốc thị Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ về thăm quê nhà, nghỉ lại Kinh Bắc chơi với con.
Một buổi chiều, sau tiệc nước, ông nói với cha:
- Con được gặp thầy vừa gặp dịp. Con có một việc không biết nghĩ thế nào. Con toan bẩm thầy đã mấy hôm mà cứ lưỡng lự mãi.
- Việc công hay việc tư?
- Việc công. Việc quân quốc trọng sự. Vương tử Tông[8] mưu đồ việc bất quỹ[9] cùng bọn tiểu nhân trong cung, lại âm kết đảng với hai trấn Tây Bắc. Không lẽ để vương tử làm bậy, mà nói ra. . .
- Cứ thầy xem thì việc ấy cũng là vương tử thế bất đắc dĩ. Chúa thượng mê hoặc muốn bỏ trưởng dụng thứ. Vương tử sợ sau này quận Huy cậy có binh quyền trong tay mà làm càn thì vương tử dự bị sẵn từ bây giờ cũng là phải.
- Thầy chưa biết rõ. Vương tử đã sắp đặt đâu đấy cả rồi, chỉ chờ ngày khởi sự nữa thôi. Hiện nay chúa thượng hãy còn sờ sờ ra đó mà vương tử định làm loạn thì còn ra thế nào.
- Sao con biết rõ?
- Tên học trò con là Hà Như Sơn hiện làm điển thư cho vương tử. Hắn phụng mệnh vương tử sang đây nói với quan Tổng trấn và hiện đã cho người lên Lạng Sơn mua ngựa, sắm khí giới. Ý vương tử định: Thông nhau với quân Tam phủ đóng cửa cung lại giết quan Trưởng phủ[10] và Đặng Thị rồi gọi binh hai trấn về ủng hộ để cướp lấy ngôi. Như thế là làm loạn chứ không phải là phòng thân nữa.
- Thế ý con định sao?
- Ý con định rằng: vương tử định làm loạn thì con phải ngăn việc vương tử lại.
- Con ngăn ra sao?
- Con về kinh lấy lẽ phải trái nói với vương tử. Đó cũng là phận sự của con vì con là tư giảng của vương tử. Nếu vương tử nghe kẻ tiểu nhân mà không nghe con thì con phải khải cùng chúa thượng rõ.
Ngô Thì Sĩ vội gạt:
- Điều ấy không được. Con mà tố cáo chuyện này thì có liên lụy đến vương tử và quan tổng trấn đây. Quan tổng trấn đây là bạn với ta, cũng như ta. Điều ấy không được.
- Con chịu ơn tri ngộ của chúa thượng, không thể để yên việc này được.
Biết rằng có can con nữa cũng vô ích, ông nói:
- Để mai ta về kinh dò xem hư thực thế nào rồi khi ta lên trấn rẽ vào báo tin cho con biết.
- Mai con cũng về kinh cùng thầy.
Đêm hôm ấy, hai cha con cùng trằn trọc, mỗi người băn khoăn về một ý nghĩ riêng.
Dưới ngọn đèn dầu lạc, ông giở tập thơ văn cổ ra xem. Cầm sách xem thơ, chẳng qua là theo thói quen mà thôi, chứ thật ra ông còn bận lòng vì lời nói của con ông ban chiều. Ông vốn biết con ông là người quyết đoán và xử sự rất rành mạch, có khi nhẫn tâm nữa. Con ông đã nói như thế thì tất việc biết rõ lắm rồi, mà cũng có thật như thế chứ chẳng sai. Nếu hắn tố cáo thì bao nhiêu người chết. Ông áng chừng cũng biết qua loa ai là đảng với Khải, nên ngồi nghĩ nhẩm lại ông thấy toàn bạn thân của ông cả. Chết nỗi! Như thế thì ra con ông nhẫn tâm giết toàn người phụ chấp của hắn cả. Giời ơi! Nếu quả việc xẩy ra thì ta không còn mặt mũi nào sống ở dương gian nữa. Để cho con giết bạn mà không cứu được, còn nhục nào hơn nữa. Ông hồi tưởng lại ba mươi tư năm trước, năm ông mới hai mươi nhăm mà Thì Nhậm, con đầu lòng ông, mới lên năm. Tết Nguyên Đán năm ấy, sáng ông đem giấy bút ra khai bút và gọi con ông ra:
- Nào, thằng này năm nay lên năm rồi. Thầy đặt tên cho mà khai bút.
