Về đời vua Lê, chúa Trịnh, ở phía nam thành Thăng Long, vào chỗ sinh từ ông quận Tống Khê bây giờ, có biệt thự một vị quan già.
Hai trăm sáu mươi sáu năm trước đây, năm 1671, vào khoảng cuối đông, một thiếu niên công tử từ cửa nam thành một mình lững thững tìm lối đến biệt thự ấy. Dân trong xóm có người nhẹ miệng hỏi: "Chầu tìm nhà ai?"[1] thì người ấy nói: "Không tôi đi chơi đây thôi, chẳng tìm nhà ai cả". Rồi lại cứ cắm đầu đi; thỉnh thoảng ngước mắt nhìn cổng những nhà trong xóm.
Người dân nhẹ miệng kia lấy làm lạ, bàn nhỏ với người làng: "Trông dáng rõ là người đương tìm tòi, mà hỏi thì lại bảo chẳng tìm nhà ai! Đại Hành hoàng đế vô tự, hay là người này lại can dự gì vào chuyện dựng vua mới đây". Dân làng cóngười nói: "Mà dễ phải đấy! Kể người khả dĩ nối ngôi được cũng nhiều. Thần Tông hoàng tử, Duy Hội hiện nay ở trong phủ chúa.
"Duy Hợp là con bà Trịnh Phi, là cháu ngoại họ Trịnh cũng có thể nối ngôi hoàng đế lắm. Hai hoàng tử đều nhỏ bé cả, bè đảng còn chán".
Một người nữa nói:
- Ông nhầm to! Trịnh Phi sanh ra hoàng tử Duy Hợp, có phải là người họ Trịnh ở Sóc Sơn đâu mà hoàng tử là cháu ngoại nhà chúa! Trịnh Phi là người họ Trịnh ở Đông Khối, huyện Gia Định kia mà.
Người kia cãi lại:
- Thế sao vua Thần Tông lâm băng, lại gọi chúa vào tận ngự sàng mà dặn dò, mà gửi lại đứa con còn ở trong thai?
Người kia lại nói:
- Thì đứa con ấy (tức là hoàng tử Duy Hợp) chúa cũng nuôi trong phủ như hoàng tử Duy Hội chứ có bỏ đâu, hiện nay hai người cùng ít tuổi cả, thì nhà chúa tất dựng người hơn tuổi.
Một ông lão nói:
- Nước có vua lớn là phúc cho xã tắc, nhưng nhà chúa cần gì mà ông bảo dựng người hơn tuổi.
- Hơn tuổi, ông tưởng là trưởng quân đó à? Hoàng tử Duy Hội dẫu hơn tuổi hoàng tử Duy Hợp, nhưng cũng mới 11 tuổi thôi. Ông này mới ngủ mê chứ.
* * *
Mặc câu chuyện gái lo thành đổ, ta thử xem người thiếu niên công tử kia đã đến biệt thự kia chưa.
Loanh quanh mấy vòng, người ấy đứng trước cái cổng rêu phủ đã hồ khắp, trên còn tờ mờ mấy chữ "Tiến sĩ môn". Người ấy tự hỏi: "Hay là Đặng tri phủ dọn nhà về quê cả rồi mà cái nhà này bỏhoang?".
Giá khi ấy quyển Kiều có rồi, thì chắc người thiếu niên công tử kia phải nhớ đến câu:
Lè sè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giầy.
Không! Cổng "Tiến sĩ môn" tuy rấp, nhưng vẳng nghe còn có tiếng người, nhà chưa phải là nhà bỏ không, cảnh trong kia chưa phải là cảnh én liệng lầu không. Nhưng làm sao vào được. Quanh tường muốn dò xem nhà này ra vào cổng nào thì hai đầu cuối tường, mâu mái, bìm bìm mọc chắn lối. Còn đương dùng dằng ngẩn ngơ thì có tiếng hỏi sau lưng:
- Thế mà lúc nãy chầu bảo rằng đi chơi, không tìm nhà ai đấy.
Ngoảnh lại thì ra người nhà quê nhẹ miệng hỏi mình lúc trước.
Chưa kịp trả lời, người nhà quê lại tiếp:
- Chầu muốn vào nhà quan Hoàng Đặng[2] chăng?
