Hôm nọ đông cả các bạn đoạn trường, trong khi nói chuyện em còn bỏ sót một đoạn trong chuyện em. Đoạn ấy là gốc nỗi đau lòng ngày nay. Trong ba mươi sáu người con gái lựa vào cung để tập lục dật múa mừng Chúa thượng hôm nọ em nói là ba mươi nhăm người được thải về, mình em phải ở lại trong cung hầu đức thái hậu.
- Chị nói dối chỗ ấy chăng? Chị cũng được thải hẳn?
- Không, em không nói dối. Em không được thải về, phải ở lại trong cung thật. Nếu được thải về, thì sao nay lại phải ở đây cùng chị, chị cứ để em nói nốt! Tuy có phải ở lại, nhưng mỗi tháng hai lần được về nhà, mỗi lần hai ngày. Một hôm em được phép về nhà khí muộn, ra vừa khỏi cửa thành thì trời nhá nhem tối. Đi đến chỗ cửa Giám thì gặp hai đứa côn đồ đe dọa. Em chắp tay lạy chúng nó xin chúng nó tha cho.
"- Lạy các ông, tôi không có tiền bạc gì trong mình cả, xin các ông tha cho.
"Lòng chúng nó thật như đá, kêu van thế nào nó cũng không tha, cứ một niềm hùng hổ:
"- Chúng mày ở cung điện mặc tơ lụa mà lại không có tiền à? Thế dễ những đứa ngủ xó chợ ăn đầu ghế như chúng tao có tiền chắc. Liệu đấy: tiếc tiền thì chúng ông cho xuống suối vàng mà tiêu tiền cho chán. Xuống đấy Diêm Vương lại xây cung điện cho mà ở. Chúng mày tài đức gì mà hưởng thụ nhiều thế. Ăn nhiều chưa biết nghẹn à, mà còn tiếc?
"- Lạy các ông, tôi thật không có vàng ngọc tiền nong gì trong người cả. Nếu có xin biếu các ông ngay.
"- À! Con này gớm thật, mày không muốn đưa để chúng tao lấy lấy.
"Nói đoạn, chúng nó sấn đến, một đứa ôm chặt lấy em, một đứa lần từ đầu đến gót chân. Lần một lúc chúng nó không thấy gì càu nhàu nói với nhau:
"- Mình phải hôm đen, nó chẳng có gì cả.
"Một thằng nói:
"- Lột lấy bộ cánh nó cho nó bõ công. Lột hết, lột trần truồng nó ra cho nó hết cái mẽ cao quí. Ái chà! Bà là thân ngọc ngà, thì cứ phô thân ngọc ngà ra cũng đủ quí, can chỉ phải thắng bộ tịch lắm. . . Bà chửi chúng tôi là đạo tặc, là quân bất nhân phi nghĩa, bà muốn chửi thế nào mặc bà, nhưng bây giờ bà ở trong tay chúng tôi.
"- Nghe giọng chúng nó nói quả quyết, em sợ quá ù té chạy. Chưa được hai bước, thì một bàn tay sắt nắm vào tay em co lại, tưởng như dập hết mất xương. Rồi chúng nó bắt đầu lột áo. Em hết sức chống cự, áo rách cả. Chúng nó gắt:
"- À, bà lại làm rách chiếc áo của chúng tôi rồi. Được rồi bà xem.
"Chúng nó vừa văng tục vừa hành hạ em thì bỗng thấy một tiếng quát to làm chúng bỏ em ra:
"- Hai thằng kia định bóc lột người đấy à?
"Em trông ra thì đằng đầu đường, thấy bóng một người chạy lại. Em vội lấy chiếc áo rách phủ lên vai.
"Một thằng bảo người kia:
"- Thôi đi anh, mỗi người một nghề, không việc gì đến anh, anh mặc xác chúng tôi.
"- Tôi không mặc anh thì sao?
"- Anh không mặc thì thiệt đời anh, chứ anh dọa gì chúng tớ.
