Bốn năm sau.
Đoan Nam Vương Trịnh Khải làm chúa đã được bốn năm. Trong bốn năm ở ngôi cao, bao nhiêu việc thương tâm bực lòng đã xẩy ra. Trước hết là cái loạn Kiêu binh. Nguyên từ xưa Đoan Nam vương cũng biết thừa rằng quân Tam phủ - bọn quân mà nhà nước cùng dân gian đã gọi là Kiêu binh - là con dao hai lưỡi. Dùng thì được việc, nhưng khi đến lúc trái thói muốn làm loạn thì cũng khó trị. Chẳng qua là lúc vô kế khả thi, phải dùng liều vậy. Chơi dao thì có ngày đứt tay, Khải đã ngập ngừng đôi ba phen. Sau cùng, bất đắc dĩ phải dùng vậy.
- "Chơi dao thì đứt tay. Ta thử chơi dao không đứt tay một phen xem sao! Con ngựa hay phần nhiều là con ngựa có nết xấu, nhưng người kỵ mã giỏi thì sợ gì nết xấu mà bỏ con tuấn mã không dùng! Kiêu binh là quân đã giúp nhà nước dẹp bao nhiêu loạn, đã quen chiến trận, nước nhà một mai cũng phải dùng đến. Ta làm chủ trăm họ thì có thể sao không có quân tinh nhuệ được? Vả chăng, không dùng thì bỏ chúng vào đất nào? Bỏ chúng đi đâu? Con ngựa bất kham bỏ rông có lẽ nguy hiểm còn hơn đem ra mà dùng. Tiên vương dùng được thì sao ta lại không dùng được".
Ông nghĩ thế, nhưng tình thế nó lại xoay ra khác. Điều nghĩ cuối cùng của ông: "Tiên vương dùng được, sao ta lại không dùng được" hơi sai. Kiêu binh xưa kia tuy kiêu hãnh nhưng sự kiêu hãnh ấy do chiến công mà ra. Họ chỉ kiêu hãnh với các quan văn mà họ cho là vô ích cho nhà nước, họ chỉ kiêu hãnh với dân gian mà họ cho là vì họ mới được yên ổn làm ăn. Nhưng đối với . . . chúa - nhất là đối với chúa - họ chưa từng dám nghĩ ngợi gì tới, họ vẫn cho là một người thần thánh. . . . . (KD xóa). . . , có mất quyền chăng nữa cũng chỉ do trời cất mệnh đi mà thôi. Đối với quan võ họ vẫn coi là người thầy họ. Từ khi họ đã từng trăm trận trông thấy phất cờ thét loa chỉ huy trên mình voi, từ khi ấy, họ coi thường cả quan võ. Ông tướng coi vạn quân, ông tướng đánh dư trăm trận kia họ còn móc trên mình voi xuống mà giết được thì các quan võ khác, họ còn coi ra chi? Từ khi họ nổi loạn lên, từ khi họ cõng một người tù là Thế tử Khải đặt lên ngôi báu một vị chúa, từ khi ấy họ coi thường nốt cả người mà xưa kia họ không dám nghĩ ngợi tới, người mà xưa kia họ vẫn coi là thần thánh bất khả xâm phạm.
Thế là từ ngày ấy trong tâm lý họ có một điều thay đổi lớn: họ coi thường cả chúa cùng các tướng. Sự coi thường ấy trước còn tiềm ẩn, sau dần dần lộ ra.
Điều ấy, chúa Đoan Nam vương không nghĩ trước tới. Không nghĩ tới điều ấy, ông chỉ nghĩ cách thu phục họ thôi. Thu phục làm sao? Muốn là ông chúa tể một nước, thì điều cần nhất là làm cho người ta kính sợ, chứ đừng để cho người ta thương. Thương là trông xuống, kính sợ là trông lên. Quân sĩ thần dân đã trông xuống mà thương thì cũng khó lòng mà thu phục nổi người ta.