Nhà quan Hoàng bây giờ đi lối cổng Nam, không đi lối cổng Bắc này nữa. Từ năm ông Chiêu[3] con người mất, người xin về trí sĩ, người bỏ cổng này có đi đến đâu; cách đây mười ba hay mười bốn năm gì đó. . . vì phải đem cô cháu gái tiến cung, người có cho mở cổng này một lần rồi từ đó đóng tịt.
Người thiếu niên công tử nói:
- Thế cổng Nam đi lối nào già chỉ giúp tôi?
- Ở đây không có lối vì cuối tường đường đã lấp rồi không có lối quang nữa. Muốn vào cổng Nam, Chầu lại phải đi trở ra vòng theo Giám, qua cửa chùa Huyền Linh đến toà Khâm Thiên có cái ngõ con, Chầu theo cái ngõ ấy đi thẳng vào thì đến cổng nhà quan Hoàng.
- Cám ơn già vạn bội.
- Không dám.
Đôi bên chào nhau rồi người thiếu niên công tử quay ra, đi đến phía cổng làng. Đi được vài bước người nhà quê lại nói với:
- Cạnh toà Khâm có hai ngõ, tôi dặn kỹ kẻo Chầu lại nhầm, một ngõ ở phía Tây toà Khâm, ngõ ấy vào chùa Thiên Bảo. Một ngõ ở phía Đông, đi sát cạnh đài Toàn cơ Ngọc Hành, ngõ ấy mới là ngõ vào nhà quan Hoàng. Chầu nhớ kỹ kẻo nhầm đường.
Theo lời người kia dặn, người thiếu niên công tử đi đến cạnh đài Toàn cơ Ngọc Hành. Đi khỏi đài Toàn cơ, ngõ đi ven cạnh một cái đầm. Gió chiều thổi mạnh, hơi lạnh dưới đầm tạt vào mặt, giá như nước giội. Kéo chiếc vạt áo cừu phủ đầu, chàng gắng sức bước đi. Bờ đầm, một dãy đào nở sớm tiết ánh xuống hồ một vùng đỏ nhạt, pha với những cành liễu la đà trước gió như muốn khoe xanh cùng nước đầm, cảnh ấy thi nhân không bao giờ nỡ rảo bước lướt qua mà không ngắm nghía. Nhưng vị thiếu niên công tử kia cứ cúi đầu đi, không để ý gì đến đài đỏ liễu xanh, nước chiều gió gợn gì cả. Không phải là chàng sinh trưởng nơi giầu sang mà tính tình chàng tục; không phải chàng sợ rét mà chàng cụt hết hứng của nhà nho.
Làm thơ, ngâm thơ, ngắm cảnh nên thơ, cái đó là món dùng xa xỉ của tâm hồn những lúc nhàn rỗi.
Hiện chàng có việc bận lòng, những cái ấy chàng không để ý. Quanh một vòng đầm, chàng đến một cái cổng, xây vừa tầm, không to không nhỏ, trên cổng đề bốn chữ đại tự "Tình vũ bất quan". Hai bên cột cổng nề đôi câu đối:
Hà tấp nhập sơn, nghệ cúc, tài lan, tự gia biệt thú.
Túng nhiên xuất hộ, tá thư, cô tửu, diệc ngã sinh nhai[4]
Lúc nãy đi trên con đường bọc đào liễu san sát, cạnh đầm, cảnh thi nhân ấy chẳng bỏ qua, mà tới đây, chàng lại xem câu đối, chẳng phải là chàng đã trút được gánh nặng bên lòng mà thưởng câu đối ấy, nhưng chỉ là một cách tìm nhà kín đáo.
"Bế mốn tình vũ bất quan tâm" (Đóng cửa ngồi nhà kệ thây mưa gió). Người không có cảnh ngộ như ông Hoàng giáp Đặng Phi Hiển, sao lại có giọng nhạt nhẽo với đời được như thế?
"Hà tất nhập sơn, nghệ cúc, tài lan, tự gia biệt thú; Túng nhiên xuất hộ, tá thư, cô tửu, diệc ngã sinh nhai"; người không thanh bạch, không hay chữ, không cao khiết như ông Hoàng sao làm nổi câu đối ấy, sao còn nổi tính tình thi nhân ấy?