"Nói đoạn, hai thằng xông đến đánh người kia, chúng vừa xông tới thì em nghe bịch! bịch! Hai tiếng đứa nào đứa ấy ngã xiêu vẹo. Một lúc chúng nó hoàn hồn đứng dậy ôm đầu chạy thẳng. Người kia quay lại hỏi em:
"- Cô đi đâu mà gần đến tối lại qua lối này?
"- Đa tạ ông có lòng nghĩa hiệp, cứu tôi khỏi bị nhục ở trong tay quân đạo tặc. Tôi là cung nhân trong Nội, hầu đức thái hậu, được phép về thăm nhà.
"- Nhà cô ở đâu, mà gần tối còn dám đi về?
"- Nhà tôi ở phường Bích Câu gần đây.
"- Tôi xin đưa cô về tận nhà.
"Em nửa muốn ông ta đưa về, phòng sự bất trắc xảy ra giữa đường, nửa e trai gái gần tối đi với nhau thiên hạ bàn tán, chưa biết nên nhận lời hay không thì ông ta lại nói:
"- Nam nữ thụ thụ bất thân[23], cô ngập ngừng là phải. Nhưng lễ phép ấy, cũng có khỉ phải tòng quyền. Nhân mệnh, trí trọng, tôi chẳng giữ được lễ nữa thì hà tất cô phải quá câu chấp.
"- Vâng! Ông đi trước tôi xin đi theo sau.
"Đi đường, ông ấy mới nói ông ấy là ông hoàng tử bị thất thế. Vua Thần Tông khi truyền ngôi cho vua Chân Tông tiến lên làm thượng hoàng được một người con trai đặt tên là Duy Lễ, khi Thần Tông lại về làm vua, ngài đã toan lấy ông hoàng Duy Lễ lên làm thái tử. Nhưng vì bà thái hậu họ Trịnh nhất định không nghe, khi ấy vua Huyền Tông cùng các hoàng tử chưa có cả, mà vua Thần Tông lại hiếm, dựng hoàng tử cũng là phải, thế mà Thần Tông thái hậu nhất định không nghe. Thái hậu lại là con cháu Văn tổ Nghị Vương, nên vua không dám trái ý. Mãi đến năm đức Huyền Tông sinh, thái hậu mới cho Thần Tông nhận hoàng tử Duy Lễ là con.
"Em cũng kể gia đình cùng thân thế em cho ông ấy nghe thì ông ấy chép miệng nói rằng:
"- Con mẹ Trịnh Thị Hành (tên thái hậu) nó ác nghiệt quá, Hoàng Khảo tôi không biết quí gì mà lấy nó. Trước nó lấy Cương Quận công Lê Trụ, đã được bốn con. Sau Trụ mưu trừ họ Trịnh, bố nó là thằng Trịnh Tráng mới lôi nó về đem vào cung tiến Hoàng Khảo tôi. Giá không có nó thì tôi lên ngôi quí chứ còn gì đến thằng ranh Duy Vũ (tên vua Huyền Tông), mà không có nó thì cô đâu phải uổng hoài xuân xanh trong cung cấm mãi thế. Tôi với cô kể ra thế là bị một đứa cùng làm hại. Hôm nay trời xui gặp nhau, hoặc là ông tơ có ý gì chăng?
"- Đức ông dạy quá lời, tôi thân phận bọt bèo, đâu dám đương lời yêu quá đáng.
"- Cô đừng gọi tôi như thế, cô cứ gọi tôi là Tô Xuyên cư sỹ có lẽ tôi thích và có ý thân hơn. Hay là Trời không cho tôi làm thiên tử để gặp cô chăng?
Nhan sắc cô thế thì Vạn Thăng[24] đem đổi cũng vừa.
"Đến cửa, em đã cáo từ xin về và mời ông ta trở lại, nhưng ông ta nói:
"- Áo cô rách cả thế kia, nếu cô về một mình, tất người nhà nghi cô đã ra ngoài lễ phép. Tôi xin vào hầu chuyện thì ai ai cũng rõ cho. Em cúi đầu không nói gì rồi gọi cửa. Cửa mở hai người cùng vào trong nhà, người lão bộc cùng lũ đầy tớ nhà em thấy em áo rách, theo sau một người đàn ông không hiểu ra sao cả, con Thúy Hồng nó mủm mỉm cười mà trông. Tới chỗ ông em ngồi, ông hoàng Duy Lễ kể hết tình đầu. Khi kể chuyện, ông em thấy trai gái liền bước cùng vào, không buồn mời ngồi nữa. Kể hết chuyện, ông em với tay với chiếc khăn quấn lên đầu, chân đứng dậy mời ngồi.
