Thiên hạ nhớn nhác nhìn về phía ba anh em Quang Toản không mấy ai hiểu rõ nguyên do trừ những người trong cuộc.
Ngồi trước mâm cơm thịnh soạn khói bốc lên thơm phức, vị vua trẻ tuổi cảm thấy đói ngấu sau mấy ngày bị giam ăn uống kham khổ. Vừa nâng chén rượu, bỗng nghe ở bàn bên tay mặt tiếng gắt của "chú Ba" Quang Thiệu:
- Nhà ta thiếu gì mâm bát mà anh phải ăn chén đũa của người.
Như người chợt tỉnh cơn mê, Quang Toản thấy hiển hiện ra ngay trước mắt cái sọt tre trong đựng xương cốt ông bà cha mẹ. Mối thù đào mả tiền nhân là một mối thù không đội trời chung, sống không trả được cho xong thì chết đi cũng phải tính cách báo oán. Có lẽ nào lại uống rượu, ăn cơm của quân khốn kiếp.
Hăng máu, Quang Toản quắc mắt đập tan bầu rượu chửi mắng vung tàn tán. Quang Thùy, Quang Thiệu cũng theo gương anh, bát đĩa rơi vỡ loảng xoảng.
Quang Diệu uống một hơi cạn chén rượu đầy, gật gù bảo Dũng đứng bên cạnh:
- Làm vậy cũng coi được đấy! Con cùng mấy anh em hãy cấp tốc mang rượu bánh của vợ chồng ta sang mời vua cùng hai ông hoàng dùng tạm.
Tiệc tan, trời vừa đúng ngọ. Sắp đến giờ hành quyết. Đồng nhăn nhó sau lưng chủ tướng:
- Bây giờ vẫn còn kịp chán. Chủ tướng gật đầu một cái, chúng em sẽ làm ngay. Thế nào cũng thành công.
Dũng năn nỉ bà Bùi:
- Thưa bà, lúc này là lúc dễ hành động nhất. Bà cứ ừ cho con một tiếng đi.
- Con nói đúng. Giây phút này thích hợp với phép "xuất kỳ bất ý", "công kỳ vô bị". Nhưng chúng ta không muốn bao nhiêu người khác vì chúng ta mà uổng mạng.
Quang Diệu ôn tồn tiếp lời vợ:
- Phải. Vợ chồng ta thoát đi thì dễ rồi. Nhưng còn vua, còn mẹ già ta, còn cơ man người vô tội đứng dày đặc kia. Nhất định vợ chồng ta không cho phép. Các chú lui về đi.
Sượng sùng, ngượng ngập. Dũng lảng sang chuyện khác:
- Xin ông bà cho phép con được thưa chuyện riêng với cô Bạch Liên một câu ạ.
- Ừ, từ lâu chúng ta vẫn coi con như con ruột. Cho hai anh em nói chuyện tự nhiên.
Dũng thì thầm, cố ý chỉ để một mình Bạch Liên nghe rõ:
- Anh muốn ở lại cùng chết với em.
Cô gái dãy nãy:
- Không được đâu! Anh phải sống để thay em phụng dưỡng bà em chứ. À, còn má anh nữa, anh chết làm sao được.
- Thế Bạch Liên trả lời anh cái câu anh hỏi hôm nọ đi.
- Hôm nào nhỉ?
- Hôm rằm, hai đứa nói chuyện dưới trăng ấy mà.
- À, cũng không được đâu.
- Sao em khó thế?
Bạch Liên thân mật nắm tay Dũng:
- Em biết anh yêu em lắm. Nhưng em chỉ thích đi tu. Kiếp này hay kiếp sau cũng thế. Vì vậy em không dám hứa với anh, dù hứa cho kiếp sau.
Dũng đắn đo:
- Còn điều thứ ba này chắc em chìu anh được.
- Anh muốn sao?
- Anh muốn trước khi chết em nghĩ đến anh.
Bạch Liên sốt sắng đáp:
- Được. Chẳng những nghĩ đến anh mà thôi, em còn kêu tên anh ba tiếng nữa. Như vậy đủ tỏ em thương anh đến bực nào.
° ° °
Thì giờ gấp rút. Chiêng đã đổ hồi thứ nhất. Lê Đồng trịnh trọng bưng một chiếc hộp sơn son đặt giữa bàn. Y vén tay áo, từ từ mở nắp. Bạch Liên rú lên một tiếng, ngó chiếc đầu lâu đẫm máu có đôi mắt trợn trừng qua tấm màn tóc xõa xuống rũ rượi.
Lê Đồng thưa:
- Bẩm ông bà Thiếu Phó, đây là thủ cấp tên đại gian tặc Châu Văn Tuệ.
Quang Diệu đứng phắt dậy, quát một tiếng vang như sét:
- Thằng Tuệ! Ta không muốn thấy mặt tên khốn nạn này! Thêm bẩn mắt ta!
... Ngoài kia, Đồng trổ tài tung một tấm phướng dài lên trên một ngọn cờ cao nhất giữa pháp trường.