Cách đầu tiên mà chúa Đoan Nam thi thố để mua chuộc Kiêu binh là cho tiền, cho phẩm tước. Làm như thế chỉ tăng thêm lòng kiêu hãnh lên mà thôi. Ông quận lại Nguyễn Bằng Võ với ông Suy Trung Dực Vận Công thần, Thị Nội hầu Nguyễn Bằng Võ thì cũng vẫn là một, vẫn là người đã "dựng ngôi chúa" lại thêm cái vẻ khỏng khảnh quan lớn nữa thôi.
Hơn nữa chúa Đoan Nam lại ban cho họ những "không đầu sắc". . . [41] để họ được tự do điền tên người họ thân yêu vào. Làm như thế tức là đem sẻ một phần quyền bính chí tôn của mình cho người khác.
. . . . .
. . . . .
. . . . . [42]
Vì chúa Đoan Nam vụng suy ở chỗ đó nên năm Quí Mão (Cảnh Hưng thứ 44, mấy tháng sau khi chúa Đoan Nam được dựng) mới có việc quân Tam phủ đòi dựng Hoàng tôn Duy Kỳ lên làm Hoàng thái tôn. Thế là ngôi chúa ở tay họ ra, ngôi Thái tôn - ngôi hoàng đế trừ bị - cũng ở tay họ ra.
Được đằng chân lân đằng đầu, Đoan Nam vương bấy giờ mới rõ rằng không thể thu phục được nữa mà phải trị, không thể nhu nhược nữa mà phải cương. Vì thế ngày rằm tháng hai năm Giáp Thìn, Đoan Nam vương theo cái thuyết "triết trợ" của Quốc cữu Dương Khuông chém bẩy tên Kiêu binh.
Dương Khuông bày kế rằng: "Một nắm đũa khó bẻ, xé lẻ ra từng cái thì dễ bẻ. Nay cứ bắt tội từng tốp năm ba đứa rồi dần dần phải hết".
Thuyết "triết trợ" (bẻ đũa) của Dương Khuông chậm quá mất rồi. Nhà chúa mới bẻ tạm có bẩy cái đũa mà quân Tam phủ kéo nhau ngay đến cửa Súy phủ làm loạn, đòi giết Dương Khuông và người giúp tán thành mưu ấy là Chiêm Võ. Chúa Đoan Nam phải nuốt nước mắt mà cho Chiêm Võ ra khỏi cung để quân Tam phủ băm chém.
Rồi, năm sau, Điền Nhạc hầu Nguyễn Điền đem quân tứ trấn về dẹp loạn Kiêu binh. Lại một hồi tàn sát. Kiêu binh trừ hết.
Nhưng trừ vừa hết Kiêu binh thì ngoài cõi lại có việc dụng binh. Rồi kế tiếp toàn những tin không hay cho nhà Trịnh. Từ đầu năm nay[43] mỗi khi phi kỵ trong Nam ra là một lần chúa Đoan Nam tiếp được một tin buồn.
Hai mươi bốn tháng tư: đồn Hải Vân quan vào tay quân Tây Sơn, tướng giữ ải là Hoàng Nghĩa Quyền chết trận. Mồng một tháng sáu: thành Thuận Hóa mất, chủ tướng là Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu hàng giặc; phó tướng là Thể Quận công Hoàng Đình Thể cùng hai con và Kiêu Kim hầu Võ Tá Kiên chết trận.
Mười hai tháng sáu: Nghệ An thất thủ, trấn thủ Bùi Thế Đạt bỏ thành chạy.
Rằm tháng sáu: Thanh Hoa thất thủ, trấn thủ Tạ Danh Thùy chạy.
Hai mươi tháng sáu: Quân Tây Sơn phạm trấn Sơn Nam Hạ.
Cho tới hôm nay, một mình ngồi trong phủ chờ tin đạo quân của Thái Đình hầu Trịnh Tự Quyền. Từ hôm nghe tin Nghệ An thất thủ Trịnh Vương đã phái Thái Đình hầu thống 27 cơ quân đi cự địch. Thế mà y trùng trình mãi đến hôm hai mươi hai mới đi. Y đi được nửa ngày thì có phi kỵ về báo rằng thành Sơn Nam đã thất thủ, trấn thủ Trương Trung hầu Đỗ Thế Dận cùng đốc đồng Nguyên Huy Binh đã bỏ trốn, tướng tiên phong là Liên trung hầu Đinh Tích Nhưỡng đem thủy quân lùi về đóng ở cửa Luộc cũng bị vỡ.