Rấp Tiến sĩ môn phía Bắc đóng cửa phía Nam, chẳng là nhà ông thì còn là nhà ai?
Nghĩ bụng như thế, chàng không cần hỏi thăm ai nữa, tay đẩy, miệng lên tiếng gọi:
- Ai hầu trong nhà ra tôi hỏi?
Một người lão bộc chạy ra mở cửa hỏi:
- Chầu đến có việc gì; có cần lắm không? Quan tôi đã dặn rằng không cho ai vào cả.
- Già vào nói rằng: Có người ở Quả Thịnh lăng trong Thanh ra xin vào hầu.
- Vâng, Chầu cứ đứng đợi ở đây để tôi vào bẩm quan đã.
Vị công tử gật đầu, người kia vội chạy vào. Lúc ấy công tử mới để ý ngắm biệt thự ấy.
Cách cổng vào chừng một trượng có cái hồ tròn, cứ lấy mắt mà đo, hồ ấy ngang dọc chừng hai mươi trượng, rộng đến linh mẫu, giữa hồ có hai hòn giả sơn, mỗi hòn cao đến hai ba trượng. Bên cạnh hai hòn giả sơn có chiếc cầu ngòng ngoèo luồn vào giữa, một đầu cầu chia ra bờ hồ đối với cổng, một đầu nối với bờ bên kia. Hai bên ven hồ, có hai con đường vòng tròn; đôi bên đường mọc đủ thứ cây: Hồng vi, Tử vi, Thuỷ tùng, Dương liễu. . .
Công tử ngắm bất giác buột mồm than:
"Nhà thế này, cảnh thế này, mà chỉ có ông lão ngót tám mươi tuổi ở, trời sao độc địa thế?"
Quan tôi truyền rước chầu vào ngay cho quan tôi hỏi chuyện.
Công tử chỉ chiếc cầu đá hỏi:
- Ta đi lối này qua hồ rồi vào có được không?
- Xưa kia thì vẫn đi lối ấy cả. Nhưng nay không đi đến, rêu bám đầy cả, trơn lắm, không đi được, vả trời rét chẳng nên đi trên mặt nước.
- Thế già đi trước ta theo sau.
Hai người rẽ sang tay phải vòng theo bờ đông hồ mà đi. Vừa đi, lão bộc vừa chỉ hai hòn giả sơn vừa nói:
- Đây kia, dưới cây liễu ở hòn núi lớn chỗ ấy là chỗ xưa quan tôi vẫn đánh cờ với ông Chiêu cùng cô Cháu. . . đắm thuyền ở đó.
Nói đến đây tên lão bộc sùi sụt khóc.
- Cô Cháu nào?
- Cô Ấu Mai chứ ai! Ở nhà, ở nhà chúng tôi chỉ gọi là cô Cháu thôi. Thuở nhỏ cô ấy tên là Cháu, bây giờ cũng vẫn gọi là cô Cháu thôi. Tên Ấu Mai chỉ dùng để khai bút thôi.
"Tôi gọi tên Ấu Mai, nghe như tên người lạ. Nên chỉ gọi là cô Cháu. Chao ôi! Thà cô cứ chết cùng với ông Chiêu ngày trước cho nó xong, sống làm gì khổ nhục thế này! . . . ."
Nói đến đây tên lão bộc lại thổn thức.
Công tử lại hỏi:
- Đắm thuyền, người lớn chết, trẻ con sống, cũng lạ đấy nhỉ.
- Có trời đó, thưa Chầu! Cô tôi vớ được chiếc rễ si, ông tôi nắm phải miếng đá có rêu, tuột tay.
Hai người đang mải nói chuyện thì đã tới cửa nách nhà hành lang trái đông. Trên hè, Đặng tri phủ đã đứng đợi sẵn. Trông thấy người thiếu niên công tử, Đặng tri phủ vồn vã:
- Công tử đấy ư? Thế mà lão phu cứ nghĩ là ai! Ra công tử cũng chịu khó trèo đèo lặn suối vào tận Thanh Hoá đó ư? Lão phu nghe tên lão bộc nói, cứ nghĩ là người nhà Chiêu[5] ở trong Thanh sai ra.
- Tiểu sinh vào Thanh từ tháng trước cùng với quan Tống Nhân Lệnh, để dự lễ Ninh lăng Đại Hành hoàng đế.
