Vương tử Khải bị giam ở Tam Nhàn đường, bên cạnh Trạch Các đã hai đêm rồi, tin tức trong ngoài bị cắt đứt. Hôm đầu, ông bị bắt lúc gần chập tối, vào tới nơi giam thì trời tối hẳn. Là người khác thì đêm hôm ấy trằn trọc không ngủ được, nhưng ông là người thông đạt phóng khoáng lắm, bất cứ việc to hay việc nhỏ, khi đã xẩy qua rồi là ông coi như không, không thèm để ý đến nữa. Từ ngày phải đuổi ra ở nhà Hân Quận công, ông tự coi đời ông là đời bỏ đi. Bởi thế ông chỉ quên mình vào những trò chơi nhảm nhí: xem gà chọi, đi săn bắn.
- Phen này thì chết! Quân phụ bảo ta chết thì ta chết! Chết mà lại rảnh. Đất họ Trịnh nhà ta, theo phong thủy[24] là thế đất: phi vương phi bá, quyền khuynh thiên hạ; nhị bách dư niên, tiêu tường nãi họa[25]. Kể từ Thái vương đến bây giờ đã được hơn hai trăm năm rồi. Cái vạ diệt vong chỉ đời sau là thấy. Được dựng làm chúa nữa thì bất quá cũng là giơ mình ra chịu làm con hi sinh mà thôi, quí báu gì. Âu là chết!
Rồi ông bật cười lên giường nằm, xuất khẩu ngâm câu thơ ông vừa buột miệng đọc:
Ngủ quách chuyện đời, thây kẻ thức.
Rồi mai tỉnh táo thử xem sao
Thế là, trong trí ông thản nhiên ngay với việc vừa qua, kéo một giấc dài đến sáng.
Sáng hôm sau, qua khe cửa sổ ông nhìn thấy từng nhà lầu TrạchCác, chỗ ông phải được ở nếu vua cha ông không có tính thiên mà ghét ông. Nhìn thấy Trạch Các bất giác ông cảm thấy cái sự nhạo báng của số phận: bị giam ở bên cạnh chỗ địa vị chính thức của mình.
Cửa Tam Nhàn đường mở, tiến vào hai người. Ông nhận ra hai ông tiến sĩ Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Đích, vương tử hỏi trước:
- Hai ông vào bắt tôi ra đình cúc[26] chăng?
- Thưa không. Theo lệnh chỉ, chúng tôi được cử làm Tả, Hữu Tư giảng của vương tử.
Ông cười:
- Tôi còn học mới hành gì nữa.
- Chúng tôi chỉ đến yết kiến vương tử một lần này thôi. Vương thượng tuy có lệnh chỉ ấy, song chẳng qua là để che mắt người ngoài thôi. Chúng tôi xin mãi mới được vào đây yết kiến. Song đã có lệnh ấy thì âu là tiện thị chúng tôi cũng là gia thần của vương tử rồi, có nghĩa sống chết cùng nhau. Chúng tôi nói để vương tử rõ. Ở đây toàn quân Trung duệ của Huy Quận coi, nhất thiết ra vào đều cấm. Chúng tôi lấy làm nguy cho vương tử lắm đó. Xin vương tử. . .
Nói đến đây hai người nghẹn ngào. Bốn dòng nước mắt nối theo câu nói.
Ngoài đã có tiếng thét:
- Hai ông ra đi!
Hai người vội vàng ra. Cửa đóng sập lại.
Bất giác ông cũng ứa hai hàng nước mắt.
Từ đó đến chiều tối, cửa vẫn đóng.
Cả ngày hôm ấy, ông chưa ăn uống gì.
- Họ định hãm mình chết đói đây!
Một lúc, trống thu canh nổi. Hết hồi trống phiên canh thay. Phiên vừa mới thay xong, đã nghe tiếng thét:
- Ngồi im! Bây giờ thì anh là thằng tù, đừng có bắt bực!
Hết canh một, cửa mở thật mạnh, nối theo tiếng quát tháo:
- Có đi ngủ không? Vui lắm đó mà ngâm nga mãi! Làm cái gì thế nào?
Tiếp theo tiếng quát tháo, tên lính cầm tay thước bước vào. Ông nhìn nó thì, lạ thay! Nét mặt mà ông đoán là nanh ác, đểu giả lại có vẻ hiền từ khả ái. Điệu bộ nó lại tương phản với giọng quát tháo của nó nữa. Dưới ngọn đèn dầu lạc mờ, ông nhận thấy nó cúi rạp xuống chào ông và nói khẽ:
- Phải làm ra thế ở giữa chốn hùm beo.
Rồi nó đặt lên bàn một gói to và một cái hũ sành. Mở ra thì là gói xôi và hũ nước chè nóng.
Giam cầm như thế mất hai năm, nghĩa là cho tới ngày Tĩnh Vương mất, ngôi chúa về thế tử Cán.