Cậu con hóm hỉnh hỏi:
- Thế tên thầy là gì?
- Để thầy khai bút trước, thầy viết cho coi.
Rồi cầm bút viết hai dòng khai bút:
Hoàng triều Cảnh Hưng vạn vạn niên chi thập nhất, tuế thứ Canh Ngọ chính nguyệt, Nguyên Đán, cát thì thí bút
Tả Thanh Uy, Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ.
Ông chỉ vào chữ "Sĩ" mà bảo con:
- Đây, tên thầy đây.
Cậu bé cầm bút phẩy thêm một nét trên chữ "Sĩ", thành chữ "Nhậm" rồi nói:
- Hơn thầy một nét!
Nhân tiện ông đặt tên là Thì Nhậm. [11]
Ông vẫn mừng rằng có con thông minh và với ai cũng khoe rằng con ông tự đặt tên lấy.
Sáng ông dậy từ canh tư. Trong khi đợi sáng, buồn, ông ra văn phòng con xem có sách gì hay không. Ông thoáng thấy dưới chiếc lư trầm có hở ra một góc chiếc thư. Tò mò ông lôi ra thì là thư ai gửi cho con ông. Thấy dáng chữ lạ, ông rút thư ra xem:
"Kinh Bắc Đốc đồng Hi Doãn nhân ông văn ký:
Công việc mười phần tôi chỉ rõ qua loa một hai. Mong rằng nhân huynh sớm về kinh, ta sẽ bàn định rõ."
"Đệ: Nguyễn Huy Bá bái".
Đọc xong thư ông toát mồ hôi:
"Thôi chết! Giao thiệp với thằng tiểu nhân này thì chết! Thằng này nó chỉ lấy nghề dò la tố giác làm cách xuất thân. Năm xưa nó tố giác Thụy Quận công rồi đương là anh cống sinh nhẩy lên Tiến triều. Sau được bổ lên Đốc đồng Ninh Sóc rồi vì tham tang phải triệt về. Nay nó đương cần xuất chính, thế nào nó cũng cần làm hại người. Con ta đi với thằng này thì thật điếm nhục tổ tông".
Sáng hôm sau ông bảo Ngô Thì Nhậm:
-Thầy nói thật: nếu con phát giác chuyện này thì thầy uống thuốc độc chết chứ không sống làm gì nữa! Vương tử là quân phụ con, quan Trấn thủ đây là phụ chấp con. Nếu con giết thầy được thì cứ việc làm.
- Nào con đã làm gì. Nếu con thao thủ như thế thì can chi phải trình với thầy. Thầy nên im đi như không. Nếu thầy làm to chuyện ra thì có khi vì thế mà vỡ chuyện. Việc này đã chắc gì là có. Mà dù có nữa thì con cũng mặc.
- Hôm qua con nói hôm nay cũng về kinh. Con về để vào đảng Đặng Thị chăng?
- Không, con về để can vương tử. Nếu thày ngờ thì con không về nữa. Nhưng điều cần hơn hết là thầy cứ tự nhiên.
Hôm ấy Ngô Thì Sĩ sang Kinh để về Tả Thanh Oai. Ông đi được nửa ngày thì Ngô Thì Nhậm cũng thắng ngựa về kinh. Tang tảng sáng hôm sau Thì Nhậm lại sang Kinh Bắc vào hầu quan Trấn thủ Nguyễn Khắc Tuân thật sớm:
- Tiểu sinh phải tiễn gia nghiêm về kinh nên hôm nay mới sang hầu được.
Khắc Tuân hỏi khẽ:
- Thế nào? Việc trong kinh ra làm sao?
- Thưa vẫn yên lặng như thường.
* * *
Hôm trước ở Súy phủ[12] trong Thủy Tinh Cung, quân nội thị đương sắp sửa lễ vật để làm tết Trùng Cửu. Tĩnh Vương[13] đương nằm nghe khải do Tuyên phi[14] đọc. Đọc hết bản khải, Tuyên phi khóc. Tĩnh Vương hỏi:
- Khanh có điều gì buồn?
- Thiếp không có điều gì buồn cả. Chỉ buồn cho chúa thượng có người con không ra gì. Nói ra thì thiếp mang tiếng là xui bẩy mà không nói ra. . .
Nói tới đó, Tuyên phi lại khóc. Một lúc mới nói tiếp:
- Địa vị sau này của thế tử cả. Nhưng cha còn sống, thế tử nỡ lòng nào làm cái việc Sở Mục Vương, Tùy Dương Quảng. [15]
Tĩnh Vương ngồi nhỏm dậy hỏi:
- Làm sao? Thằng con bất hiếu ấy định giết bố à?