Tấm vải màu trắng uốn éo trước gió để lộ ra hai hàng chữ máu:
"Đây là đầu tên giặc non Châu Văn Tuệ. Trừng trị để làm gương. Liệu hồn tên giặc già"...
Giây lát sững sờ qua đi. Tiếng quát, tiếng la vang lên tứ phía:
- Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!
- Trói cổ tất cả chúng nó lại cho ta!
Quân lính đổ xô ra. Nhanh chân nhất là những kẻ căm thù nữ tướng họ Bùi nhất. Đi đầu là ba mươi tên kiêu dũng, ai nấy đều cầm giáo dài múa vung lên thành một hàng rào thép vây tròn vào một chỗ hai chục người khăn trắng, áo trắng vừa quỳ lạy giã biệt ông bà Thiếu Phó.
Khách đứng xem hồi hộp, lo sợ thay cho đám người trung nghĩa.
Ba mươi ngọn thương nhọn hoắt như bốc lửa dưới ánh mặt trời chói lọi, cùng phóng ra một lúc với một độ nhanh như chớp nhoáng.
Một tiếng thét rền trời như sấm nổ, bao gồm cả hai chục tiếng thét cùng phát ra một lúc. Tim óc choáng váng, tay chân bủn rủn, nhóm người cầm khí giới tấn công kinh ngạc thấy một đám mây trắng toát bay vút ngang trên đầu họ. Cùng lúc ấy, ngọn giáo trong tay họ nhẹ bỗng hẳn đi. Mây trắng bay qua rồi, một tiếng cười ròn lại vang rền lên ở đàng xa như tiếng cười của mấy mươi người chập làm một. Rồi một tiếng quát vang lên, lần này là tiếng của một người, nhưng cũng rền như sấm:
- Trả cho đấy!
Một cơn gió lạnh buốt bao trùm trên đầu họ. Ánh sáng lóe lên tứ phía. Họ hoa mắt trông ra thấy mình đã bị bao vây giữa một rừng giáo dài mọc đều chằn chặn.
Thì ra bọn táo gan kia đã trổ tài thoát hiểm một cách thật tài tình. Họ cướp khí giới của đối phương, nhảy qua đầu địch thủ, qua hàng rào dân chúng, rồi ngang nhiên ném trả lại những cây thương vừa đoạt được. Khéo ở chỗ mấy chục ngọn giáo chẳng giết hại ai mà mọc đều như trồng, vây vào giữa ba mươi người vừa bao vây họ.
Quang Diệu tươi nét mặt, gật đầu khen vợ:
- Đoàn quân tì hổ của bà lợi hại thật đấy. Tôi cũng không ngờ họ tiến bộ mau đến như vậy.
- Chuyện! Tướng sĩ của tôi lại do tay ông huấn luyện không giỏi sao được! Hì hì!!!
Vui miệng, Bạch Liên cũng góp vào một câu:
- Chú Đồng đoạt giáo thật hay, ném giáo cũng giỏi nữa. Vậy mà ngày nọ, con đứng yên một chỗ cho chú ấy đánh mấy chục quyền, chẳng trúng một quyền nào. Thế có lạ không hở mẹ?
Xoa lưng nựng con gái yêu, bà Bùi chợt buồn, thở dài bảo:
- Thầy mẹ vẫn bảo là con có thiên khiếu... Giá con thích nghề võ như thầy mẹ thì biết đâu chuyện đời ngày nay lại không đổi khác!
Trong khi bọn quan quân triều tái mặt vì tài nghệ của hai chục người áo trắng, khách đứng ngoài xem góp mỗi người một câu khen nức nở:
- Đội Hổ bay của bà Thiếu Phó giỏi vô cùng! Bây giờ tôi mới được thấy tận mắt.
- Tôi cũng vậy. Người ta đồn bà Thiếu Phó nổi tiếng một phần nhờ tài bộ của đám người này.
Một tráng sĩ đứng không xa đấy cười lên hô hố, chửi đổng:
- Người ta như thế, bắt chó nào được mà cũng la bắt, rõ không biết xấu!
Hai bác nông phu thuộc vào hạng dân thuần phác ưa sự thật, chuộng điều lành và thích cái đẹp đôn hậu, ghé sát vào nhau, cùng phe phẩy chiếc quạt nan tâm sự:
- Đáng phục thật! Đoạt khí giới của người ta đã là một chuyện khó. Trả lại khí giới lại càng khó hơn, nhất là trả theo phép trồng cây thành một vòng tròn. Trông cứ đều tăm tắp.
- Tôi thì phục họ ở chỗ đã nắm trong tay tính mạng mấy chục người mà chẳng thèm giết hại một ai.
Một ông cụ già thính tai nghe lỏm được, cười khà khà góp chuyện:
- Cái đó gọi là đức hiếu sinh đấy các ông ạ.
Ghé sát vào tai hai người bạn mới quen, cụ thủ thỉ một lời kín đáo:
- Chủ tướng hẳn phải là người như thế nào mới thu phục được nhiều tráng sĩ có tài có đức như vậy. Ấy thế mà khi trời đã không tựa nữa thì cũng... chẳng ra làm sao cả, phải không hai ông?