Trịnh Vương phân vân không biết nên tin hay nên ngờ. Thật là em Nguyễn Đường chăng, mà bụng dạ cũng như Nguyễn Đường chăng? Hay là một đứa phản thần nào biết rõ tung tích gia thế Nguyễn Đường mạo nhận để lừa vua?
Sau cùng đành liều mà bảo Nguyễn Noãn gọi đò. Gọi mãi mới được một chiếc đò nhơ nhỡ đủ hai người một ngựa xuống thuyền.
Ngồi mạn thuyền, Trịnh Vương băn khoăn lo lắng. Muốn nhìn xem mặt tên Noãn có giống Nguyễn Đường không thì một ngọn đèn dầu không đủ ánh sáng. Nếu thật là em Nguyễn Đường thì không ngại gì, vì nhà hắn là một vọng tộc vùng Giang Bắc, bẩy đời nay đã sản ra bao nhiêu trung thần nghĩa sĩ. Nhưng nếu không phải. . . Thôi nhưng lúc ấy cũng không phải lúc phân vân được nữa: đành cũng đến đâu hay đó mà thôi. Ngửa mặt trông trời, trời sao nhấp nhánh. Trịnh Vương sực nhớ lại năm xưa Tả tư Giảng Ngô Thì Nhậm giảng ông nghe bộ sách "Quản Khuy", rồi vương cố tìm xem các sao Đế Tọa ở nơi nào. Gió nồm nam vẫn thổi mạnh, đưa những tiếng ồn ào nơi kinh sư đến. Bây giờ, giặc Tây Sơn đương làm cỏ thành Thăng Long đây.
Mới cách đây vài giờ ta còn là một vị vương gia hách dịch mà nay một mình ngồi giữa dòng sông, tấm thân gửi thác trong tay một người lạ mặt chưa rõ ruột gan. Sóng động mạn thuyền, nước kêu bì bạch như gợi tấm lòng buồn bã chán chường.
Còn mẹ ta? vợ ta? con ta? Bây giờ ở đâu, còn hay mất? Mẹ ta bị tiên vương ghét bỏ sinh được có mình ta.
Trong hai mươi năm trời, xiết bao cực nhục khổ sở, mới được thư thái trong dạ chừng vài bốn năm nay. Bây giờ mẹ một nơi, con một nơi, an nguy mất còn đôi nơi bóng chim tăm cá, chỉ thương cho vợ ta, tưởng . . . . . (K. D. xóa). . . sướng nhất trần gian, có ngờ đâu ngày nay? Con ta mới hơn tuổi tôi, nào đã tội tình gì? Làm đứa nông phu khi loạn li còn giữ được cha mẹ vợ con, làm thân người vương giả đã lỡ bước thì không bằng một đứa nông phu.
Chúa cúi đầu thở dài, rồi lại ngửng lên trông trời, bất giác buột miệng đọc ứng khẩu thành hai câu thơ:
Ý chu ngưỡng diện quan kiền tượng
Ảm ảm hàn tinh sổ điểm cô[56]
Rồi sực nhớ đến bài thơ năm nọ:
- Ô hay! Ta ngẫu nhiên đọc thành hai câu thơ cùng vần với bài thơ năm nọ:
Dạ bán kinh hoàng đắc báo thư
Khai giam phách án nhất kinh hô
Chư quân đạo thử ngô hà vọng
Thiên đạo như tư, cổ sở vô
. . . . .
Ý chu ngưỡng diện quan kiền tượng
Ảm ảm hàn tinh sổ điểm cô !
- Ồ hay! Giá ta nghĩ được hai câu ngũ lục nữa thì thành bài thơ. Thân thế ta cũng có lẽ đầu Ngô mình Sở như bài thơ này.
Còn đương nghĩ vẩn vơ thì thuyền tới bến. Nguyễn Noãn dắt ngựa lên trước và mời chúa lên bờ. Trịnh vương bước chân ở thuyền lên mà có cảm giác như bước chân vào cõi đời khác.
- Nhà ngươi nói có quân để bên sông. Bây giờ đưa đến chỗ quân đóng.