- Thiếp không dám nói. Xin cho hai người hiện đứng dưới trướng lên hầu.
Tuyên phi sẽ liếc mắt cho nội thị. Nguyễn Huy Bá và Ngô Thì Nhậm tiến lên rập đầu làm lễ. Tĩnh Vương hỏi Ngô Thì Nhậm trước:
- Việc đầu đuôi thế nào?
- Vương tử ở ngoài không được vào hầu, nghe chúng đồn nhảm, cho là chúa thượng thùy nguy. Vương tử sợ mất ngôi cao, định tư thông với quân lính trong phủ, chờ đến ngày chúa thượng khuất núi, cho quân đóng cửa phủ lại, giết quan Trưởng phủ, bắt giam Tuyên phi rồi cướp ngôi cao. Lại mật thông Tây Bắc hai trấn đem quân về ủng hộ.
Tĩnh Vương quăng chén nước đương cầm ở tay xuống đất:
- Ta chưa chết mà nó đã mong ta chết. Quân bất hiếu. Sao ngươi rõ?
- Bẩm tên Hà Như Sơn là học trò tiểu thần hiện làm điển thư cho vương tử nói.
Tĩnh Vương lại hỏi Huy Bá:
- Còn ngươi? Ngươi biết những gì?
- Vương tử đưa cho nội thị Chu Xuân Hán nghìn lạng bạc để dụ quân sĩ trong phủ và mua chuộc quân Tam phủ. Thần biết rằng trong nước phân bè đảng đã lâu nên đã liệu trước mà cho người nhà sang Kinh Bắc, Sơn Tây dò trước. Nàng dâu trưởng thần, hiện hầu Lệnh bà, một hôm nghe thấy Chu Xuân Hán cùng Khê Trung hầu nói lóng với nhau.
- Ngươi có nhớ không?
- Thưa có. Một hôm Chu Xuân Hán gặp Khê Trung hầu ở cạnh Tiểu Bút Điếm, Hán nói: "Hồ Cửu mông nhung, nhất quốc tam công, Ngô thùy thích tòng"[16].
Tĩnh Vương nói:
- Chúng nó muốn làm loạn chứ có theo ai!
Huy Bá nói tiếp:
- Lại có một hôm, tiểu thần thấy một đám đông ngồi tụ nhau ở cửa ô Trường Bắn, họ túm lại nghe một đứa ngồi giữa hát:
Đục cùn thì giữ lấy tông,
Đục long cán gãy còn mong nỗi gì.
Rồi một đứa đứng dậy hỏi mọi người rồi lại tự đáp: Các bác có hiểu nghĩa thế nào không? Thế nghĩa là: Hiện giờ chúa thượng già rồi (Đục cùn rồi), thì ta nên giữ ngôi cho vương tử Tông. Nữa một mai chúa thượng khuất núi, ông chúa con Cán quặt quà quặt quẹo thì quốc gia còn trông mong nỗi gì nữa! Rồi cả bọn đứng lên cười ha hả. Thằng kia lại nói: Xong đâu đấy cả rồi, trong tháng chín thì họ giết thằng Tốt áo[17] cùng cô gái hái Chè[18]. . .
Tĩnh Vương nói:
- Thôi, thế là đủ. Cho hai ngươi lui.
Hai ngươi lui xong, Tĩnh Vương tức khắc cho gọi Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, Đình Bảo đương ở nhà thấy lệnh chỉ đòi vào phủ lúc gần tối, biết là có câu chuyện quan trọng liền lên ngựa vào phủ ngay.
Tĩnh Vương đem đầu đuôi câu chuyện nói cho Đình Bảo nghe.
Huy Quận công Hoàng Đình Bảo nghe Tĩnh Vương nói dứt lời rồi tâu:
- Thần biết rõ việc này đã mấy hôm nay. Sở dĩ chưa nói là không muốn làm phiền lòng chúa thượng. Thần định êm đềm ngăn chặn chuyện ấy đi. Đợi ngày chúa thượng thật bình phục, nhiên hậu sẽ khải.
- Ta muốn ngay sáng mai cho bắt cả lũ loạn thần tặc tử ấy chém hết.