Nửa ngày sau, tức là sáng hai mươi ba lại có phi kỵ báo về: Thái Đình hầu đóng thủy quân ở khúc sông Câm Động thấy quân Liễu Trung hầu thua ở cửa Luộc, quân tự tan rồi.
Đó là tình thế ở ngoài cõi.
Còn tình thế ở trong.
Dân chúng, kẻ giầu chôn của rồi bồng bế nhau đi tránh loạn; kẻ nghèo không có của chôn, nhưng cũng lũ năm lũ bẩy kéo nhau đi. Khi ấy kinh thành mới phơi hết những cái bẩn thỉu cả tinh thần lẫn vật chất. Cái giọng sụt sùi oán vọng của bọn nhà giàu đến khi vận hết cửa tan, đi cặp đôi với mớ khố rách áo ôm của nhà nghèo ngoài các cửa ô. Những bọn người háo sự, những bọn du côn thì kéo nhau ra đường dò la tin tức và chờ xem một cảnh tượng mới mẻ lạ lùng.
Đoan Nam Vương đứng ngồi không yên, nóng lòng sốt ruột. Giặc gần đến kinh thành rồi, mà các quan chưa một ai vào nhập thị. Cho hỏi thì lác đác trốn đi gần hết.
Chiều tối hôm hai mươi bốn mới thấy bọn Phạm Quí Thích, Lý Trần Quán, Phạm Đức Ninh, Phạm Trọng Huyên, Trần Công Sán vào. Đoan Nam Vương hỏi:
- Thế giặc ra sao?
Trần Công Sán nói:
- Thế giặc như chẻ tre, nội nhật ngày kia là cùng thì chúng phạm tới kinh thành.
- Ý ta định chạy lên Sơn Tây rồi lấy quân của Thạc Quận công Hoàng Phùng Cơ về đánh giặc, tiên sinh[44] nghĩ sao?
Trần Công Sán nói:
- Nhân tâm không trông cậy được nữa. Chúa thượng ra khỏi thành thì là ông chúa chạy loạn, thần chắc không một ai theo đâu. Kinh sư là gốc nước, chúa thượng phải ở lại giữ gìn. Bỏ đi tức là bỏ gốc nước, bỏ gốc nước thì nhân tâm đã tán loạn càng thêm tán loạn. Chúa thượng chỉ nên rước Thái phi, nguyên phi, nguyên tử, tam cung cùng lục viện ra ngoài thành. Chúa thượng cùng lũ chúng tôi ở lại giữ thành. Thành còn là nhờ uy linh tiên vương, mà thành mất thì vua tôi cùng chết cho xã tắc!
Trịnh vương cúi đầu ngẫm nghĩ. . .
Phạm Quí Thích nói:
- Nay chúa thượng truyền cho các quan hai trấn Kinh Bắc và Sơn Tây hiệu triệu dũng sĩ trước để phòng sự bất trắc.
- Ta đã cho triệu Sơn Tây Trấn thủ về kinh đánh giặc, giữ Kinh sư, nhưng chưa thấy tin tức gì. Bây giờ thì sao cho kịp nữa.
Trần Công Sán nói:
- Hoàng tướng quân thế nào cũng mang quân về. Nhưng vẫn phải hiệu triệu sẵn dũng sĩ hai trấn Tây, Bắc để phòng khi Kinh sư thất thủ.
Chúa Trịnh gật và hỏi những ai đem truyền từ đi đâu. Lý Trần Quán xin đi hạt Từ Liêm, Phạm Đức Ninh hạt Gia Lâm, Chu Hi Thích hạt Đông Ngàn, Trần Công Sán, Phạm Quí Thích, Nguyễn Đường xin ở lại cùng xã tắc tồn vong. Phạm Quí Thích thảo xong truyền từ, xin lấy phong từ[45] đóng dưới. Truyền từ thảo xong, người nào việc người ấy. Trong phủ chỉ còn Trần Công Sán, Phạm Quí Thích và Nguyễn Đường.
Đêm ấy mấy vua tôi cùng ngồi ở Tiểu Bồng điếm nghe dò tin tức.