* * *
- Khải[27] nguyên năm xưa định hại Tiên vương, ta tưởng những đứa đại nghịch bất đạo ấy chẳng nên để làm gì.
- Khải tuy có tội, nhưng Tiên vương còn chẳng nỡ nữa là Lệnh bà. Không có kẻ bị phế thì sao có người lên được[28]. Nay Lệnh bà đã toại nguyện, tiểu thần tưởng nên mở lòng nhân mà tha chết cho y, để lại giọt máu của Tiên vương. Lệnh bà giết y, tôi e rằng quân sĩ và thần dân không phục thì ngôi cao của Tân vương cũng khó lòng vững. Đó là tiểu thần nói thật tình.
- Y còn sống ngày nào thì chúng còn trông vào y mà làm loạn. Ta muốn triệt mối loạn đi chứ chẳng phải tàn nhẫn gì riêng với y.
- Nếu thế thì xin Lệnh bà cứ giam y lại thế là nhất cử lưỡng toàn.
Vì mấy lời can của Tạ Danh Thùy ấy mà hôm sau vương tử Khải tiếp được lệnh mới. Khi tên Biện lại đội Nội Khuông vào Tam Nhàn đường tuyên chỉ, bắt Khải quỳ nghe chỉ, Khải quỳ ngay xuống. Không phải là sau hai năm giam cầm, ông đã non gan mà đổi thái độ nhưng vì hai hôm trước Tạ Danh Thùy đã báo tin ông hay và khuyên ông nên nhũn nhặn và ẩn nhẫn hết sức để lưu lại chút thân, hoặc giả sau này có dịp nào chăng. Dịp ấy, có người đã nói cùng ông: "Tân vương ốm yếu, khó lòng toàn".
Lệnh chỉ rằng:
Đại nguyên súy, Tổng quốc chính, Điện Đô vương lệnh rằng:
Vương quý tử Khải xét tội thật là đáng chết, nhưng nghĩ tình cốt nhục ta không nỡ. Vậy đặc ân cho được giam ở Tả Xuyên đường, ba ngày phải đến Phủ đường bồi bái một lần.
Việc giám chế giao cho bốn đội quân Nội Khuông, Nội Dực, Nội Nhung, Nội Kiệu.
Kính vậy thay, lệnh chỉ!
Cái đặc ân ấy kể ra lại nguy cho Khải. Cứ ở Tam Nhàn đường, tuy bị giam nhưng cũng chặt chẽ, nhưng những lối lẻn lút để mang thức ăn uống, đồ thay mặc đã sẵn sàng cả rồi. Chịu cái đặc ân mới, nhất là cái đặc ân ấy lại bọc trong sự giám chế của bốn đội Nội thì tức là phải chịu một hình phạt mới mà sự nguy hiểm chưa đo trước được.
Giam ở Tam Nhàn đường trong hai năm, với thời gian, sự khắc nghiệt của lính canh đã bớt dần, nên còn chút thú xướng. Nay có lệnh mới thì sự khắc nghiệt lại càng tăng. Có lệnh mới như tiếng chuông đánh tỉnh thức những thói khắc nghiệt đã ngủ trong hai năm ròng.
Dương Thái phi ở ngoài lo lắm. Bà nói với chị là bà tân[29] chúa Minh Vương, mẹ đẻ ra Thụy Quận công Trịnh Lệ. [30]
- Em lo cho Khải lắm. Canh giữ nghiêm ngặt quá, cơm nước không đưa vào được. Ăn uống thất thường lại buồn bực quá đỗi. Em sợ rằng tính mệnh cũng khó toàn. Chị quen thân với quận chúa Huy[31] nhờ chị làm ơn xin hộ cho. Em chỉ mong được mẹ con chu toàn để sớm tối trông thấy nhau.
Bà Dương Minh tân[32] nhận lời vào nói với Huy quận:
- Quan Trưởng phủ có thù riêng gì với quí tử mà nỡ hãm vào chỗ chết như thế? Em tôi có nó là con, quan lớn định giết cả hai mẹ con người ta hay sao? Đầy lắm thì vơi, thịnh quá thì suy. Quan lớn bây giờ đắc chí nhưng tôi thiết tưởng cũng không nên ăn ở cạn tàu ráo máng quá.
Huy Quận khóc mà rằng:
- Đình Bảo thờ Tiên vương được ngài ân sủng nhiều quá, lại đã từng chịu lời ủy thác lúc lâm chung, bởi vậy nên phải hết sức giúp giập tân vương. Song quí tử cũng là giọt máu của Tiên vương. Đình Bảo có nỡ lòng làm hại thì trời chu đất diệt.
- Đã thế xin quan lớn khoan cho một chút trong việc giám chế và xin cho người nhà được ra vào mang cơm nước áo sống.