"- Đa tạ thày có lòng nghĩa hiệp, không gặp thày, cháu tôi bị nhục rồi. Mời thày ngồi chơi.
"Ông hoàng ghé ngồi ngay cùng sập với ông em, cụ chừng tỏ ý như bất mãn mà hỏi rằng:
"- Thày là ai?
"- Tôi là Vũ Lăng hầu Duy Lễ.
"Nghe biết năm chữ tước và tên, cụ mới dịu nét mặt xuống mà cười. Cái dịu mặt ấy có ý rằng: Ừ có thế chứ, ta là đại khoa xuất thân khi nào đối tọa với thằng tầm bậy.
"- Chết nỗi! Chầu là trong câm chi ngọc diệp[25] Chầu thuộc hệ nào?
"Vũ Lăng hầu cười:
"- Kể ra tôi còn hơn tuổi hoàng thượng bây giờ.
"- Tôi hiểu rồi. Chầu là. . . Chầu là ngoại quán ở Thượng Phúc?
"- Vâng! Huyện Thượng Phúc, làng Vũ Lăng. Hoàng thượng bây giờ chẳng nỡ giết nên tôi được Vũ Lăng hầu.
Ngồi đàm đạo về văn thơ chữ nghĩa một lúc, hai người rất là tương đắc. Em còn nhớ trong buổi chuyện thơ văn ấy Vũ Lăng hầu có đọc một bài thơ hay của ông:
"Đạo khuất cam bần tiện
"Thì gian niệm đệ huynh
"Giang thôn xưởng lô quán
"Phong Nguyệt tự cao thanh.
"Bài thơ ấy, ông em bắt Vũ Lăng hầu đọc đi đọc lại đến năm sáu lần, rồi ông em cũng đọc đi đọc lại. Đọc được mỗi câu, cụ lại rung đùi đắc chí, khen ngợi vô cùng. Vì bài thơ mà câu chuyện đang ở chỗ chữ nghĩa văn thơ, lần lần điểm việc đời, việc nước, việc thời thế, cùng thân thế hai người. Em thì mải nghe chuyện cũng quên cả vào thay áo. Thấy thế ông em bảo:
"- Ấu Mai cháu vào nhà trong chứ!
"Vũ Lăng hầu được dịp nói theo:
"- Lệnh nữ tôn cũng là người có văn cốt lắm thì phải, nghe thơ nhảm của tiểu sinh mà cũng có ý thích.
"Ông em nói đỡ:
"- Phải, cháu nó cũng võ vẽ ít nhiều.
"Em vội vàng vào trong buồng. Thay áo xong, em ra đứng tựa cửa buồng nghe nói chuyện, vì không hiểu tại sao em sinh mến Vũ Lăng hầu ngay từ hôm ấy. Câu chuyện ông em với ông ta đến đó quay hẳn sang mặt thời thế.
"- Chầu kể cũng là người thanh cao, và có hiếu mục lắm, chứ không thì cái việc Hôn Đức hầu Nghi Dân có thể xảy ra được chứ. . . [26]
"- Tiểu sinh không thiết phú quí gì cả. Tiểu sinh chỉ mong sao lúc nào trong tâm tư cũng thảnh thơi rồi nay đây mai đó, bạn cùng non thanh nước đẹp, gửi mình vào cõi mộng hồn thơ, thế là hơn. Nghĩ được một câu đắc ý, như cởi ruột nở gan, ngắm được một cảnh đẹp mắt, như tắm thần gội trí. Cái thú lương thần mỹ cảnh, bầu rượu túi thơ nó nhẹ nhàng thú vị lắm. Làm vua thì thế này còn có thú vị gì? Nhưng sao đại nhân lại ví tôi với Hôn Đức hầu?
