Tuy còn ít tuổi, nhưng ngay khi mới lên cầm quyền, Trịnh Sâm tỏ ra rất sành sỏi về môn chính trị.
Thoạt đầu, ông tha thuế cho những miền mà mùa màng kém cỏi để gây cảm tình với dân. Tiếp, ông cho các triều sĩ được tự do bày tỏ ý kiến của mình để lựa lấy những chính sách tốt và săn sóc vào việc sửa sang các đê điều để tránh cái nạn lụt lội thường xảy ra ở các trấn Trung châu.
Ông lại mạnh bạo khởi phục cho những quan lại có tài năng như Lê Quý Đôn, Phan Huy Cẩn mà trước kia cha ông đã đuổi về. Và, cũng nhờ cái tài khéo dùng người của Trịnh Sâm, Lê Quý Đôn sau này không những thành một nhà chính trị giỏi giang mà còn trở nên một nhà bác học lưu danh trong lịch sử.
Về võ bị ngoài cái kỳ công thu phục Thuận Hóa, Sâm còn dẹp yên được bọn Hoàng Văn Chất(23), Lê Duy Mật và gây ra cuộc bình trị ở Bắc Hà. Nhưng điều mà Sâm để ý hơn cả có lẽ là việc chấn hưng văn học Việt Nam. Vì ông thường nói với các quan:
Học hiệu là chỗ để gây lấy nhân tài, các bậc đế vương xưa nay vẫn lo đến việc ấy trước nhất. Nước ta hết đời ấy sang đời khác, vẫn sửa sang việc học và nhờ đó mà tìm ra được người hiền đức kể cũng đã nhiều. Gần đây, văn chương đổi thể lâu thành thói quen. Nay ta phải lo bãi bỏ những cái lệ trước, để cho việc giáo dục được hoàn bị.
Để thực hành cái ý trên, Trịnh Sâm truyền cho bọn Tế tửu Tư nghiệp(24) hàng ngày phải họp học trò tại nhà Thái học để giảng kinh, sử. Mỗi tháng hai lần, cứ ngày rằm và mồng một thì tập văn. Một năm bốn kỳ, vào tháng "trọng" (25) thì khảo duyệt, thể thức cũng như đi thi vậy(26).
Người nào có học thức khá hay văn chương hay thì các học quan phải tâu lên nhà chúa để bổ ra làm quan.
Nhờ những cuộc cải cách của Tĩnh Đô vương, việc học của chúng ta về hồi cuối Lê đã thịnh vượng không biết dường nào mà nhà Quốc học (Văn miếu) cũng trải một cảnh hoạt động và trang nghiêm như các ngài sẽ thấy dưới đây, phác họa bằng ngọn bút linh động của một người về cuối đời Trịnh Sâm và sống qua các đời chúa sau cùng của họ Trịnh là Phạm Đình Hổ:
Ta theo các bậc huynh chấp đến nghe binh văn, thấy tại nhà Quốc học, ở trên thềm vào khoảng giữa và ngảnh mặt về phương Nam, có trải ba cái chiếu tre. Chiếu trên cùng là chỗ quan Tri giám(27) ngồi. Chiếu giữa là của quan Tham tụng(28) hay Hành Tham tụng. Chiếu dưới dành riêng cho các quan Bồi tụng(29). Các quan thị lang và tam đô ngồi chiếu bên Đông, ngảnh mặt về bên Tây; mọi người khác thì ngồi chiếu bên Tây, ngảnh mặt về bên Đông. Người bình văn cũng ngồi về phía Tây.
Lúc bình văn, các quan chính phủ ngồi giữa xem xét về đại cương. Các ông ngồi chiếu bên Đông thì bàn bạc cân nhắc theo như lệ cũ vẫn như vậy.
Trong buổi này, quan Thái phó Hoàn Quận công Nguyễn Hoàn (về hưu, nhưng mới khởi phục) làm quan Tri Quốc Tử Giám, ngồi chiếu trên Kế Liệt hầu Bùi Huy Bích lấy chức Hành Tham tụng ngồi chiếu giữa. Các ông Uông Sĩ Điển, người làng Võ Nghị, Vũ Huy Đĩnh người Mộ Trạch, Phan Huy Cẩn người Thu Hoạch và Trần Công Sán người An Vĩ, cùng là Bồi tụng, ngồi chiếu dưới.
Chiếu bên Đông thì có các ông Lý Trần Quán, Nguyễn Đình Trạc. Còn từ các ông Lê Huy Tiềm trở xuống thì ngồi chiếu bên Tây.
Lúc bình văn, tiếng ông Hoàng Vĩnh Trân thì trong mà cao, tiếng ông Vũ Cầu rõ ràng mà bình dị, ông Lưu Tiệp đọc ngắn mà không rõ; ông Tiều Xưởng thì lí nhí, không ai nghe ra tiếng gì hết. Quyền khen chê, lấy bỏ là ở ông Bùi Huy Bích. Các quan Bồi tụng cũng có bàn bạc, cân nhắc ít nhiều. Duy có quan Tri giám Nguyễn Công Hoàn thì thủy chung không nói một câu nào. Thỉnh thoảng, ông chỉ cười hì hì không ai hiểu là do ý tứ gì cả.