- Tâu chúa thượng tiểu dân nói thế cho chúa thượng yên tâm sang sông đó thôi. Dũng sĩ hiện ở làng tiểu dân, cách đây không xa mấy.
Trịnh vương im lặng biết rằng mình bị lừa. Từ đấy đến làng Nguyễn Noãn đường sá không biết ra sao mà thủ túc không một ai theo cả. Ngài bảo Nguyễn Noãn:
- Ngươi có quen ai ở làng đây hãy đưa ta vào nghỉ tạm rồi mai sớm hãy đi.
- Từ đây về làng tiểu dân độ đến trống ba thì tới, xin chúa thượng cố đi. Không nên nghỉ đỗ lại đâu sợ lộ tung tích.
- Ta đêm qua không ngủ. Ngày hôm nay lại cầm quân từ sáng đến chiều. Bây giờ nhọc lắm. Nếu trời còn để ta sống thì không sợ gì chuyện vào ngủ một nhà lạ. Bằng số mệnh ta đã hết thì đi đâu tránh cũng không khỏi.
- Vâng, thế để xin đi qua một cánh đồng rồi thì tìm cái quán nào đó mà ngủ có lẽ tiện hơn. Chúa thượng rằn lòng vậy.
Chẳng rằn lòng cũng chẳng được, chúa thượng đành lên ngựa đi. Noãn đi trước dắt ngựa. Qua cánh đồng làng Xuân Canh, Noãn đưa chúa vào một cái quán ngói trống không giữa đồng. Cái quán ấy dân làng làm ra để nông gia nghỉ chân mùa gặt. Mệt quá, chúa nằm ngủ thiếp đi. Chừng đầu giờ Dần chúa tỉnh ngủ dậy, nhìn lên trời thấy có trăng.
- Hôm nay 26. Trăng lên thì gần sáng.
Chúa đánh thức Noãn dậy rồi hai người lại cùng đi. Trời tảng sáng, chúa nhìn kỹ mặt tên Noãn thấy giống Nguyễn Đường nhưng thần thái thì khác. Cùng một khuôn mặt ấy, sao ở Nguyễn Đường thì khí sắc sáng sủa mà ở Nguyễn Noãn thì khí sắc ấy tối tăm hung ác. Chúa nghĩ bụng: anh em chưa chắc bụng dạ đã như nhau. Mà nếu đã trái tính nhau thì trái hẳn như trắng với đen. Bụng hơi chờn chợn, chúa hỏi Nguyễn Noãn:
- Đây là đâu?
- Tâu làng trước mặt đây là làng Hạ Lôi, dãy tre xanh đằng kia là làng tiểu dân.
- Đây là vùng văn học. Vậy gần đây có ông tiến sĩ nào không?
- Vùng này, trừ làng tiểu dân ra thì cũng ít có bực đại khoa. Tiểu dân chỉ nghe nói rằng quan Thiêm Sai Tri lại phiên Lý Trần Quán trước cũng vâng mệnh đi chiêu binh. Lý Trần công trước kia dạy học ở Hạ Lôi, không biết nay có đấy không.
- Ngươi đi tìm hộ ta xem. Nếu Quán ở đấy, ngươi bảo ông ta ra đây giúp ta.
Noãn xin vâng, dẫn chúa Trịnh vào trong một cái quán nhỏ gần đấy, sai nhà hàng phục dịch đoạn ra đi.
Một lát sau, Lý Trần Quán, Nguyễn Noãn cùng hai đứa nữa đều đến chỗ chúa nghỉ chân.
Quán mới trông thấy Chúa, vái thật dài rồi đứng nép một bên chỉ một người trong hai người lạ mặt:
- Đây là đứa học trò của tôi tên là Nguyễn Trang, hiện làm Tuần huyện.
Ông lại nói to cho nhà hàng cùng những người đứng gần đấy nghe rõ:
- Đây là quan Hành Tham tụng Bùi Huy Bích đi lánh nạn.