"- Ví với Hôn Đức hầu thì sao, Chầu? Hôn Đức hầu cũng như đức Lê Thánh Tông thôi. May ai, người ấy được, được thì chết được thờ ở Thái Miếu, có miếu hiệu, được đời sau gọi là "liệt thánh" mà thua thì nào đại nghịch bất đạo, nào tiếm thiết, trăm thức kể xấu. Tôi ví Chầu với Hôn Đức hầu phỏng có là sao hở công tử. . . Ấy chết! Tôi nhỗ nhã quá, Chầu thứ cho.
"- Được đại nhân cứ gọi tôi là công tử, tôi thích hơn. Tôi cũng không ưa cái tiếng bệ vệ quá.
"- Kể ra. . . Kim tượng cũng là người nhân từ hiếu hữu lắm chứ địa vị như công tử mà được toàn đến giờ, lại được ở trong hoàng thành cái đó cũng lạ.
"- Lạ gì! Kim thượng bây giờ kể danh nghĩa thì là thiên tử, nhưng sự thực chủ nước là Đại nguyên súy (trỏ chúa Trịnh). Phú hữu tứ hải[27] thì mới lo sợ chứ có nghìn xã lộc thương tiến thì ai thèm tranh mà gay gắt lắm. Nhưng nói tiêu tội hoàng huynh tôi cũng là người biết thương người, biết yêu anh em.
"Ông em nhìn vào cửa buồng thấy em vẫn đứng đó ông em bảo:
"- Cháu muốn nghe chuyện thì cho ra ngoài này ngồi hẳn hoi mà nghe. Công tử đây là ân nhân của cháu, cháu nên coi như bậc phụ chấp. Ra ngồi mà hầu chuyện hẳn hoi, đứng nghe lỏm như thế là vô lễ.
"Vâng lời, em ra ngồi ở chiếc đôn sứ bên cạnh sập.
Vũ Lăng hầu đứng dậy, nói:
"- Xin phép đại nhân cho tiểu sinh về.
"- Về thế nào được. Bây giờ đến giữa giờ Dậu rồi, còn gì nữa mà về. Tôi đã bảo người nhà làm rượu đánh chén trông trăng đêm nay ở chiếc nhà thủy tạ trên hồ. . .
"Chẳng mấy khi được gặp, xin công tử ở chơi với tôi đêm nay.
"Nhìn em, ông em nói tiếp:
"- Xin công tử tha lỗi cho và đừng cười nhé. Tôi vốn yêu con cháu lắm, tôi ngồi đâu vẫn cho cháu ngồi hầu. Vì cháu phải ở trong cung nên mỗi lần được về nhà, không cho nó dời được mấy lúc. Cho nó ngồi hầu công tử, điều đó đối với lễ nghi khí phạm, nhưng công tử có cái ân cứu cháu thì tôi cũng coi như ruột thịt vậy. . . Công tử tha cho và đừng cười lão phu nhé!
"- Không dám, tiểu sinh hầu chuyện đại nhân lại cho nói chuyện văn thơ, lại được lệnh nữ tôn đây là bậc nữ trang Tô Bạch ngồinghe còn thú gì hơn nữa.
"Đến đó, tên người nhà bẩm rằng, rượu sắp xong, ông em nói:
"- Nào mời công tử đi xơi rượu. . . Cả con cháu ta cũng cho phép ra đó ngồi hầu.
"Em theo chân ra nhà thủy tạ.
"Trước mặt sen hồ đưa hương lại, trên đầu ánh trăng lọt qua cành liễu chiếu vào, trong nhà thủy tạ ông em và Vũ Lăng hầu hơi men đưa giọng, chuyện nở như pháo ran.
"Tiếng cười như ngạo nghễ cùng đời bỉ tục.
"Thấy em cứ chắp tay nghiêng mình ngồi yên. Vũ Lăng hầu khi đó chén quá hơi say bèn nói đùa rằng:
"Tiên nga ngồi lỳ ra không nói gì, hay là có ý khinh tôi là tục tử. Dẫu sao, người cũng nên điểm một nụ cười cho cái cảnh trăng trong gió mát.
