Đoàn Huy theo sau Phi Đằng bước lên thềm, vào gian giữa Long Vũ Trang, nơi ông đồ tiếp khách.
Cố giữ tư cách cứng cỏi của con nhà võ, chàng vẫn không sao ngăn được nước mắt sau khi chào hai bác và chào hỏi hai anh.
- Thưa bác, thầy con sắp gặp nạn lớn, chẳng những tính mạng khó bảo toàn mà gia đình cũng không thể tránh khỏi tai vạ. Cho nên thầy con cho con tới đây nương nhờ hai bác may ra thoát được tai mắt của triều đình. Đẻ con và em con chạy về ẩn thân nơi quê ngoại, còn thầy con thì đành một mình liều với số phận.
Khi Huy vừa mới bước vào nhà, Tường Vân suýt reo lên mừng rỡ. Ai ngờ người bạn mới đồng trang lứa với mình không ai khác hơn là cậu công tử tài ba vừa trổ tài đánh đáo ở đầu làng lúc nẫy. Chàng đứng lặng câm trước nét mặt không vui của những người hiện diện.
Ông đồ thở dài, than:
- Bác đã biết trước thế nào cũng có ngày này. Bác đã hết lời khuyên can mà thầy con không chịu nghe. Bây giờ có hối thì cũng đã muộn.
- Thưa bác, vâng. Thầy con có tiếc mấy năm trước đây không nghe lời chỉ dậy của bác. Thực ra, bản tâm thầy con đâu muốn thế. Chẳng qua chỉ là để chiều ý của bà nội con mà thôi. Vả lại, dạo ấy, thầy con cũng không thể làm gì khác hơn được. Nếu cứ khăng khăng không chịu làm quan với nhà Mạc, ắt bị chèn ép đủ thứ ở trong làng.
- Ờ, con nói cũng phải. Thôi việc đã qua, ta cho nó qua luôn. Chả hơi đâu gợi lại làm gì, thêm buồn bực…
Chuyện còn dài, không đi đâu mà vội. Con hãy lo tắm rửa, cơm nước đi cho khỏe. Rồi bác con mình sẽ tính sau.
° ° °
Đêm khuya vắng vẻ. Ông đồ gọi hai con và Huy vào trong thư phòng bàn chuyện cho kín đáo.
- Nào đầu đuôi cớ sự ra sao, con hãy kể rõ cho bác nghe.
- Thưa bác, quân nhà Minh sắp kéo sang nước ta hỏi tội họ Mạc. Triều đình họp bàn. Nhà vua và một số lớn các quan muốn hàng. Riêng thầy con không chịu, đòi đánh.
Ông đồ vuốt chòm râu đen nhánh nổi bật dưới khuôn mặt trắng trẻo, vuông hình chữ Dụng, buông một câu phê phán:
- Ta đã bảo trước rồi mà! Đăng Dung không phải là một con người có khí tượng thiên tử. Y chẳng qua là một tên thuyền chài có sức khỏe mà thôi. Làm Đô lực sĩ thì được đấy, nhưng làm vua thì không nên. Ai đời đứng đầu cả một nước mà giặc chưa tới đã lo hàng!
- Vâng. Vua đã vậy, các quan còn tệ hơn!
- Rồi thầy con nổi nóng chửi vung tàn tán lên chứ gì?
Thầm phục ông bác này thật đã hiểu thấu gan ruột của cha mình, Huy gật đầu đáp:
- Thưa bác, chính thế. Rồi thầy con đòi đem quân lên ải Nam Quan ngăn giặc.
- Ờ, thế chúng nó tính sao?
- Thưa, họ muốn ghép thầy con vào tội khi quân đáng chém đầu răn chúng. May sao còn một số người có liêm sỉ cố xin tha. Nhà vua bằng lòng tha và cũng bằng lòng cho thầy con cầm quân dẹp giặc nữa.
- Thế thì còn gì hay bằng!
- Nhưng, thưa bác, chúng chỉ phát cho có hai nghìn quân, trong khi tin báo về cho hay quân Minh sắp kéo sang những mười vạn.
Ông đồ vỗ tay cười ha hả trước sự ngạc nhiên của ba chàng trẻ tuổi:
- Vậy là chúng muốn đem một tên quân Nam chống với năm mươi tên quân Tầu! Được chứ! Được lắm chứ!...
Không hiểu ông bác của mình nói thật hay nói chơi, Huy đánh liều thổ lộ:
- Thưa bác, đem một chống với năm mươi có khác gì đem trứng chọi với đá! Hay là đem châu chấu ra đá xe.
Ông đồ hỏi lại, giọng nghiêm trang:
- Cháu đọc sử nước nhà không nhớ những trang oanh liệt châu chấu đá xe đổ chổng kềnh đó sao? Đời nhà Lý, đời nhà Trần, đời nhà Lê, đời nào mà không có những trận quân ta đánh cho quân Tầu thua liểng xiểng!
Theo ý bác, đem hai nghìn quân ra đuổi mười vạn tên giặc không phải là một việc quá khó khăn. Có điều…
Ông suy nghĩ một lúc trước khi thở dài, nói ra một sự thật khá đau lòng:
- Có điều thầy con hay cậy khỏe và hơi… nông nổi. Đem ít đánh lại nhiều mà chỉ ỷ vào cái mạnh của gân cốt thì phần thua nắm chắc. À, con có biết những ai theo phụ tá thầy con không? Ai làm Tham tán quân vụ?