- Vâng, có thể được. Nhưng người ra vào phải nhất định, và phải hạn số! Đây, tôi đưa Lệnh bà hai cái thẻ xuất lệ để cầm mà ra vào.
* * *
Hôm ấy là ngày mồng chín tháng chín. Bên cung vua, bên phủ chúa đều ăn tết trùng cửu. Quân lính vì thế được nghỉ ngơi thư thả hơn mọi hôm. Lính bốn đội Nội hôm ấy tụ nhau cả ở trại dưới Phủ đường. Một anh nói:
- Anh em thư thả họp đông thế này, giá có chén rượu giải phiền thì thú quá.
- Hôm nay sao thằng cha Dự Võ chưa đến. Mọi ngày vào giờ này là nó mang cơm rượu vào cho thế tử.
- Hắn đến thì tốt lắm cũng được một vò, ai uống ai đừng. Kìa! Hắn kia kìa! Nhưng sao lại vào chân tay không?
Rồi mọi người túm tít hỏi:
- Thế nào? Sao hôm nay lại không mang cơm vào cho thế tử? Thế vò rượu hàng ngày của chúng tớ đâu?
Dự Võ bảo mọi người yên lặng rồi nói:
- Hôm nay ngày Trùng Cửu. Thế tử dặn tôi mang vào một con lợn và mười vò rượu để đãi các bác, nhưng đến cửa, lính canh không cho vào, tôi nói khó mãi cũng không được. Chúng nó còn chờ ngoài cổng kia cả. Các bác ra nói giúp.
Bọn lính ra nói với tên đội gác cổng:
- Hôm nay tết, thôi thì cho "xuất lệ" cả.
Thế là mười vò rượu Hoàng Mai, một con lợn luộc khiêng vào. Lũ lính bốn đội ngả ra chén, bàn tán ồn ào, đả động đến cả chuyện thời thế. Đợi cho họ uống say, Dự Võ hỏi:
- Các bác bây giờ thờ ai?
Chúng khẩu đồng từ:
- Thờ Chúa thượng, Điện Đô vương!
- Các bác lầm to! Các bác thờ ông quận Huy cùng bà Tuyên phi chứ! Thiên hạ họ đồn rằng "Trăm quan có mắt như mờ, để cho Huy quận vào sờ chính cung". Trăm quan ăn bổng lộc nhiều thì lấp mắt không biết chứ các bác được cái chi mà cũng mờ thế? Tôi hỏi các bác: Vương quí tử có tội gì không?
Chúng ồn ồn chữa lại:
- Vương thế tử!
Dự Võ biết thừa rằng lòng quân sĩ đã ngả về chủ mình nhưng còn cố gợi cho cái lòng ấy phát hiện hẳn lên. Bởi thế y cố dùng chữ "Vương quí tử" để chọc tức quân lính. Quân lính thấy dùng chữ ấy, hốt nhiên, tự nhiên phản lại mà hét:
- Vương thế tử!
Được thể, Dự Võ nói tiếp, giọng mạnh dạn hơn:
- Vương thế tử có tội tình gì? Con mụ họ Đặng là đứa nghiệt phụ làm mê hoặc bụng Tiên vương đoạt vị của thế tử. Thằng quận Huy vốn có chí làm phản từ ngày ở Nghệ An. Thế rồi nó thông nhau với con mụ Huệ. Nay tân vương còn nhỏ dại mà lại ốm yếu. Quận Huy ngày đêm tính chuyện thoán đoạt. Các bác đều là dân Thang mộc ấp[33] nên nghĩ đến hai trăm năm cơ đồ của nhà Trịnh chẳng hơn là phụ theo lũ loạn thần nghiệt phụ để tiếng xấu về sau ư?
- Phải đó! Bác thiện phu nói phải đó.
Dự Võ nói tiếp:
- Hôm nay tết trùng cửu, người ta ăn uống linh đình, cửa nhà vui vẻ, thế tử tội gì mà mẹ con xa cách một mình thui thủi thân tù! Ngày mai các bác đến đền Khán Sơn, chúng tôi sẽ có một điều gan ruột thưa chuyện các bác hay.
* * *
Hôm sau, từ đầu giờ Mão đến Khán Sơn đã chật những quân Tam phủ, tiếng mô tê răng rứa đã ồn ào vang động đến cả đền. Đến cuối giờ Mão, người đến họp càng đông thêm. Suốt sườn núi Khán, chỗ nào cũng túm năm tụm ba. Từ tam quan đến đền chính ở giữa, đâu đâu cũng chất những người. Họ đến đấy, ai cũng chung một ý nghĩ: bỏ Trịnh Cán dựng Trịnh Khải. Nhưng bụng nghĩ ấy chỉ tản ra một cách vô ích vào những câu bàn tán ồn ào hỗn loạn. Họ đến đấy ai cũng có một ý định: trừ đảng loạn thần để tôn phù họ Trịnh. Nhưng ý định ấy rời rạc vào những câu chửi bới bâng quơ, những câu gắt gỏng hão huyền. Trên đầu họ, hãy còn treo một nỗi sợ: sợ quyền thế của chính phủ. Trong bụng họ vẫn ẩn một nỗi sờn lòng: uy quyền của Huy Quận công.