Tuy rằng giấu giếm nhưng cử chỉ ngôn ngữ vẫn lộ. Một cái ông cung kính khúm núm quá, người tinh ý cũng đoán ra. Một ông Hàn lâm Học sĩ, Thiêm sai Tri lại phiên đối với một ông Hành Tham tụng, chi mà khúm núm quá thế? Cái khúm núm ấy lại dễ lộ nữa là ông Lý Trần Quán vẫn có tiếng là người khẳng khái, không thèm quị lụy một ai. Chúa thấy ông cung kính một cách lộ quá, cũng phải làm ra bộ khúm núm lễ nhượng cho đỡ lộ. Sau cùng Chúa gọi riêng ông ra bảo thầm:
- Khanh lộ liễu quá. Cái lễ vua tôi phải bỏ đi trong những lúc này.
Quán nghe đoạn gật đầu trỏ tên Trang:
- Tên này là học trò thân tín của tôi, quan lớn cứ tùy tiện mà khu xử.
Ông lại bảo tên Trang:
- Tuần Trang, anh đưa quan lớn qua địa đầu rồi ta đến sau.
Trang vâng lời, lấy dăm chục tên dân binh đưa chúa đi. Y đưa chúa đến một cái quán hoang giữa đồng rồi hỏi rằng:
- Ông là Đoan Nam Vương phải không? Ông nên nói thật đi, không có thì biến to bây giờ, khi đó đừng trách.
Chúa nói:
- Anh đừng làm thế. Ta là Hành Tham tụng Bùi Huy Bích.
- Thôi đi! Ông đừng lừa dối tôi nữa! Lúc nãy ông cùng Lý Trần Quán vua tôi khóc lóc gì với nhau? Ông năm nay mới ngoài hai mươi tuổi thôi, làm chi mà đã đỗ được tiến sĩ, làm quan đến Hành Tham tụng. Ông đẻ ra biết chữ à? Năm lên năm đỗ tiến sĩ à? Sao lên tới Hành Tham tụng mà còn trẻ măng thế kia? Thôi! Từ cổ đến giờ, đế vương phế hưng cũng là chuyện thường. Thôi, ông đi đâu bây giờ. Về quách nhà tôi cho xong.
Nói đoạn y khoanh tay nhìn Trịnh Vương mà cười một cách ngạo mạn. Trịnh Vương biết rằng không thể giấu được nữa liền nói:
- Vương giả số mệnh ở trời. Chính ta là Đại nguyên súy Đoan Nam Vương! Túng xử ta có chết ở tay người trong nước, cũng là mệnh trời định vậy. Chúng bay muốn làm gì thì làm!
Trang lại cười, cái cười của thằng kẻ cướp chịt được chủ nhà, cái cười của đứa tiểu nhân được lúc đè đầu người quân tử, cái cười của đứa đầy tớ hại được chủ nhà, cái cười của nó làm đau ruột Trịnh Vương hơn là mũi giao đâm cổ.
- Thế thì được. Xin rước chúa thượng về trụ tất ở nhà hạ thần.
Y nói câu ấy lại bắt giọng phường tuồng nghe nó đểu giả chó má vô cùng. Có điều lạ: ở trên sân khấu rạp tuồng thì câu nói giọng tuồng là câu tử tế, mà câu nói giọng thường là giọng đểu giả. Ở ngoài thì trái lại.
. . .
. . . [57]
Đem nhân luân ra làm trò rồi, y bắt ép chúa về nhà y ở làng Hạ Lôi.
Chúa Trịnh từ đó, im lặng không nói năng gì nữa. Về tới nhà, y đem giam chúa vào trong buồng. Khi hắn ép vào, chúa nói:
- Một mình ta ở trong tay chúng bay, ta còn chạy đi đâu được nữa. Ta cho bay bán ta cho giặc mà lấy ấn phong hầu. Nhưng bay phải để ta ngồi sập giữa nhà, đường hoàng tử tế. Bay không coi ta là vua bay nữa thì ta cũng là món hàng quý của bay.
Trang nói, vẫn giọng tuồng:
- Dạ, dạ, dám bẩm vương thượng, thần phụng mạng, phụng mạng.
Ngoài cổng nhà tên Trang có tiếng ồn ồn, một đứa người nhà vào nói với tên Trang:
- Có quan Học sĩ Lý Trần Quán đòi vào.