- Công tử hãy vào thư phòng này đã, rồi hãy nói chuyện.
Theo chân Đặng tri phủ, công tử vào phòng. Phân ngôi chủ khách xong, Đặng tri phủ hỏi:
- Công tử ở Thanh ra có thư từ gì không? Nhà Chiêu ở trong ấy có được mạnh khoẻ không? Có năng được đi lại với con Cháu không?
- Lệnh tức[6] độ này yếu lắm. Tiểu sinh e rằng. . .
- Làm sao? Công tử thấy thế nào? Nó lại chết nốt à?
- Thưa không can chi,. . . Bệnh khí nặng mà thôi. . . Có thư đây xin đại nhân xem thì rõ, bất tất phải nói nhiều. Bây giờ đã xế chiều, đại nhân cho tiểu sinh về kẻo trễ, cửa thành đóng lại phải ngủ ở ngoài. . . mà ngủ ngoài thành giữa lúc này cũng ngại.
- Phải bây giờ dễ sang giờ Thân đã lâu rồi, công tử cũng nên về.
Người thiếu niên công tử đưa thư rồi, đứng dậy cáo từ. Đặng tri phủ nói:
- Lão phu mệt lắm, không tiễn công tử được, xin miễn chấp.
- Tiểu sinh không dám, đại nhân cứ ngồi.
Đặng tri phủ gọi người bão bộc:
- Đồ Nam! Già tiễn công tử ra tận toà Khâm thiên nhé!
Đỗ sinh đồ từ năm còn trẻ, lận đận mấy khoa không làm được cái Cống sinh[7] chán đường công danh. Đồ Nam về hầu ông chú họ đã được ngoại 20 năm. Chính tên ông là Đặng Văn Khuê, song về người ở vùng Nam, nên vẫn gọi là Đồ Nam.
Người nhà Đặng tri phủ tai quái, mỗi lần gọi tên Đồ Nam vẫn cười để ngụ ý thô tục. Có khi họ lại lộ hẳn ý thô mà đùa Đồ Khuê rằng:
- Vùng Nam Hạ[8] đồng chua nước mặn, thảo nào "Đồ" đen, đen từ nước da cho đến thi cử.
Đồ Nam phát cáu:
- Thế ông nhà trước chẳng là Đồ Nam là gì? Các chú đừng hỗn.
Lũ người nhà lại cười ngặt, cười nghẹo.
- Nhưng ông nhà đỗ Nhị giáp rồi thì là Hoàng nam. Già thì chỉ già đời làm Đồ Nam thôi!
Hai tiếng Đồ Nam, bởi vậy lão ta rất ghét. Mỗi lần chủ nhà gọi đến, lão ta như người muốn giận, Đặng tri phủ thì vô tình không biết, vẫn cho rằng gọi người cháu già như thế là nhã, chẳng nỡ réo cái tên bao giờ. Đồ Nam nghe gọi đến cái tên "bia cười" ấy đứng tần ngần mãi, không thưa, khách thì đã bước xuống hè. Tiếng Đặng tri phủ lại giục:
- Kìa Đồ Nam, già tiễn chân công tử đi.
Đồ Nam miễn cưỡng theo sau chân khách.
* * *
Theo lệ thường, tối nào Đặng tri phủ cũng xem sách đến quá nửa đêm mới đi ngủ. Hơn ba mươi năm nay, trừ những ngày có việc về lễ nghi tế tự, chưa đêm nào ông bỏ quyển sách trên tay. Đốt trầm xem sách, uống chè tàu hãm văn, công việc ấy làm cho ông thành cái đồng hồ.
Tối đến lũ người nhà bảo nhau.
- Ông đã gây lư trầm: cuối giờ Dậu rồi.
- Ông gây lò đun nước: đầu giờ Tuất rồi.
- Nước ông xơi ba tuần rồi: khuya nhỉ! Dễ đến cuối giờ Hợi rồi.
- Khói trầm đã nhạt: khuya lắm rồi, đến giữa Tý rồi đó: ông sắp đi nghỉ.
- Đèn phòng sách tắt sang giờ Sửu đó.
Chúng lấy ông làm cái đồng hồ đúng lắm. Giá chúng có chịu khó bật bùi nhùi xem giọt rồng thì cũng chỉ sai nửa khắc mà thôi.