Họ như một đống tiền rời chưa có dây xâu lại. Trông thì nhiều nhưng hỗn độn không thành hình gì cả. Họ như một nắm cát khô, bốc lên thì bụi mắt người ta nhưng một cơn gió thì tan đi cả.
Lúc bấy giờ giả thử Huy Quận công - hoặc kém hơn, một viên tỳ tướng nào dưới quyền Huy Quận công - cưỡi voi đến đó bắc loa lên mà thét, thì có lẽ lũ lũ đến bỏ nơi tụ hội mà kéo ra về, hoặc tệ hơn, có khi đến chạy toán loạn, chen giẫm lên nhau mà chết.
Trời tháng chín, gió thu đã bắt đầu thổi.
Trời tháng chín, tiết đã qua ngày thu phân[34], đêm đã hơi dài hơn ngày. Một khắc đồng hồ nữa thì trời sáng rõ.
Những việc âm mưu hay ưa đêm tối. Lát nữa trời sáng thì thể nào cũng tan.
Tan vì đêm làm loãng mãi nhiệt huyết vào những câu chuyện vụn vặt nhảm nhí. Tan vì tìm mãi chưa thấy một ý nghĩ cho cuộc hội họp. Tan vì đã chán nản những câu nguyền rủa vô tích sự. Tan vì đợi mãi chưa thấy một sức mạnh nào thu hợp lại. Tan vì trời sáng thấy rõ cái xuẩn động vô ý thức của mình. Lác đác đã có vài người lẻn ra sau núi Khán ngồi thừ mặt ra không biết nói gì, làm gì; đã vài bọn rủ nhau vào các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp. . . ve gái.
Giữa lúc ấy một hồi trống đánh thật to. Chúng lắng tai nghe. Dứt hồi trống, một tiếng loa thét:
- Anh em đứng cả trước đền, trước cửa Tam Quan. Tôi có câu chuyện thưa cùng anh em.
Chúng túm lại đứng trước Tam Quan.
Trên chòi cửa Tam Quan bấy giờ có một người đứng thò ra ngoài giơ tay vẫy.
Chúng ồn ào:
- Bác đội Tiệp Bảo Nguyễn Bằng Võ!
Từ trên Tam Quan, Bằng Võ nói:
- Anh em đến đây ai nấy đều một lòng tôn phù Vương gia?
Chúng nghìn miệng một lời: Phải!
- Thế thì định đi thôi chứ. Ngày mai, khi tan triều đánh ba hồi trống, mỗi hồi chín tiếng làm hiệu, ba quân kéo vào giết chúng nó đi rồi tôn thế tử lên, phỏng có khó gì?
Chúng đồng thanh:
- Ông đội nói phải đó.
- Thế thì anh em theo tôi mà thề. Ai ăn ở hai lòng trời chu đất diệt.
Chúng thề xong, Bằng Võ lại nói:
- Bây giờ thì anh em về. Các bác đội ở lại ta cùng bàn việc.
Một người nói to:
- Chúng ta hãy cử ông đội Tiệp Bảo làm minh chủ rồi hãy về.
Chúng giơ thay lên đồng thanh nói:
- Thiên tuế! Thiên thiên tuế!
Một giờ sau mọi người tan. Còn ở lại có mười người: Tiệp Bảo đội quân lại Nguyễn Bằng Võ cùng chín người biện lại chín đội quân: Nội Khuông, Nội Kiệu, Nội Nhưng, Nội Dực, Nhưng Nhất, Nhưng Nhị, Thị Trung, Thị Nội, Trấn Nhất. Sau khi uống máu ăn thề, họ bàn với nhau:
- Có nên định ngày không?
- Không nên. Nhất định ngày nhỡ lộ ra họ biết họ phòng bị. Lúc nào ta cũng sẵn sàng cả, cứ nghe tiếng trống là khởi sự.
Mọi người thỏa thuận như thế.
* * *
Ở phố Cửa Nam, phường Gia Ngư, vào khoảng góc đường Gambetta (Hàng Cỏ) và đường đi xuống Ô Đồng Lầm, khu đất trường Mỹ thuật, khách sạn nhà Gare, hội sở hội Tam Điểm bây giờ, về lúc chuyện này xẩy ra, là biệt thự Viêm Quận công Nguyễn Trọng Viêm. Viêm quận là em ruột bà Chính phi chúa Tĩnh Vương. Chính phi không có con trai nên coi thế tử Khải như con đẻ vậy. Vì vậy nên những người về đằng thế tử hay lui tới nhà Viêm Quận. Theo lễ tục thì Khải và Cán đều là cháu gọi Viêm Quận bằng cậu cả, nên trong nước gọi ông là Quốc cữu. Quốc cữu có người con là Thiều Lĩnh Bá Nguyễn Trọng Thiều. Quốc cữu lại nuôi trong nhà một người danh sĩ Nghệ An tên là Bùi Bật Trực để làm bạn đọc[35] với Nguyễn Trọng Thiều.