"Rồi quay lại nói với ông em:
"Đại nhân ạ: Thử dạ duy khả đàm phong nguyệt, minh thì mạc cảm ngọa sơn hà[28] phải chăng đại nhân? Lệnh nữ tôn có ý cười tôi là người phóng phiếm đó, nên riêng mình ngẫm nghĩ, mặc người cười nói, mà lặng ngắt không thèm nói một câu!
"Em vội thưa: "- Thưa ông, tôi được ngồi hầu bực trên đâu dám nói leo vô lễ. . . Vả tôi cũng không có chuyện gì.
"- Người đàn bà con gái thường thì mới phải giữ lối e dè thế, chứ đã là thi nhân thì phải khoáng đạt một chút.
"Ông em bấy giờ xem ra say quá rồi, chỉ ngồi ậm ừ thôi.
"Em nghĩ ngầm rằng: Ta im mãi cũng không tiện mà nói thì dây cà ra dây muống, kéo dây đến bao giờ, chi bằng lúc này ta tỏ tài cho họ biết, liền đáp rằng:
"- Tôi đương nghĩ diễn nôm bài thơ của công tử, vì chưa xong nên chưa muốn nói.
"- Thế bây giờ xong chưa?
"- Xong rồi!
"- Đọc đi.
"- Ô hay công tử làm gì mà như người thúc quân thế!
"Thấy ông ta say rượu, ăn nói quên cả lễ phép em phải kiếm cớ để lui:
"- Tôi đọc xong thì công tử phải im.
"- Vâng! Vâng! Vâng! Thần phụng mệnh. . .
"- Tôi dịch bài "Đạo khuất cam bần tiện":
"Đạo đã bị khuất, chừ, giầu sang chẳng thèm.
Thì đã hiểm nghèo, chừ, còn có anh em.
Nhà kết có gianh, chừ, chen cùng lau sậy.
Trăng trong gió mát, chừ, ta thanh cao thêm.
"- Hay đó, nhưng sao tôi làm thơ ngũ ngôn, cô lại diễn ra điệu Sở từ.
"- Tại ngồi trên mặt hồ, tình tứ man mác thì câu nói dài, nên tôi dịch lướt thướt điệu Sở từ.
"Vũ Lăng hầu đăm đăm nhìn em mà không nói, cái sức ngăn được lời nói của người say rượu, nó là cái sức chẳng vừa. Nói thật thà cùng chị thì Vũ Lăng hầu mê em từ hôm ấy mà em cũng. . ."
Tố Hà nói:
- Cũng mê Vũ Lăng hầu từ hôm ấy chứ gì? . . . Việc quái gì mà chị thẹn, việc ấy cũng là việc thường mà thôi, giai nhân tài tử chừng ấy mà chẳng mến nhau, thì cũng uổng công Tạo hóa đã thêu dệt ra mình, ô kìa, nước mắt chị ráo rồi kia. Cho hay là cái gió tình, vuốt sầu nén thảm mặt mình như chơi!
Để em nói nốt, làm gì mà chị cợt nhả thế?
"Thế rồi từ đó mỗi tháng đôi lần, Vũ Lăng hầu đến chơi, đôi bên trông thấy nhau mừng như hai người cách nhau hàng năm trời. Trên hồ Tĩnh Tâm nhiều phen ân trao, ái đổi; dưới góc Thủy tùng đòi đoạn non chỉ bể thề.
"Em ân ái như thế, đời cho là có tội lắm đó. Nào những chưa thông mối lái, trước đã riêng thề, nào những phụ đấng quân vương dám yêu thầm giấu trộm, nào những con nhà gia thế, dám bỏ liều thi lễ khuôn xưa. Nhưng riêng em, em không cần gì những điều nói đó cả.