- Không nên. Cứ thần nghĩ thì vương tử dám mưu đồ chuyện ấy là do hai trấn Kinh Bắc, Sơn Tây chủ trương. Nay hai người ủng binh ở ngoài cả. Phỏng chúa thượng làm vỡ chuyện ra thì thần e có biến to. Cứ thần thiết nghĩ thì trước hết hãy triệu hai người ấy về triều giữ lỏng lại, cho tiệt hậu họa, nhiên hậu mới tra án phân minh mà trị tội.
* * *
Tuân Sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân được lệnh chỉ triệu về kinh, cùng về với Đốc đồng Ngô Thì Nhậm. Đến kinh, thoạt tiên ông vào thăm cha nuôi, Hân Quận công Nguyễn Phương Đĩnh, và nhân tiện yết kiến vương tử Khải. Đến cửa phủ đệ Hân Quận công, thấy có lính phủ Trung Duệ gác, ông giật mình biết là việc lộ. Trên chòi cổng phủ đệ, một tên biện lại quân Trung duệ bảo ông bằng cái giọng nửa cung kính nửa chế nhạo:
- Quan lớn muốn đến yết kiến vương tử à? Người vừa nhập các hôm nọ xong. Quan lớn muốn thăm quan cố à? Người vừa nhập phủ hôm qua. Quan lớn nhập phủ thì thấy cả đôi.
"Xuất các" là chữ dùng để chỉ ông thế tử mới được dựng. "Nhập phủ" là chữ chỉ ông quan mới được vào làm chính phủ đại thần. Nghe mấy tiếng lộng ngữ "nhập các", "nhập phủ", ông đã hiểu rõ tình thế rồi. Ông quay lại bảo Ngô Thì Nhậm:
- Dù sao thì ta cũng xin nhập thị để diện khải cùng chúa thượng đã. Ông chắc đã diện khải trước tôi.
Thì Nhậm cúi đầu không nói gì.
Hai người cùng đi vào Súy phủ. Đến Tả Xuyên Đường, đã thấy quan Trấn thủ Sơn Tây, Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Ly[19] đương đợi tội tình ở đó. Nguyễn Ly nói:
- Ông đã rõ chưa? Vương tử, Chu Xuân Hán, Đàm Xuân Thụ và đồ đảng người thì bị bắt giam trong ngục, người thì bị giam lỏng cả rồi. Tôi đành ở đây chờ chết thôi.
- Để tôi vào diện khải đã rồi có chết cũng cam tâm.
Khắc Tuân vào đến Quyển Bồng Điếm, xin vào nhập thị. Vì ông là em Thái phi, cậu ruột Tĩnh Vương nên quân lính phải vào bẩm mệnh. Ông chờ ở Quyển Bồng Điếm một lúc thì thấy nội thị Quyến Trung Hầu ra:
- Thế nào? Chúa thượng có cho tôi vào không?
- Chúa thượng sai tôi ra nói với ông rằng. Chúa thượng bắt tôi cứ nói đúng như lời ngài nói, tôi xin cứ thuật ra: "Cậu cùng thằng giặc Tông mưu việc bạn nghịch, còn mặt mũi nào trông thấy tôi nữa!".
Tuân Sinh hầu cúi đầu đi ra. Ra đến Tiểu Bút điếm thì gặp Nguyễn Ly và Ngô Thì Nhậm. Nguyễn Ly cùng Tuấn Sinh hầu nhờ Ngô Thì Nhậm làm khải hộ để kêu oan, Thì Nhậm chối từ. Tuấn Sinh hầu nói:
- Ông đã tố giác thế tử thì ít ra ông cũng phải làm khải nói rõ ràng sự thật, không được vu khống gì cả.
- Tiểu sinh có vu khống điều gì! Tiểu sinh chỉ làm trọn đạo thần tử thôi.
Hai người buồn rầu trở ra.
* * *
Cuộc thẩm vấn tra cứu bắt đầu tiến hành dưới quyền quan Thái giám Ngạn Triều hầu Phạm Huy Thức và quan Nghè Ngô Thì Nhậm. Bị bắt giam tất cả hơn trăm người rồi. Trong số đó có:
Vương trưởng tử Trịnh Tông,
Kinh Bắc Trấn thủ Tuân Sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân,
Sơn Tây Trấn thủ, Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Ly,
Nội thị: Chu Xuân Hán, Khê Trung hầu,
Nho sinh: Đàm Xuân Thụ, Nguyễn Quốc Trấn. Cùng bọn gia thần nhà vương tử là lũ: Hàn Như Sơn, Thế Thọ, Phiên Thọ, Vĩnh Võ.