Nửa đêm có tiếng đập cổng mạnh. Ai cũng tưởng là phi kỵ về báo tin nguy cấp gì. Lính nói to:
- Có Sơn Tây Trấn thủ Thạc Quận công Hoàng Phùng Cơ cùng tám vị công tử xin vào hầu.
Chúa Trịnh mừng rỡ, lập tức cho vời Hoàng Phùng Cơ vào. Phùng Cơ sụp xuống toan lậy thì Trịnh Vương đỡ dậy hỏi:
- Quốc thế nguy vong, công có kế gì giúp ta?
Phùng Cơ đáp:
- Thần chịu ơn sâu của Nhà nước, nghĩa vụ làm võ tướng là phải đánh giặc, thần xin đem quân bản bộ cùng tám con thần cùng ra chống giặc. Nhược đánh được, đó là nhờ uy linh của chúa thượng; bằng thế cùng lực tận, cha con thần xin chết theo xã tắc để yết kiến Tiên vương dưới Cửu toàn.
Trịnh Vương cầm tay Phùng Cơ, rưng rưng nước mắt:
- Vạn nhất làm sao thì ta cũng chết theo xã tắc. Bây giờ thế đã gấp, khanh nghĩ nên bố thế trận ra làm sao?
- Hiện nay tình thế đã gấp. Đinh Tích Nhưỡng thua ở cửa Luộc, Trịnh Tự Quyền quân vỡ ở Câm Động. Thủy quân của giặc chỉ còn cách kinh sư hai trăm dặm. Đường thủy trở nên xung yếu. Thần xin chúa thượng sai Ngô Cảnh Hoàn đem thủy quân đóng ở bến Thúy Ái làm tiền quân án ngữ đường tiến của giặc. Thần xin đem quân bản bộ hợp với tàn quân của Đinh Tích Nhưỡng và Trịnh Tự Quyền đóng khắp từ bến Thúy Ái đến Tây Long Chử. Còn ở kinh sư thì chúa thượng khiến Bùi Huy Bích làm Thị sư. Chúa thượng thân ngự ra lầu Ngũ Long đốc chiến. Hiện quân năm doanh còn đủ để bầy thành thế trận. Tả quân đóng ở Tây Long Chử, làm hậu thuẫn cho hạ thần; hữu quân đóng ở Tây Hổ Chử, phòng lúc tiền quân đổ thì tiếp ứng; tiền quân đóng từ cửa Đại Hưng đến cửa ô Trường Bắn, là quân thụ địch đầu tiên; trung quân đóng ở trước Ngũ Long Lâu, hộ vệ cho thánh giá. Vạn nhất có sao nữa thì ta cũng còn giữ vững được kinh thành, chờ quân cứu viện các nơi đến.
Trịnh Vương gật đầu khen phải và cởi thanh kiếm "Phượng Huy" đeo bên mình trao cho Hoàng Phùng Cơ. Lại sai quan giữ kho lấy ra năm vạn lạng bạc để khao quân sĩ.
Hoàng Phùng Cơ lĩnh kiếm, đoạn lạy tạ chúa Trịnh xin lui để còn sắp đặt quân ngũ.
Trịnh Vương đưa quận Thạc ra tận thềm, cầm tay ân cần dặn:
- Quốc gia tồn vong ư thử nhất cử, công kỳ miễn chi. [46]
Khi xưa câu nói nào trịnh trọng kính cẩn thường dùng toàn bằng chữ Hán. Chữ nho, thường chỉ dùng nói với văn thần, nay Trịnh chúa đem nói với võ thần là có ý coi Hoàng Phùng Cơ trọng hơn người khác. Phùng Cơ nghe mười hai chữ nho ấy, cảm động đến khóc:
- Thần làm sao mà báo được ơn tri ngộ này.
Vua tôi cùng khóc chia tay.
Trịnh Vương nhìn theo hồi lâu mới trở vào, hơi được yên dạ. Khi vào, cúi xuống ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi tên tiểu hoàng môn[47]:
- Xem đồng hồ xem đến canh mấy rồi?