"Em là người trời sinh ra có tình, em phải có tình, cái đó không có tội gì cả. Em cũng là người đủ yêu ghét mừng giận như ai, cũng đủ tâm can tỳ phế như ai, không lẽ trời đã sinh ra mà trời lại nỡ bắt em phải nén những yêu ghét mà ép mình làm đống thịt chạy thây đi. Thượng đế chí nhân, em chắc không khi nào ý ngài lại thế. Bắt em như thế chỉ là cái đời thô tục khả bỉ này mà thôi. Cổ nhân nói rằng: "Bực thật cao quên tình, bực hạ ngu không biết tình là gì, tình chính là ở bọn chúng ta".
"Thiên hạ họ cho tình là tội ác, hoặc họ ngu xuẩn quá ngoài hai cái "Thực", "Sắc", họ chẳng biết gì cả, tức là bọn "bất cập tình" hoặc họ cũng có tình đó, nhưng lại muốn ăn ở theo cái khuôn sáo vô lý, cho tình là món tà dâm. Em đa tình chị có cho là phải không. Em cứ theo cái tình trời phú cho, đem chữ ái làm bông hoa cho cuộc đời. Chị có cho làm phải không?"
- Phải lắm! Người tài hoa như chị, khác nào như cây đàn, cần phải rung động. Nếu bỏ không thì vô ích cho cây đàn, vô ích cho đời hơn khúc gỗ, khúc gỗ còn đem đóng bàn ghế đồ đạc, chứ cây đàn bỏ không là một vật chuế.
- Ông em biết ngay em từ thuở còn thơ ấu, biết chắc sau này em chắc khác gái thường. Ngay từ lúc mới lên sáu, em đã có thi tứ ngay, chưa học hành gì cả mà những bài Đường thi ông em dạy học thuộc lòng, em đã muốn tìm ra nghĩa. Em còn nhớ một hôm em đi ngoài hiên đọc lẩm bẩm một mình câu thơ:
"Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,
"Dạ bạc Tần hoài cận tửu gia.
"Thương nữ bất tri vong quốc hận,
"Cách giang do xướng hậu đình hoa.
"Ông em gọi hỏi rằng:
"- Mày thử đoán xem bài thơ ấy nghĩa là gì?
"Cả bài thơ chỉ hiểu được nghĩa hơn mười chữ dễ, đã đọc qua như: Hàn, thủy, nguyệt, dạ, cận, tửu, gia, nữ, bất tri, hậu, đình, hoa. Thế mà em cũng cố hiểu bài thơ ấy ra một nghĩa của em. Nghĩa ấy, hồi ấy em cho là đúng, là phải, là chắc chắn lắm. Em cắt nghĩa cho ông em nghe rằng:
"Hỡi trời lạnh như nước, trăng tỏ như gương.
"Nhà có bữa tiệc, đông người uống rượu đêm trăng.
"Ta là con gái chẳng biết uống rượu.
"Ta chạy ra sau nhà ta hái bông hoa.
"Bài thơ kia có vần, cháu biết không? Sa, gia, hoa là vần đấy. Bài thơ nghĩa như cháu nói đó, nhưng cháu nói không có vần; giá có vần thì cũng là thơ.
"- Ông để cháu nghĩ.
"Đi vòng một lượt vườn em lại vào bẩm ông em.
"- Ông, cháu đặt đã có vần rồi!
"- Đọc ông nghe.
"Em đọc:
"Hỡi trời lạnh lẽo bóng trăng soi.
"Uống rượu đông người ai cũng cười.
"Gái bé rượu cay không uống được,
"Sau nhà ra hái cánh hoa chơi".
Tố Hà nói:
"Hiểu trẹo nghĩa đi như chị, nghe lại có thi vị hơn. Tôi tiếc cho chị sinh vào đại loạn, làm đàn bà một nước nhỏ, giá sinh sang bên Tàu, thì chẳng làm gì Thái Văn Cơ. Nhưng câu chuyện tình của chị còn thế nào nữa, chị nói nốt đi, chứ cứ thơ thẩn mãi thì đến sáng mai cũng chưa hết chuyện.
