Đồng thời với Nhật Bản, trong khoảng mấy thế kỷ XVI, XVII và XVIII, nước Việt Nam đã thực hiện một chế độ chính trị mà người ta không thấy ở một nước thứ ba nào nữa trên thế giới, chế độ, chúng ta không thể gọi bằng một tên nào khác là "vua Lê chúa Trịnh" .
Cũng như dân tộc Nhật Bản, người Việt Nam, cùng một lúc, phải thuộc quyền thống trị của hai vị vương giả mà uy quyền đều được công nhận như nhau. Nếu người ta gọi là vua với chúa chỉ là để giúp cho sự phân biệt được dễ dàng.
Cũng như họ, các vua, chúa của chúng ta đều trị vì theo quyền của mạch máu, nghĩa là kế tập từ đời nọ sang đời kia. Và để tránh cho khỏi có sự xung đột trong lúc cầm quyền - là điều kiện cốt yếu của cuộc cộng tác - nhà vua chỉ có một cỗ ngai suông mà nhà chúa mới thật là nơi gửi gắm cái vận mệnh của cả dân tộc.
Tóm lại, trong lúc ở Đông Hải(1) họ Đức Xuyên nấp sau uy quyền của Nhật hoàng mà hiệu lệnh bốn đảo Phù Tang(2), thì trên bán đảo Đông Dương, dòng dõi Trịnh Kiểm và Trịnh Tùng cũng mượn danh nghĩa vua Lê mà làm oai, làm phúc với mười triệu dân Nam Việt.
Có điều khác là khi các nước Đông phương cùng bị đe dọa vì cuộc ngoại xâm của người Âu, Mỹ thì ông chúa sau rốt của Mạc phủ là Đức Xuyên Khánh Hỷ vội vã trả lại chính quyền cho Thiên hoàng để tránh cho dân Nhật một cuộc lưu huyết phi thường. Mà Trịnh Khải và Trịnh Bồng thì vẫn níu chặt lấy cái oai tàn của họ mình, khiến cho Bắc Hà bị điêu linh vì cuộc xâm lấn của tướng Tây Sơn mà cái kết quả khốc liệt là chôn vùi cả nhà Lê lẫn nhà Trịnh. Nhưng ngoài việc "làm mất nước" là một trọng tội mà hình phạt nào cũng không thể đền bù lại được, mười một đời chúa Trịnh có công gì đối với dân tộc Việt Nam không?
Có và rất nhiều.
Về phía Bắc, tuy vẫn có những cuộc vận động yếu ớt của nhà Mạc, nhưng nước Tàu không tìm được cớ gì chính đáng và có đủ can đảm để gây sự với chúng ta, vì một lẽ rất giản dị là binh lực của họ Trịnh rất hùng cường.
Đã vậy, các nước láng giềng về phía Tây Nam như Ai Lao, Bồn Man, Trà Tuyền(3). . . hàng năm vẫn phải sai sứ giả mang lễ vật sang triều cống Thăng Long. An Nam nghiễm nhiên là một cường quốc ở phương Đông mà không một dân tộc nào dám khinh nhờn hoặc trêu ghẹo đến.
Về nội trị, cách tổ chức của họ Trịnh rất chu đáo, cho nên đến bây giờ, nhiều làng mạc ở Trung, Bắc Kỳ vẫn không thể bỏ được những luật lệ bắt đầu thi hành từ đời Trịnh Tạc hay Trịnh Cương.
Về văn học thì không bao giờ chúng ta được thịnh vượng như các đời Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Nếu Việt Nam còn được ít nhiều sách sử để khỏi hổ với hai tiếng "quốc học", chính là nhờ ở những vị chúa thông minh và hiếu học ấy.
Sau rốt, đến việc đào tạo nhân tài thì so với các triều trước, họ Trịnh cũng tỏ ra đặc sắc hơn nhiều. Những nhà chính trị như Nguyễn Văn Giai, Phạm Công Trứ, Nguyễn Công Hãng đều có học thức và sáng kiến chẳng kém gì các lương tướng của Trung Hoa. Về võ bị, Lê Thời Hiến(4), Phạm Đình Trọng và Hoàng Ngũ Phúc đều là những vị thượng tướng, mà thao lược và chiến công sẽ vĩnh viễn lưu truyền với lịch sử.