Tối hôm ấy, theo lệ thường, ông cũng gây lư trầm. Lư trầm ông gây bao giờ ngọn khói cũng lên thẳng như chiếc đũa, cao chừng ngót thước, khói mới toả ra, lư trầm để trên cái kỷ con dài chừng thước bảy, rộng chừng thước mốt, cao chừng sáu tấc; cạnh lư trầm, một chiếc lọ Giang Tây, cắm cành hoa lan bạch ngọc đầu mùa, cạnh chiếc lọ, xếp một tập "Đường, Tống thi thuần" mà đêm đêm ông vẫn ngâm nga.
Hôm ấy, ông không xem sách. Ngồi trên sập, tựa khuỷu tay phải vào chồng sách, ông ngả người ra dáng uể oải. Dáng ấy ít khi ông có, vì là ông nhà nho cao khiết, đức hạnh, danh vọng, không bao giờ ông lại tỏ noạ khí ra ngoài. Ông thường bảo học trò con cái: "Người ta, ngồi ra ngồi, nằm ra nằm không nên nửa ngồi nửa nằm uể oải "Noạ khí trạo chi"[9] có thế mới giữ được mình thẳng thắn trong lòng mà đối với người khác không đến "linh nhân khí nỗi"[10]. Hôm ấy không "trạo chi" được nữa, tất là có việc gì làm đổ lòng ông, một người hơn ba mươi năm vẫn giữ gìn từng tí, chắc là việc to lắm. Hôm ấy không "linh nhân khí nỗi", vì ông ngồi một mình trong thư trai chẳng có tân khách nào cả, nhưng ông khiến lũ người nhà thấy ông khác thường mà e sợ, qua cửa phòng, chúng phải nín hơi rón gót.
Bức thư ông cầm ở tay ông mở ra, gấp vào đặt xuống kỷ, cầm trên tay hàng bao nhiêu lần. Đọc rồi lại đọc, xem rồi lại xem, hàng trăm lần chưa thôi. Mỗi lần đặt thư xuống, một tiếng thở dài lại làm tan ngọn khói trầm đương lên thẳng.
Trí ông bây giờ bị tê liệt, nghĩ không ra mối manh gì nữa. Đi ngược dòng thời gian, ông hồi tưởng lại ngày còn trẻ đến giờ.
Tuổi ông năm nay đã bảy mươi chín, kể từ năm lên mười là năm bắt đầu có tri thức. Việc đời ông trải đã ngót bảy mươi năm, nghĩ lại việc bảy mươi năm mà cũng chẳng có gì. Lạ thay! Thời gian đối với ông như nước chảy qua cột cầu bằng đá. Đi ngược dòng thời gian bảy mươi năm, trí ông cứ trôi tuồn tuột, vướng lại năm quãng ông nhớ nhất. Năm quãng ấy là năm cái mốc cắm giới hạn cho đời tâm tư trí tuệ ông.
Những ông già quá mà bị nỗi đau khổ quá sức đánh mạnh vào tâm tư, thường có trạng thái linh hồn như thế. Dò đến tận đáy lòng, gợi hết những cuộc đời dĩ vãng, cũng như đi vào cái nhà bỏ không chơ vơ có một hàng cột, giá không có hàng cột ấy, có khi ông quên cả cái nhà. Hàng cột ấy có năm:
1) Năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ mười, đời vua Lê Thần Tông, nhà chúa vào năm thứ sáu, đời Thanh Đô Vương Trịnh Tráng. Năm ấy ông đỗ đầu Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Khoa ấy Nhất giáp Đình nguyên là ông Thám hoa Giang Văn Hoa ở Hoằng Hoá. Năm ấy ông sinh con gái đầu năm, đỗ cuối năm.
2) Năm Đinh Hợi, niên hiệu Phúc Thái thứ năm, đời vua Lê Chân Tông, nhà chúa vào năm thứ hai mươi nhăm đời Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, cậu Chiêu cả nhà ông sinh con gái đầu lòng, tức là cô Ấu Mai.
3) Năm Quí Tỵ, niên hiệu Thịnh Đức nguyên niên đời vua Lê Thần Tông, nhà chúa vào năm thứ ba mươi mốt đời Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, cậu Chiêu cả nhà ông chết đuối ở hồ Tĩnh Tâm, trong Nhật Thiệp viên của ông.