Những ngày bình văn tại nhà Quốc học đều do quan Tri giám chủ tọa. Khi các quan đến họp, quan Tri giám đứng về mé Tây chiếu trên, các quan Tham tụng và Bồi tụng thì đứng về mé Đông Nam chiếu mình ngồi. Các quan ngồi chiếu bên Đông thì đứng về mé Đông chiếu mình ngồi.
Thoạt đầu, quan Tri giám hướng vào các quan tham, bồi, vái một vái, mời ngồi. Các quan tham, bồi vái trả, rồi mới ngồi xuống. Tiếp, quan Tri giám, vái đến các quan Thị lang, Tam đô. Sau rốt, đến các quan liêu khác. Ai nấy đều vái lại và ngồi vào chỗ.
Khi cái lễ mời mọc đã cử hành xong đâu đấy rồi, quan Tri giám mới ngồi vào chiếu mình, tấm chiếu trải ở gian chính giữa và cao nhất. Theo lệ, các chiếu giữa và chiếu bên Đông đều bày mỗi vị một hộp trầu và một ống súc. Nhưng các chiếu mé Tây, nghĩa là chỗ ngồi của các quan nhỏ thì cả chiếu mới có hai ống súc và hai hộp trầu.
Khi mọi người đã bình văn xong, tức là mặt trời đã xế trưa rồi, quan Tri giám sai lính tráng dọn cơm để mọi người cùng ăn. Cơm nước bày biện bao giờ cũng lịch sự lắm. (30)
Tục nhà Lê đãi học trò rất hậu. Kẻ thi đỗ được thưởng nào là trâm hốt, nào là hoa bào(31). Ông Nghè mới lại được nhà vua ban yến ở trong điện và cho cưỡi ngựa rong chơi các phố. Rồi cha mẹ thì phong tặng, con cái thì được tập ấm(32), không còn vinh dự nào bằng. Lúc ông Nghè vinh quy được ban áo gấm và do hàng tổng rước sách và phục dịch. Thậm chí, nhà ở của ông Nghè cũng do hàng tổng phải làm.
Tuy nhiên việc thi cử về đời Tĩnh Đô vương cũng đã không được nghiêm khắc lắm rồi, cho nên đã có những thí sinh như Lê Quý Kiệt(33) vì thi gian mà phải tù tội và những quan trường như Ngô Thì Sĩ vì chấm không công bằng mà phải cách chức đuổi về.
Về việc thi cử tác giả Vũ trung tùy bút có thuật lại rằng bà chính phi(34) người làng Thịnh Mỹ có một người em trai tên là Mậu Đĩnh vì là dòng dõi hèn kém nên muốn cậy cục cho thi đỗ, để được đãi vào bậc văn thần. Gặp khoa thi Hội, bà dặn kẻ lại phòng rằng hễ thấy quyển nào có tên Mậu Đĩnh thì phải đánh dấu lấy và nói riêng với quan trường trông nom giúp cho Mậu Đĩnh và nếu kém quá thì khi chúa hỏi đến phải lập tức dâng lên.
Đến kỳ đệ tứ các quyển có thể lấy đỗ được đều dâng lên chúa Trịnh. Quyển của Mậu Đĩnh cố nhiên không ở trong số ấy.
Để cứu vớt cho em mình, Nguyễn chính phi nói riêng với chúa: "Việc thi cử mà ngặt nghèo quá, sợ không được rộng. Vậy xin mang những quyển bị bỏ ra đây tôi rút lấy một quyển cho đỗ, để rộng đường kén chọn nhân tài."
Chúa thuận cho.
Chính phi để ý nhìn quyển có dấu mà rút, rồi truyền tin ra bảo Mậu Đĩnh sắp sửa mọi vật, để ăn mừng.
Đến khi yết bảng, kẻ được lấy thêm đó, không ngờ lại là Vũ Huy Đĩnh. Chính phi tức giận, gọi lại phòng vào mắng. Người này thưa:
- Khi lệnh bà dặn, hạ thần hoảng hốt nên không nhớ được rõ. Đến khi soạn quyền, thấy tên Đĩnh thì đánh dấu, không ngờ vì đó mà mắc lầm.
Chính phi đành vuốt ngực thở dài và đổ lỗi cho số mệnh.
Phạm Đình Hổ lại nói thêm là khi Hoàng Ngũ Phúc(35) cầm quyền, cũng có xẩy ra một chuyện giống như chuyện trên, song ông không nhớ rõ họ, tên của người đã đóng vai chính trong chuyện ấy.