Tiểu hoàng môn vào xem rồi ra:
- Trình: giọt rồng tắc không chảy dễ chừng đến hai ba khắc rồi. Cái dạ thiên hồ đã gần đầy, phỏng chừng cũng đến quá canh ba, sang canh tư rồi.
Trịnh Vương quay lại bảo Nguyễn Đường:
- Khanh người vùng Kinh Bắc giáp Sơn Tây, lại làm quan ở Sơn Tây hẳn biết rõ nhân dân cùng địa thế hai vùng ấy?
- Thần biết rõ lắm. Vương thượng hỏi làm gì?
- Ta hỏi phòng khi kinh sư thất thủ thì ta cùng khanh đi lên vùng ấy. Khanh đưa lối cho ta. Lúc nước loạn, nhân tâm bất trắc lắm. Đi vào chỗ lạ, ta e có cái vạ như Lý Tự Thành chết trong tay mấy đứa nông phu.
- Thần xin hết sức. Vạn nhất kinh thành thất thủ, thần xin lúc nào cũng không rời xa chúa thượng nửa bước. Nhà thần từ đời đức Thánh tổ[48] bẩy đời khanh tướng, chịu ơn của Nhà nước đã nhiều, nhẽ nào lại không hết dạ trung trinh.
- Cha khanh vì ta mà bị biếm truất[49]. Tiếc rằng khi ta thừa thống cha ngươi lại mất rồi, không thì thế nào ta cũng cất lên chính phủ đại thần. Cha ngươi khi xưa ở ngoài biên trấn Tiên vương đã khen là mưu sự chi mẫn, lự sự chi chu, chân thị lão thành trị trọng[50]. Vì thế mới được cát lên Đài quan. Sau chỉ vì khuyên Tiên vương dựng ta làm Thế tử mà bị truất biếm ra ngoài biên giới.
- Thần cũng có nghe nói như thế.
- Khi ta nhập phủ thừa thống, ta có giở những tập phiến tấu mấy năm xưa ra. Suốt mấy trăm tập khải, duy có cha ngươi có bản khải nói vì ta. Lúc đó, cử triều như câm điếc cả. Ta tiếc cha ngươi lắm. Giá còn đến bây giờ.
Vua tôi nói chuyện xong thì trời gần sáng.
Ngoài thềm, hai con voi "Quận Đông", "Quận Tê" đã phủ phục sẵn. Thị sư Bùi Huy Bích vào tâu:
- Xin vương thượng lên voi ra Ngũ Long Lâu. Thần đã giàn xong trận.
Trịnh Vương lên con "Quận Đông", Bùi Huy Bích cùng Nguyễn Đường lên con "Quận Tê".
Trên mình voi, Trịnh chúa nói:
- Phạm Quí Thích cùng Trần Công Sán về Nghị Sự đường thu lấy ấn tín lục phiên rồi rước Thánh mẫu cùng nguyên phi ra ngoài thành.
* * *
Lầu Ngũ Long hôm nay bầy ra một cảnh tượng khác ngày thường.
Trên lầu, ngoài lan can, hai bên bày hai khẩu súng thần công bằng đồng, hai khẩu súng người Hòa Lan đúc hộ ở lò Phố Hiến từ ngày chúa Tây Vương. Quanh hai khẩu súng, lính áo nẹp ngỏ ngòn cầm mã tấu sáng quắc, đội quân Nội Kiệu. Ở giữa, dưới bóng chiếc tàn vàng, chúa Đoan Nam vương, mình mặc áo bào vàng chẽn tay, ngoài thắt dây lưng đỏ, đầu đội mũ đâu mâu. Trước mặt Trịnh Vương, kê một cái trống quân thật to. Xưa kia trên lầu ấy người ta chỉ quen xem các quan đứng cùng chúa Trịnh mỗi khi có khoa thi đình, truyền lô[51] gọi các ông tiến sĩ mới vào điện Quang Minh lĩnh mũ áo cân đai. Bây giờ, chỗ xưa kia dùng để phô cảnh tượng thái bình thịnh trị, đem dùng làm hổ trướng cho vị Đại nguyên suý Trịnh Vương chỉ huy sĩ tốt.