Tuy nhiên, chính phủ của họ Trịnh sở dĩ được cường thịnh đến cực điểm, cơ chính vẫn là do các chúa nối nhau trị nước đều là những nhà chính trị có biệt tài. Không kể Trịnh Kiểm và Trịnh Tùng là những vị anh hùng đã đặt viên đá đầu tiên cho cái vương nghiệp ở Bắc Hà. Các chúa kế nghiệp về sau như Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương và Trịnh Doanh, đều có nhãn giới rộng rãi và quan tâm luôn đến cuộc sinh tồn của quốc dân. Là những vị thượng tướng lồng trong những nhà chính trị có thiên tài, các chúa Trịnh này đều biết vỗ về cho dân lúc bình thời, và chỉ huy quân đội một cách khôn khéo, khi xảy ra các cuộc biến loạn.
Đời thứ chín là Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, so với các chúa trước lại càng đặc sắc hơn nhiều nữa.
Ông đã thực hiện được cái mộng tưởng của các chúa Trịnh trước là thu lại trấn Thuận Hóa để mở rộng dư đồ cho nước An Nam.
Điều đáng tiếc là đến nửa đời, Trịnh Sâm bị chứng kinh phong giam hãm ở nơi cung cấm, lại thêm quá say mê một người tỳ thiếp là Đặng Thị Huệ nên chính sự bị bỏ bẵng và kỷ cương mỗi ngày một suy đồi. Sau rốt, đến việc bỏ con lớn để lập một đứa con vừa nhỏ tuổi, vừa ốm yếu là cái đầu mối các cuộc phiến loạn ở Bắc Hà, đồng thời cũng là bản án khai tử cho cái sự nghiệp vẻ vang của họ Trịnh.
Người sau thường ví vương nghiệp của họ Trịnh với một ngọn đèn sáng sủa đã từng chịu được hai trăm năm gió bão. Đến đời Trịnh Sâm, ngọn đèn ấy lóe lên rất rực rỡ, nhưng là để báo trước nạn tắt hẳn sắp xẩy ra.
Đó cũng là một lẽ tất nhiên của các cuộc hưng vong mà người ta thường thấy trong lịch sử loài người. Vì một triều đại cũng như một người, có lúc thịnh tất phải có lúc suy, và duy chỉ có những cuộc toàn thịnh rất vẻ vang mới chóng đưa người ta đến cõi tiêu diệt mà không một sức nào có thể vãn hồi lại được.
Trịnh Sâm sinh ngày mồng chín tháng hai năm Vĩnh Hựu thứ năm (1739) đời vua Lê Ý Tôn.
Ông là con thứ Minh Đô vương Trịnh Doanh và là con đầu lòng thứ phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm(5), con gái Triệu Khanh công Nguyễn Đình Tư người xã Linh Đường, huyện Thanh Trì (gần Hà Nội)(6).
Sâm sở dĩ được lập làm thế tử là vì con trưởng Minh Đô vương là Mẫn Tuệ tông Trịnh Nhuận, con trai chính phi Nguyễn Thị Ngọc Vinh(7) mất sớm và cũng nhân đó, mẹ đẻ Sâm được tôn phong làm Thái phi, theo cái cổ tục của Đông phương, mẹ nhờ ở chức tước của con mà được thêm tôn quý. (8)
Trịnh Sâm ham học và thông minh rất sớm. Những thơ, văn ông làm ra đều hàm súc những ý tưởng rất rộng rãi và sâu xa. Nét bút của ông thì mạnh mẽ, các danh bút sau này ít ai bì kịp.