Một hôm, ở dưới nhà học trong phủ đệ Viêm Quận, ông đồ Bùi Bật Trực tiếp một người khách. Hai người giở nắm cỏ thi ra bói. Nhặt thẻ, tính thẻ một lúc, người khách nói:
- Được quẻ phong, hảo cửu tứ, Hào tả rằng:
Phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu, Ngộ kỳ di chủ, Cát. Nhật là tượng chủ, đây chỉ Cán; đẩu là tượng bề tôi, đây chỉ Khải. Nhật trung kiến đẩu: trong mặt trời thấy sao đẩu, thế là đẩu thắng nhật, bề tôi thắng chủ. Khải tất xong việc. . . Nhưng chưa rõ di là chỉ cái gì, chỉ ai.
- Hay là chỉ Đình Bảo?
- Không chắc.
- Thế bác thử bói quẻ nữa cho Đình Bảo xem ra sao.
Nhặt thẻ, tính một lúc, người khách lại nói:
- Được quẻ cấn, hào sơ lục. Hào tử rằng: Hệ vu câm nê; trinh cát. Hữu du vãng kiến, hung. Doanh thỉ phu, trích độc. Chỉ là lợn, trích độc là đi không tiến lên được. Đình Bảo tuổi hợi, mình lợn: Đình Bảo tất chết.
- Các ông bói việc gì thế? Sao các ông giấu tôi? Các ông cho tôi là đảng với Đình Bảo hay sao? Tôi nghe hết cả rồi.
Bùi Bật Trực vội giới thiệu ông khách:
- Đây là ông cống Bùi Dương Lịch, anh họ tôi. Không phải là giấu công tử nhưng việc chưa biết ra thế nào nên không dám nói, sợ Quốc cữu ngăn trở.
Rồi Bật Trực đem hết việc hội ở Khán Sơn ra nói cho Nguyễn Trọng Thiều nghe. Trọng Thiều nói:
- Tam quân như thế, thật lòng trung dũng đáng khen. Thầy tôi mà không theo, tôi có cách tự khắc phải theo.
Tối hôm ấy, ở nhà Quốc cữu, có cuộc hội họp bốn người: Quốc cữu, Nguyễn Trọng Thiều, Bùi Dương Lịch và Bùi Bật Trực.
Quốc cữu - Tôi vẫn biết là việc nghĩa cử hay, nhưng ném con chuột còn e vỡ cái lọ cổ quý. Thế tử hiện nay bị giam trong phủ, nếu ba quân làm loạn, họ giết mất thế tử thì hối không kịp.
Bùi Dương Lịch - Tôi tưởng hắn không dám giết thế tử.
Bùi Bật Trực - Nhưng dù sao thì tam quân họ đã quyết lắm rồi. Dòng nước trên ghềnh chảy xuống, ngăn sao cho được.
Nguyễn Trọng Thiều - Đó thầy coi! Chúng nộ nan phạm[36]. Phạm chúng nộ có khi nguy đến tính mệnh.
Câu chuyện bàn nửa ngày trời dài lắm, nhưng bốn câu trên là tóm tắt cả lại. Khi Bùi Bật Trực và Bùi Dương Lịch ra khỏi, Quốc cữu bảo Trọng Thiều bằng một giọng gay gắt:
- Lũ võ phu vô mưu chỉ làm hỏng việc, ta cấm không cho mày dự vào.
Trọng Thiều cúi đầu không nói gì. Ngay lúc ấy chàng bỏ nhà ra đi mãi đến tối mới về. Đêm hôm ấy, vào khoảng đầu canh hai, có tiếng đập cổng dữ dội. Lính mở cổng ra, thấy tràn vào một toán độ ba chục quân Tam phủ, kéo vào trước thềm, quân gọi rầm rĩ:
- Xin Quốc cữu ra quân sĩ thưa chuyện.
Trọng Viêm sai mở cửa và ra đứng ở trên thềm tiếp. Một người trong bọn nói:
- Ba quân đã quyết, xin Quốc cữu nghĩ đến cơ nghiệp Tiên Vương mà nâng đỡ cho.
Trọng Viêm trù trừ chưa kịp đáp thì trong bọn có đứa nói to lên bằng một giọng hung tợn:
- Muốn theo gương bọn Nguyễn Quốc Trinh, Phạm Công Trứ, Nguyễn Quý Cảnh thì cũng dễ. [37]
Trọng Viêm nghe câu ấy sắc mặt biến hẳn. Ông vội sai người nhà mở cửa:
- Thế hãy mời anh em vào nhà trong bàn định.