Việc thi cử về đời Tĩnh Đô vương đành rằng không lấy gì làm chu đáo. Nhưng việc học, nhờ ông hết sức chấn chỉnh, đã được hơn hẳn các triều đại sau này. Và những người như Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Phạn Huy Ích. . . đều là thuộc về lớp nhân tài do sự cố gắng của Tĩnh Đô vương hun đúc nên cả.
Với cuộc Nam tiến của Hoàng Ngũ Phúc, Tĩnh Đô vương đã tặng cho chúng ta một khoảnh đất mới: Trấn Thuận Hóa, hay là khu đất ở vào giữa sông Lĩnh Giang (Sông Gianh) và Hải Vân quan(36). Còn từ Hải Vân quan trở vào thì đối với Bắc Hà không có liên lạc gì, tuy thủ lĩnh của miền ấy là Nguyễn Nhạc đã chịu xưng thần với họ Trịnh và hàng năm phải sai người ra Thăng Long nộp cống.
Nước Nam của Trịnh Sâm, tuy vẫn còn nhỏ hơn nước Nam của Lê Thánh Tôn, vì nhờ có những vũ công của ông vua văn học này, chúng ta đã đẩy được người Chiêm Thành ra khỏi Thạch Bi sơn(37), nghĩa là xuống miền Nam đất Tuy Hòa, song chúng ta cũng phải công nhận là Trịnh Sâm đã mở rộng cái di sản của ông cha. Vì món thừa tự mà ông tiếp được của Trịnh Doanh chỉ vọn vẹn trong phạm vi của đất Bắc Hà mà tục gọi là "Đàng Ngoài" (38). Trong tiếng này người ta muốn trỏ trọn một khu vực từ sông Linh Giang đến trấn Nam Quan, nghĩa là tất cả xứ Bắc Kỳ với hai trấn Thanh Hoa và Nghệ An(39) trừ một phần tỉnh Tuyên Quang là phạm vi của con cháu Vũ Công Mật.
Về công cuộc kiến trúc của thành phố Thăng Long, khi lên cầm quyền, Tĩnh Đô vương cũng có sửa sang lại rất nhiều. Vì, sau khi rời khỏi Long Thành vài chục năm, lúc trở về, Hải Thượng Lãn Ông viết:
Xem phong cảnh cũ, tuy núi hồ không đổi mà đình đài, Phật điện quán xá, quan cư nhất nhất đã khác hẳn phong dạng ngày xưa. Trong thành thì kẻ đi người lại như nêm, ngựa xe rộn rã, không biết bao nhiêu mà kể. (40)
Cách tổ chức ở chung quanh thành Thăng Long thế nào?
Dưới đây là lời tác giả tập Thượng kinh ký sự mà chúng tôi vừa nói trên:
Từ cửa Vũ quan vào có một cái thành đất cũng không cao lắm, ngoài thành là dẫy nữ tường, trên tường có thể chạy ngựa được. Ngoài tường chôn rào tre kín mít. Dưới bờ rào có hào sâu. Trong hào thả chông, xem ra thập phần kiên cố. Lại đặt ba lần vọng canh, lần nào cũng có lính đứng sắp hàng hai bên, gươm giáo sáng quắc như tuyết. Lính canh thấy bọn chúng tôi đi có đeo đồ binh khí thì giữ lại tra hỏi ngặt lắm. Khi biết đích (là có chỉ của nhà vua triệu) và thấy có dấu hiệu lính Nghệ An hộ tống, mới cho đi.
Trên đây, Hải thượng Lãn ông chỉ tả có một cửa thành Thăng Long mà ông bắt buộc phải đi qua. Muốn có một bức tranh đầy đủ về thành ấy, tưởng chúng ta không thể thấy ở đâu khác, ngoài tập ký ức của các giáo sĩ đã lưu ngụ ở nước ta về thời Lê mạt:
Duy có một thành phố xứng đáng với cái tên ấy là Kacho hay Kécho(41).
Người ta có thể ví nó với những đô thành nổi tiếng nhất ở Á châu và cái phạm vi của nó ít ra cũng rộng như thành phố Paris. Song cứ như tôi biết thì chưa đâu đông đúc bằng thành này, nhất là mồng một và rầm là ngày các chợ họp.
. . .
. . . mạnh mẽ hơn, công phu hơn và có trạm trổ, sơn, vẽ. Trong nhà chia làm nhiều ngăn hay buồng. Thềm lát gạch rất sạch sẽ và mái thì lợp bằng nhiều thứ ngói, cố nhiên là mầu sắc không giống nhau.
Nhà dân thì có một cái mái do nhiều cột đỡ lấy, thường lợp bằng rạ, cói và những tầu lá rất to, bền được đến hàng ba bốn chục năm, nếu không xảy ra tai nạn. Những nhà đó không có trần, không gác và ngăn ra bằng bức bàn làm nhiều buồng công dụng khác nhau. Nhà nào cũng chỉ có một tầng; nếu làm nhà nhiều tầng tức là phạm vào tội khinh mạn nhà nước. Coi đó đủ biết rằng những nhà ở đây không chắc chắn và hễ có bão táp là đổ liền.