Sâm lại tự phụ là mình có tài kiêm văn võ. Nên khi phái bọn Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt và Hoàng Đình Thể sang dẹp loạn Lê Duy Mật ở Trấn Ninh, các kế hoạch công thủ, ông đều định trước ở Thăng Long(9) Các tướng lĩnh chỉ có việc theo đúng những huấn lệnh của ông mà tiến công. Cuộc chiến tranh có lẽ cũng nhờ đó mà chóng xong và triều đình đã thu được một đóa hoa chiến thắng rất rực rỡ. Bên cạnh những đức tính trên, Sâm không phải không có nhiều tật xấu rất nguy hiểm cho những người chung quanh mình và nhiều khi có ảnh hưởng khốc hại đến cả đại cục của dân nước.
Theo linh mục Saint Phalles là một giáo sĩ ngoại quốc sang truyền giáo ở nước ta về thế kỷ XVIII thì "Trịnh Sâm rất sành sỏi các mánh khóe về chính trị ở Đông phương, tính lại sợ sệt, đa nghi và ốm yếu quanh năm. Vì đó, cái tính nghi ngại của ông lại càng tăng thêm lên một phần nữa."
Và cũng theo lời giáo sĩ trên:
"Dòng dõi nhà chúa hiện thời thỉnh thoảng lại phát ra chứng loạn óc, khiến cho cái công dụng của trí khôn và lẽ phải từng lúc bị ngừng lại. Bệnh này hình như gia truyền và bắt đầu từ vị chúa lên cầm quyền năm 1682(10). Chính thân phụ ông này nhiều lúc cũng phát ra chứng buồn bực. Chứng đó làm cho ông trở nên rất khó chịu đối với các họ hàng thân cận."
Phải chăng vì chứng loạn óc mà Sâm hóa ra hung hãn và có khi tàn nhẫn không ai bằng?
Không những vụ giết Thái tử Duy Vỹ mà chúng tôi sẽ thuật ở chương sau, không khỏi là một điểm đen đã đè mạnh lên lương tâm của ông về lúc vãn niên. Ngay việc đối với một người bạn chí thân là Nguyễn Khản sau này, tình thân ái của Sâm cũng là điều bất trắc mà không ai có thể tin cậy được.
Theo Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, khi Sâm còn ở Lượng Quốc phủ, nghĩa là đương ở ngôi Thế tử, thì Nguyễn Khản làm chức Phiên liêu(11), hàng ngày được Sâm cho vào cùng ăn uống ở trong phủ. Vì Sâm coi Khản là bạn bố y (áo vải) nên thăng cho Khản làm Tri phiên liêu kiêm quản Nhất hùng cơ, tước Kiều Nhạc hầu. Gặp lúc trong nước vô sự, Thịnh vương (Sâm) thích ngự chơi các thắng cảnh. Khi thưởng hoa, khi câu cá, đều đem Nguyễn Khản đi theo. Lúc về thì lại mặc áo chẽn, tay hẹp, ra vào trong cung. Nhà chúa đặc ân cho Khản được tự do ra vào trong cung cấm, không khác gì các quan nội giám. Khi Thịnh vương nghe hát, Khản cũng được tự ý mặc áo thường ngồi bên ngự tọa cầm chầu, điếm trống hát.
Những hôm Thịnh vương ngự chơi Tây Hồ, các thị thần và lính túc vệ phải đứng sắp hàng cả ở chung quanh mặt hồ. Trên thuyền ngự, chỉ có Thịnh vương với Đặng Tuyên phi cùng ngồi và Nguyễn Khản đứng hầu. Khản cười nói tự do, không khác gì bạn bè vậy.
Trong cung có bầy bể cạn, núi non bộ hoặc cảnh hoa đá gì tất do tay Nguyễn Khản điểm xuyết và ông có thuận cho thì mới vừa ý nhà chúa được. Thịnh vương lại thường sai Khản đi sửa sang các hành cung ở Châu Long, Tử Trầm, Dũng Thúy(12). Vì Khản có tài nặn đúc núi đá và vẽ vời phong nguyệt nên thường được nhà chúa ban khen.