Trước lầu, trên một bãi cỏ rộng, quân đóng thành hàng sát đến Thủy Quân hồ. Chỗ các ông nghè mới nghe truyền lô, bây giờ là chỗ cắm ngọn cờ đỏ to bằng sáu bảy chiếc chiếu, trên thêu mấy chữ Bùi Thị sư. Lá cờ mở ra cuộn vào, phấp phới trước gió, khi mở ra người nào để ý còn nhận thấy nét sổ chữ sư mới thêu được một nửa, thành ra chữ sư trông thấp bèn bẹt. Một đêm hôm qua, vừa sắp đặt quân, vừa thêu cờ, mà chỉ thiếu có nửa nét chữ sư tưởng cũng là mau mắn chu đáo và mẫn tiệp lắm rồi. Có người chỉ ngọn cờ, cười mà bảo nhau:
- Quan Hành Bùi[52] coi một đạo quân què chân. [53]
Dưới chân lầu, về phía trong thành, mấy con voi đứng vẫy đuôi dập chân hình như chúng được thấy cảnh tượng chiến trận thì nhớ lại những công việc xưa, sốt ruột muốn xông vào trận địa.
Dưới thành, phía ngoài, quan Thị sư Bùi Huy Bích cưỡi con ngựa trắng chạy đi chạy lại hàng quân.
Trời tháng sáu, gió nồm thổi mạnh.
Trời tháng sáu, ánh nắng hè như nung đúc. Một lúc, mây kéo kín cả một vùng trời. Thành Thăng Long như bị một cái bát lớn úp lên trên, hãm sức nóng lại, oi ả bức sốt lạ lùng. Gió nổi càng to, cuốn lên trời từng đám mây bụi cát. Ngọn cờ bị gió thổi mạnh như muốn nhổ cả cột mà bay.
Một lát, trời đổ một trận mưa như dội nước xuống. Quân lính ướt hết, nhưng vẫn giữ bền chỗ, vì trên lầu Ngũ Long, chúa Đoan Nam vương một tay vuốt mặt, một tay cầm dùi trống đánh liên thanh; dưới bãi cỏ, quan Thị sư Bùi Huy Bích vẫn ra roi cho ngựa chạy lên chạy xuống, sang tả, sang hữu.
Mưa ngớt dần, rồi tạnh hẳn. Trời lại quang quẻ như trước. Ánh nắng xiên khoai chiếu ngang hàng quân cờ đào nón đỏ, như tô thêm vẻ hùng tráng uy nghi.
Gió vẫn thổi mạnh.
Một lát áo quần cờ quạt lại khô, lại phấp phới lập lòe trước ngọn gió nam, dưới bóng nắng về chiều.
Gió vẫn thổi mạnh.
Bây giờ mỗi ngọn gió lại thoảng đưa lại tiếng người hò hét. Chắc là quân Hoàng Phùng Cơ đang cùng giặc giao chiến.
Tiếng đưa lại nghe kỹ, trong lại có tiếng kêu khóc: chắc là chiến sĩ bỏ mình trọng thương trong trận kêu gào.
Tiếng nghe mỗi phút một to thêm. Chắc là trận đánh gần lắm rồi. Trên lầu, Đoan Nam Vương vẫn vững tay cầm trống. Dưới lầu xì xào tiếng kháo trong quân:
- Tiếng gần lắm, dễ thường đánh nhau ở Tây Long Chử rồi.
Từ đằng xa một con ngựa phi hết nước chạy lại. Ngựa dừng ở lầu Ngũ Long. Mọi người nghe ngóng. Người xuống ngựa, tiếng nói còn hổn hển:
- Trình Chúa thượng. Giặc đã phá tan quân Ngô Cảnh Hoàn ở bên Thúy Ái. Ngô Cảnh Hoàn đã gieo mình xuống sông tuẫn quốc. . .
Đoan Nam Vương dừng tay trống bảo lính bắc loa truyền quân:
- Giặc đã phá quân ta ở Thúy Ái. Vương thượng truyền ba quân tề chỉnh để đánh giặc.
Răm rắp quân lính cầm súng, gươm, mã tấu lên tay.
Đồm độp lại một phi kỵ thứ hai đến báo tin.