- Thưa, chỉ có chừng mươi viên tì tướng tầm thường. Tham tán quân vụ là một tên chủ hàng. Hắn không cản trở công việc của thầy con là may, mong chi hắn bày mưu lập kế.
- Vậy làm sao mà thắng được?
- Thưa bác, chẳng những thế mà thôi, chúng còn bít hẳn lối về của thầy con. Chúng tâu vua bắt thầy con làm quân lệnh trạng, nếu thua thì phải dâng đầu.
Ông đồ gãi cằm và suy nghĩ thật lung:
- Rầy rà nhỉ!
- Vâng. Vì chắc trước sau thế nào cũng không tránh khỏi chết nên thầy con quyết liều một trận tử chiến. Thầy con chết đã đành, nhưng còn lo liên lụy đến vợ con nên phải liệu trước cho gia đình đi lánh nạn.
Phi Đằng từ tốn nói ra một ý nghĩ:
- Thưa thầy, con thấy chú Đoàn con tính như vậy không ổn chút nào.
- Nghĩa là sao, con?
- Nghĩa là nếu chú Đoàn chỉ mua hai tiếng Anh Hùng bằng cái chết của riêng mình chú thì không lấy chi làm đắt vì ít ra chú cũng giết được vô số quân giặc trước khi kiệt sức. Nhưng chú lại xua hai nghìn quân và một chục viên tì tướng cho chúng nó làm cỏ thì con thấy họ chết oan uổng quá.
Ông đồ khen:
- Thằng cả luận có lý đấy. Huy, thầy con có nghĩ đến chỗ ấy không?
- Thưa bác, có. Đó chính là nỗi khổ tâm của thầy con. Thầy con không muốn cho mấy nghìn người chết uổng vì một chút khí phách của riêng mình. Cho nên thầy con lưỡng lự và không muốn chết với giặc ở biên thùy. Có lẽ người sẽ tự sát ở dọc đường để cho tên Tham tán rút quân về.
Tường Vân hốt hoảng la lên:
- Thế thì thím và các em ở nhà bị tội rồi!
- Chính vì thế thầy em mới đợi cho vợ con đi lánh nạn xong xuôi mới chịu cất quân.
Ông đồ cau mày suy nghĩ rồi đập tay xuống kỷ trà đánh chát một tiếng, gắt:
- Sao thầy mày nông nổi thế?
Mỗi khi ông đồ thay đổi cách xưng hô như vậy là ông sắp tính đến chuyện nghiêm trọng. Hai con ông thuộc rõ tính cha, ngồi im lắng nghe trong khi Huy sợ hãi không dám nhìn thẳng người anh kết nghĩa của cha mình.
Ông đồ nói tiếp, giọng dịu dần:
- Chú Đoàn nông nổi quá! Việc quái gì mà phải chết! Đâu đã đến đường cùng! Sao không đến hỏi ta trước khi quyết định?
Cả ba chàng trai trẻ cùng thở phào. Huy mừng hơn ai hết. Vậy là tình thế chưa đến nỗi tuyệt vọng. Hớn hở, chàng nhìn kỹ ông bác hơn.
Cặp mắt sáng quắc dưới hàng lông mày dầy và sắc như nét mác của một viên võ tướng hầu như tương phản với gương mặt khôi ngô, anh tuấn của một văn nhân.
Cha chàng vẫn tâm phục bác Nhị Khê chẳng những là một tay kiếm tuyệt luân mà còn là một khối óc đầy mưu lược.
Nhà nho vói tay kéo cái điếu ống lại gần. Cậu con trai lớn thông điếu cho cha và đặt một mồi thuốc mới vào miệng nõ. Cây cần trúc dài mầu ngà có nhiều đốt được vít cong như một cánh cung. Cậu út châm lửa vào một thanh đóm nhỏ. Với một dáng điệu thật nghiêm túc, cậu nâng ngọn lửa vừa tầm trên điếu thuốc.
Người cha hút một hơi dài, ngửa cổ thở khói lên thượng lương như nhả một đám mây. Ông chiêu một hớp trà, khoan khoái.
Mưu lược như đã định xong trong thời gian chớp nhoáng vừa qua, hậu duệ của vị quân sư khai quốc nhà Lê trấn an thằng cháu họ Đoàn bằng một giọng đầy tự tin:
- Huy, con đừng lo. Mọi sự đã có bác. Việc cũng chưa đến nỗi nào, còn xoay sở kịp…
Ông nói thêm cho thằng cháu được thật sự yên tâm:
- Thầy con sẽ không chết đâu mà sợ. Đẻ con và em con cũng chẳng phải chạy đi đâu hết. Trái lại, cả gia đình con sẽ vững như bàn thạch…
Trong thâm tâm, ba chàng trai trẻ tưởng chỉ trông mong cứu vãn lấy một đôi phần trong cái cơ đồ sắp sụp đổ. Họ không mảy may ngờ ông đồ có thể nghĩ ra một kế vạn toàn.
Họ nóng nghe kế ấy. Sáu tia mắt tinh anh chiếu thẳng như treo vào cặp môi đỏ hồng đang nở một nụ cười đắc ý để lộ hàm răng đều và đen láy.