Chính Nguyễn Khản cũng thích chơi ca xướng và rất sành âm luật nên thường đặt ra bài hát để nhạc phủ phổ vào âm nhạc làm các điệu mới. Vì vậy, bất cứ bài nào, hễ ông viết chưa khô mực đã được con hát ở các giáo phường tranh nhau truyền tụng.
. . .
"Tuy đương làm quan, nhưng ông Khản thường hay xin nghỉ ở nhà. Một lần, Thịnh vương sai đưa đến cho ông bài thơ Nôm:
Đã phạt năm đồng bỏ lối chầu,
Lại phạt năm đồng bỏ thiếu câu
Nhắn nhủ ông bay về nghĩ đấy,
Hãy còn phạt nữa, chửa thôi đâu!
Vì một buổi ngoại chầu và một buổi ngự câu, ông Khản đều nghỉ ở nhà không đi hầu được, nên bị phạt mỗi buổi năm đồng.
Khản họa lại:
Váng vất cho nên phải cáo chầu,
Phiên chầu còn cáo lọ phiên câu;
Trông ân phạt đến là thương đến
Ấy của nhà vua chứ của đâu?
Thịnh vương rất khen ngợi Khản vì bài thơ này.
Một lần, nhà Khản có mở ra yến tiệc, không may thiếu chè uống, chợt Trung sứ của chúa có việc đến nhà, ông Khản không kịp dâng khải để xin, chỉ viết tay mấy chữ
臣侃乞茶一兩
Thần Khản khất trà nhất lượng.
Trung sứ đem thiếp về dâng, Thịnh vương lập tức ban cho Khản hẳn một hòm chè.
. . .
"Thường khi Thịnh vương ra chơi nhà Nguyễn Khản, chỉ đi một cái thuyền con, từ cừ Long Lâu ra đến hồ Tiên Tích là tới nhà Khản rồi. Khi vào nhà, Thịnh vương hỏi thăm cả đến vợ con Khản, tình thân mật tưởng không còn gì hơn nữa. Thế mà mười năm sau, khi Nguyễn Khản cùng với nhiều đại thần nữa như Tuân Sinh hầu, Khê Trung hầu. . . mưu giúp con lớn Sâm là Trịnh Khải tranh ngôi với con nhỏ Sâm là Trịnh Cán, việc bại lộ, Sâm không do dự gì hết, lập tức lừa cho Khản về Thăng Long mà hạ ngục. Như vậy cũng chưa đủ, Sâm lại còn lục mảnh thiếp xin chè của Khản năm trước, mang ra cho các quan xem, để nhiếc móc Khản là người bầy tôi vô lễ. . ."
Đối với vua Lê, Sâm tỏ ra kiêu ngạo và bất kính không chúa Trịnh nào bằng.
Đành rằng nhà Lê không có uy quyền gì nữa và chỉ giữ một cái hư vị để nói theo một người lai Anh là Samuel Baron viết về thế kỷ XVIII – xướng "A Men" về tất cả các việc do chúa Trịnh làm, nhưng bề ngoài các chúa Trịnh vẫn giữ một thái độ rất tôn kính đối với vua Lê, để tỏ rằng mình vẫn hết đạo làm tôi và gây thiện cảm với quốc dân.
Nhưng Sâm thì không thế. Ông khinh bỉ nhà Lê ra mặt. Thậm chí Thái tử Duy Vỹ đã trốn vào tẩm điện của nhà vua rồi mà Sâm còn sai người vào tận cung cấm đòi bắt, khiến vua Lê Hiển Tôn(13) phải gạt nước mắt, trao con cho bọn thủ hạ của Sâm, tuy đã biết đích rằng Sâm sẽ buộc thái tử vào một cái chết rất bi thống và oan uổng.
Khi lên chiêm bái đền Hùng, Sâm thản nhiên viết đôi câu đối dưới đây cho thợ khắc vào cửa đền:
看來世事須為史
Khán lai thế sự tu vi sử
細認如圖欲命試
Tế nhận như đồ dục mệnh thi.
Nghĩa là:
Xem lại việc xưa nên chép sử,
Nhìn như tranh vẽ muốn ban thơ.
Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19, Sâm được tấn phong làm "Khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chư quân kiêm Chưởng Chính cơ, Thái úy Tĩnh Quốc công" nghĩa là được chính thức đứng vào ngôi Thế tử.
Kèm với những chức tước mới, theo cái thông lệ của họ Trịnh, Sâm được "xuất các" nghĩa là ra ở một phủ riêng gọi là "Lượng Quốc phủ", và tiếp các quan để, danh là tập làm chính trị, nhưng sự thực là làm chính trị hẳn, vì ít khi chúa thay đổi lại những việc mà Thế tử đã quyết định.
Giáo sĩ Saint Phalles tỏ ra đã quan sát được bộ máy chính trị của nước ta rất tường tận, khi viết:
Người con kế tự độc nhất của vị Nguyên soái (chúa) mà người trong nước gọi là Chu-a (Thế tử) hay là "tiểu Nguyên soái" có dự lý nhiều vào mọi việc và nhiều khi được cha cho cùng cầm quốc chính. Thế tử đứng vào bậc đầu các quan lại ở Bắc Hà, có một triều đình biệt hẳn với triều đình của cha, và cũng sán lạn chẳng kém gì triều đình của cha, với các quan văn, võ cũng có giá trị như quan văn võ của nhà chúa, song vẫn phải nhường bước khi gặp các quan nhà chúa; đến khi chúa chết; thì những quan lại của thế tử sẽ thay chân cho quan lại của chúa, trừ một vài vị Thượng thư cũ vào bậc hiền năng mà người ta phải lưu lại.
Các chúa Trịnh Tráng, Trịnh Tạc và Trịnh Căn, khi còn ở ngôi Thế tử đều phải giữ chức Thống Lĩnh (Nguyên súy) cầm quân lên dẹp họ Mạc ở Cao Bằng hay đánh nhau với họ Nguyễn ở phương Nam. Nhưng từ đời Trịnh Cương trở đi(14), trong nước luôn luôn gặp cảnh thái bình, thành ra Thế tử không bao giờ bận bịu về việc cầm quân; trái lại, được hưởng không biết bao nhiêu, vinh dự và quyền lợi mà Thái tử tức là người con kế nghiệp của vua Lê không được dự một mẩy may nào cả.
Thí dụ: Thế tử có phủ riêng ở cạnh phủ chúa và cũng huy hoàng sán lạn chẳng kém gì phủ chúa. Thái tử thì chỉ được ở một ngôi nhà nhỏ ở phía Đông cung điện vua Lê, một nơi cung điện mà các nhà quan sát về thế kỷ XVIII nói là "coi những dấu vết còn lại thì quy mô to lắm, nhưng hiện nay đã đổ nát nhiều mà không ai sửa sang lại."
Ngoài các lễ tiết trong nội điện ra, Thái tử không được tham dự một tế lễ nào cả.
Thế tử khác hẳn.
Trong vụ tế Giao là lễ to nhất hàng năm, bài vị của nhà Vua đứng đầu, thứ đến chúa, rồi đến ngay bài vị của Thế tử.
Những quyền hạn giữa vua và chúa, Thái tử và Thế tử quá ư chênh lệch như vậy, nên không mấy vua Lê là không có cái dụng tâm trừ diệt chúa Trịnh và không mấy vị Thái tử không có cái tư ý muốn đánh đổ một kẻ bề tôi đã lấn cướp mất uy quyền của nhà mình.
Chính cái tâm lý chung đó đã gây ra cái chết thảm khốc của Thái tử Duy Vỹ, con cả vua Lê Hiển Tôn, mà Trịnh Sâm là thủ phạm.
Duy Vỹ theo Hoàng Lê nhất thống chí– thông minh rất sớm, vẫn lấy sự nhà vua mất quyền làm tức giận. Lại là người có chí lớn, ham đọc sách và thân yêu kẻ sĩ, nên Thái tử được các hào kiệt trong nước kính phục và tin yêu. Ngay từ khi lên ngôi Thế tử, Sâm vẫn ghét Duy Vỹ là người mà tài đức cũng chẳng kém gì mình.