Những nhà ấy có rất nhiều cửa và cửa sổ để không khí ra vào và giữ cho trong nhà mát mẻ luôn, vì khí hậu ở đây nóng nực lắm. Những cửa của họ không có kính, mà ở đây người ta cũng gọi là mới biết có kính mà thôi. Để thay cho kính, người ta dùng một thứ vải thật thưa và mành mảnh tre, có thể trông ra, vào được.
Vì nhà làm và lợp như vậy, nên người ta rất sợ cháy và phòng bị nạn ấy rất cẩn thận. Đêm, dân trong thành không được phép đốt lửa, ban ngày cũng tùy theo từng giờ mới được đốt; thình lình cảnh binh vào khám, nếu nhà nào đốt lửa vào những giờ đã cấm thì phải phạt tiền.
. . .
Nền thương mại ở Thăng Long rất lớn và chuyển vận bằng con sông Cái(42) chẩy ven qua thành. Nhờ có con sông này, và số thuyền bè rất đông đúc qua lại chở hàng hóa từ các tỉnh đến mà kinh thành được thịnh vượng.
Mỗi chiếc thuyền phải trả năm hào tiền thuế bỏ neo. Nhân đó, người ta thu được những món tiền cực lớn vì số thuyền bè ở đây nhiều quá, muốn len được vào bờ rất khó. Các sông ngòi và hải cảng của chúng ta – kể cả thành Venise với tất cả những hoa thuyền của nó – cũng không đọ được với sự náo nhiệt của con sông ở Kẻ chợ, tuy trong các thuyền của họ, chỉ chứa đủ những người cần để việc chèo, lái. Ngoài ra, các nhà buôn đều có nhà tại các làng gần quanh là nơi họ ở.
Cung điện của nhà vua ở vào một góc kinh thành, chung quanh có tường bao vây. Những tường ấy thường bị những nhà dân ở phía ngoài che lấp.
Khoảng này, kinh thành có vẻ đẹp đẽ và kiến trúc công phu hơn cả: người ở toàn là những người có địa vị trong nước. Trường hình và các cơ quan của chính phủ cũng ở cả đây, nên ai muốn làm nhà vào khu này, phải mua đất bằng một giá rất đắt.
Cung của nhà vua ở vào một khoảng đất rộng. Nhưng cách kiến trúc cũng không có gì đặc sắc hơn những đình đài chính ở trong thành. Cửa vào coi rất thường. Người ngoại quốc và nhất là các tay triệu phú cũng chỉ được trông thấy cửa Ngọ Môn thôi. Trừ ra, vài người được đặc ân vào trong thì lại không mô tả được gì lạ cả, vì người ta thận trọng đưa họ đến thẳng chỗ vua ngự mà không cho quan sát gì cả.
Vì hỏi han bọn hoàng thân và các quan văn, võ nên người ta biết đại khái là những lâu đài ở trong đều làm bằng những gỗ và gạch quý nhất trong nước; những lâu đài ấy đều có trạm trổ và sơn, thiếp rất dụng công, tuy tại xứ này nền mỹ thuật chưa tiến bộ được bằng nước Tàu, và trong đó, chỗ nào cũng lóng lánh những bạc, những vàng. Ngoài ra lại đầy rẫy những vườn hoa cây cảnh, hồ bán nguyệt, sông ngòi. . . nghĩa là có tất cả mọi vật để mưu sự hứng thú cho những người ở trong. Lại càng nhiều nữa là các cung tần của nhà vua, nghĩa là những người đàn bà không ra khỏi cửa bao giờ và không biết bao nhiêu nội giám chuyên về việc hầu hạ.
Riêng đoạn tả về nội điện vua Lê, nghĩa là nơi mà tác giả không được thực mắt trông thấy thì giáo sĩ Richard đã viết trái với sự thực rất nhiều. Vì, các lâu đài của nhà vua tuy có được Lê Thánh Tôn lập lên rất lộng lẫy và Tương Dực đế xây thêm những tòa lầu trăm gian và lập ra Cửu Trùng đài, nhưng đến cuối đời Lê thì những tòa nhà đồ sộ đều dột nát cả, có tòa chỉ còn trơ có một cái nền.
Để ghi lấy cái cảnh điêu tàn của nhà Lê, trong Tang thương ngẫu lục có mấy câu sau này:
Lễ triều tham bỏ bẵng đã lâu. Nền cũ ở Nùng Sơn thì đổi làm điện Kính Thiên, thờ Hiệu Thiên thượng đế (trời) và Hậu Thổ địa kỳ (đất), lấy vua Lê Thái Tổ phối hưởng. Điện Cần Chánh là chỗ coi chầu ngày Sóc và ngày Vọng(43) thì hai bên hành lang siêu sạt cả, phía trong cỏ mọc lên đến đầu gối. Nhân lễ thành thọ (vua Lê Hiển Tôn) mới sai quan Đề lĩnh mang lính đến cắt cỏ và sửa sang lại.