- Thạc Quận cùng giặc đánh nhau ở Vạn Xuân Hồ. Quân ta đổ, sáu công tử Thạc Quận tử trận. Giặc đã phạm đến cửa ô Trường Bắn. Tiền quân đang giao chiến. Thế nguy.
Đoan Nam Vương dừng tay trống. Loa lại cất lên:
- Giặc đã phạm đến địa phận kinh sư. Vương thượng truyền ba quân cùng hết sức rồi tuẫn quốc cùng Vương thượng.
Quân lính hăng hái reo lên:
- Vương gia thiên tuế!
Gió nam vẫn thổi mạnh. Theo ngọn gió, tiếng kêu gào càng to càng gần. Trời đã xế bóng, mặt trời đã khuất sau đám mây trên đỉnh núi phía tây.
Tiếng kêu càng to càng gấp. Trước còn chưa rõ lắm, sau nghe rõ cả tiếng người chạy.
Trên lầu Ngũ Long, chúa Trịnh vẫn cầm dùi đánh trống thúc quân. Nguyễn Đường nói:
- Tình thế nguy ngập quá. Xin Vương thượng bỏ lầu lên voi ra trận. Thần xin liều chết báo ơn Vương thượng.
Đoan Nam Vương xuống lầu lên voi. Giặc đã đánh đến trung quân. Quân Trịnh trước còn hăng hái, sau thấy thế không sao địch nổi cắm đầu chạy, dẫm lên nhau mà chết.
Trên mình voi, Đoan Nam Vương vẫn cố cầm quân. Đội quân Nội Kiệu hăng hái lăn xả vào quân địch mà chém giết.
- Xin chúa thượng thay quần áo xuống voi, có cố nữa cũng vô ích.
Sẵn quần áo trên bành voi, Đoan Nam Vương thay quần áo rồi bảo tượng lô đánh voi chạy ra phía hồ Minh Đường.
Tới hồ Minh Đường Trịnh Vương bỏ voi lên ngựa cùng vài chục tàn quân và Nguyễn Đường chạy lên phía cửa ô An Hoa. Con voi "Quận Đông" chạy theo. Trịnh Vương dừng ngựa lại. "Quận Đông" quỳ xuống để Trịnh Vương lên.
Trịnh Vương nói:
- Thôi Quận Đông! Ngươi ở lại, theo ta làm gì?
Khi con voi thấy chủ nó quất ngựa đi, nó lại đứng dậy chạy theo. Trịnh Vương quay ngựa lại thì nó lại quỳ xuống. Cảm động Trịnh Vương nói:
- Thôi "Quận Đông" ta biết lòng trung dũng của ngươi rồi. Ngươi ở lại để ta chạy. Ta cũng chưa biết sống chết thế nào đây! Thôi, ngươi ở lại, may ra ngày kia vua tôi lại gặp nhau. Lần này, nó không chạy theo nữa, nhưng cứ quỳ mãi cho tới khi không thấy hút người đâu. Đằng xa ngoái cổ nhìn lại, Trịnh Vương phải sa hàng lệ.
Đến cửa ô An Hoa, trời vừa sẩm tối.
Khỏi cửa ô An Hoa, con đường đi vào giữa một bên bãi cát sông Nhị Hà, một bên những lạch ao cạnh Hồ Tây. Đến địa hạt làng Quảng Bố, lắng tai nghe có tiếng xì xào rồi trong đám xì xào có tiếng quát:
- Những thằng nào kia? Đi đâu?
Nguyễn Đường lên tiếng:
- Quan quân đi có việc cần.
Đám người xì xào bỗng ùa lên, đứa đốt đuốc đứa cầm gậy:
. . . .
. . . . . [54]Anh em, đánh chết. . . . đánh chết không còn đứa nào.
Trịnh Vương quất ngựa chạy.
Quan quân đi theo, người bị dân đánh chết, người chạy được. Thế là, còn một người bày tôi tay chân và vài chục quân hộ vệ cuối cùng, Trịnh Vương cũng mất nốt.