Vợ cả(15) chúa Trịnh Doanh (Minh Đô vương) nguyên chỉ có một con gái là Ngọc Dung(16). Chúa yêu lắm. Chính phi xin gả Ngọc Dung cho Thái tử Duy Vỹ để sau này, con gái mình được giữ ngôi mẫu nghi thiên hạ (Hoàng hậu). Chúa Trịnh Doanh thuận cho.
Một hôm, Thái tử (Duy Vỹ) và Thế tử (Sâm) cùng vào hầu. Trịnh Doanh truyền cho ăn cơm. Kẻ hầu vô tình dọn hai người cùng ngồi một mâm.
Chính phi chợt đến, nói:
- Chúa sao được cùng ngồi với vua?
Rồi sai dọn riêng ra. Thế tử xấu hổ, mặt đỏ bừng, cả bữa không chịu ăn một miếng nào. Khi ra ngoài bảo riêng với Thái tử:
- Hai chúng ta hẳn phải có một người sống, một người chết. Vua ấy không thể cùng đứng với chúa này được.
Khi Sâm lên cầm quyền, nhớ lại lời trước, mưu với gia thần là Vũ Huy Đĩnh vu cho Thái tử tư thông với nàng hầu của cha mình, rồi kết thành tội trạng, tâu vua, xin bắt Thái tử hạ ngục.
Trước đó ít lâu, trong giếng Tam Sơn ở sau điện, tự nhiên có tiếng nổ như sấm. Thái tử biết là điềm không tốt, tâu với vua. Vua thường làm lễ kỳ đảo(17), để cầu bình yên. Đến khi phải bắt, Thái tử đã biết trước, vào nép ở sau chỗ vua ngồi. Quận Đĩnh đem quân vào Đông cung, tìm khắp cả không thấy Thái tử, mới vào thẳng tẩm điện mà tâu với vua.
- Tôi nghe nói Thái tử ở trong điện. Xin đem ra đây cho tôi.
Bất đắc dĩ, Thái tử phải ra mặt. Quận Đĩnh bắt Thái tử giải về vương phủ, kết tội, rồi giáng làm thứ nhân mà lập con thứ vua Hiển Tôn là Duy Cẩn(18) lên thay.
Được một tháng, quận Đĩnh lại vu cáo cho bọn Vũ Bá Cảnh và Lương Giản mưu đem Duy Vỹ vượt ngục, khởi quân làm loạn. Trịnh Sâm nhân đó, cho bắt Vũ Bá Cảnh mà tra tấn. Còn Lương Giản thì trốn thoát. Cảnh không chịu được đòn, phải nhận những tội trạng mà người ta buộc cho mình, bị giết. Thái tử thì bị khép vào tội thắt cổ mà chết.
Để tả rõ những nỗi oan khuất của thái tử Duy Vỹ và cái ác tâm của Trịnh Sâm, tác giả bộ Hoàng Lê nhất thống chí lại viết thêm:
Hôm ấy đang giữa trưa, trời tối đen lại một lúc. Hàng phố đi lại phải dùng đèn đuốc. Người trong nước ai cũng vì Thái tử chết oan mà thương khóc.
Bước lên chính quyền, Trịnh Sâm lại còn là nguyên nhân một cái chết số hai nữa cũng bi đát chẳng kém gì cái chết của ông Hoàng Trừ(19). Chúng tôi muốn nói cái chết của Trịnh Đồng là con trưởng Trịnh Giang, đối với sâm là anh em thúc bá.
Tuy được thay anh mình là Trịnh Giang - một vị chúa ốm o và vô đạo - lên cầm vận mệnh Bắc Hà, nhưng lúc nào Minh Đô vương Trịnh Doanh cũng nhớ rằng quyền kế tập phải về ngành trưởng mà mình chỉ là người quyền tạm. Vì cớ đó, trước khi lập Trịnh Sâm làm Thế tử, vương thường bảo với tả hữu là muốn nhường ngôi cho con trưởng Trịnh Giang là Trịnh Đồng. Và có lẽ cũng vì muốn thực hành ý ấy thật nên Minh vương phong cho Đồng tước Quận công và cho ra ở phủ riêng, gần như một vị Thế tử thực.