Nhìn qua cảnh này, chúng ta cũng có thể biết được rằng dưới chính phủ của họ Trịnh, cái uy quyền của nhà Lê đã tiêu một(44) đến bậc nào!
Trái với triều đường vua Lê là hình ảnh trung thành của một cái uy quyền đã bị khinh nhờn và suy bại, phủ liêu chúa Trịnh là hiện thân của tất cả những tính xa xỉ và dâm dật mà ông vua một nước Đông phương – trừ Tàu ra – có thể có được.
Phủ đệ của Thái sư Trịnh Kiểm ở phía Nam kinh thành(45) như thế nào? Hiện thời chúng ta không thể tìm biết được nữa. Vì nó chỉ là một lớp dinh thự mà Lượng Quốc công lập nên trong lúc vội vàng, có lẽ nó cũng sơ sài như cái uy quyền của họ Trịnh ban đầu và người ta chỉ ở đấy có một đời.
Đến đời Bình An vương(46) thì Trịnh phủ di hẳn vào giữa kinh thành và ở luôn đó trong khoảng hai trăm năm. . .
Theo một bức địa đồ về hồi Lê Mạt thì Trịnh vương phủ ở về phía Tây Nam hồ Hoàn Kiếm, giáp với huyện lỵ Thọ Xương.
Cách kiến trúc của nó như thế nào? Nó có thay đổi gì không? Về toàn thể có lẽ không? Vì những vương phủ trong ngọn bút mô tả của các ông Alexandre de Rhodes, Marini, Samuel Baron và Saint Phalles vô tình đã giống nhau, tuy các ông này ở Bắc Hà vào những thời gian khác nhau và đều được thực mắt trông thấy cái vương phủ ấy.
Vương phủ làm trên một khu đất rộng rãi, chung quanh có tường bao bọc. Phía trong và ngoài tường có nhiều lớp nhà thâm thấp cho lính tráng ở.
Các ngôi nhà ở chính giữa đều hai tầng và có rất nhiều cửa để không khí ra vào. Các cửa đó đều làm bằng gỗ lim – cũng như các phần khác trong nhà – coi rộng rãi và nguy nga lắm. Các ngôi tư thất, nghĩa là những nơi để cho bọn phi tần ở thì đều là những tòa lâu đài to tát, trạm trổ và sơn thiếp rất kỹ càng. Ở trong sân và ngay phía cửa ngoài bước vào là chuồng ngựa và chuồng voi. Mặt sau thì đầy rẫy những vườn cảnh, lầu tạ và ao hồ để chơi mát và câu cá, tuy nhà chúa cũng ít khi ra đến những nơi ấy.
Mỗi tòa lâu đài trong vương phủ lẽ tất nhiên là có một tên riêng mà người ngoại quốc hoặc không biết hoặc không muốn kể đến, vì đọc lên rất khó khăn. Thí dụ nơi chúa Trịnh "thị triều", nghĩa là tiếp các quan thì gọi là Phủ đường. Chỗ các quan họp (ngay ở cổng vào) gọi là Nghị sự đường. Nơi nhốt voi ngựa là Thị kỵ điếm. Rồi Tiểu bút điếm, Đông cung, Thập tự cung. . . Những phủ đệ của chúa Trịnh cũng phức tạp và man mác chẳng kém gì cung điện của vua Lê. Mà về phần xa xỉ thì nó lại càng đặc sắc hơn nhiều.
Còn cách bài trí ở trong những phủ đệ ấy như thế nào? Dưới đây là một bức tranh nho nhỏ mà Hải Thượng Lãn Ông - người đã được hân hạnh, chẩn mạch và bốc thuốc cho Tĩnh Đô vương - để lại cho chúng ta trong tập ký ức của ông:
Quan Nội sai Trạch Trung hầu ra truyền lệnh đưa tôi vào; đi qua một cái hành lang độ mười bước lên một cái cao đường. Sau cao đường có một cái phòng rộng là ngự tẩm. Quan nội sai dắt tay áo tôi và vén trướng gấm lên, đi qua mấy lần màn, trướng nữa, tới một chỗ trung gian, thấy Thánh thượng (Tĩnh Đô vương) ngự trên một cái võng điều mắc ngang qua một cái sập thiếp vàng nuột. Trên sập, trải nệm gấm. Mé hữu sập ngự có một cái ngự sàng, quây mùng cẩm sa, chạy chỉ kim tuyến. . . Cách ngự tọa có một cái trướng gấm bắc ngang. Trong trướng nghe có tiếng người nói se sẽ, ý giả là bọn cung tần thấy có khách đến thì lánh vào đấy. . .