Trên đường Quảng Bố đi Nhật Chiêu, Đoan Nam Vương một mình một ngựa lủi thủi trên con đường lạ, chưa biết còn yên lành qua đêm nay hay không! Tới đây, Trịnh Vương mới thấy hết cái di họa của lũ quân Tam phủ cùng lũ ô quan tham lại. Chúng kết án với dân đến nỗi rằng bị dân coi như cừu thù. Đằng xa le lói có bóng lửa. Trịnh Vương ngửa mặt lên trời:
- Trời ơi! Kia lại là một làng xóm. Không biết dân gian có để ta yên không?
Người khác, lúc khác đi đường đêm, thấy có đèn lửa thì mừng; Trịnh Vương, lúc này, đi đường đêm, thấy có đèn lửa thì sợ. Nhưng thôi, cũng liều nhắm mắt mà thả cương cho ngựa đi từ từ. Vội vàng, lúc phải chết cũng vẫn chết. Bất giác buột mồm, Trịnh Vương lại đọc lại câu thơ năm nọ:
Thiên đạo như tư, cổ sở vô.
. . . . [55].
Những lúc này mong làm thằng thất phu không được!
Bóng lửa tiến đến gần. Dưới bóng sáng mập mờ khi tắt khi cháy, Trịnh Vương nhận thấy một người cầm đuốc. Trịnh Vương dừng ngựa lại xem người kia đến làm trò gì. Khi tới gần, người kia tay nắm cương ngựa, tay soi đuốc lên tận mặt nhìn đi nhìn lại thật kỹ, rồi hỏi:
- Trưởng giả phải chăng là . . . Vương thượng.
- Vương tướng gì! Tôi là anh lái buôn lánh nạn đây thôi.
Bỗng người kia phục xuống đất:
- Anh thần đâu? Quân sĩ đâu mà để Vương thượng một mình một ngựa thế này?
- Người là ai mà ăn nói như điên rồ thế? Tránh ra cho tôi chạy kẻo quân Tây Sơn sắp đến sau kia.
- Tâu Vương thượng: tiểu dân là Nguyễn Noãn con tiến sĩ Nguyễn Thưởng ở Vân Điềm, em ruột Sơn Tây Sứ Hữu Tham Nghị Nguyễn Đường. Anh tiểu dân mấy hôm trước đây ở Sơn Tây được lệnh của Vương thượng triệu về triều. Trước khi về triều có dặn tiểu dân phải mộ tráng sĩ phòng khi trong nước có biến. Hiện tiểu dân đã mộ được hơn ngàn dũng sĩ để ở bên kia sông. Cúi xin Vương thượng kíp sang đò.
Nghe thấy nói là con Nguyễn Thưởng, là em Nguyễn Đường, Trịnh Vương vững dạ, không giấu giếm gì nữa.
- Ta cùng anh ngươi với mấy chục quân từ cửa An Hoa chạy. Đến làng sau kia bị dân làng ra hành hung thành ra vua tôi tán loạn, ta một mình một ngựa đi liều đến đây. Đây là đâu?
Trình đây là địa phận làng Nhật Chiêu. Sang qua sông là làng Lực Canh. Xin Vương thượng kíp sang sông, về làng tiểu dân sẽ liệu việc sau.
__
[41]. Sắc viết để trống tên để người được hưởng tha hồ muốn điền tên ai thì điền.
[42]. Kiểm duyệt xóa 13 dòng.
[43]. Năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 47, lịch tây 1786.
[44]. Chúa Trịnh đối với những vị lão thần nhiều khi gọi là tiên sinh (đối với quan văn) hoặc công (đối với quan võ).
[45]. Ấn riêng của chúa Trịnh, việc quan trọng lắm mới dùng đến.
[46]. Nước nhà còn mất ở một trận này, ông gắng sức nhé!
[47]. Hoạn quan hầu gần nhà chúa.
[48]. Tức Trịnh Tùng.
[49]. Tức là Tiến sĩ Nguyễn Thưởng, người làng Vân Điềm, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc.
[50]. Mưu việc lanh lẹn, lo việc chu đáo, thật là một vị lão thành.
[51]. Xướng tên các ông tiến sĩ.
[52]. Bùi Huy Bích làm Hành Tham tụng.
[53]. Thị là coi, sư là quân.
[54]. Kiểm duyệt xóa.
[55]. Kiểm duyệt xóa 4 dòng.