Cái hảo tâm của Minh Đô vương đối với cháu không ngờ lại chính là lưỡi dao oan nghiệt để giết cháu. Vì sau khi nhận được cái ân huệ của Minh Đô vương ít lâu thì người ta thấy Trịnh Đồng vô bệnh mà chết, bằng một cái chết còn tối tăm hơn cái chết của vị Thái tử nhà Lê.
Người đương thời cho là Nguyễn vương phi (mẹ Sâm) sợ rằng ngôi chúa Bắc Hà sau này sẽ vì Trịnh Đồng mà không tới tay con mình, nên thuê người đầu độc cho Trịnh Đồng. Nhưng Trịnh Sâm có dự gì đến cuộc ám sát này không?
Đó là một nghi vấn của lịch sử, nhưng cũng nên nhắc rằng hồi đó Sâm đã gần hai mươi tuổi.
Năm Trịnh Sâm 29 tuổi thì cha là Trịnh Doanh mất. Ông được lên thay và phong là Nguyên súy Tổng quốc chính Tĩnh Đô vương.
Cái chết non yểu của Trịnh Doanh (48 tuổi), cũng như việc lên cầm quyền khi sớm của Trịnh Sâm lại chứng thực một lần nữa rằng từ cuối thế kỷ XVII trở đi, về thể chất, họ Trịnh cũng đã sút kém những người đã có công xây dựng nên cái vương nghiệp của họ ấy.
Đọc lại lịch sử của họ Trịnh, chúng ta sẽ nhận thấy rằng sau một cuộc đời thống khổ, vì đói rét, vì lo buồn, vì những sự vất vả của các cuộc đánh Đông dẹp Bắc, và sau rốt, vì những nỗi lo lắng để gây lấy một quốc gia thái bình, Trịnh Kiểm còn sống được 68 tuổi.
Trịnh Tùng lên cầm quyền rất sớm (21 tuổi), nhưng suốt đời cũng hoạt động chẳng kém gì cha và tuổi thọ lại càng trội hơn cha (74).
Ba đời sau, Trịnh Tráng (chết năm 81 tuổi), Trịnh Tạc (77), Trịnh Căn (77) đều là những vị chúa rất thọ mà cũng là những nhân tài lỗi lạc đã giúp dập vào cuộc toàn thịnh ở Bắc Hà.
Từ đời thứ sáu(20) trở đi, người ta bắt đầu thấy suy nhược về thể chất hiển hiện ra ở trong họ Trịnh rồi.
Trịnh Vịnh là con Trịnh Căn vì chết sớm (28 tuổi) không được kế vị mà phải nhường ngôi Thế tử cho con là Trịnh Bính. Rồi đến Trịnh Bính lại cũng vì hưởng tuổi trời ít quá (33 tuổi) mà không được bước lên chính quyền.
Vì đó, Trịnh Cương(21) khi chết phải truyền ngôi cho cháu ba đời (con Trịnh Bính) là Trịnh Cương. Nhưng Trịnh Cương cũng không sống được lâu. Năm 44 tuổi, ông đã phải lìa bỏ cuộc đời và nhường ngôi cho một người con hư hỏng là Trịnh Giang, kẻ đã làm nguyên nhân cho các cuộc phiến loạn ở Bắc Hà, và đầu tiên, dắt họ Trịnh vào con đường suy bại.
Vì Trịnh Giang bị truất bỏ, Trịnh Doanh mới lấy tính cách là con thứ và đã giữ chức Tiết chế(22) lên thay. Nếu ông chỉ cầm quyền được đến nửa đời, chẳng qua cũng là hợp vào cái thông lệ mà hóa công đã đặt riêng cho dòng dõi họ Trịnh.