Tuy rằng theo lệnh chỉ thì Phạm Huy Thức đứng đầu, song công việc nhất nhất ở Ngô Thì Nhậm cả.
Bị tra tấn nhiều nhất là nho sinh Đàm Xuân Thụ. Phần nhiều nhận cả, nhưng chỉ nhận là có vào đảng với vương tử để phù lập vương tử sau này, phòng những việc thoán đoạt của Huy Quận, Tuyên phi và vương tử Cán. Không những họ nhận, họ lại còn lấy làm phải nữa, vì họ cho như thế là giữ vững cơ nghiệp nhà Trịnh và tắt mối loạn xã tắc. Nhưng nhận như thế, chưa vừa ý Ngô Thì Nhậm. Dưới đây thuật lại một đoạn bản khẩu cung của nho sinh Nguyễn Quốc Trấn, điển thư của Nguyễn Khắc Tuân, Trấn thủ Kinh Bắc. Phần "vấn" là lời Ngô Thì Nhậm, phần "đáp" là lời Nguyễn Quốc Trấn.
Vấn - Có phải hôm mười sáu tháng tám, quan Trấn thủ sai anh về kinh đến thăm vương tử và nói với vương tử xin vương tử cho biết ngày khởi sự không?
Đáp - Có. Tôi có phụng mệnh quan Trấn thủ về kinh, có đến hầu vương tử nhưng không có chuyện xin vương tử cho biết ngày khởi sự.
Vấn - Thế quan Trấn thủ dặn anh nói gì với vương tử?
Đáp - Rằng: quan Trấn thủ xin hết lòng phò tá, ủng hộ, một mai đại sự đến. Xin đại nhân nhận kỹ: một mai đại sự đến nghĩa là một mai vương thượng băng hà thì chủ tôi xin mang quân về ủng hộ để chống với sự làm loạn của bọn Hoàng Đình Bảo. Còn như định ngày khởi sự thì không có.
Vấn - Chúng mày láo! Chúng mày định làm loạn để cướp ngôi, láo gì?
Đáp - Chúng tôi cho rằng: nước có vua lớn là phúc cho nước, mà bỏ trưởng lập thứ là mầm diệt vong. Vì muốn cho xã tắc không loạn, muốn giữ cơ nghiệp vương gia trường cửu, chúng tôi mới phải củ hợp cùng nhau. Như thế là mưu việc an nguy của xã tắc, sao gọi là làm loạn được? Đại nhân định vu cho chúng tôi làm cái việc của Sở Thương Thần[20] để làm ô nhục chúng tôi với hậu thế, nhưng công luận còn đó, trong sử xanh sau này chưa biết ai là loạn thần tặc tử! Tôi chịu bẩy hình tấn rồi. Thân này đem băm nát ra được, nhưng lòng này không ai đoạt được đâu!
. . . . .
Ngày rằm tháng chín năm Canh tử, niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ 41, ở Tiểu Bút điếm, các quan đứng chực giờ vào hầu Tĩnh Vương, quan Tham tụng Vũ Miên hỏi riêng quan Bồi tụng Bùi Huy Bích:
- Làm sao Ngô Thì Nhậm đương phụng lệnh tra cứu việc này lại hốt nhiên thôi!
- Quan lớn không rõ à? Cha hắn phẫn uất vì hắn tố giác, uống thuốc độc chết. Hắn phải bỏ chức về quê đinh gian[21]. Quan lớn làm tướng[22] mà không biết?
- Bấy lâu tôi yếu nên có vào coi việc trong phủ được mấy đâu. Vả chăng công việc của những đứa tiểu nhân, tôi có biết làm gì!
- Lê Quý Đôn thay hắn phải không?
- Phải.
- Phải lắm, thay việc Nghè Nhậm dễ cũng chỉ Bảng Đôn đủ tâm địa. . .
- Việc này còn có cái trò hay nữa.
- Trò gì?
- Nghè Nhậm hãm bố, bạn bố vào chỗ chết để cầu quan; Nghè Tế[23] cho bắt, tra cứu, hành hạ và hãm tội rể để hiến nịnh.
Tới đó, một tên nội thị ở trong phủ ra nói:
- Vương thượng truyền các quan vào nhập thị trong Thủy Tinh cung.
Lần lượt mọi người vào Thủy Tinh cung.