Bọn quân Tam phủ vào ngồi chật cả chiếc nhà cầu.
Trọng Viêm nói bằng một giọng run rẩy sợ sệt:
- Nghĩa khí của anh em thật đáng kính trọng vô cùng. Song muốn ném con chuột còn e vỡ cái lọ quý. Phỏng khiến anh em khởi sự mà thế tử còn bị giam trong phủ, nếu bọn kia nó tính Thế tử trước đi thì sao? Cứ ý riêng lão phu thì hãy khoan. . .
Chúng ồn ào:
- Khoan đến bao giờ? Khoan đến lúc thằng Huy Quận cướp ngôi, đến lúc con mụ Huệ lấy Huy Quận chăng?
- Lão phu tính như thế này: Lão phu có người cháu hiện làm Thiêm Sai ở Binh Phiên. Y lại kiêm việc Tư Thiên Giám Lệnh Sử, ra vào cung cấm và Súy phủ dễ. Để lão phu bảo y vào phủ, khải cùng Thánh mẫu để Thánh mẫu tài định.
- Việc nước đâu đến đàn bà!
- Không . . . Là thế này: Để lão phu bảo Thiêm Sai Binh Phiên là Nguyễn Kiêm vào khải với Thánh mẫu rằng ba quân đã quyết. Thánh mẫu lấy họa phúc bảo Huy Quận nó phải tôn Thế tử lên thay cho Tân Vương.
- Khi nào Huy Quận nó nghe.
- Anh em cứ làm như thật, lấy uy mà hiếp nó thì nó phải nghe. Nó cũng phải soi cái gương Nguyễn Quốc Trinh chứ!
Thế ngộ nó không nghe.
- Thì cứ việc làm. Nhưng lão phu tưởng như nó phải nghe.
- Chúng tôi chiều ý Quốc cữu mà đợi vậy, nhưng Quốc cữu đừng lừa dối chúng tôi. Thôi chúng tôi xin kiếu.
Nói đoạn chúng lại ầm ầm kéo ra.
Thật ra cái kế của Quốc cữu chỉ là cái kế hoãn binh cho xong chuyện. Ông chẳng vì họ mưu mô chi cả.
Ba hôm sau, quân lính lại đến nhà Nguyễn Khiêm, ép y phải thực hành lời hứa của Quốc cữu. Nguyễn Khiêm bất đắc dĩ phải vào cung nói với Trịnh Thái Phi:
- Nếu Thánh mẫu không can thiệp, tiểu thần e nguy hiểm cho nhà Quốc cữu.
Thái Phi sợ họa đến em trai mình, bèn bảo Nguyễn Khiêm đến hỏi ý kiến Quốc sư Nguyễn Hoãn. Nguyễn Hoãn bàn rằng:
- Ông về khải cùng Thánh mẫu rằng hiện bây giờ chỉ còn một cách để cứu vãn lại tình thế mà thôi. Một đường Thánh mẫu lấy chỉ bảo Huy Quận lẽ họa phúc để y nhượng bộ quân sĩ một chút. Một đường Quốc cữu bảo quân sĩ hãy chờ mấy ngày.
- Nhượng bộ thế nào? Bỏ Tân Vương đi, dựng Thế tử lên thay à?
- Được như thế thì càng hay, bằng không thì ta làm như thế này. . .
Nguyễn Hoãn nghĩ một lúc lâu rồi nói tiếp:
- Ta làm như thế này: ta bắt chước như kiểu cũ, như kiểu Nghị Tổ[38]nhiếp chính hồi Dụ Tổ[39]. Rồi thảo sẵn hai tờ ý chỉ.
- Quốc sư thảo ngay đi để tôi đưa cho quân sĩ xem cho chúng yên bụng đã.
Nguyễn Hoãn lấy giấy bút thảo ngay hai tờ ý chỉ rằng:
"Thánh Tổ Thịnh Vượng ý Hòa Thái Phi ý chỉ:
Nước có Trưởng Quân là phúc cho xã tắc. Nay ta xét: Tân vương tuổi còn thơ ấu lại bệnh tật luôn luôn; vương trưởng tử Khải tuổi đã hai mươi, xứng kế tự liệt tiên vương. Vậy dựng vương trưởng tử lên thay tiên vương, phế Tân vương xuống là Cung Đức công cho yên lòng thần dân và yên xã tắc.
Kính vậy thay, ý chỉ".
"Thánh Tổ Thịnh Vương ý Hòa Thái Phi ý chỉ:
Ta xét rằng: tân quân hiện còn ấu trùng, việc nước chưa đủ chủ trương, Vương quí tử Khải xét là người quả đoán minh mẫn; xưa kia Dụ Tổ Thuận Vương ốm yếu, Nghị Tổ Ân Vương là em quyền quốc chính thay anh. Vậy theo gương cũ liệt tiên vương, cất Khải lên làm Tiết Chế Thủy Lục chư quân để coi việc nước đợi đến lúc Tân Vương đủ tuổi coi việc nước.
