Ông thầy địa lý ngoảnh nhìn hai bạn đồng hành :
- Ô ! Thế mà đã quá mùi [1] sang thân [2] rồi đấy. Ta liệu sang sông đi thì vừa kẻo tối.
Chuyến đò này vắng. Đợi một lúc không thêm được một người khách thứ tư, cô lái đành nhổ mạnh chiếc sào cho thuyền tách bến. Một mình cô lèo lái chiếc đò sấn lên trên những đợt sóng lô nhô mầu bạc lẫn mầu hồng để tiến ra giữa giòng sông. Vuông khăn mỏ quạ mầu nâu non chít thấp đã không che giấu được chút nào mà còn tôn thêm vẻ đẹp của gương mặt trái soan với đôi mắt bồ câu đen nhánh, hai gò má ửng hồng và đôi môi tươi như thoa son. Trời lạnh là thế mà cô chỉ mặc phong phanh có một chiếc áo dài nâu may đổi vai [3] che không hết tấm áo cánh cũng mầu nâu. Chiếc thắt lưng nhiễu bạc mầu không giữ được những tà áo khỏi tung bay trong gió như hai cánh bướm.
Những cử động nhịp nhàng của đôi tay, đôi chân, của mái chèo ăn khớp với những đợt sóng triền miên từ mạn trên cuồn cuộn tới. Con đò mảnh mai lướt đi êm thắm như, ở lưng trời, một đàn chim không vỗ cánh bay nhẹ về phía Phụng Hoàng Sơn.
Thuyền ra đến giữa giòng, gió thổi lồng lộng, ba ông khách giữ chặt chiếc nón che gần kín mặt. Cô lái mỉm cười ngó ngay ông khách có khuôn mặt thanh tú nhất, dạn dĩ như muốn nhận diện một người quen.
- Thưa ông, ông bỏ lỗi cho cháu, cháu trông ông ngờ ngợ…
Ông khách vuốt lại bộ râu bay phần phật trong gió, ngạc nhiên nhìn cô lái, mỉm cười :
- Cô lái nhầm rồi. Hôm nay tôi mới qua bến đò này là một.
Cô gái tò mò hỏi gặng :
- Chắc ông có người quen bên kia sông ?
- Phải.
Im lặng. Mặt vẫn tươi như hoa, cô gái suy nghĩ tìm cách nói chuyện cho bằng được.
- Đò này cháu chở đến giữa giờ dậu [4] mới cắm sào nghỉ.
- Thế à !
- Nhỡ chuyến đò sau cùng, khách phải đợi đến giờ mão [5] sáng mai đấy, thưa ông.
-Phải.
- Nếu ông cần qua sông ngay chiều nay cho được việc, ông cứ dặn, cháu đợi được đến cuối giờ dậu.
- Không… Giã ơn cô.
- Nói vậy, chiều nay ông chưa về ?
Con bé này đáo để thật ! Biết không ai nỡ mắng, nó cứ tọc mạch hỏi tới hoài. Chả trách người ta hay dùng con gái đẹp làm gián điệp !... Kệ ! Thử xem con nhỏ còn tò mò đến mức nào…
- Phải. Tôi còn ở chơi bên kia vài ba hôm.
Con nhỏ làm bộ ngạc nhiên :
- Ô ! Sao cháu không thấy ba ông mang theo hành lý nhỉ ?
- Nghỉ lại nhà bà con vài hôm mà hành lý nỗi gì ! Tôi xem đất cát cho người ta thì thầy trò tôi cần cái gì, nhà chủ phải chu biện [6] tất.
Cô gái reo lên, nụ cười hồng hé lộ hàm răng đều đặn, đen nhánh như hạt huyền :
- A ! Nói vậy ông là thầy địa lý ?
- Phải.
- Đúng rồi ! Cháu nghe các cụ nói ở bên Lương Xá cũng như ở mạn Phụng Hoàng Sơn có nhiều kiểu đất quý lắm. Dễ thường ba ông đi Lương Xá ?
- Phải.
Làm bộ ngây thơ, cô gái lẩm nhẩm như tự hỏi :
- Lạ nhỉ ! Ông thầy để đất cho ai bên ấy kìa ?
Đò gần đến bến, ông khách thấy đã đến lúc kết thúc trò đùa ;
- Tôi tìm đất cho người Tầu mà, cô.
Cô gái kinh ngạc hỏi giật giọng :
- Ngưòi Tầu ?
- Phải.
- Người Tầu nhờ ông để đất ?
- Không. Người Việt ta nhờ chứ.
- Kỳ quái không ! Người Việt ta nhờ ông tìm đất cát cho người Tầu ?
- Phải. Có chi là kỳ quái ?
- Thưa ông, cháu thấy lạ là vì chưa từng thấy thế bao giờ. Ở bên Lương Xá, cháu quen nhiều, nhưng chẳng biết ai lại thân với người Tầu đến như vậy.