Để sửa sang cho vương phủ, những cây quý vật lạ, chậu hoa, núi đá, ở chốn dân gian đều sức thu lấy cả, không thiếu một thức gì. Có lần lấy một cây đa từ bên Bắc mang về. Cây chở qua sông, cành lá rườm rà, giống như một cổ thụ ở đầu non, hốc đá, rễ bám hàng vài trượng. Để khiêng cây đa này, phải dùng đến một cơ binh(47) và bốn người cầm gươm và thanh la đi kèm để giúp cho lính khiêng được điều độ.
Trong phủ thì điểm xuyết nơi là hồ, nơi là núi non bộ, trông như bến bể đầu non. Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn. Kẻ thức giả cho là cái triệu bất tường(48).
Bọn hoạn quan, nhân cái lệnh thu của tư gia về trang hoàng cho vương phủ, nghĩ ra nhiều cách rất tàn ác để nhũng nhiễu dân. Thí dụ: họ dò xem nhà nào có chậu cây đẹp hay chim hót hay, liền xông vào mà biên hai chữ "Phụng thủ" (49) vào lồng chim hoặc chậu cây. Đêm đến(50) họ trèo tường trốn ra, xui bọn đồng bối(51) đem lính đến lấy phăng đi. Hôm sau họ trở lại, đòi lấy những vậy đã biên hôm trước và lẽ tất nhiên là những vật ấy không còn nữa, họ liền dậm dọa là chủ nhân đã cố ý "ẩn nặc" (52) mà vòi tiền. Những nhà có cây cảnh hoặc quả núi lạ quá, họ bắt phải dỡ nhà hay phá tường cho họ khiêng ra.
Nhiều nhà giàu bị bọn quan hoạn vu cho là đã giấu vật "cung phụng", sợ tội, phải van lạy họ mà nộp tiền. Nhân đó, dân kinh thành phải chặt bỏ cây cảnh và đập phá núi non bộ của nhà mình đi, để tránh tai họa.
Những lúc nhàn rỗi, Tĩnh Đô vương lại hay đi du ngoạn các thắng cảnh như Tử Trầm, Dục Thúy, Tây Hồ. . . và có khi ngủ đêm ở đó không về nên tại các nơi này đều có lập ra hành cung, nghĩa là những lầu đài mà sự tráng lệ cũng tương đương với phủ liêu ở Kẻ Chợ.
Một tháng ba bốn lần, vương ngự chơi cung Thụy Liên trên bờ Tây Hồ. Những lần đó thì binh lính phải dàn cả chung quanh bờ hồ. Bọn nội thần (quan hoạn) thì bịt khăn mặc áo giả đàn bà, bày các hàng hóa và hoa quả ở bờ hồ mà bán. Thuyền ngự đi đến đâu, các quan đại thần có thể tùy ý ghé vào bờ mà mua bán các vật cần dùng như ở trong chợ vậy.
Cũng có lần, vương cho bọn nhạc công ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc hay ở bóng cây, bến đá nào đó mà họa đàn.
Còn xa xỉ hơn nữa là hàng năm, cứ gần đến tiết Trung thu thì vương truyền lấy gấm vóc ở trong kho ra, trao cho bọn cung nhân chế các thức đèn tinh xảo không biết ngần nào. Vì mỗi ngọn đèn đó trị giá hàng chục lạng vàng.
Đến ngày rầm tháng tám, vương ngự giá sang chơi Bắc cung. Cung này có một cái ao gọi là Long Trì, rộng hàng nửa dặm.
Trên bờ ao thì xếp đất và đá lên làm núi, chỗ lồi chỗ lõm, hình thế khác nhau. Bên hữu là chỗ ngồi hát và thổi sáo có hàng trăm gốc phù dung bóng rủ trên mặt nước. Trong bóng trăng mờ không biết bao nhiêu ngọn đèn tranh sáng như muôn nghìn ngôi sao.
Các quan nội giám từ tam phẩm trở lên, chít khăn, mặc yếm, giả làm đàn bà, ngồi thành từng dẫy ở dọc đường, bán các hàng tạp hóa của Tàu, của ta, rồi hoa quả, rượu nem, không thiếu một thức gì. Những hàng hóa ấy chất lên như núi.
Người trong cung qua lại, tha hồ mua bán, nói cười rầm rĩ, vang động cả trong ngoài.
Đến nửa đêm, chúa ngự xe ra thuyền. Các thị thần và phi thiếp khua động mặt nước mà bơi đi, bơi lại, lênh đênh trên ngọn sóng. Rồi tiếng đàn, tiếng sáo bỗng nổi lên, hòa với tiếng hát, dư âm vang động, du dương như chơi cung Quảng Hàn, nghe khúc Quân Thiên vậy.
Chúa coi lấy làm vui lắm, gà gáy mới về. (53)
Với một vị chúa xa xỉ và ham khoái lạc như Tĩnh Đô vương thì số phi tần, lẽ tất nhiên là rất nhiều – giáo sĩ Saint Phalles ước lượng là bốn trăm – tựu trung có một người được vương yêu dấu hơn cả, cất nhắc lên chức "Chánh cung" và phong là Tuyên phi. Người đó là Đặng Thị Huệ, con gái một nhà thường dân, người làng Phù Đổng.