Tới nơi mọi người đã thấy quan Trưởng phủ sự Huy Quận công Hoàng Đình Bảo đứng trước ngự sàng. Tĩnh Vương nói:
- Quả nhân bất hạnh gặp thằng con bất hiếu, lũ bầy tôi bất trung cùng nhau mưu việc phản nghịch. Chúng thật bụng dạ như chó lợn. May nhờ hồng phúc Tiên vương, mưu chúng bại lộ. Quả nhân đã giao cho Thái giám Ngạn Triều hầu Phạm Huy Thức cùng Tình Phái hầu Lê Quý Đôn tra xét. Nay án đã thành, những đứa thủ mưu đã chịu tội, nhưng dư đảng chắc còn nhiều, chư khanh nên để tâm dò dần mà trị cho tiệt căn.
... . .
Kết quả án năm ấy:
Vương tử Tông bị giam trong Tam Nhàn đường. Nguyễn Khắc Tuân, Chu Xuân Hán uống thuốc độc chết trong ngục. Ngoài ra bị chém hơn hai chục người còn đầy lên viễn châu hơn trăm người.
Ngô Thì Nhậm thăng Binh bộ Tả thị lang.
Dương Trọng Tế thăng Thiêm đô Ngự sử.
Nguyễn Huy Bá đặc cách bổ Lại bộ Đô cấp Sự trung, nhập nội Thiêm sai.
Lúc hành hình, Nguyễn Quốc Trấn chửi mắng Ngô Thì Nhậm và Lê Quý Đôn thậm tệ. Đao phủ thủ đã múa gươm rồi, Quốc Trấn còn đọc hai câu thơ:
Thiên vô nhật, triều vô quan
Nhẫn xử Quốc Trấn hàm oan
Nửa tháng sau, trong kinh thành truyền tụng đôi câu đối mới:
Sát tứ phụ nhi Thị lang! Trung yên vấn hiếu?
Cứu nhất tế nhi Ngự sử, công nhĩ, vương tư.
(Giết bốn bố làm Thị lang, trung rồi, còn hiếu?
Hại một rể làm Ngự sử, công nhỉ, quên tư).
Các ông đồ thóc mách hỏi nhau:
- Thế nào là giết bốn bố?
- Vương tử Khải là quân phụ thế là một bố; Ngô Thì Sĩ đẻ dứt ruột là hai bố; Chu Xuân Hán, Nguyễn Khắc Tuân, tuổi bằng tuổi bố lại bạn với bố hắn, thế là bốn bố!
- Giá thằng Ngô Thì Nhậm và thằng Dương Trọng Tế ở chung nhà thì câu đối này dán ở cổng hay biết mấy!
__
[1]. Phan Bội Châu.
[2]. Bà Trưng.
[3]. Năm Cảnh Hưng 41, Canh Tí (1780).
[4]. Chồng của vú em, tiếng Bắc gọi là bõ.
[5]. Trẻ con đại tiểu tiện gọi là bĩnh.
[6]. Thiện phu: người đầu bếp.
[7]. Chức giữ việc viết lách sách vở. Hà Như Sơn là điển thư riêng cho vương tử Khải.
[8]. Lúc ấy tên Khải còn là Tông.
[9]. Nghĩa như bất pháp.
[10]. Tức Huy quận công.
[11]. Sau vì kiêng hai tên vua Tự Đức (Phúc Thì, Hồng Nhậm) nên gọi tránh là Ngô Thời Nhiệm.
[12]. Tức là phủ Chúa Trịnh.
[13]. Tức là chúa Trịnh Sâm.
[14]. Tức là Đặng Thị Huệ, Bà Chúa Chè.
[15]. Sở Mục Vương và Tùy Dương Quảng đều giết bố để cướp ngôi.
[16]. Chữ Tả truyện, dịch tạm là: Áo cừu lung tung, một nhà ba ông, theo ai cho xong?
[17]. Chỉ Hoàng Đình Bảo vì y là Phò mã. Tục ngữ có câu: Tốt áo như ông Phò mã.
[18]. Chỉ Đặng Thị Huệ, Tuyên phi của Tĩnh Vương, mẹ đẻ ra vương tử Cán.
[19]. Sau đổi là Nguyễn Khản. Tức là anh ruột tác giả quyển Kiều.
[20]. Thế tử Thương Thần nước Sở giết cha mà cướp ngôi.
[21]. Đương làm quan mà cha mẹ chết, thôi quan về chịu tang, gọi là đinh gian.
[22]. Tham tụng bấy giờ quyền như Tể tướng.
[23]. Trỏ Dương Trọng Tế.