- Thế à ?
- Chả dám nào…
- Cô cứ nói.
- Giá ông cho cháu biết tên, may ra cháu hay thầy cháu ở nhà có quen…
- Được. Người nhờ tôi họ Lê. Và tìm đất cho người họ Đại.
Cô gái lắc đầu chịu phép :
- Bên Lương Xá, có họ Trần nổi tiếng nhất. Cháu không biết có ai họ Lê hay họ Đại.
- Vậy hả ? Để tôi nói rõ hơn, cô đoán xem nhé.
- Vâng.
- Cái ông nhờ tôi họ Lê, tên Ta. Tên họ đầy đủ là Lê dân Ta.
- Lê dân Ta ?
- Phải. Còn đất thì để chôn người họ Đại, tên Minh. Tên họ đầy đủ của y là Đại quân Minh.
- Đại quân Minh ?
- Phải.
Đò vừa cặp bến. Bến vắng tanh. Cô lái cắm mạnh cây sào xuống đất, chắp tay vái ông khách :
- Lạy bác ạ. Cháu được lạy chào Nguyễn quân sư ở đây thật là vạn hạnh… Mới thoạt trông thấy bác, cháu đã ngờ ngợ mà nghĩ mãi không ra.
- Cháu đã gặp bác bao giờ đâu mà ngờ ngợ được ?
- Vâng, cháu chưa được gặp. Nhưng anh cháu về thăm nhà có nói.
- À, anh Cả Trúc ?
- Vâng ạ. Anh cả cháu có tả rõ hình dáng của Ức Trai [7] tiên sinh cho thầy cháu nghe. Cháu nghe lỏm và ghi nhớ. Lúc nãy nghe bác nói đến “dân ta” và “quân Minh”, cháu bỗng tỉnh ngộ và nhận ra bác ngay. Cùng lúc ấy, cháu nhận luôn ra hai chú, chú Trí và chú Lực, không lúc nào rời xa bác.
Cô gái khúc khích cười, nhìn hai ông tướng lực lưỡng đứng sau lưng nhà nho tầm thước.
- Anh cháu bảo chú Trí có cặp mắt xếch rất oai là “Mã tiền Trương Bảo” còn chú Lực có bộ râu quai nón bất hủ là “Mã hậu Vương Hoành” [8]!
- Ờ, cháu bác cũng thông minh đấy !
Vị quân sư họ Nguyễn khen rồi quay bảo Trí :
- Chú Bẩy giao cho cháu thư nhà của Cả Trúc đi.
Cô gái năn nỉ :
- Chả mấy thuở bác và hai chú qua đây, mời bác và hai chú ghé qua nhà cháu để thầy cháu được…
Nguyễn Trãi vội gạt đi :
- Không được đâu cháu. Bác phải đi xem đất, xem cát, sắp đặt các cái nội trong một ngày cho xong. Rồi còn phải đi nơi khác… Để sau này yên hàn, bác về chơi thăm thầy cháu và cụ Cử cũng không muộn.
Ba ông khách nhẩy vội lên bờ. Cô gái cũng nhẩy theo, đôi gót chân son nổi bật dưới gấu chiếc quần sồi thô kệch.
Họ Nguyễn ân cần căn dặn :
- Bác đi chuyến này là để mưu một trận đánh thật to. Có thắng được là nhờ công sức của các tướng, của ba quân. Nhưng một phần phải nhờ cháu và những người như cháu. Vậy nay mai ông Trần Kiện bên Lương Xá… À, cháu biết ông Trần Kiện chứ ?
- Thưa bác, vâng. Chú Trần có họ gần với đẻ cháu.
- Thế thì tốt. Khi nào chú Trần nhờ cháu việc gì, cháu phải chịu khó giúp cho tất lực nhé. Vì đó là việc chỉ có cháu mới làm nổi.
Mai hớn hở :
- Vâng. Xin bác tin ở cháu.
Nàng đứng ngây người, ngước mắt rõi ba thầy trò rảo bước trên con đường chạy dài về hướng tây cho đến khi mất hút.
__
1. Giờ Mùi: từ 1 đến 3 giờ trưa.
2. Giờ Thân: từ 3 đến 5 giờ chiều.
3. Áo đổi vai: áo thay một vai bằng vải hơi khác màu (vì tiết kiệm).
4. Giờ Dậu: từ 5 đến 7 giờ tối.
5. Giờ Mão: từ 5 đến 7 giờ sáng.
6. Chu biện: lo đầy đủ.
7. Ức Trai tiên sinh: tên hiệu của Nguyễn Trãi.
8. Mã tiền Trương Bảo, Mã hậu Vương Hoành : Nhạc Phi, một danh tướng nhà Tống có 2 tướng cận vệ trung thành là Trương Bảo chạy ở trước ngựa (mã tiền) và Vương Hoành chạy ở sau ngựa (mã hậu).