Kính vậy thay, ý chỉ!"
* * *
Nhà văn - nhất là những nhà văn cổ, còn chịu ảnh hưởng Hán tự nhiều, - mỗi khi nói đến thành phố Hà Nội là dùng đến mấy chữ Nùng Nhị, Nùng Khán, tức là dùng danh sơn danh thủy để chỉ đất. Vì thế Nùng Sơn và Khán Sơn mới nổi tiếng. Thật ra, Nùng Sơn và Khán Sơn không đáng gọi là sơn là núi chi cả, trừ ra khi nào theo sự hiểu riêng của các nhà địa lý mà đống đất cao không đầy một mét cũng gọi là sơn (cao nhất thốn giả vi sơn: cao một tấc cũng là núi). Bà con Hà Thành ai còn lạ gì cái mô đất cao chưa đầy hai từng nhà tây cao, rộng độ bằng mẫu đất, nằm gọn thon lỏn đằng sau cái chuồng dài nuôi chim khỉ rắn rết trong trại Bách thảo nữa. Đó Khán Sơn đó. Còn Nùng Sơn? Hiện bây giờ mất rồi, nhưng hai mươi năm trước đây - vào khoảng năm 1918, 1919 gì đó - hãy còn. Ngày ấy nó chỉ còn là cái mô đất rộng chừng hai gian nhà, cao chừng vài ba thước tây, ở bên cạnh con đường République (trước cửa học hiệu Albert Saraut, thẳng cửa phủ Toàn quyền ra). Chắc trước kia nó cũng cao rộng như Khán Sơn. Sau vì cần việc lấp những vũng để làm đường, người Pháp mới gọt dần nó đi. Đến khi trường Albert Saraut khởi công thì "Núi Nùng" quí báu của nhà văn mới bị bạt hẳn cho khỏi bẩn mắt.
Núi Nùng, núi Khán, xét đến nguồn gốc chẳng qua cũng là hai ụ đất đắp lên khi nhà Lý đóng đô ở thành Thăng Long. Nhà bác học Trung Quốc đời nhà Tống là Mã Đoan Lâm (Ma Touan Lin) có để lại cho ta một đoạn văn ký sự về thành Thăng Long có đoạn rằng:
"Cung điện dinh thự ở trong một cái thành chu vi chừng ba nghìn bộ. Trong thành, đắp lên nhiều mô đất để sửa lại phong thủy hình thế. . .".
Những mô đất ở giữa khu Trường Đấu mã và vườn Bách thảo chắc cũng là những mô đất ấy.
Núi Nùng, núi Khán, xem vậy là núi nhân tạo, nên cũng theo cái tính xuềnh xoàng tèn tẹt của dân ta mà bé nhỏ. Thật ra, hai "quả núi" ấy, giá gọi là đồi cũng là quá lạm rồi. . .
Đồi Khán Sơn lại có cuộc hội họp thứ hai của quân Tam phủ.
Quá tiết thu phân hơn mười ngày rồi, ngày đã hơi ngắn rồi. Thế mà từ giờ Dần, lác đác đã có người đến. Đến đầu Mão người đã bắt đầu đông, số nhiều là quân Tam phủ. Ngoài giả một số đông người háo sự cũng đến họp mặt cho vui. Lần này quân sĩ đã có định kiến rồi nên họ không ồn ào như lần trước nữa. Trông những nét mặt đăm đăm không rằng không nói, biết là nỗi căm tức của họ lên đến cực điểm là lòng họ đã quyết lắm rồi. Có anh, sốt ruột hơn, hỏi anh em:
- Thế nào? Bao giờ?
Thì người bị hỏi dường như lấy làm khó chịu, xua tay một cái rồi gắt:
- Lát nữa, hỏi mãi.
Một đám đông người yên lặng thật đáng sợ hơn một đám đông người ồn ào. Họ yên lặng nghĩa là họ dồn hết nhiệt thành, nghị lực, dũng cảm vào trong. Họ ồn ào là họ chưa đủ nhiệt thành nghị lực dũng cảm để ngăn ngừa những cái cử chỉ hỗn độn vô nghĩa, những câu cãi vã vô ích. Nước thác nghe thì rức tai, trông thì hoa mắt nhưng nhiều khi có nguy hiểm bằng đám nước phẳng lặng đâu? Sâu ngập tầm đó, nhưng nếu ai tưởng làn nước ruộng thấp ngang tay mà bước xuống thì chết không kịp ngáp. Nông choèn choèn một gang nước đó, nhưng bờ cao, thành đứng, mặt trong, mượn bóng trời mây cây cối, có kẻ cho là vực thẳm chưa dễ đã dám bước chân xuống.