- Vâng! Dần dà rồi em cũng nói hết. Em hãy nói hết đoạn trước đã. Ông em vẫn nói rằng:
"- Ông con cái không có ai cả, chỉ có đứa cháu là di tích chút máu mủ lại về sau. Sau này cháu nên người, ông cũng có chút khuây khỏa. Ý ông em cũng định kén cho em một người chồng xứng đáng, rồi thì cháu rể cũng như cháu trai. Nào ngờ đâu, năm em mới mười một tuổi bị tiến cung làm đứa múa bài bông đem tấm thân cửa các phòng khuê ra múa may hát xướng để mua cười cho lũ tượng gỗ trong hoàng thành cùng lũ khỉ leo dây bên phủ Súy[29]. Năm vua Huyền Tông lên ngôi xong, ông em vẫn định vận động để em được về nhà, nhưng vì ông em là người cương trực, chỗ quyền thế không quen, bạn đồng liêu cũng hờ hững thành ra chưa biết lo chạy vào đâu. Chị còn lạ gì nữa, người con gái đã bị tiến vào cung mà không được vua ra ân thải hồi thì chung thân là một vật trong cung, như cái chậu sứ, như cái lọ độc bình vậy".
Tố Hà hỏi:
- Năm vua Huyền Tông lên ngôi chị bao nhiêu tuổi?
- Mười bảy.
- Mười bảy, hoa đương phong nhị, trăng đương độ rằm mà lại đem vùi vào xó tối, hoặc bị mây mờ, còn gì thương tâm hơn nữa! Tôi vừa ví chị với cây đàn: cây đàn lên vừa độ dây mà đem bỏ xó, còn gì đáng giận hơn nữa!
- Vì thế mà trong sự âu yếm của em với Vũ Lăng hầu ông em rất là rộng lượng. Chị tính con cháu một đại khoa mà công nhiên tiếp và nói chuyện với một người đàn ông việc ấy dung được không. Mẹ em thường phàn nàn với ông em về việc ấy lắm:
"- Mỗi lần con Ấu Mai ở trong Nội ra, ông hoàng Duy Lễ lại đến, rồi hai. . . hai người cứ tự nhiên quá như thế, con e thiên hạ họ chê cười.
"Ông em nói:
"- Ta không phải là không biết, nhưng ta chiều nó đến thế, không phải là không có cớ. Số ta chẳng may ra sao, có một chồng con là con, mà chẳng may chồng con mất sớm đi, để lại có một mụn con gái. Vô phúc nó phải hãm vào cảnh sống như chết, có bằng không. Như thế cũng như là ta không có nó nữa. Nó là đứa thiên tư dĩnh ngộ, mà phải chìm vào bể thẳm không bờ, nếu cái gì ta cũng cấm đoán nó nốt, thì ra như là ta đây không biết thương người nữa, vào bè với trời xanh và những thói tục hủ lậu, mà giết chết đến cả tính tình nữa hay sao? Nhà Chiêu con phải biết nghĩ như thế mới được. . . Vả ông hoàng Duy Lễ con xem đó, cũng là người thanh cao lịch sự. Trong cành vàng lá ngọc mà được một người như thế hiếm lắm chứ. Ý ta định gỡ cho con Ấu Mai ra ngoài nơi cung cấm mà cùng ông ta kết tóc xe tơ.
"Mẹ em nghe ông em nói đủ lẽ đủ tình, trong bụng mẹ em cũng chắc cho là phải lắm. Song trò thế, đàn bà không khoát đạt, thường lấy những lời ta phẩm bình làm quan trọng nên ngoài việc vẫn nói:
"Dẫu sao con coi thế vẫn không vừa mắt.
"Miệng tuy nói thế, nhưng khi ông hoàng ra chơi thì mẹ em lại âu yếm lắm, cứ mặc chúng em tự nhiên trò chuyện".
Tố Hà nói:
- Thôi thế là tôi đủ hiểu mối tình của chị rồi, chị bất tất phải tỏ bày nỗi lòng lắm làm gì nữa. Chuyện ấy thì có gì mà chị bắt tôi phải thề thốt. Tôi cũng là người đủ tính tình như chị, chứ có phải gỗ đá đâu. Đồng bệnh tương liên, có lẽ nào tôi lại đem khoe câu chuyện của chị mà chị phải căn vặn đến điều mới cho nghe?