Các cung phi đều do quan địa phương tiến lên hoặc tự nhà chúa chọn lấy. Họ phải có sắc đẹp và nhất là có những tài nghệ để giúp cho chúa tiêu khiển, như múa hát. . . Vì đó, số đông các cung phi là con nhà xướng hát. Vũ Thái phi(54) chẳng hạn, người đã sinh ra An vương Trịnh Cương cũng chỉ là một cô gái xuất thân ở giáo phường. Nhưng từ cái tính lẳng lơ của một con hát, hoàn cảnh của vương phủ sau này đã đổi bà thành một vị quốc mẫu, có nghị lực và trọng danh giáo, chẳng kém gì nhiều bà mệnh phụ đã được hun đúc bằng một nền giáo dục rất hoàn toàn.
Ngoài Đặng Tuyên phi ra, Tĩnh Đô vương còn có hai vợ nữa là Dương Thị Ngọc Hoan, mẹ đẻ Trịnh Khải và Hoàng Thị Ngọc Khoan, sinh được hai người con gái, trong số có quận chúa Ngọc Lan được vương yêu dấu như hòn ngọc quý.
Ngoài ra, các phi tần khác thì chỉ được làm những công việc tối tăm như hầu hạ, múa hát. . . Những bạn gái xấu số này không mấy khi được Tĩnh Đô vương thương yêu đến và phải chờ đến khi chúa qua đời, mới được ra ngoài lấy chồng. Khi ấy đã luống tuổi rồi, cố nhiên là phải chịu làm tỳ thiếp người ta hay mang cái tuổi xuân còn sót của mình mà tặng cho những người hèn hạ.
Theo một cái lệ rất cổ, vua Lê coi chầu vào ngày Sóc (mồng một) và ngày Vọng (rầm), nghĩa là trong hai ngày ấy, nhà vua ra ngự tại điện Kính Thiên để các quan vào lạy mừng và dâng các sớ tấu lên để nhà vua tài quyết. Nhưng, đến đời Tĩnh Đô vương thì cái vinh dự sau cùng ấy của nhà vua cũng không còn nữa.
Sau khi thái tử Duy Vỹ bị giết, mối hiềm khích giữa nhà vua và nhà chúa lại càng gắt gao hơn trước. Để tránh sự ngờ vực của nhà chúa, nhiều vị đại thần cố lẩn tránh để khỏi dự những buổi đại triều(55). Tục đó không bao lâu lan rộng ra tất cả mọi người, như Lê Quý Đôn chẳng hạn, từ khi ông được tham dự chính phủ thì cứ đến ngày "Sóc", ngày "Vọng" là ông cáo ốm, thành ra buổi chầu của nhà vua chỉ rời rạc có vài vị hoàng thân và mấy vị quan nhỏ có chức vụ trong nội điện, và sau rốt, bị người ta bãi hẳn.
Vương phủ, trái lại, là một phiên chợ danh lợi mà sự sầm uất không lúc nào ngớt.
Theo lệ, cứ sáng rõ (khoảng sáu giờ) thì Tĩnh Đô vương "thị triều", nghĩa là ra ngồi tại phủ đường, một tòa nhà mà các cửa về phía trước đều mở thật rộng.
Từ phủ đường ra đến tận cổng, lính túc vệ mang khí giới đứng dàn hai bên, coi rất oai nghiêm. Phía trong là các nội giám đứng túc trực để đệ tờ khải của các quan lên dâng chúa hoặc truyền những mệnh lệnh từ chúa xuống các quan. Vì bọn triều thần phải từ ngoài sân rộng, theo thứ tự trên dưới mà lạy vào. Lạy xong, có "chỉ" của nhà chúa cho ngồi, các quan đại thần mới kéo nhau vào ngồi tại "tọa đường" và bàn bạc về mọi việc có quan hệ đến dân nước.
Phê bình về lễ "chầu hầu" của chúa Trịnh, nhà quan sát Samuel Baron đã phát biểu ra một ý kiến rất ngộ nghĩnh trong mấy câu sau này:
Không còn gì nực cười bằng cái quang cảnh của một bọn quan lớn thực hành mọi việc với cái lễ độ và một vẻ trịnh trọng khiến cho người xem phải ngạc nhiên và có lẽ nó sẽ có tính cách tôn nghiêm lắm lắm, nếu người ta không phải theo đuổi và bãi bỏ được một cái tục rất hèn hạ là đi chân đất. (56)
Đến đây, chúng tôi cần phải nói thêm rằng khi vào chầu trong vương phủ, các quan không được đi giày, phải mặc áo thụng xanh và đội một thứ mũ làm bằng sa đen, phía trước có hoa vàng hay bạc, tùy theo quan to hay nhỏ.