Đầu giờ Thìn, một tiếng loa hét từ đỉnh đồi Khán Sơn vang động ra:
- Xin anh em đứng tụ cả ở dưới sườn núi, chân núi!
Mọi người túm quanh nghe. Trên đồi lại có tiếng loa:
- Huy Quận nhất định không chịu nhượng bộ. Y nhất định cứ thói nào tật ấy. Vậy anh em nghĩ sao?
Ầm ầm như sấm vang, tiếng quanh đồi thét lên:
- Giết chết thằng quận Huy! Đem con đĩ Phù Đổng cho voi dầy!
Tiếng loa trên đồi:
- Vậy anh em nhớ kỹ. Ba hồi trống, mỗi hồi chín tiếng!
- Bao giờ? Bao giờ?
- Ngày mai, khi tan phiên chầu sớm. Bây giờ, ai nấy đi về.
Mọi người kéo nhau ra về.
* * *
Thế tử Khải đương nằm trong ngục đọc thơ. Ông ngâm lại câu thơ năm trước ông làm một đêm trong ngục khi tiếp được một phong thư bí mật quăng qua cửa sổ, báo tin những người chết, bị xử tử năm ấy.
Dạ bán kinh hoàng đắc báo thư
Khai giam phách án, nhất kinh hô
Chư quân đáo thử ngô hà vọng?
Thiên đạo như tư, cổ sở vô.
Đêm hôm ấy, bóc phong thư xem xong, Thế tử buột miệng đọc thành bốn câu thơ ấy, rồi cũng không bụng dạ nào mà nối thêm nữa. Hôm nay rỗi, nghĩ lại, Thế tử muốn nối thêm bốn câu cho nó thành bài thơ mà nghĩ mãi chưa ra câu nào hay cả. Bốn câu thơ ấy năm xưa buột miệng đọc ra một hơi, nay đối tượng hoàn cảnh và tâm trạng không giống xưa nữa nên không sao nối cho thơ nhất khí được. Rồi Thế tử nghĩ vẩn vơ một mình:
- Hay là số phận mình cũng như bài thơ kia, có trước không có sau, có đầu không đuôi! [40]
Còn đương vơ vẩn nghĩ thì đùng đùng đã thấy tiếng người rầm rập từ xa chạy đến.
- Cái gì thế này? Họ đã khởi sự rồi chăng?
Quân lính sập đến phá cửa:
- Bẩm ba quân đã giết chết Hoàng Đình Bảo, xin rước Thế tử ra Phủ đường.
Thế tử chưa kịp đáp thì bọn lính đã cõng Thế tử lên vai chạy ra cổng Tả Xuyên đường.
__
[24]. Thuật để mả, đặt hướng nhà. Thường gọi lầm là địa lý.
[25]. Không là vua, không là bá mà quyền nghiêng thiên hạ.
Hơn hai trăm năm rồi thì vạ xẩy ra ngay bên cạnh nách.
[26]. Đem ra tra tấn ở giữa triều đình.
[27]. Khi đó vương tử Tông đã bị truất xuống làm quí tử và đổi tên là Khải.
[28]. Tạ Danh Thùy dùng chữ Tả chuyện: Vô hữu phế giả, quân hà dĩ hưng?". Chữ sách vẫn có ảnh hưởng to làm cho lời nói có uy thanh hơn.
[29]. Thứ tự vợ chúa trong cung: Chính phi hoặc nguyên phi, tân, tiệp dư, tu dung.
[30]. Trịnh Lệ là con Trịnh Doanh, em Trịnh Sâm, chú Trịnh Khải.
[31]. Con gái Trịnh Doanh, vợ Hoàng Đình Bảo.
[32]. Bà tân chúa Minh Vương, họ Dương.
[33]. Tỉnh quê vua, quê chúa gọi là Thang mộc ấp. Lính Tam phủ phần nhiều người Thanh Hóa.
[34]. Equinoxe d' automne: Hôm ngày đêm đều nhau.
[35]. Bạn cùng đọc sách.
[36]. Lòng giận của chúng nhân không thể xúc phạm được.
[37]. Năm 1674 lính Tam phủ giết Tham tụng Nguyễn Quốc Trinh, và phá nhà Phạm Công Trứ; năm 1741 họ lại phá nhà và chực giết Tham tụng Nguyễn Quí Cảnh. Lính Tam phủ nói câu ấy để dọa Nguyễn Trọng Viêm.
[38]. Trịnh Doanh.
[39]. Trịnh Giang, anh ruột Doanh.
[40]. Bài thơ ấy, xin tạm dịch ra quốc âm:
Khuya khoắt nghe tin đã sởn lòng.
Mở thư đạp án xiết kinh hoàng!
Các ông đến thế, mong gì nữa!
Thiên đạo ngày nay có nữa không?