4) Năm Đinh Dậu, niên hiệu Thịnh Đức thứ năm đời vua Lê Thần Tông, nhà chúa vào năm cuối đời Thanh Đô Vương Trịnh Tráng là năm đầu đời Tây Vương Trịnh Tạc, cháu gái ông bị đem tiến vào cung làm cung nhân.
5) Năm nay, năm Tân Hợi, tháng mười vua Huyền Tông băng, tháng 11 triều thần đem di hài vua về Thanh Hoá, táng ở Quả Thịnh lăng, cháu gái ông cũng phải theo Tử cung Đại Hành Hoàng đế vào ở Sơn lăng. . .
Sờ đến cột thứ tư ông rùng mình, sờ đến cột thứ năm ông lạc trí không hiểu đứng đâu hay ngồi đâu nữa.
Lặng người một lúc, sẽ lấy tay xếp lại miếng trầm cháy dở, ông mở phong thư ra đọc lại. Thư rằng:
"Cháu bất hiếu Ấu Mai cúi đầu trình tổ phụ đại nhân xét cho: cha cháu bất hạnh mất đi, cướp công cha mẹ, để lại cho ông có một mụn cháu gái, cháu lại bị cái nợ tiền thân truyền lại, vướng mình vào hoàng thất vương gia, đem tấm thân vào làm đứa nô tỳ trong Nội điện, kiếp nào gỡ ra, nay lại vào ở Sơn lăng giữ hương khói Tiên đế đến già đời thật là đem thân dìm xuống bể thẳm, cháu đành chết ở đây thôi.
"Ông hoàng Duy Lễ là người rất tử tế. Khi cháu ở trong hoàng cung thường được ông săn sóc cho, ông nên đãi ông ta tử tế. Khi cháu theo Tử cung Tiên đế vào đây, ông cũng trông nom, cháu ước sao cũng được gặp ông để cảm tạ ơn lân hương tích ngọc và xin ông trông nom hộ ông già mẹ goá rồi cháu xin chết. Sống cũng thừa thôi. Mười gái bằng không, ông chẳng nên tiếc cháu làm gì. Sống ôm cái mả khô, cháu không sống được.
"Cháu chỉ oán trời sao riêng hại nhà ta. Đạo trời thật vô tri. Đặng Bá Đạo không con, còn nói gì nữa! [11]"
__
[1]. Tiếng cổ dùng để gọi người sang trọng. Câu Kiều: Rằng vâng lịnh chỉ rước chầu vui quy. (Các chú thích trong sách đều là của tác giả. BT)
[2]. Nhị giáp Tiến sĩ gọi là Hoàng giáp. Thời xưa những ông Đại khoa dù làm nên danh tướng thiên hạ vẫn lấy khoa bảng mà gọi.
[3]. Con ông Đại khoa gọi là Chiêu.
[4]. Chẳng cứ đi đâu, sửa cúc, vun lan, ở nhà riêng thú; Có khi ra cửa, đeo bầu, mượn sách, thôi cũng qua ngày.
[5]. Con ông nghè.
[6]. Lệnh tức là tiếng gọi con dâu nhà người theo phép lịch sự.
[7]. Đời Lê, Sinh đồ là Tú tài, Cống sinh là Cử nhân.
[8]. Hà Nội, Hưng Yên trước là Sơn Nam thượng; Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình là Sơn Nam hạ.
[9]. Có khí lười thì gắng lên.
[10]. Khiến người ta phát chán.
[11]. Câu nói Ấu Mai dùng điển ở Tấn thư: Đặng Bá Đạo chạy giặc cùng vợ, con trai và cháu. Đến lúc cùng, liệu thế hai đứa con và cháu không sao bảo toàn cả đôi được, bàn với vợ rằng: "Em ta mất sớm có một con, lẽ không nên để mất giống. Ta nên bỏ con là hơn. May ra thoát thân, sau này ta lại đẻ. Sau Đặng Bá Đạo thoát nạn, nhưng chung qui không có con nữa". Người bấy giờ thấy thế nói rằng: "Thiên đạo vô tri, sử Đặng Bá Đạo vô nhi".