Trong buổi chầu, nếu một vị quan nào muốn xin chúa gia ân cho bạn bè hay thân thuộc mình thì phải tiến đến gần ngự tọa bỏ mũ ra mà lạy, rồi mới kêu xin.
Chừng đến tám giờ sáng thì chúa trở vào tư thất. Các triều thần cũng lần lượt ra về. Còn lưu lại, chỉ có viên Tư lễ thái giám và những quan đứng đầu các phiên(57) mà phần đông là quan hoạn.
Có điều đáng để ý là bọn quan hoạn mà các vua chúa đặt ra để sai bảo và dùng làm tôi tớ trong nội điện, thường được chúa Trịnh cất nhắc lên những địa vị rất cao, có khi nắm hẳn cả quyền chính trong tay. Chẳng hạn, về đời Trịnh Giang, chức Chưởng phủ sự thống lĩnh tất cả quân đội trong nước về tay Hoàng Công Phụ là một tên quan hoạn rất đê hèn. Chính Tĩnh Đô vương cũng phong cho một quan hoạn khác đến chức Đại tư đồ (Tể tướng) và cho được chưởng quản tất cả các đạo quân vào chinh phục Thuận Hóa. Nhiều quan hoạn khác được làm đến Thượng thư và phong tước Quận công là việc rất thường.
Uy Nam vương (Trịnh Giang) lại có một cái ý tưởng rất kỳ quái là đặt ra giám ban và cũng cho được tôn trọng như hai ban văn và võ vậy.
Tại sao các chúa Trịnh đã có một mối thiện cảm đặc biệt với quan hoạn là một hạng người không có đặc tính gì khác là tự hủy hoại phần trọng yếu nhất trong thân thể mình đi để làm tôi cho mọi người?
Phải chăng vì viên quan hoạn Bùi Sĩ Lâm(58), đầu tiên đã vì Bình An vương mà dẹp cái loạn Trịnh Xuân?
Điều đó không ai dám chắc. Những chỗ mà mọi người cùng phải công nhận là ngoài một số rất ít có đức độ và tài năng ra, số đông quan hoạn là những kẻ hèn hạ chỉ chuyên một việc xu nịnh và dựa vào uy quyền của nhà chúa mà ăn hối lộ và ức hiếp quan liêu và dân chúng.
Viết về họ, Samuel Baron không thể nén được sự tức giận, nói:
Quan hoạn, một bọn chết dẫm, ăn bám, đồi bại và làm cho các vua chúa hư hỏng, đứng vào đến số bốn năm trăm ở phủ liêu. Chúng có cái thói kiêu căng, hãnh diện và vô lý quá, làm cho cả nước phải hờn ghét, tuy ai nấy đều phải sợ sệt cái thế lực của chúng!
Thật vậy, bọn hoạn quan, vì được nhà chúa tin cậy một cách quá đáng, nên vừa dự một địa vị quan trọng trong chính phủ, vừa có quan hệ mật thiết với đời tư của nhà chúa.
Lúc đầu, bọn quan hoạn giữ một nhiệm vụ hèn hạ trong vương phủ. Nhưng, nếu khôn khéo ra, chỉ trong vòng bảy tám năm là họ được bổ ra làm quan và cứ lần lần leo lên đến tột bậc chiếc thang sĩ hoạn, trong lúc nhiều quan lại khác có văn học, phải ở những chỗ tối tăm.
Song, nếu nhà chúa cất nhắc cho bọn quan hoạn, không hẳn đã là vì yêu mến họ mà nhiều khi còn ham mối lợi mà họ lưu lại sau này. Vì khi một hoạn quan chết thì những của cải mà quan hoạn ấy đã thu được bằng bao nhiêu thủ đoạn đê hèn, đều sung làm của công. Chúa chỉ chia cho những người thân của họ, một phần rất ít hoặc không ban phát cho một đồng nào cả. Bọn quan hoạn, tuy đã bị tàn tật, nhưng thường cũng có hầu thiếp rất đông và làm quan hoạn là một cách tiến thân rất chắc chắn, nên nhiều người có danh vọng, đã đứng tuổi và có con cái đông đúc, cũng tự thiến mình đi để được gần gụi quân vương và nhờ đó, leo lên đến những địa vị quan trọng nhất nhì trong nước.
Xưa nay, chưa nghe nói có ai vì bị hoạn mà chết bao giờ. Nhưng số đông quan hoạn là những người đã mất cơ quan sinh dục từ khi còn nhỏ. Những đứa trẻ bất hạnh bị chó hoặc lợn cắn mất dương vật, thường lại được bố mẹ lấy làm mừng, vì tin chắc rằng con mình sẽ có một cái tương lai rực rỡ.
Cũng có kẻ khi mới lọt lòng mẹ ra, đã có tính cách để trở nên quan hoạn rồi. Vì những đứa trẻ này, cơ quan sinh dục dở là đàn ông, dở là đàn bà, tục gọi "ái nam ái nữ" .