Trang nói:
- Ông ta vào can thiệp đây. Mở cửa cho lão ấy vào.
Lý Trần Quán vào đến trước thềm, sụp xuống đất lạy, khóc mà nói:
- Làm lầm lỡ vương thượng đến đường này thật là tội của thần.
Chúa đứng đỡ Lý Trần Quán dậy:
- Người ta, ai có bụng dạ người ấy, khanh có dự gì đến việc này!
Trần Quán khóc lạy tên Trang:
- Vương thượng là chủ chung của cả nước, mà tôi thì là thầy học anh. Quân sư là nghĩa lớn, anh nỡ lòng nào thế!
Trang nói:
- Nếu quan lớn nói trước rằng đây là vương thượng thì bố tôi cũng không dám chứa. Vì quan lớn nói dối tôi nên chót gặp chúa mất rồi. Tôi bây giờ như người chứa đồ quốc cấm, thế tất phải khai báo trình. Nếu cứ để chúa ở nhà tôi, một mai quan Tây Sơn biết hỏi đến thì khi đó quan lớn có thể đến đó giải oan gỡ tội cho tôi không? Thôi thôi, tôi cũng cam bất trung bất nghĩa. Sợ thầy chưa bằng sợ giặc, yêu vua chưa bằng yêu thân. Thôi thôi, quan lớn đừng làm lầm lỡ tôi nữa!
Nói đoạn, y quát người nhà lôi chúa đi. Lý Trần Quán lăn xả vào bị chúng gạt ra. Ông phục xuống đất khóc gào:
- Trời đất ơi! Thằng Lý Trần Quán giết vua nó đây! Trời biết chăng trời? Chúa quay lại nói:
- Lòng trung thành của khanh, cô đã lượng biết cho rồi. Khanh đừng tự oán mình nữa!
Chúa chạy ra nắm tay ông:
- Thôi, cô đến cơ sự đường này chẳng qua là mệnh giời bắt thế. Cô còn may mà ở giữa lúc bị nạn, giữa khi bị lọt vào tay hùm beo, còn được trông thấy một người trung thần.
Lý Trần Quán lúc bấy giờ mới trông thấy tên Noãn, liền bảo:
- Anh là con nhà danh gia vọng tộc thi thư lễ nhạc mà cũng theo bọn càn này à? Tội anh to bằng mấy tội tên Trang.
- Quan lớn lầm to! Tôi đi với vương thượng từ Thăng Long sang đây có làm sao đâu? Quan lớn đưa chúa vào tay giặc đó chứ!
Quán nghe câu ấy phát uất người lên, nức nở khóc gào:
- Vâng, tôi giết vua, rồi tôi khắc biết trị tội tôi.
Quay lại tên Trang:
- Hay là anh hãy tạm lưu vương thượng ở đây vài ngày nữa. . . .
- Để làm gì? Trang gắt, để làm gì? Để ông hô hào bọn nghĩa sĩ nhà ông đến cứu chúa phải không? Để quan Tây Sơn họ biết, họ lột da tôi ra, phải không?
Thế rồi, Trang bắt chúa giải đi ngay.
Đến một cái quán nước, chúa đòi nghỉ uống nước. Trang để cho được tự do. Chúa liếc nhìn thấy nhà hàng có con dao để trên trõng, vội vơ lấy thẳng tay đâm vào bụng một nhát. Toan đâm nhát nữa thì Trang đến cướp lấy dao rồi cho vực chúa lên võng. Đi đường Trịnh Vương lấy tay chọc vào chỗ vết giao, thò tay móc ruột. Trang thấy lục đục trong võng và vết máu chảy xuống đường, mở mảnh võng ra rồi nhìn quát thủ hạ:
- Chúng bay trói tay ông ấy lại! Ta phải đem nộp sống cho quan Tây Sơn. Đừng để ông ấy tự tử.
Từ đó Trịnh Vương mệt quá nằm lả đi.
Một lúc Trịnh Vương thấy trong lòng rạo rực, vừa nóng vừa khát.
Chúng mày cho ta ít nước lã nguội.