- Không! Chị chưa rõ hết. Còn có điều quan trọng hơn câu chuyện tình ấy. Điều ấy nếu lộ ra thì ít là mười mạng chết oan, vì thế em bắt chị phải thề.
- Chuyện gì mà mười mạng chết oan?
Ấu Mai cúi đầu nghĩ ngợi. Tố Hà lại hỏi:
- Chị còn ngờ tôi chăng?
- Không ngờ, nhưng dẫu ngờ cũng phải nói. Em hỏi chị: Chị em ta bây giờ có phép âu yếm ai nữa không?
- Âu yếm trong lòng có ai moi ruột ra mà biết mà cấm đoán.
- Thế ngộ ngay nơi này, em mang ông hoàng Duy Lễ vào thì có tội gì không?
- Nếu thế thật thì chết cả nhà cũng có chứ chẳng mười mạng. Nhưng mang thế nào được ông ta vào? Chị định mang ông ta vào chăng?
- Hiện Vũ Lăng hầu Duy Lễ ở trong buồng kia rồi, chị có tin không?
Tố Hà lắc đầu:
- Vô lý!
- Có lý lắm.
- Đâu?
- Em xin nói ngay chị rõ: Trong hòm đựng quần áo đồ đạc, mẹ em mang vào hôm nay, có Vũ Lăng hầu nằm ở trong.
Tố Hà ngẩn người ra một lúc rồi nói:
- Nếu thế thì chị chẳng bắt thề tôi cũng giấu kín, vì nếu lộ ra thì tội vạ cả đôi. Ai phân biệt rằng người của chị, quan trên chỉ biết tôi với chị ở cùng một nhà, dắt trai vào chung. Tiên đế thăng hà chưa đến ngày tốt khốc mà lũ cung nhân thờ phụng ở Sơn lăng gian dâm bậy bạ, tội đến voi xé chứ chết mà thôi à? Chết cả nhà chị, chết cả nhà tôi, chứ chết riêng gì hai chúng ta thôi chắc? Nếu chỉ hai chị em mình chết thì tôi chẳng lo sợ gì lắm, vì chị được trông thấy người cũ mà chết, thì chị cũng hả dạ. Mà tôi vì chị bỏ mạng, thì cũng can tâm. Chị em mình thế này thì quá chết chứ! Thà cứ chết mà thoát nợ đoạn trường còn hơn. Một việc có thể chết hai gia đình, tôi nào dám lộ.
- Nếu thế thì, xin phép chị em cho ông ấy ra nói chuyện! Rồi từ nay, đêm ông ấy ngủ nhà ngoài, chị em ta ngủ buồng bên tả; ban ngày ông ở buồng bên hữu cả ngày.
- Vâng, xin chị vào mời đức ông vào.
Ấu Mai vào buồng. Một lúc Vũ Lăng hầu ra, nghiêng mình chào Tố Hà mà rằng:
- Tôi là một đứa si tình chẳng quản hiểm nghèo len lỏi vào tới đây. Lại được quí nương có lòng rộng rãi giữ tiếng kín cho tôi được cảm ơn vạn bội.
- Không dám! Tôi là con nhà hèn hạ được tiếp một người cành vàng lá ngọc như Chầu, riêng lấy làm có phúc to lắm rồi đâu khoe ơn gì nữa! . . .
__
[23]. Trai gái từ cái trao tay chẳng được thân.
[24]. Vạn Thăng là vạn cỗ xe vua, có vạn cỗ xe là thiên tử
[25]. Chữ câm khi ấy chưa phải kiêng, chưa đọc là kim, húy Triệu tổ nhà Nguyễn.
[26]. Lê Nghi Dân là con hoang vua Lê Thái Tôn. Đời vua Lê Nhân Tông hắn mưu với loạn đảng giết Lê thái hậu cướp ngôi vua sau bị phế phong là Hôn Đức hầu.
[27]. Giầu có bốn bể.
[28]. Đêm nay chỉ nói chuyện trăng gió; mai kia ai dám nằm quèo với núi sông.
[29]. Tức phủ Liêu chúa Trịnh.