Trang lấy nước rồi một tay đỡ chúa ngồi dậy, một tay cầm bát nước để chúa uống. Chúa uống luôn hai bát liền rồi lại đòi uống nữa. Uống xong bát thứ ba, chúa từ từ nhắm mắt rồi nằm vật xuống.
Lúc ấy vào khoảng giờ Ngọ ngày hai mươi bẩy tháng sáu, năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 47, lịch tây vào năm 1786. Năm ấy Đoan Nam Vương hai mươi bốn tuổi.
Trang dìu thi thể Trịnh Vương về Thăng Long. Long Nhương tướng quân nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ vỗ vào thi thể Trịnh Vương:
- Đáng tiếc! Người đẹp trai như thế này! Thật đáng tiếc. Nếu sớm biết hàng ta thì cũng được giàu sang! Sao mà thân làm tội đời như thế này!
Đoạn cho khâm liệm đúng lễ đối với một bực vương giả, sai lấy cỗ xe Tiểu long Bình đính đưa đến an táng ở trại Phương Liệt, gần mộ Cung Quốc công Trịnh Cán. Lại phong cho tuần Trang là Tráng Nghĩa hầu, hẹn sẽ cho quyền lĩnh chức Sơn Tây trấn thủ.
* * *
Làng Hạ Lôi có một nhà giầu họ Trần, tính khí hào phóng không thích danh lợi. Ông đi thi hai khoa không đỗ, ông bỏ ngay nghề đi thi cử về nhà làm ruộng đọc sách. Ông rất ưa những ông quan cao khiết thanh liêm và những học trò nghèo. Ông nuôi Lý Trần Quán ở nhà ông từ ngày hàn vi chưa đỗ. Cả tòa nhà bẩy gian, ông để riêng cho Lý Trần Quán dạy học. Sau Lý Trần Quán đỗ tiến sĩ, làm quan, nhưng vì mến chủ cũ ông vẫn coi đó là nhà.
Sau việc tên Trang bắt chúa Trịnh, về nhà, Lý Trần Quán thuật cho Trần chủ nhân nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói rằng:
- Làm bầy tôi mà làm lầm lỡ vua, tội ấy đáng chết. Tôi không chết, không sao bộc bạch được tâm địa này cùng trời đất. Ông sắm hộ tôi một cái áo quan, mười súc vải trắng để tôi tự xử lấy tội của tôi.
- Quan lớn tự trách khí nghiệt quá. Đó là tên Trang bạn nghịch, có dự gì đến quan lớn. Chúa thượng cũng biết cho quan lớn rồi, dân gian vùng này ai cũng biết quan lớn là người trung nghĩa rồi, việc gì phải khổ tiết như thế?
Ông buồn rầu đáp:
- Tôi nhất định chết, ông can cũng không được. Ông không giúp tôi, tôi cũng có cách. Nếu ông yêu quý tôi thì nên nghe tôi.
Trần chủ nhân biết là có can nữa cũng không được, bèn chiều lòng mua cho đủ thứ. Lý Trần Quán sai đào ở vườn sau nhà một cái huyệt, đặt áo quan vào đó. Đoạn đội mũ, mặc áo tiến sĩ, quay mặt về hướng nam lạy tám lạy:
- Tôi bất trung bất nghĩa là Lý Trần Quán xin theo Vương thượng.
Lạy xong, ông cởi mũ áo, chít khăn trắng, mặc áo trắng, xuống huyệt nằm trong áo quan rồi bảo Trần chủ nhân:
- Ông đậy nắp ván thiên cho tôi.
Chủ nhân đậy áo quan. Đậy vừa xong, tiếng trong áo quan lại nói ra:
- Còn thiếu một lời, tôi xin nói nốt.
Nắp quan tài lại mở ra:
Tam niên chi hiếu dĩ hoàn
Thập phần chi trung vị tận[58]
. . . . .
. . . .
Ông nhớ lấy câu ấy. Câu ấy bây giờ tôi làm để tự khóc tôi. Sau này ông bảo con tôi dán lên nhà thờ thờ tôi. Đa tạ chủ nhân. Tôi cùng chủ nhân từ nay vĩnh biệt.
Trần chủ nhân cùng năm sáu người học trò phục xuống đất vừa khóc vừa lạy. Đoạn quan đậy nắp, đất phủ lên trên.
Hôm ấy là ngày 29 tháng sáu, hai ngày sau ngày chúa Đoan Nam Vương tự sát. Ở làng Cổ Linh, Phạm Quý Thích nghe tiếp hai tin liền, có câu thơ rằng:
Đỗng khốc thiên nan vấn,
Thê lương sự dĩ phi,
Sinh tàm Lý học sĩ,
Nhất tử độc như qui[59]
* * *
Mấy năm sau dưới một mái nhà tranh ở thôn Nội, làng Du Lâm, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, một vị quan cũ nhà Lê đương nằm trên giường bệnh gần đến lúc tắt nghỉ. Quanh giường ông nằm, có người chủ nhân đón ông dạy học và hai người con nhỏ của ông. Chủ nhân biết ông gần nguy, hỏi rằng:
- Quan lớn bệnh nặng, các công tử còn nhỏ cả. Vậy quan lớn có dặn bảo gì không?
Ông thở dài:
- Đáng lý thì ông cũng phải sắm cho tôi một cỗ áo quan từ năm xưa kia rồi. Đáng lý thì tôi cũng phải chết như quan Thiêm sai Lý Trần Quán rồi. Tôi lại đáng chết hơn. Tôi làm quan ở Sơn Tây mà người hạt hạ tôi bắt chúa. Tôi đưa đường chúa đi, mà tôi đánh lạc chúa vào tay em ruột tôi. Từ ngày ấy tôi không mặt mũi nào trông thấy người đời nữa, không mặt mũi nào trông thấy họ hàng làng nước nữa. Tôi sở dĩ chịu "sinh tàm Lý Học sĩ" là vì tôi chưa có con. Cụ thượng đẻ ra tôi chỉ còn tôi và thằng ba Noãn, em hai tôi mất từ sớm rồi. Thằng ba Noãn thì không trông mong gì. Bởi vậy tôi chịu đủ đường khổ nhục sống đến ngày nay. Sau đây con tôi lớn thì ông dặn chúng nó đừng thi cử gì nữa. Nhà tôi bảy đời chịu ơn vua lộc chúa, con cháu đừng vác mặt đi thờ họ khác.
* * *
Năm tháng sau khi chúa Đoan Nam Vương tuẫn quốc, sau khi Lý Trần Quán tử tiết.
Tuần Trang đi đến đâu cũng không ai dung. Cái chết của Đoan Nam Vương và Lý Trần Quán đuổi y đến bước cùng.
Y cùng Nguyễn Noãn và hơn chục thủ hạ chạy trốn. Đến làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm gặp Trướng Trung hầu Đỗ Thế Dận. Trướng Trung hầu từ khi thất thủ Sơn Nam xong về nhà. Được lệnh mộ quân lên cứu kinh sư. Sau quân cứu viện chưa kịp đến kinh thì thành thất thủ, Trịnh vương bị hại. Ông nằm ở quê. Hôm ấy ngẫu nhiên ông bắt gặp Tuần Trang ở quán nước đầu làng. Ông liền sai tuần làng cùng người nhà đánh bắt. Ông đem Tuần Trang, Ba Noãn đến mộ Đoan Nam vương chém đầu tế chúa. Ông lăn lộn gào khóc. Thiên hạ ai cũng lấy việc ông làm khoái trí.
Hôm ấy là ngày 30 tháng chạp năm Bính Ngọ, niên hiệu Chiêu Thống năm thứ nhất (1786).
__
Viết ở Vinh, Avril Mai, 1938
__
[56]. Dịch:
Tựa thuyền ngửa mặt trông trời rộng,
Lạnh lẽo sao mờ ba bốn ngôi.
[57]. Kiểm duyệt bỏ 11 dòng.
[58]. Ba năm đạo hiếu đà đầy đủ,
Một nghĩa vua tôi chửa hết nào.
[59]. Dịch:
Gào khóc trời khôn hỏi,
Buồn thảm có còn chi?
Sống thẹn cùng Học sĩ,
Một chết chỉ như về.